Thời Sự, Bình Luân

dailien
Posts: 2451
Joined: Sun Jun 03, 2007 3:37 am
Contact:

Post by dailien »

Tình báo Mỹ : Putin đã tìm cách giúp Trump đắc cử

Thanh Phương


Image
Tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump.REUTERS/Brendan McDermid

Theo tình báo Mỹ, chính điện Kremlin đã tìm cách làm suy yếu ứng cử viên Dân chủ Hillary Clinton và đã giúp cho ứng cử viên Cộng hòa Donald Trump đắc cử tổng thống Hoa Kỳ.


Trong một báo cáo, đã được lược bớt những phần thuộc về bí mật tình báo, được công bố hôm qua, 06/01/2017, ba cơ quan gồm Cục Điều tra Liên bang FBI, Cơ quan Tình báo Trung ương CIA và Cơ quan An ninh Quốc gia NSA khẳng định là tổng thống Putin và chính phủ Nga đã có thái độ thiên về ông Donald Trump, nên đã cố giúp gia tăng các cơ may đắc cử cho nhà tỷ phú New York và cố làm mất uy tín của bà Clinton.

Từ Washington, thông tín viên Jean - Louis Pourtet gởi về bài tường trình :

« Đối với các cơ quan tình báo Mỹ, không còn nghi ngờ gì nữa, đích thân tổng thống Putin đã ra lệnh tiến hành một chiến dịch gây ảnh hưởng nhằm khiến cho bà Hillary Clinton thất cử hơn là giúp cho ông Donald Trump giành chiến thắng. Lý do là vì lãnh đạo điện Kremlin không tha thứ việc cựu Ngoại truởng Mỹ đã tổ chức các cuộc biểu tình chống ông vào cuối năm 2011, đầu 2012.

Theo bản báo cáo, nước Nga hiện vẫn tiếp tục các hoạt động tin tặc ở Hoa Kỳ và Matxcơva sẽ mở rộng các hoạt động này sang những nước mà sắp tới đây sẽ tổ chức bầu cử, trên cơ sở những bài học rút ra từ chiến dịch tấn công tin tặc vào Mỹ.

Về phần ông, Donald Trump đã nhận được bản báo cáo đầy đủ của bốn lãnh đạo chủ chốt của ngành tình báo Mỹ, trong đó CIA và FBI. Theo phó tổng thống tân cử Mike Pence, cuộc họp kéo dài hai tiếng đồng hồ (giữa Trump với các lãnh đạo tình báo Mỹ) đã mang tính « xây dựng ».

Thế nhưng, trong một thông cáo, ông Donald Trump vẫn không đồng ý với những lời tố cáo nước Nga, do các chuyên gia tình báo đưa ra. Ông không chấp nhận bị người ta cho là đã đắc cử nhờ sự trợ giúp của Matxcơva. Thật ra thì báo cáo của các cơ quan tình báo nói rõ là Nga đã không tác động đến hệ thống bầu cử của Mỹ.

Tuy vậy, sau cuộc họp nói trên, Donald Trump đã yêu cầu êkíp của ông là, trong vòng ba tháng sau khi ông nhậm chức tổng thống, phải đệ trình cho ông một kế hoạch nhằm chặn đứng các vụ tấn công tin tặc. Tổng thống tân cử Hoa Kỳ cũng bày tỏ sự tôn trọng của ông đối với giới nhân viên tình báo Mỹ. »
vuphong
Posts: 2749
Joined: Sun Jun 03, 2007 12:31 am
Contact:

Post by vuphong »

Image


Obama chào từ biệt: Khi những giấc mơ còn dang dở


11/01/2017

Sáng nay, Tổng thống Mỹ Barack Obama có lời chào từ biệt ở Chicago. Ông để lại những di sản còn dang dở và có thể sớm bị chính quyền mới của Donald Trump phá bỏ.

Tháng 1/2009, khi Tổng thống Obama nhậm chức, kinh tế Mỹ mất 800.000 việc làm/tháng và tỷ lệ thất nghiệp lao nhanh tới mốc 10% giữa vòng xoáy của cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ.

Khi ông Obama phát biểu từ biệt vào lúc 9h sáng nay (giờ VN) tại Chicago, nền kinh tế ông để lại có tỷ lệ thất nghiệp 4,7%, nước Mỹ về cơ bản đã hồi phục. Các chỉ số chứng khoán như Dow Jones và Nasdaq đang liên tục đạt kỷ lục mới.
Obama chao tu biet: Khi nhung giac mo con dang do hinh anh 1
Ông Obama và bà Michelle nhìn về Chicago. Ảnh: White House.

Tổng cộng, chính quyền Obama đã tạo được khoảng 11,3 triệu việc làm, tỷ lệ đáng kể nếu tính đến cuộc khủng hoảng nghiêm trọng mà ông kế thừa từ Bush (ông không xuất sắc nhất, Tổng thống Reagan tạo được 15,9 triệu việc làm, Bill Clinton 22,9 triệu).

Từng ở đáy vực

“Chúng ta khi đó ở đáy vực”, Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng của hãng Moody’s Analytics, nói với Boston Globe. “Giờ thị trường lao động đã hồi phục gần như hoàn toàn ... Đó là 8 năm tuyệt vời”, Mark Zandi đánh giá.

Nhưng những thành quả kinh tế không phải được trải đều hết. Tình trạng lao động chân tay gặp nhiều khó khăn ở vùng “Vành đai công nghiệp” - các bang tranh chấp giúp Trump chiến thắng trong bầu cử 2016 - cho thấy những người bị bỏ rơi bên lề còn rất nhiều. Họ đã lên tiếng và tạo ra bất ngờ có lẽ là lớn nhất trong vài thập kỷ qua trên chính trường Mỹ.

Ngoài kinh tế, ông Obama để lại một nước Mỹ với những thay đổi đáng kể: chính sách Obamacare của ông lần đầu tiên mang bảo hiểm y tế cho thêm khoảng 22 triệu người, những thay đổi tiến bộ về quyền lợi dành cho người đồng giới, một nước Mỹ biết từ bỏ quan điểm đơn phương trong các vấn đề thế giới...

Năm 2016 bắt đầu như một cột mốc lịch sử với Obama. Sau gần 100 năm, ông trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên đặt chân tới Cuba, đất nước mà 11 đời tổng thống ở Washington theo đuổi chính sách thù hận và cấm vận sau những sự kiện như Vịnh Con Lợn hay Khủng hoảng tên lửa.

Obama, người đoạt giải Nobel Hoà bình 2009, lật ngược tất cả. Ông chìa cành olive tới quốc đảo của xì gà, du lịch, y tế và giáo dục đỉnh cao.

Sau 18 tháng đàm phán bí mật, một chuyến đi tới Vatican để nhờ Giáo hoàng làm trung gian, hình ảnh Air Force One chở ông bay qua khu ngoại ô Havana tháng 3/2016 có thể coi là dấu mốc lịch sử đối với cả Mỹ cũng như thế giới Caribe - Mỹ Latin trong suốt nhiều thập kỷ qua. Đó cũng là tàn dư cuối của đối đầu Đông Tây từng chi phối thế giới gần nửa thế kỷ sau Thế chiến II.

Ở Trung Đông, cuộc chiến Syria còn dai dẳng, nhưng Obama đạt được thoả thuận hạt nhân với Iran - tháo được ngòi nổ cuộc chiến hạt nhân vốn luôn chực chờ bùng nổ. Ở châu Á, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được đại diện các nước ký hồi đầu tháng 2 và chỉ chờ ông Obama vận động quốc hội phê chuẩn.

Di sản nào còn lại?

Di sản của Obama về cơ bản đã thành hình: thoả thuận lịch sử với Cuba - Iran và một hệ thống trật tự mà Mỹ có thể kiểm soát ở châu Á. Ở nước Mỹ, chỉ số thất nghiệp xuống mức thấp nhất, luật Obamacare mang bảo hiểm tới hơn 22 triệu người trước đó không có. Washington đạt được thoả thuận biến đổi khí hậu ở Paris.

Chỉ riêng thoả thuận với Cuba và Iran, ông Obama đã có thể trở thành tổng thống có ảnh hưởng nhất về đối ngoại của Mỹ kể từ sau Thế chiến II. Nếu TPP được thông qua, ông có thể là người có dấu ấn nhất đối với toàn cầu hoá kể từ sau NAFTA và thoả thuận thành lập WTO từ 1994.

Nhưng tất cả đã đảo lộn sau cuộc bầu cử 8/11 vừa rồi. Chiến thắng của tỷ phú Donald Trump đang chỉ dấu con thuyền của nước Mỹ sắp rẽ theo hướng khác. Rất nhiều di sản tưởng chừng chắc chắn của Obama có thể sẽ sớm bị đảo lộn và gỡ bỏ hết.

Trump muốn rút Mỹ khỏi TPP ngay ngày đầu nhậm chức trong khi những nhân vật trong đội hình an ninh mới phần lớn đều muốn xoá bỏ thoả thuận hạt nhân với Iran và lật lại chính sách với Cuba.

Những người trong chính quyền Obama hiện không rõ những chính sách nào của mình sẽ được duy trì. Một loạt cơ quan hành pháp đang chạy đua với thời gian để thông qua những quy định mới trước khi chính quyền Trump nhậm chức. Họ cũng hiểu rằng ông Trump có thể xoá bỏ ngay những chính sách mới đó.

Những thách thức mới

Thách thức với Washington đã xuất hiện ở một loạt mặt trận. Ở châu Âu, Nga được xác định là đã thực hiện các vụ tấn công tin tặc trong cuộc bầu cử vừa rồi để hạ phe Dân chủ. Tất cả xuất phát từ mối lo sợ nhiều năm nay của Điện Kremlin đối với sự “diều hâu” của bà Hillary Clinton.

Dùng công nghệ tin học tấn công đối thủ từng là vũ khí tối tân của quân đội Mỹ, giờ bản thân an ninh nước này đang bị thách thức trong lĩnh vực Washington từng ưu thế tuyệt đối.

Ở châu Á, sự kiện tàu hải quân Trung Quốc thu giữ tàu lặn không người lái (UUV) của Hải quân Mỹ ở vị trí cách vịnh Subic của Philippines chỉ 50 hải lý là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng thách thức sức mạnh Mỹ ở châu Á (khu vực thu giữ thậm chí nằm ngoài đường 9 đoạn phi pháp).

Trung Quốc đang cảm thấy tự tin hơn trong việc nắn gân Washington, kể cả trước một Tổng thống tân cử Donald Trump “khó lường” và đang lấp lửng chuyện thay đổi chính sách “Một Trung Quốc”.

Đồng minh tìm "phương án dự phòng"

Một số đồng minh của Mỹ đã bắt đầu đi tìm giải pháp “dự phòng”. Bất chấp sự phản đối của Washington, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tháng 12 đã có 2 cuộc gặp liên tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin và ký một loạt 60 thoả thuận thương mại với Điện Kremlin.

Việc Tokyo chủ động “làm lành” quan hệ với Moscow, bất chấp những tranh chấp lãnh thổ, đang làm phá sản dần kế hoạch cấm vận và đẩy ông Putin vào thế khó của Washington. Bản thân Tokyo cũng rất thất vọng sau khi đánh cược chính trị rất nhiều vào TPP và giờ thì hiệp định này đang “chết yểu”.


Thái Lan, một đồng minh cũ của Mỹ ở khu vực, thì hiện đang đề xuất Trung Quốc sản xuất vũ khí ở nước mình. Ở Philippines, Tổng thống Duterte muốn “tạm biệt nước Mỹ” và chấm dứt một loạt hoạt động hợp tác.

Ông Obama bắt đầu hành trình 8 năm trước từ “Những giấc mơ của cha tôi” (Dreams from my father) và “Hy vọng táo bạo” (Audacity of Hope). Khi đó, hình ảnh hàng dài cử tri đứng đợi trong ánh bình minh mới ló là ảnh bìa của New York Times khi nói về cuộc bầu cử lịch sử đưa Barack Obama trở thành tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ.

Ngày 9/11, sau bầu cử với nước Mỹ là hình ảnh trái ngược: nước Mỹ của chia rẽ, sợ hãi và giận dữ. Hàng chục nghìn người biểu tình ở New York ngay sau khi Trump thắng cử. Đó là một trong những cuộc biểu tình lớn nhất kể từ sau các cuộc biểu tình chống chiến tranh Iraq. Những giấc mơ của Obama đang bị đe dọa hơn bao giờ hết.

Với nước Mỹ, có lẽ chỉ đến khi Donald Trump nhậm chức và vận hành đất nước, họ sẽ hiểu rõ hơn nữa vai trò và giá trị của ông Obama.


Thanh Tuấn
khieulong
Posts: 3552
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

Image

Tân Tổng thống Donald Trump sẽ được dân Mỹ chào đón như thế nào?

Nguyễn Tường Tâm
(Danlambao) - Ngày Thứ Sáu, 20 tháng 1-2017 sắp tới, tân Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ tuyên thệ nhậm chức tại trụ sở Quốc Hội. Người Á châu nói chung, và người gốc Việt nói riêng ít có ý muốn tham dự sinh hoạt như vậy; ngay cả với những người Việt sinh đẻ tại Mỹ và cư trú quanh vùng phụ cận thủ đô Hoa Kỳ. Vì cái tò mò cần thiết của một người làm truyền thông, vào năm 2001, khi còn làm việc tại đài VOA ở thủ đô Washingon D.C., ngay cạnh công viên lớn (National Mall) là chỗ thường xuyên có biểu tình, tôi đã tham dự lễ tuyên thệ nhiệm kỳ thứ nhất của Tổng thống George W. Bush (Bush con). Hôm nay tôi tường thuật lại đôi điều lý thú cho độc giả.

Sau lễ tuyên thệ, theo truyền thống Tân TT sẽ di chuyển trên đại lộ Pennsylvania mênh mông, thẳng tắp từ Quốc Hội tới Tòa Bạch Ốc, nơi ông sẽ cư ngụ cùng gia đình và điều hành đất nước. Khác với lễ tuyên thệ nhậm chức của TT Obama cách nay 8 năm (2009), lễ tuyên thệ nhậm chức của Tân TT Donald Trump năm nay không những không thấy không khí chờ đợi náo nhiệt trên truyền thông, báo chí; mà thậm chí nội các của ông cũng chưa được thành lập xong. Đồng thời phong trào phản đối ông Trump vẫn mạnh mẽ. Theo Reuters những người chống đối sẽ được cấp chỗ đứng nơi công cộng gần chỗ diễn hành để biểu tình phản đối lễ tuyên thệ. Hiện nay con số các tổ chức chống đối xin cấp phép đã lên tới gần 30. Trong khi Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay mới đang dự trù sẽ (chưa biết bao giờ) thảo luận luật Biểu Tình (!) Theo trang mạng âm nhạc, đã có khoảng gần 20 ca sĩ nổi tiếng từ chối lời mời tham dự trình diễn trong lễ tuyên thệ của ông Trump; trong đó tiêu biểu như Elton John, và Céline Dion.

Theo tờ New York Daily News, ra ngày 15 /1, đã có ít nhất 26 dân biểu liên bang thuộc đảng Dân Chủ sẽ tẩy chay không tham dự lễ tuyên thệ của ông Trump. Tuy nhiên chưa có Thượng Nghị Sĩ liên bang nào tham gia cuộc tẩy chay này. Theo dõi hàng ngày và liên tục mỗi ngày đài truyền hình CNN tôi thấy vẫn có những chương trình tranh cãi về ông Donald Trump. Đối với mấy vị tổng thống trước điều này chưa từng có.

Tuy nhiên, tạp chí Times ngày 13-1 dự trù sẽ có khoảng hàng chục triệu người theo dõi lễ tuyên thệ qua truyền hình. Cơ quan tổ chức lễ tuyên thệ dự trù sẽ có khoảng 800,000 (tám trăm ngàn) người đích thân tới thủ đô Washington tham dự lễ tuyên thệ. Năm 2009 Ủy ban này đã ước lượng trong lễ tuyên thệ nhiệm kỳ đầu của TT Obama có tới 1 triệu 800 ngàn người tham dự. Năm 2001, đích thân tôi tham dự lễ tuyên thệ nhiệm kỳ đầu của TT Bush (Bush con) chỉ có khoảng 300 ngàn người tham dự. Nhưng với con số đó, tôi thấy đã ngút ngàn, không có chỗ chen chân rồi.

Ủy ban tổ chức lễ tuyên thệ cho biết riêng cư dân thủ đô Washington D.C. đã phải chi 47 triêu tiền thuế cho lễ tuyên thệ năm nay. Trong khi các tư nhân ủng hộ viên của ông Trump tự nguyện đóng góp từ 65 triệu tới 75 triệu để bù vào những chi phí còn thiếu. Mặc dù quần chúng tham dự dọc đường thì tự do nhưng mỗi vé hạng VIP để tham dự các nghi lễ (events) giá là 25 ngàn đô la.

Lực lượng an ninh gồm có 13,000 Vệ binh Quốc gia, chưa kể các nhân viên an ninh chìm, cảnh sát ở thủ đô, và cảnh sát của Quốc Hội.
Mỗi vé tầu điện giá 25 đô. Tầu sẽ chạy tới 2 giờ sáng trong ngày tuyên thệ. Năm 2009, trong lễ tuyên thệ đầu tiên của TT Obama đã có hơn 10 ngàn xe bus chuyên chở hơn 500 ngàn người vào thủ đô tham dự lễ tuyên thệ.

Đặc biệt theo thông cáo của ban tổ chức, sẽ có 6 vị lãnh đạo các tôn giáo tham dự lễ tuyên thệ. Nhưng không thấy có lãnh đạo Phật giáo.

Sự kiện có hàng trăm ngàn tới gần một triệu người từ khắp mọi miền xa xôi của Hoa Kỳ đổ về thủ đô tham dự ngày lễ tuyên thệ nhậm chức của tân Tổng thống nếu xảy ra ở một quốc gia thiếu dân chủ, nhất là các quốc gia Cộng Sản, thì không ai ngạc nhiên, bởi vì người dân luôn luôn bị bắt buộc tập trung đi tung hô lãnh tụ. Nhưng tại một nước rất dân chủ như Hoa Kỳ, thì sự kiện như vậy sẽ khó hiểu và gây ngạc nhiên đối với những ai chưa từng chứng kiến. Ngay cả những người Hoa Kỳ, đặc biệt là những người gốc Việt, nếu chưa từng tham dự lễ tuyên thệ đó sẽ không hiểu những người tham dự lễ tuyên thệ thuộc thành phần và tuổi tác nào, họ tới để làm gì, họ tới từ những tiểu bang nào, họ tới bằng phương cách nào, họ tới đó trong bao lâu và họ làm gì trong ngày hôm đó tại thủ đô. Chứng kiến tại chỗ buổi lễ tuyên thệ tổng thống Hoa Kỳ, chắc chắn cũng sẽ học hỏi được đôi điều quan trọng về dân chủ.
Image
Quang cảnh lễ tuyên thệ của TT Obama năm 2009.
Ảnh chụp từ tiền đình Quốc Hội, nhìn xuống đại quảng trường National Mall
(ảnh của Boston.com)
Làm sao ban tổ chức có thể đưa ra dự đoán con số những người sẽ tham dự lễ tuyên thệ lớn lao như vậy? Đó là dựa theo kinh nghiệm của những lễ tuyên thệ trong lịch sử và dựa vào con số những người đã liên lạc với ban tổ chức qua các đại diện dân cử của họ để đặt vé tham dự. Số vé tham dự có hai loại, một loại được ngồi ngay tại địa điểm tuyên thệ là khuôn viên trụ sở quốc hội, một loại được ngồi trên những hàng ghế như hàng ghế sân khấu được dựng rải rác dọc theo đại lộ Pennsylvania. Những vé này những năm trước được bán, nhưng năm 2009 ban tổ chức đã quyết định phát miễn phí 240, 000 vé cho dân chúng qua các vị dân cử theo nguyên tắc ai xin trước thì được trước (First come, first served). Chỉ riêng việc bán hay phát không những vé này theo nguyên tắc ai ghi tên trước, được trước cũng là một bài học quan trọng trong việc thực thi dân chủ, công bằng và trong sáng.

Dân chúng sẽ tập trung tại Công Trường chính của thủ đô, có tên chính thức là National Mall. Công Trường này đã nhiều lần đón tiếp các cuộc tập trung cỡ trên dưới một triệu người như cuộc tập trung có tên “Over One Million March for Women's Lives” diễn ra vào ngày 25/4/2004 có tới 1 triệu 150 ngàn người tham dự. Cuộc diễn hành ngày 15 tháng 10, 2005 kỷ niêm 10 năm cuộc diễn hành lịch sử có tên “the Million Man March”. Nhưng cuộc tập trung luôn luôn được nhớ tới là cuộc tuần hành “the Million Man March”. Cuộc tuần hành này do mục sư Louis Farrakhan chủ xướng là cuộc biểu tình lớn nhất so với các cuộc biểu tình trước đó tại thủ đô Washington D.C. Cuộc biểu dương của một triệu người đàn ông da đen đó không nhằm tranh đấu một điều gì với chính quyền mà chỉ nhằm bảo nhau, những người đàn ông da đen, hãy nhận lấy trách nhiệm về cuộc đời mình (take charge of their own fate.)

Thủ đô vốn thường ngày đã rất hiếm chỗ đậu xe. Ví dụ thời đó, đài VOA, nơi tôi làm việc, chỉ cung cấp một chỗ đậu xe cho từng nhóm nhân viên ít nhất bốn người. Nhưng không đủ chỗ cho tất cả các nhóm, cho nên ưu tiên cho nhóm nhân viên nào có tổng số năm công tác của các thành viên tại đài cộng lại nhiều hơn hết. Những người không có được chỗ đậu xe trong cơ quan thì cũng phải kết hợp với nhau đi chung xe để vừa đỡ hao mòn xe, đỡ tiền săng và đỡ tiền gửi xe. Nhóm 4 người của tôi lúc đó có anh Trần Nam, cựu xướng ngôn viên đài Truyền Hình Sài Gòn trước 1975, và nhà báo nổi tiếng Bùi Bảo Trúc, mới qua đời. Những ngày có tập trung đông đảo trong thủ đô thì việc kiếm chỗ đậu xe càng khó hơn nữa. Thêm nữa, ngày nào có cuộc tập trung, biểu tình, thì các con đường dẫn tới thủ đô lại thường rất kẹt xe. Vừa khó lái xe tới nơi, vừa khó tìm chỗ đậu xe, cho dù chỗ đậu nào cũng phải trả tiền. Vì vậy cách nay 16 năm, cũng ngày 20 tháng 1, muốn tới quan sát dân chúng tham dự ngày tuyên thệ nhiệm kỳ thứ nhất của tổng thống Bush, tôi đã chọn cách đi tầu điện. Muốn vậy phải lái xe tới trạm tầu điện và gửi xe tại đó. Tới trạm tầu điện gần khu chợ Việt Nam, khu Eden, tức cũng gần với Thủ đô, không tìm được chỗ đậu xe, vì vậy tôi phải lái xe lui trở lại nhà ga ở xa hơn. Tại đây, rất đông người đang đứng chờ tầu. Các chuyến tầu kéo những dãy toa dài hơn thường lệ. Cơ quan tầu điện thủ đô đã quen với các ngày lễ hội tập trung rồi nên họ luôn luôn có kế hoạch tăng cường vận chuyển thích nghi để tạo thoải mái cho người dân. Rất đông nhưng không có cảnh chen lấn và không có cảnh chật như mắm nêm trên tầu. Không phải chỉ có người lớn, là những người quan tâm tới chính trị, mà còn có cả thanh thiếu niên, trẻ em, và thậm chí cả trẻ con còn nằm trên xe đẩy. Có người đi cả gia đình. Già trẻ lớn bé người ta tới dự ngày đón chào tân tổng thống như một ngày vui gia đình, một lễ hội, một ngày giỗ, tết trong họ, trong tộc, trong làng. Tôi tự hỏi không biết tới nơi họ sẽ làm gì, chẳng lẽ người dân Mỹ thương yêu lãnh tụ của họ tới như vậy sao? Tới nơi rồi mới thấy quả đúng như vậy. Có lẽ đây cũng là một bài học về dân chủ. Dân chúng chỉ thực sự thương yêu lãnh tụ khi họ được tự do bầu chọn người lãnh đạo họ. Ngày nào người dân chưa có được quyền đó thì ngày đó người dân còn chửi thầm những ông chủ tịch đảng, chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội, và nhiều chức danh chủ tịch khác nữa. Trạm tôi tới ở ngay gần trước cửa Quốc Hội. Khi vừa từ mặt đất chui lên, một cảnh tượng khiến tôi sửng sốt. Tôi đã từng chứng kiến những tập trung vài chục ngàn người tại quảng trường này, nhưng tôi chưa từng thấy một số đông như ngày hôm đó. Giữa rừng người là một rừng xe bán đồ ăn thức uống. Thông báo cho biết có ba trăm ngàn người tập trung hôm đó.

Trên khắp thế giới, chỗ nào có du khách, có tập trung đông người, thì có hàng quán bán đồ ăn thức uống và đồ lưu niệm. Như tại mọi nơi trên đất nước Hoa Kỳ, tất cả mọi thứ đều phải có giấy phép. Nhưng khác với ở Việt Nam, tại Hoa Kỳ những giấy phép kinh doanh được cấp cho người xin dựa theo nguyên tắc công khai, công bằng với tất cả mọi người. Nếu số đơn xin kinh doanh quá số nhu cầu cần thiết thì sẽ được tổ chức rút thăm. Rất là công bằng và trong sáng. Không có ai khiếu nại. Vào năm 2009, thông tin mà tôi ghi nhận được cho biết năm đó có một ngàn người bán hàng bên đường đã được cấp địa điểm.

Cứ một món hàng họ bán với giá ít nhất gấp 4 giá vốn. Ví dụ một chai nước trong (bottle water) họ mua sỉ giá 25 xu, được bán với giá 2 đô la. Thực tế một chai họ mua có 10 xu khi hàng đại hạ giá. Ngày thường, không phải cao điểm du khách, họ bán lai rai cũng dư sống, mặc dù tôi không ghi nhận được lợi tức một ngày bình thường của họ là bao nhiêu. Nhưng vào ngày lễ hội, có tập trung đông người, hay ngày cuối tuần đông du khách, thì một ngày lợi tức của họ gần bằng cả một tháng lương của một người tốt nghiệp đại học, một kỹ sư. Thời gian làm ở đài VOA, tôi hay đứng mua hàng và nói chuyện với một chủ xe hàng gần đài, tôi đùa anh ta rằng, “Trông chúng tôi mặc complet, cà vạt, tay sách samsonite có vẻ sang trọng vậy chứ, cả tháng lương của những người như tôi mới chỉ bằng lợi tức anh kiếm được trong hơn một ngày cao điểm.” Anh ta cười, lặng lẽ xác nhận.

Tôi xin lập lại, dưới đây là đoạn tường thuật lễ tuyên thệ của Tổng thống Bush (Bush con) nhiệm kỳ đầu vào năm 2001 mà tôi có tham dự. Trời bắt đầu mưa. Không mưa rào nhưng cũng khá nhiều để phải khoác áo mưa mà những giọt nước vẫn đổ ào ạt ướt mặt. Không khí vẫn náo nhiệt. Thông báo cho biết có một màn ảnh rộng dựng trước trụ sở Quốc Hội trực tiếp truyền hình lễ tuyên thệ cho dân chúng bên ngoài coi. Nhưng tôi không thể nào chen tới đó. Và tôi cũng chưa thấy được cái màn hình đó to như thế nào. Tôi bèn lang thang quanh quẩn quan sát đám đông. Mọi người đều có vẻ vui tươi phấn khích. Đột nhiên tôi thấy có hai hàng người đứng đối diện nhau, cách nhau khoảng năm mét (5m). Mỗi phe đều cầm biểu ngữ và hô những khẩu hiệu bày tỏ quan điểm của phe mình. Thật là lý thú. Một phe hoan hô Tổng thống Bush. Một phe chửi Tổng thống Bush là “thằng ăn cắp.” Lý do là trong nhiệm kỳ đó tổng thống Bush đắc cử sau khi tranh kiện với ứng cử viên đối thủ Al Gore về số phiếu được kiểm. Cái điều dân chúng chửi tổng thống thì không có gì lạ tại Hoa Kỳ. Những người chửi tổng thống ở Mỹ không bị bắt, đưa ra tòa kết tội nhục mạ lãnh tụ như ở Việt Nam Xã hội chủ nghĩa. Nhưng sự kiện hai phe có hai quan điểm chính trị cực kỳ đối chọi nhau như nước với lửa, đứng gần nhau mà không đánh nhau, hay ít ra là chửi nhau, thì quả thực đối với người Việt là chuyện lạ. Và đối với tôi cũng là chuyện cực kỳ lạ; lần đầu tiên tôi chứng kiến như vậy. Lại càng lạ hơn nữa là không những họ không có thái độ thù hận nhau mà lại còn vừa hô khẩu hiệu trái ngược nhau, vừa nhìn nhau cười thân hữu. Đây là một bài học sống động về tinh thần dân chủ. Tiếc rằng tôi không mang theo máy hình. Thời đó chưa có kỹ thuật cao, iPhone, chưa Facebook, và internet chưa phổ biến sử dụng cá nhân như bây giờ. Tôi bèn đi giữa hai hàng người đối nghịch đó để cảm nhận cái thích thú của tinh thần dân chủ cao độ: bất đồng nhưng không bất hòa.

Xuyên qua đám đông, tôi hướng về đại lộ rộng lớn Pensylvania. Phải qua một trạm xét túi xách. Có nhiều trạm xét như vậy nên việc đi qua trạm xét rất mau. Tháng đó chưa có vụ khủng bố 9-11 nên hầu như mọi thứ mang theo đều được mang vào khu vực có kiểm soát an ninh. Trái lại, vào năm 2009, danh sách những vật dụng không được mang vào khu vực kiểm soát an ninh hơi nhiều.

Trong đám người cực kỳ đông đảo đó, hỏi thăm tôi được biết nhiều nhóm người tới từ các tiểu bang xa. Nhiều gia đình tới từ mấy hôm trước. Nhiều nhóm người nhân dịp này đi thăm thủ đô, nơi mà từ lúc sinh ra họ chưa có dịp tới thăm. Tôi quen rất nhiều người Mỹ gốc, có trình độ, công ăn việc làm khá vẫn chưa có dịp thăm thủ đô Washington. Bởi vì khoảng cách từ bở biển miền tây (tiểu bang California) bay sang thủ đô Washington mất đúng 5 tiếng nếu bay trực tiếp, cách nhau 3 múi giờ. Nhưng thường máy bay dừng tại một chỗ nào đó để khách đổi máy bay cho nên phải mất khoảng 7 tới 9 tiếng. Và thủ đô Hoa Kỳ có nhiều cái để thăm cho nên phải mất nhiều ngày và tốn nhiều tiền. Nếu đi một gia đình 4 người thì số tiền không phải nhỏ. Rất đông người ra ngồi giữ chỗ trên đại lộ Pennsylvania từ rất sớm để bảo đảm sẽ được trông thấy vị tân tổng thống. Tôi ngạc nhiên về nhiệt tình của họ. Riêng tôi nếu không vì chủ đích quan sát thì không thể có nhiệt tình tham gia như họ. Từ sáng sớm tới lúc đó là gần 11 giờ rồi, trời vẫn mưa, gió vẫn thổi và tôi cảm thấy lạnh. Tôi muốn bỏ về. Lạnh quá! Tôi không có đủ nhiệt tình để ở lại chịu mưa gió và lạnh cóng để nhìn mặt vị tân tổng thống. Nhưng nhìn sang bên cạnh, một em bé khoảng một tuổi nằm trong xe đẩy, cũng bị mưa, và gia đình em cũng để em ở lại. Nhiều em bé như vậy, và cũng nhiều em lớn hơn đang vui vẻ chịu mưa lạnh chờ giây phút tổng thống đi qua. Tại sao các em bé này ở lại được mà tôi lại chịu thua? Nghĩ như vậy nên tôi quyết định ở lại. Từ sáng tôi không giữ chỗ nên bây giờ khó kiếm được chỗ đứng trông ra đường. Loay hoay một hồi cũng có một người di chuyển và tôi len vào chỗ vừa bỏ trống. Mọi người sát cánh nhau. Tôi không dám bỏ đi tiểu, vì bỏ ra ngoài là mất chỗ luôn. Gần trưa, buổi tuyên thệ chắc đã kết thúc. Cuộc diễn hành bắt đầu với các ban nhạc, các cơ quan quân sự, cảnh sát, cứu hỏa, học trò trung học v.v... như mọi cuộc diễn hành khác tại Hoa Kỳ. Cuối cùng rồi giây phút chờ đợi thật lâu cũng tới. Tổng Thống sắp đi ngang. Nhưng không phải đi bộ theo truyền thống mà đi bằng xe hơi. Mọi người nôn nao hướng về đầu đường chờ đợi. Chiếc xe limousine mầu đen xuất hiện từ đằng xa. Chiếc xe sắp tới gần. Mọi người nô nức. Và... rồi, chiếc xe có kính mầu che phủ nên mọi người chỉ nhìn thấy hình dạng Tổng thống mờ mờ. Chiếc xe lướt qua thật nhanh. Chưa tới 02 giây! Đó là tất cả những gì mọi người có được sau khi phải bỏ rất nhiều công sức, tiền bạc và thời gian chờ đợi từ cả tháng trước đó.

Đột nhiên ở cách chỗ tôi đứng không xa, một người hay một vài người, tôi không rõ, nhào ra chặn xe của tổng thống. Cảnh sát và mật vụ nhào ra ôm anh ta lôi vô lề đường. Chiếc của tổng thống dừng lại một vài giây rồi cũng vút qua. Mọi việc mau chóng trở lại bình thường. Đám đông tan hàng. Không có ai bị đánh đập. Không có ai bị bắt. Đó là quyền lên tiếng của người dân Hoa Kỳ.

Ba trăm ngàn người phải mất hơn hai tiếng đồng hồ mới rời khỏi được Quảng Trường mênh mông. Năm nay thông báo vừa cho biết tầu điện có khả năng chuyên chở 120,000 hành khách trong mỗi giờ vào ngày tuyên thệ. Rất đông, nhưng mọi người xếp hàng trật tự để chờ xuống hầm tầu điện ngầm. Lại thêm một bài học về tinh thần văn minh, kỷ luật tự giác. Lễ tuyên thệ tân tổng thống Hoa Kỳ mang lại một số bài học thật đơn giản nhưng đó là nền tảng của dân chủ. Thiếu tinh thần đó, thì dù có sao chép một bản hiến pháp tiến bộ nhất, có sao chép những bộ luật của những nước văn minh nhất, cũng không thể có được một nền dân chủ. Cái cần thiết hơn hết là tinh thần dân chủ của toàn thể dân tộc, người dân cũng như nhà cầm quyền. Việt Nam cần bao nhiêu năm nữa mới học được cái tinh thần đó thì tôi không biết nhưng trải qua 41 năm nơi xứ Mỹ, cộng đồng người Việt tại đây, kể cả rất nhiều người có học vị cao tại Hoa Kỳ, vẫn cần học tập nhiều về phong cách hành xử dân chủ.

17.01.2017
Nguyễn Tường Tâm
danlambaovn.blogspot.com
tramthaiha
Posts: 453
Joined: Tue Sep 08, 2009 7:54 pm
Contact:

Post by tramthaiha »



Trump ‘đảo lộn mọi thứ’ trước khi vào Tòa Bạch Ốc

January 19, 2017

Image
Ông Donald Trump
WASHINGTON, DC (AP) – Ông Donald Trump bước vào Tòa Bạch Ốc hôm Thứ Sáu cũng với một phong cách giống như khi ông tiến vào cuộc tranh cử tổng thống: ương ngạnh, bất chấp những gì gọi là tiêu chuẩn, không bị ràng buộc bởi các “truyền thống,” và cực kỳ tự tin vào hướng đi của mình.

Trong 10 tuần lễ kể từ chiến thắng bất ngờ trong cuộc bầu cử và trở thành tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, ông Trump vi phạm nghi thức ngoại giao có từ nhiều thập niên, tạo ra chấn động trong thành phần lãnh đạo các công ty ở Mỹ, thách đố các luật lệ lâu đời về liêm chính và tiếp tục cách hành xử hung hãn, “ăn miếng trả miếng,” sẵn sàng đích thân đánh ngược trở lại mỗi khi nghĩ rằng mình bị chê bai – bằng cách dùng Twitter hay qua lời phát biểu trước công chúng.

Các vị tổng thống trước thường hay diễn tả việc lần đầu bước vào Văn Phòng Bầu Dục (Oval Office) là cảm giác khiến họ phải có sự khiêm cung, một điều làm họ ngay lập tức cảm thấy sự quan trọng trong nhiệm vụ mới – là người bảo vệ nền dân chủ Mỹ. Ông Donald Trump trong phần lớn thời gian chuyển tiếp cho người ta thấy rõ là ông nhìn mọi sự khác hẳn: thay vì phải điều chỉnh để phù hợp với tổng thống chế, chính nơi này phải thay đổi để phù hợp với ông.

“Người ta nói rằng việc triệu tập các nhà lãnh đạo đại doanh nghiệp không phù hợp với cương vị của một tổng thống,” ông Trump tuyên bố trước đám đông ở thành phố Indianapolis, tiểu bang Indiana, hồi Tháng Mười Hai, sau khi thương thảo với một công ty chế tạo máy điều hòa không khí để giữ công việc trong tiểu bang, một phương cách mà nhiều kinh tế gia cho rằng không thể cứ tiến hành trong chính sách kinh tế quốc gia.

“Tôi nghĩ rằng điều này chứng tỏ rõ ràng cương vị tổng thống,” ông Trump tuyên bố. “Và nếu điều này không đúng như vậy thì cũng không sao. Bởi vì tôi thích làm như vậy.”

Ngay cả trước khi tuyên thệ nhậm chức, ông Trump có nhiều hành động thay đổi bản chất của tổng thống chế Mỹ, phá vỡ các nguyên tắc đã có và khiến các nhà lãnh đạo khác của thế giới tự do phải bàng hoàng vì cách hành xử không giống theo sự trông đợi của họ.

Các cố vấn của ông Trump cho hay nhà tỷ phú ngành địa ốc và cũng là ngôi sao chương trình truyền hình thực tế (reality TV) này hiểu rất rõ tầm vóc lịch sử của công việc mới ông sắp nhận. Ông nói với những người quen biết rằng ông dựa vào những ước vọng của cả Ronald Reagan, ở đảng Cộng Hòa, và John F. Kennedy, ở đảng Dân Chủ. Ông có ý định sẽ ngủ đêm đầu tiên ở Tòa Bạch Ốc trong căn phòng ngủ Lincoln Bedroom, căn phòng từng là nơi làm việc của Tổng Thống Abraham Lincoln trước đây, theo một số người từng dùng bữa tối với ông ở Florida mới đây.

Tuy nhiên, ông Trump cũng tự coi mình là một tổng thống thuộc hạng “sui generis” có cá thể riêng biệt, chẳng nợ nần ai về sự thành đạt của mình và cũng chẳng dựa theo khuôn mẫu của bất cứ tổng thống nào trước ông.

Ông Trump nói rằng, ông chẳng đọc sách tiểu sử của cựu tổng thống nào. Khi được hỏi ai là người hùng của ông, ông Trump nhắc tới cha của mình, nhưng rồi sau đó trả lời rằng ông “không thích khái niệm người hùng.”

Sử gia Douglas Brinkley, người vừa có bữa tối thời gian gần đây với ông Trump và các thực khách khác ở hội quán do ông Trump làm chủ tại South Florida, nói rằng: “Tôi không nghĩ ông Trump hiểu biết nhiều về lịch sử của Tòa Bạch Ốc. Khi bạn không hiểu lịch sử của mình, bạn sẽ khó mà hoàn toàn tôn trọng truyền thống.”

Ông Brinkley nói thêm: “Đây không phải là người thích khoe là đã đọc bao nhiêu cuốn sách về tiểu sử các nhân vật lịch sử. Đây là người sẽ khoa trương rằng đây là một sự kiện vĩ đại và ông là người điều khiển mọi chuyện.”


Và thái độ này cũng là điều tạo sự hứng khởi trong những người ủng hộ ông Trump, khi họ bỏ phiếu cho ông với mong muốn là sẽ có sự thay đổi về điều mà họ coi là chính quyền liên bang thối nát, không đáp ứng nguyện vọng dân chúng, trong “bãi sình lầy” ở Washington.

“Tôi không muốn ông thay đổi,” theo lời ông Brad Zaun, thượng nghị sĩ tiểu bang Iowa, một trong những người ủng hộ ông Donald Trump ngay từ lúc đầu. “Một trong những lý do tôi ủng hộ ông là vì ông nói thẳng vấn đề, không vòng vo. Ông không nói theo cách của các chính trị gia thường thấy.”

Ông Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử nhờ vào thái độ này, nhưng ông chưa đạt được sự ủng hộ của toàn thể nước Mỹ. Chiến thắng của ông với 304 phiếu của Cử Tri Đoàn (Electoral College) có phần nào bị ảnh hưởng bởi thực tế là bà Hillary Clinton giành được nhiều hơn ông tới gần 3 triệu lá phiếu phổ thông.

Các cuộc biểu tình phản kháng dự trù diễn ra một ngày sau lễ nhậm chức có thể lôi kéo nhiều người tới Washington, DC, hơn là các buổi lễ chính thức của ông.

Kết quả các cuộc thăm dò tuần qua cho thấy ông Trump chuẩn bị vào Tòa Bạch Ốc với sự ủng hộ thấp nhất của dân chúng Mỹ dành cho tân tổng thống từ bốn thập niên qua. Phía người theo đảng Dân Chủ tiếp tục mạnh mẽ chống đối ông, người thuộc thành phần độc lập không bày tỏ sự ủng hộ ông, và ngay cả phía người theo đảng Cộng Hòa cũng không còn hào hứng như trước, theo kết quả các cuộc thăm dò.

Trong phản ứng thường thấy đối với kết quả các cuộc thăm dò có tính cách bất lợi, ông Trump gửi tweet hôm Thứ Ba, gọi đây là “thủ đoạn gian lận.”

Và những bản tweet này chính là điều gây lo ngại cho các chuyên gia về chính quyền, các nhà lập pháp cùng là những thành phần khác, những người cho rằng truyền thống của tổng thống chế ở quốc gia này là bảo vệ nền dân chủ Mỹ.

“Tuy có một số trường hợp ngoại lệ, chúng ta từ trước tới nay vẫn có một nền văn hóa chính trị trong đó các tổng thống phần lớn tôn trọng những luật bất thành văn để giúp nền dân chủ cũng như pháp quyền được phát triển,” theo lời ông Brendan Nyhan, một giáo sư về chính quyền ở đại học Darthmouth College. “Điều đáng lưu ý về ông Trump là ông bất chấp các quy tắc ứng xử trước đây vẫn được cả hai đảng tôn trọng trong đời sống hàng ngày. Ông đặt ra sự nghi ngờ về những điều mà trước đây không ai có sự thắc mắc.”

Kể từ khi đắc cử, ông Trump tấn công đủ mọi người, từ các tài tử ở Hollywood, các nhà tranh đấu dân quyền lão thành, cũng như các đối thủ chính trị của mình. Ông làm thay đổi thị trường chứng khoán bằng cách tấn công một số công ty, trong khi khen ngợi một số công ty khác.

Ông bày tỏ sự nghi ngờ về sự chính thống của một số cơ chế Mỹ – trong khi tỏ ra tin tưởng vào lời nói của Tổng Thống Nga Vladimir Putin hơn là các cơ quan tình báo Mỹ, vốn sẽ làm việc dưới quyền chỉ huy của ông, cũng như có cự cãi cá nhân với các nhà báo trong khi tấn công giới truyền thông và nói cuộc bầu cử là “gian lận,” dù rằng chính kết quả này đưa ông vào Tòa Bạch Ốc.

Ông cũng đả kích giới lãnh đạo của các quốc gia là đồng minh lâu đời của Mỹ khi đặt vấn đề về tổ chức quốc tế được thành lập sau Thế Chiến 2, vốn giúp chiến thắng Chiến Tranh Lạnh và duy trì hòa bình ở Âu Châu từ nhiều thế hệ nay.

Đối với những người ủng hộ ông Trump, lối “đánh xả láng” này chính là lý do tại sao họ bỏ phiếu cho ông. Nhưng đối với những người khác trong nước Mỹ, đây là phong cách lãnh đạo mà họ từng nhìn thấy và sẽ khiến người ta lo sợ.

Họ nêu lên trường hợp tiểu bang Maine, nơi một thống đốc có phong cách giống như ông Trump đang tạo ra nhiều tranh cãi trong chính quyền tiểu bang với các lời phát biểu bị coi là có tính cách xúc phạm, mối quan hệ đối chọi và không tôn trọng Quốc Hội tiểu bang, để cảnh cáo rằng đây là điều nước Mỹ có thể sẽ gặp phải, với chính phủ Trump.

Ông Lance Dutson, một chiến lược gia đảng Cộng Hòa, người từng giúp Thống Đốc Paul LePage đắc cử trước khi đứng về phía chống đối ông, nói rằng: “Điều tôi lo ngại là sẽ xảy ra tình trạng tương tự ở cấp quốc gia như những gì chúng ta nhìn thấy nơi đây – đó là sự ‘kiểm soát và cân bằng’ (checks and balances) mà chúng ta vẫn coi là điều tự nhiên, sẽ bị mất đi.”

Trong lúc đó, có các chỉ dấu cho thấy hành động của ông Trump cũng làm thay đổi truyền thống của chính phủ ở Washington, tạo sự dễ dàng cho các nhà lập pháp cũng như các giới chức khác để không phải tôn trọng những cách hành xử lâu đời trong chính trị liên bang Mỹ.

Hơn 50 dân biểu thuộc đảng Dân Chủ tại Hạ Viện Mỹ dự trù tẩy chay buổi lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Trump, một hành động chưa từng thấy khi phá vỡ truyền thống của cả hai đảng là đón mừng sự chuyển tiếp quyền lực trong ôn hòa của nước Mỹ. Trước đây, tuy có nhiều người phía đảng Dân Chủ không hài lòng với kết quả của cuộc bầu cử năm 2000, trong đó Tổng Thống George W. Bush đánh bại ông Al Gore sau các cuộc tái kiểm phiếu và phán quyết của Tối Cao Pháp Viện, nói chung, họ đều tham dự lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Bush.

Những người biết về ông Trump nói rằng nhà tỷ phú này thích đi ngược lại các trông đợi từ các thành phần lão làng, dù là thương mại hay chánh trị, ngay cả trong khi ông mong muốn có sự đón nhận của giới này ở cả New York và Washington.

Ông Michael D’Antonio, người viết cuốn sách tiểu sử “Never Enough” về ông Trump, nói rằng ông Trump cũng giống như một người ở bên khu Queens nhìn sang khu Manhattans ở New York, rất thèm muốn được ở trong thành phần thượng lưu nơi đây, nhưng cùng lúc cũng có sự thù ghét những kẻ “quý tộc” chiếm lãnh Manhattan.

Ông D’Antonio cho rằng việc ông Trump muốn làm rung chuyển các cơ chế “phản ánh ý tưởng cho rằng đó là vì các cơ chế này không đón nhận ông.”

Cách hành xử của ông Trump có thể thích hợp với vai trò tổng giám đốc một công ty của gia đình, người không bị sự kiểm soát của hội đồng quản trị hay của các cổ đông – hơn là một vị tổng thống vốn bị hệ thống kiểm soát và cân bằng ràng buộc. Các cựu giới chức trong chính quyền nói rằng ông Trump sẽ sớm gặp thách đố trong cách làm việc của mình từ các quy luật của chính phủ cũng như Quốc Hội.

“Tổng thống không có quyền tối thượng. Đây là điều rất khác với một tổng giám đốc, người có thể thuê hay đuổi việc bất cứ ai,” theo lời bà Kathleen Sebelius, cựu bộ trưởng Y Tế và thuộc đảng Dân Chủ. “Ông ấy chưa hề ở trong bất cứ cơ chế nào trong đó có các quy luật ấn định rõ ràng,” bà Sebelius nói thêm.

Tổng Thống Barack Obama, người từng có các lời khuyên cho ông Trump, cả khi trước công chúng cũng lúc gặp riêng, nói rằng: “Tôi có nói một điều với ông Trump, và tôi cũng khuyên các bạn trong đảng Cộng Hòa tại Quốc Hội cũng như người ủng hộ họ trên cả nước, rằng trong thời gian tới, đừng hủy hoại những nguyên tắc ứng xử, những truyền thống nay là một phần của cơ chế, vì sự hiện hữu của chúng đều có lý do.”

Nhưng những người ủng hộ ông Trump nói rằng các cơ chế và Washington, chứ không phải vị tân tổng thống, phải thay đổi.

“Ông Trump tin rằng ông hiểu biết về cách vận hành của thế giới mới ngày hôm nay hơn tất cả những người chỉ trích ông,” theo lời ông Newt Gingrich, cựu chủ tịch Hạ Viện, người thuộc đảng Cộng Hòa và hiện là cố vấn của ông Trump.

“Đó là con người ông Trump. Tất cả chúng ta phải học cách làm sao hiểu về ông qua quan điểm đó,” ông Gingrich cho hay. (V.Giang)
vuphong
Posts: 2749
Joined: Sun Jun 03, 2007 12:31 am
Contact:

Post by vuphong »


Washington, DC: Hàng trăm ngàn người phản đối Trump

January 21, 2017

Image
Hàng trăm ngàn người biểu tình chống Tổng Thống Donald Trump. (Hình: Mario Tama/Getty Images)
WASHINGTON, DC (NV) – Đông đảo phụ nữ, nhiều người đội mũ len đan mầu hồng tươi, ồ ạt kéo vào trung tâm thủ đô Washington, DC ngày Thứ Bảy, bằng đủ mọi phương tiện di chuyển, để tuần hành phản đối Tổng Thống Donald Trump, chỉ một ngày sau khi ông tuyên thệ nhậm chức.

Cuộc tuần hành ở Washington là một trong hàng loạt các cuộc tuần hành tại các thành phố lớn khác trên khắp thế giới, gồm cả Sydney, London, Tokyo và New York, để chỉ trích các phát biểu bị coi là kỳ thị, xúc phạm của vị tân tổng thống Mỹ, theo bản tin của hãng thông tấn Reuters.

Làn sóng người kéo về khiến hệ thống xe điện tại thủ đô quá tải, với hành khách gửi tweet cho hay trên các toa xe đầy chật người.

Một số trạm phải từ chối, không cho hành khách vào vì bãi đậu xe hết chỗ hoặc sàn đứng đợi tàu chật cứng.

Ông Trump làm nhiều người Mỹ có khuynh hướng cấp tiến giận dữ với các phát biểu bị coi là khinh miệt phụ nữ, người gốc Mexico và người theo Hồi Giáo.

Ông cũng làm một số quốc gia khác lo ngại với lời khẳng định hôm Thứ Sáu là sẽ đặt “Nước Mỹ Trên Hết” trong các quyết định của mình.
Washington, DC: Hàng trăm ngàn người phản đối Trump
Image
Số liệu của hệ thống xe điện Washington, DC cho thấy, vào lúc 11 giờ sáng của mỗi ngày,
số người sử dụng phương tiện này trong ngày biểu tình chống ông Trump nhiều hơn ngày ông nhậm chức tổng thống. (Hình: AP)

Hôm Thứ Sáu, thủ đô Mỹ xảy ra các cuộc biểu tình bạo động chống Tổng Thống Donald Trump, với thành phần quá khích mặc đồ đen, che mặt, đốt phá xe cộ, đập cửa kính các tiệm và giao tranh với cảnh sát.

Một trong những tổ chức biểu tình hôm Thứ Sáu cũng gửi ra lời kêu gọi thành viên của họ quay trở lại đường phố sau khi cuộc biểu tình của phụ nữ chấm dứt.

Các cuộc biểu tình này cho thấy mức độ giận dữ trong một quốc gia hiện đang chia rẽ trầm trọng và vẫn chưa qua được ảnh hưởng gay gắt của cuộc vận động tranh cử tổng thống 2016.

“Quyền của phụ nữ phải được tôn trọng. Chúng tôi từng phải tranh đấu kịch liệt cho quyền này và Tổng Thống Trump cho thấy rõ ràng là ông sẽ không tôn trọng những quyền này,” theo lời Lexi Milani, 41 tuổi, một chủ tiệm ăn ở Baltimore, về Washington, DC trên chiếc xe buýt cùng 28 người bạn khác.

Cơ quan điều hành hệ thống xe điện Washington, DC cho hay có 275,000 lượt hành khách sử dụng hệ thống này vào lúc 11 giờ sáng, giờ địa phương hôm Thứ Bảy, 82,000 người cao hơn con số 193,000 báo cáo cùng thời gian hôm Thứ Sáu, ngày ông Trump tuyên thệ nhậm chức, và cao gấp tám lần hơn con số các ngày Thứ Bảy khác, theo Reuters. (V.Giang)
dailien
Posts: 2451
Joined: Sun Jun 03, 2007 3:37 am
Contact:

Post by dailien »

Cảm nghĩ về bài diễn văn của T.T. Donald Trump

Bài diễn văn, theo báo chí Mỹ cho biết, nó được Stephen Miller soạn thảo, ông Trump có lẽ chỉ sửa lại vài chỗ cho hợp ý mình, vì thế khi đọc diễn văn, ông đã phải chăm chăm nhìn vào máy nhắc (teleprompter) thay vì nhìn khách tham dự. Về hình thức, diễn văn có lời lẽ hùng hồn, dễ hiểu, không có những ngôn từ bí ẩn, quả thật dễ làm xúc động, gây tin tưởng, hy vọng, thiện cảm nhiều người. Tuy vậy theo tôi, nếu chịu khó suy nghĩ kỹ về những lời trong diễn văn, chắc sẽ có không ít người nhận ra ngay sự mâu thuẫn về con người, cá tính với lời nói của Donald Trump.

Để cho độc giả, những người không biết tiếng Anh có thể tìm hiểu, nhận định, tôi trích những điều quan trọng trong diễn văn, bản tiếng Việt của BBC đăng trên trang Anh Ba Sàm để phân tích nội dung. Những câu về nghi thức, những đoạn không quan trọng sẽ được lược bỏ, những dòng chữ in đậm là trích trong diễn văn. Ngoài ra đây chỉ là nhận định cá nhân, không đại diện cho bất cứ ai hay khuynh hướng nào:
“Thưa Chánh án Roberts, Tổng thống Carter, Tổng thống Clinton, Tổng thống Bush, Tổng thống Obama, nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới, xin cảm ơn. Các công dân Mỹ chúng ta nay cùng nỗ lực để xây dựng lại đất nước, hồi phục lời hứa cho tất cả dân tộc”.

Ngay phần đầu, sau những lời cám ơn, ông Donald Trump kêu gọi người dân Mỹ cùng bắt tay xây dựng lại đất nước, phục hồi lời hứa dân tộc. Chỉ riêng câu cho tất cả các này, ông Trump đã phủ nhận toàn bộ những thành công vượt bậc của nước Mỹ trong nhiệm kỳ các tổng thống tiền nhiệm trong hơn 40 năm qua nếu tính từ khi chấm dứt chiến tranh Việt Nam.
“Cùng nhau, chúng ta sẽ quyết định con đường đi của nước Mỹ và thế giới trong nhiều năm tới. Chúng ta sẽ đối diện thử thách. Sẽ đương đầu khó khăn. Nhưng chúng ta sẽ làm được”.

Người dân Mỹ quyết định con đường đi của nước Mỹ và thế giới bằng cách nào? Với chiến thắng chưa tới nửa số cử tri đi bầu, Donald Trump lên làm tổng thống vì những lời hứa hẹn trong khi tranh cử. Nay đắc cử, thành lập chính phủ, tức những người bỏ phiếu lẫn không bỏ phiếu cho ông đều phải chấp nhận những chính sách, kế hoạch, đường lối do ông và nội các đưa ra, được quốc hội thông qua trong thời gian 4 năm.

Những chính sách, đường lối đó chưa chắc đã được toàn dân Mỹ ủng hộ, nhưng ông và nội các vẫn có thể thực thi trong 4 năm trên con đường vạch sẵn, nếu không bị truất phế (impeachment) vì những lỗi lầm nghiêm trọng trong nhiệm kỳ của mình. Tuy nhiên, cho dù nước Mỹ là cường quốc số 1, có ảnh hưởng mạnh mẽ đến đường lối, chính sách đối nội cũng như đối ngoại của nhiều nước khác, Trump chỉ có thể quyết định con đường đi của nước Mỹ thôi, còn đường đi của thế giới tùy thuộc vào lãnh đạo, chế độ, người dân các quốc gia khác. Khi bàn cờ chính trị quốc tế thay đổi, mỗi đất nước sẽ có thái độ, lập trường khác nhau. Đối diện với thử thách, đương đầu với khó khăn là chuyện đương nhiên, chẳng có tổng thống, chính phủ nào không gặp phải, Ông Trump nói là sẽ làm được nhưng bằng cách nào thì chưa ai biết.

“Nhưng buổi lễ hôm nay có ý nghĩa rất đặc biệt. Vì hôm nay không phải là sự chuyển giao quyền lực từ người này sang người kia, một đảng này sang đảng khác, mà là sự chuyển giao quyền lực từ Washington sang cho nhân dân Mỹ”.

Đây là câu nói mị dân nhất trong toàn bộ bài diễn văn, nội dung y chang như của chế độ CSVN: Người dân làm chủ đất nước, quyền lực thuộc về nhân dân, nhà nước chỉ quản lý… bla bla bla…
“Từ quá lâu, một nhóm nhỏ tại thủ đô đã thu nhận phần thưởng của chính phủ, còn nhân dân gánh chi phí. Washington phát triển nhưng nhân dân không được chia sẻ của cải. Các chính khách giàu to nhưng việc làm ra đi, nhà máy đóng cửa”.
Nghe những câu này từ miệng Trump nói ra, nếu không biết Donald Trump là một tỉ phú địa ốc, người ta sẽ nghĩ ngay rằng Trump là một nhà cách mạng vô sản của thế kỷ 20, đang kêu gọi các giai cấp bần cùng trong xã hội đứng lên lật đổ chế độ tư bản phôi thai, tham lam, gian ác hiện hành đang cai trị nước Mỹ, bóc lột nhân dân đến tận xương tủy. Đồng thời hãy nhìn lại các thành viên trong nội các do Trump bổ nhiệm, đa số là tỉ phú. Báo Washington Post đặt câu hỏi: “Liệu một tổng thống có máy bay riêng và nội các là các triệu phú, tỉ phú, liệu ông ta có thể hiểu và hướng tới những mối quan tâm của những người Mỹ bình thường?”

Nhóm nhỏ nào tại thủ đô Washington đã nhận phần thưởng của chính phủ, trong nhóm nhỏ này có Trump và gia đình, bạn bè và đối tác kinh doanh của ông ta không? Làm sao, bằng cách nào có thể chia sẻ đồng đều của cải trong xã hội cho mọi người?

Đạo luật bảo hiểm y tế Obamacare (Affordable Care Act) tuy chưa hoàn chỉnh, còn cần nhiều thay đổi nhưng đã là một bước tiến dài trong việc xóa bỏ phần nào bất công trong xã hội Mỹ. Donald Trump muốn hủy bỏ đạo luật này tức là muốn tái lập sự bất công, mở đường cho các hãng bào chế dược phẩm, các công ty bảo hiểm sức khỏe, các bệnh viện… tha hồ chặt, chém người dân khi họ bị bệnh. Ai không có tiền thì đành chịu chết hay phải cầm cố bất động sản hoặc mang nợ suốt đời.

Ngoài ra, tôi không biết Trump ám chỉ ai, nói đến chính khách nào giàu to, nhưng có một chính khách nổi tiếng trong sạch, liêm chính trong nhiệm kỳ của ông Obama, là phó tổng thống Joe Biden. Trong 8 năm làm phó cho tổng thống Barack Obama, ông Joe Biden, dù là chính khách lâu năm, luôn đi tới tòa Bạch Ốc làm việc bằng xe điện. Mỗi ngày ông di chuyển trên đoạn đường cả đi lẫn về 259 dặm, không phải đi mỗi ngày, trung bình 217 ngày/ năm. Cả cuộc đời làm chính khách của ông, ông đã đi tổng cộng là 8.200 chuyến khứ hồi (roundtrip), đi lại trên đoạn đường dài hơn 2 triệu dặm. Ngày 20.01.2016, sau khi tham dự lễ nhậm chức của ông Trump, ông Joe Biden cũng về nhà bằng xe điện Amtrak.

Để giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh, tăng lượng hàng hóa bán ra, việc đưa hãng, xưởng sản xuất ra nước ngoài (Offshore, Outsourcing) là một tiến trình phát triển theo quy luật kinh tế thị trường, không thể cưỡng lại trong khuynh hướng toàn cầu hóa (Globalization).
Những người như Bill Gates, Mark Zuckerberg, Steven Jobs… không phải là chính trị gia, họ là kỹ nghệ gia, những người sản xuất, buôn bán hàng hóa, thành phẩm…, tạm gọi chung là thương gia. Công việc của chính trị gia hoàn toàn khác hẳn với thương gia. Donald Trump thành công trong thương trường địa ốc bằng thủ đoạn, mánh khóe, thời cơ…, đem những điều này áp dụng vào lãnh đạo đất nước, điều hành quốc gia, chắc chắn sẽ thất bại.
Tổng giám đốc (General Director) hay chủ tịch một một tập đoàn (C.E.O – Chief Executive Officer) khác một tổng thống, thống đốc tiểu bang. TGĐ hay chủ tịch tập đoàn chỉ có một mục đích duy nhất là mang về lợi nhuận cho công ty, tập đoàn, thỏa mãn sự chờ đợi của các nhà đầu tư, cổ đông (Investor, Shares Holder). Một chính trị gia thì khác hẳn, cùng lúc có nhiều mục đích song song với nhau, có những mục đích ưu tiên hơn các mục đích khác, mục đích nào sẽ được ưu tiên thực hiện tùy theo nhu cầu của những cử tri. Hơn thế nữa, chính trị gia không hoàn toàn được trọn quyền như TGĐ hay CEO trong khi quyết định chính sách. Donald Trump hoàn toàn lẫn lộn mục đích, nhiệm vụ của CEO một tập đoàn và tổng thống của một đất nước.

Nếu thật sự Trump muốn nhân dân không gánh chịu chi phí, ngân sách quốc gia thì chỉ có một cách duy nhất là giảm thuế lợi tức cho người dân, đồng thời tăng thuế doanh nghiệp, sản xuất, đánh thuế thu nhập thật nặng những người có tài sản từ khoảng chục triệu trở lên như Trump và gia đình…, nhưng điều này lại làm tăng giá thành sản phẩm và chuyện đưa hãng, xưởng, di chuyển tài sản ra nước ngoài là chuyện không thể tránh.
“Điều thực sự quan trọng không phải là đảng nào kiểm soát chính phủ, nhưng liệu chính phủ có do nhân dân kiểm soát không”.

Sao mà giống lời Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Sinh Hùng quá vậy trời? Phải lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân. Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra… dân quyết sai thì dân chịu chứ kỷ luật ai?
“Ngày 20/1/2017 sẽ được nhớ như ngày nhân dân trở thành người cai trị đất nước này một lần nữa”.
Dân cai trị bằng cách nào đây hả ông Donald Trump? Họp báo, phóng viên đưa câu hỏi, ông không trả lời, còn chửi mắng, nhục mạ phóng viên thì dân nào dám lên tiếng?
“Những người dân bị lãng quên sẽ không còn bị như thế. Mọi người đang lắng nghe các bạn. Hàng chục triệu người đã trở thành phong trào lịch sử mà thế giới chưa từng thấy”.
Phong trào lịch sử nào, không thấy ông Trump nói tới tên, hay là “No name movement”?
“Ở trung tâm phong trào này là niềm tin quan trọng: rằng một quốc gia tồn tại là để phục vụ công dân”.
Câu này dường như ngược với câu của tổng thống John F. Kennedy: Đừng hỏi đất nước đã làm gì cho bạn, mà hãy hỏi bạn đã làm gì cho đất nước.
“Người dân Mỹ muốn trường tốt cho con, khu nhà an toàn cho gia đình, và việc làm tốt cho họ. Đây là những đòi hỏi công bằng, chính đáng của công chúng”.

Donald Trump khuyến khích người dân vùng lên, đòi hỏi quyền lợi công bằng, chính đáng cho mình, nhưng đồng thời muốn dẹp bỏ Obamacare. Hơn 40 triệu người dân không có bảo hiểm y tế, nhờ Barack Obama lên mới được hưởng ân huệ cho người nghèo, bây giờ ông lại tính chuyện xóa sổ. Bốn mươi triệu người này có lẽ không phải là công dân Mỹ hay chỉ là dân nhập cư lậu?

“Nhưng với quá nhiều công dân, là một thực tại khác: Mẹ con trói chặt trong nghèo đói ở thành thị, các nhà máy gỉ sét như bia mộ trên đất nước, hệ thống giáo dục thừa tiền nhưng không đem lại kiến thức cho sinh viên trẻ đẹp của chúng ta, tội ác, băng đảng, ma túy cướp đi quá nhiều mạng sống, cướp đi bao tiềm năng đất nước. Sự tàn sát nước Mỹ này dừng lại tại đây, ngay bây giờ”.

Viết đến đây thì có một người bạn từ Seattle gọi điện thoại cho biết ở trung tâm thành phố Seattle, tiểu bang Washington (không phải Washington D.C) đang có một cuộc biểu tình phản đối Donald Trump lên đến cả hàng trăm ngàn người hơn, xe của anh bị kẹt cứng hơn 2 tiếng đồng hồ không nhúc nhích gì được.
Không biết ai đang tàn sát nước Mỹ nhưng có một điều chắc chắn là chỉ sau một ngày nhậm chức, ông Trump đang bị biểu tình phản đối dữ dội, khắp nơi trên nước Mỹ.

Trở lại bài diễn văn. Muốn giải quyết được những vấn đề nêu ra thì phải tạo công việc cho người dân, rút hết các hãng xưởng đã đưa ra ngoại quốc về lại Mỹ, nhưng như đã nói ở trên, đây là một bài toán rất khó giải quyết, gần như vô phương. Mỹ hiện nay vẫn là nước có nền giáo dục tốt đẹp, đồng thời cũng là quốc gia đạt được nhiều giải Nobel nhất. Còn chuyện băng đảng, tội ác là do truyền thống của nước Mỹ cho phép trang bị vũ khí tự do. Mà nước nào không có băng đảng, tội ác? Chỉ là nhiều hay ít thôi.
“Chúng ta là một quốc gia – nỗi đau của họ cũng là của chúng ta. Giấc mơ của họ là của chúng ta, thành công của họ cũng là của chúng ta. Chúng ta chia sẻ một con tim, một mái nhà, một định mệnh vinh quang. Lời thề nhậm chức của tôi hôm nay là lời thề trung thành với mọi người Mỹ. Suốt nhiều thập niên, chúng ta đã làm giàu cho công nghiệp nước ngoài, làm hại cho Mỹ. Các đội quân được bao cấp của các nước, làm quân đội ta suy yếu”.

Rút hết quân đội Mỹ ở ngoại quốc về để đóng quân trong nước sẽ giảm được chi phí quốc phòng khá nhiều, nhưng ngược lại, vấn đề bảo vệ an ninh cho nước Mỹ khi có chiến tranh xảy ra, sẽ trở nên vô cùng nguy hiểm, cho dù Mỹ có hàng trăm vệ tinh có thể theo dõi mọi biến động, di chuyển quân sự của các nước trên toàn thế giới.

“Từ hôm nay, viễn kiến mới cai trị đất ta. Từ lúc này, chỉ có Hoa Kỳ trên hết. Mọi quyết định về thương mại, thuế, di dân, ngoại giao, sẽ có để làm lợi cho người lao động và gia đình Mỹ. Chúng ta phải bảo vệ biên giới khỏi sự tàn phá của các nước đang làm sản phẩm của ta, ăn cắp công ty của ta, hủy hoại việc làm của ta. Bảo vệ sẽ dẫn tới thịnh vượng và sức mạnh. Tôi sẽ chiến đấu cho các bạn bằng mọi hơi thở, sẽ không bao giờ làm bạn thất vọng. Hoa Kỳ sẽ bắt đầu chiến thắng, như chưa từng. Chúng ta sẽ đem về việc làm. Đem về biên giới. Đem về của cải. Và đem về những giấc mơ. Chúng ta sẽ xây những con đường mới, xa lộ, cầu, sân bay, đường hầm, đường tàu hỏa trên đất nước tuyệt vời của ta”.

Muốn thực hiện được các điều trên, thì việc đầu tiên là phải cách chức tất cả các CEO, tổng giám đốc các đại công ty, tổ hợp nằm trong Dow Jones, Nasdaq, S&P 500… thay bằng các CEO, TGĐ do Trump bổ nhiệm, lãnh lương hàng năm khoảng chừng $50.000-70.000 Mỹ kim, thay vì 5-7 triệu USD cùng các quyền lợi khác, cùng lúc tăng lương tối thiểu lên 30$/giờ cho người lao động không có hợp đồng chính thức tại Mc Donald, Wendy, Burger King, Starbucks… Nhưng làm cách nào, lấy lý do gì để cách chức các CEO, TGĐ nói trên, thì phải chờ Trump… mãn nhiệm kỳ, còn chuyện tăng lương thì phải đề nghị nâng gía của Hamburger, gà chiên, cà phê lên chừng 10 lần thì chủ nhân mới có lời mà tiếp tục kinh doanh.
“Chúng ta sẽ theo hai nguyên tắc cơ bản – mua hàng Mỹ và thuê người Mỹ”.
Chúng ta sẽ mua hàng Mỹ sản xuất ở China trong Trump’s Tower? Dưới thời Trump, tương lai những người sống ở Mỹ, nếu không có quốc tịch Mỹ là thất nghiệp, vì thường trú nhân (permanent resident) chỉ có thẻ xanh, chưa được kể là công dân Mỹ, coi như vô phương, không cách gì được nhận làm việc.
“Chúng ta sẽ củng cố các liên minh cũ, thành lập liên minh mới, đoàn kết thế giới văn minh chống lại nạn khủng bố Hồi giáo cực đoan, mà chúng ta sẽ xóa bỏ hoàn toàn khỏi trái đất này”.

Củng cố liên minh cũ, thành lập liên minh mới bằng cách nào khi làm bạn với một lãnh đạo độc tài như Putin? Dùng chiến thuật, chiến lược nào để xóa bỏ hoàn toàn nạn khủng bố của Hồi giáo cực đoan ISIS khi một số các ông hoàng Saudi Arabia vẫn tiếp tục tài trợ, đóng góp tiền bạc cho họ?
“Chúng ta sẽ không còn chấp nhận các chính khách chỉ nói mà không làm, lúc nào cũng than vãn mà chả làm gì. Đã hết thời gian để nói trơn. Nay là giờ khắc hành động”.

Đoạn này thì phải hoan hô Donald Trump vì mị dân quá giỏi. Người Mỹ vẫn chưa quên nhiều chuyện Trump nói mà không làm. Trump đã từng đặt nghi vấn về nơi sinh của Obama, nói Obama là tổng thống thiếu minh bạch nhất trong lịch sử Mỹ, nhưng chính Trump đã không minh bạch trong chuyện kiếm tiền của mình, không dám tiết lộ hồ sơ thuế cá nhân để dân Mỹ biết Trump kiếm tiền bằng cách nào. Về chuyện khai sinh của Obama, Trump cũng đã từng hứa sẽ bỏ ra $5 triệu Mỹ kim vào bất kỳ quỹ từ thiện nào do Obama chỉ định, nếu làm sáng tỏ được chuyện Obama sinh ra ở đâu. Tháng 9 năm ngoái, Trump công nhận Obama sinh ra ở Mỹ, nhưng vẫn chưa bỏ đồng nào như đã hứa. Chắc lần này ông Trump sẽ không chỉ nói suông, mà ông sẽ hành động, vì lần này trên cương vị tổng thống, ông sẽ khó có thể qua mặt dân Mỹ được nữa. Còn một số điều ở phần kết nữa nhưng theo tôi không quan trọng, nên xin ngừng ở đây. Tổng kết lại theo nhận định của tôi, Donald Trump là một hảo thủ bóng bàn (pingpong) nhưng giờ đang trở thành đội trưởng (captain) của một đội đá bóng (soccer) với hàng tiền vệ thật ngon lành, dữ dằn như James Mattis (quốc phòng), Steven Mnuchin (tài chánh), Tom Price (y tế), Rex Tillerson (ngoại giao), John Kelly (nội an)…, ông và đội bóng của mình có làm cho khán giả (cử tri) hài lòng, mãn nguyện hay không, và đấu trường (nước Mỹ) sẽ đi về đâu, thì có trời mới biết.

Thạch Đạt Lang
nguyenvsau
Posts: 1134
Joined: Thu Jul 08, 2010 11:25 pm
Contact:

Post by nguyenvsau »

Sau những lời hứa hẹn, nay là công chuyện khó

LE MANH HUNG
Trong hàng trăm năm, lịch sử là câu chuyện của các người hùng, những người như Napoleon, Elizabeth I, Julius Caesar, Gengis Khan, v.v… Tập trung vào một số cá nhân có tầm mức vỹ đại hơn người thường dễ hấp dẫn người ta hơn trong việc tả lại cuộc hành trình của nhân loại hay của một dân tộc qua thời gian. Không riêng gì các sử gia, các nhà văn và kịch tác gia cũng đã thường xuyên kể lại những câu chuyện về các ông hoàng bà chúa, các vị thánh và những ác quỷ trong bối cảnh hưng suy của quốc gia dân tộc. Như Shakespeare viết trong vở kịch Richard III: “Hãy ngồi xuống đây và nghe kể câu chuyện về cái kết thúc đáng buồn của một vị vua!” (Now let’s us sit down and tell the sad tale of the end of king).

Thế nhưng một cái nhìn chính xác hơn về lịch sử thì thấy những người hùng này cũng giống như những người trượt sóng (surfer) lướt trên ngọn sóng của lịch sử vốn đã có sẵn khi họ xuất hiện. Những ngọn sóng mà những lãnh tụ hiện nay – Putin, Tập Cận Bình, Theresa May và nhất là vị tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, Donald Trump – đã dùng để cưỡi lên tới thành công chính là phong trào dân túy (populism) thế kỷ thứ 21.

Dân túy là một phong trào vốn đã có từ ngàn xưa. Trong thời đế quốc La Mã, Julius Caesar là một trong những nhà chính trị đã sử dụng cái sức mạnh của tập thể dân thường (plebs) để đánh đổ quyền lực của Viện Trưởng Lão (Senate) La Mã. Dân túy có thể bảo thủ hay cấp tiến, quốc tế hay dân tộc, và nó đã thể hiện như trong phong trào “hippies” tại Mỹ với những học sinh đại học cài hoa trên tóc cũng như dưới hình thức những nguời Mỹ trung lưu trong bộ đồ nghề và cái nón lưỡi trai (baseball cap). Khi một phần đáng kể quần chúng trong một xã hội cảm thấy bị bất mãn, bị bỏ rơi hay không được tôn trọng bởi những người mà họ coi là tầng lớp “thượng lưu” chỉ lo cho quyền lợi của mình thì phong trào dân túy có môt môi trường phì nhiêu để phát triển. Dưới hình thức ôn hòa nó có thể là những than phiền về thuế má và những ràng buộc luật lệ phiền toái, nhưng nó có thể nổ bùng thành một phong trào phản kháng rộng rãi. Tại một quốc gia chuyên chế hay độc tài nó có thể trở thành một phong trào cách mạng, nhưng trong một nước dân chủ người ta dùng lá phiếu để “đuổi đám ăn hại” đi và “mang chính phủ lại cho người dân.”

Mọi chính phủ quả là sớm muộn đều có một vấn đề. Nó bắt đầu một cách khiêm tốn và nhạy bén với những vấn đề của dân. Nhưng với thời gian, nó lớn dần lên và thu hút vào trong đó một tầng lớp càng ngày càng lớn những thư lại, “lobbyist” và những đại diện cho quyền lợi cục bộ vốn biết làm sao kéo các đòn bẩy quyền lực để đạt mục đích của họ. Cái nhà thờ nhỏ nhắn ban đầu dần dà trở thành một một thánh đường khổng lồ với những trang trí phức tạp. Và công việc cũng như sứ mạng của nó dần dà bị những người mà nó có trách nhiệm cai trị và bảo vệ không hiểu và bất mãn. Những hứa hẹn mang trở lại một quá khứ đơn giản hơn đã tìm được một sự cộng hưởng qua những bất mãn đó.

Thế nhưng không một xã hội nào có thể tồn tại trường cửu khi bị điều hành qua một cơ sở “cách mạng” như vậy. Nhà nước hiện đại cần những người hiểu biết, các nhà khoa học tự nhiên và nhân văn, kinh tế gia, những người làm chính sách và một đạo quân các công chức biết được vì sao cần phải có đạo luật 19-409 chẳng hạn và biết làm sao thực thi nó. Đó là vì nhà nước hiện đại cần phải quản lý một nền kinh tế và một xã hội phức tạp, xây dựng hạ tầng cơ sở (đường xá cầu cống), duy trì một lực lượng quân sự (hải lục không quân) với tất cả những trang bị phức tạp của nó, cũng như là dung hòa quyền lợi của các tầng lớp dân chúng.

Thành ra cứ vài chục năm lại có một phong trào dân túy nổi lên và lật đổ trật tự cũ. Nó có thể dẫn đến những hậu quả tồi tệ nhất tỷ như trường hợp cuộc Cách Mạng Văn Hóa tại Trung Quốc làm 30 triệu người chết và hàng trăm triệu người khác còn mang vết thương trong đầu óc và cơ thể. Nhưng nó cũng có thể dẫn tới một hậu quả tốt đẹp tỷ như cuộc Cách Mạng Nhung của Tiệp Khắc dẫn tới một sự giã từ nhẹ nhàng chế độ Cộng Sản tại Tiệp. Khi một phong trào dân túy nổi lên có nghĩa là trong xã hội còn có những người mà tiếng nói và những bất bình của họ còn cần phải được nghe. Nhưng một nhà lãnh đạo khôn ngoan như ông Vaclav Havel có thể trở thành người nói lên những tiếng nói đó và sau đó lùi lại vài buớc và để cho những chưyên gia thực hiện công việc của họ. Như ông Havel vẫn thích đưa ra câu ngạn ngôn của Tiệp Khắc: “Hãy đi theo người nào đi tìm chân lý, nhưng hãy chạy trốn khỏi nhưng ai nói là đã thấy chân lý.”

Những người mà đang trượt trên ngọn sóng dân túy hiện nay hứa hẹn sẽ nói lên tiếng nói của đa số trầm lặng. “Tôi là tiếng nói của các bạn” ông Donald Trump hứa hẹn như vậy khi ra tranh cử. Nay thì ông đã chiến thắng. Và bây giờ mới tới lúc khó khăn: làm sao thực hiện những hứa hẹn đó.

Thực tế có nhiều triển vọng sẽ làm cản trở những tham vọng của ông Trump. Chính phủ Mỹ không phải là một chiếc xe đua F1 mà người ta có thể điểu khiển quay vòng 180 độ một cách dễ dàng, mà nó giống như một chiếc tầu chở container khổng lồ trên đại dương có một quán tính to lớn và cần phải nhiều hải lý mới dừng lại được chứ chưa nói để trở đầu.

Hầu hết mọi vị tổng thống Mỹ khi nhậm chức đều muốn có một tác động ngay nhưng nó không dễ dàng như người ta tưởng. Giống như Tổng Thống Harry Truman đã bình luận khi nói về những thay đổi mà tổng thống mới đắc cử Dwight Eisenhower muốn làm khi lên thay thế ông: “Ông tướng sẽ thấy khi ngồi vào Phòng Bầu Dục, không phải ông cứ ra lệnh mà mọi chuyện xảy ra.”
tranphuongdong
Posts: 524
Joined: Wed May 30, 2007 2:08 am
Contact:

Post by tranphuongdong »

Image

Một chế độ hèn hạ và ti tiện

Trần Thảo
(Danlambao) -
Khi chị Trần Thị Nga bị an ninh cộng sản Hà Nam đem lực lượng hùng hậu bố ráp, bắt giữ, những tiếng nói phẫn nộ vang lên khắp nơi, trong cũng như ngoài nước. Ai cũng biết chế độ CSVN tàn bạo bất nhân, nhưng vào lúc cận kề tết nguyên đán, thời gian của sum họp gia đình, tiễn năm cũ, đón năm mới với ít nhiều hy vọng, hành động thô bỉ của chế độ CSVN qua việc huy động một lực lượng hùng hậu chó săn để vây bắt một người phụ nữ có con nhỏ như chị Trần Thị Nga, quả thật đã làm cho người dân Việt Nam lắc đầu ngao ngán.


Đây không phải là một vụ bắt bớ đột xuất, mà nó đã được tính toán kỹ lưỡng bởi những đầu óc thâm độc một cách bệnh hoạn của giới an ninh CSVN.

Chúng đã suy tính kỹ khi lựa thời điểm chỉ còn mấy ngày nữa là tới tết nguyên đán của người dân. Thời điểm này, ai cũng mong mỏi sự an bình, không muốn gặp bất cứ rắc rối nào từ phía chế độ đối với cá nhân và gia đình của mình. An ninh CSVN đã nhắm tới hiểm huyệt tâm lý này!

Chúng không chỉ muốn trấn áp tiếng nói bất khuất của cá nhân chị Trần Thị Nga, mà qua đó chúng muốn gửi một đe dọa tới những manh nha đấu tranh mà chúng luôn coi là nguy hiểm cho sống còn của chế độ.


Những bài viết trên các trang mạng, biểu đồng tình với chị Trần Thị Nga, lên án hành động vô lương tâm của chế độ CSVN, đã gây nên cơn bão dư luận dữ dội. Nhất là khi tìm hiểu về quá trình tham gia phong trào đấu tranh với tất cả nhiệt tình của chị Trần Thị Nga để đến nỗi bị côn an, an ninh giả dạng lưu manh chận đánh ngoài đường, bị trọng thương, gãy chân, gãy tay. Hình ảnh chị TTN với chân và tay bị bó bột nằm trên giường bịnh trước đây đã kích thích sự phẫn nộ của quần chúng hơn bao giờ hết. Một chế độ tàn bạo, sử dụng bạo lực để bảo vệ ngai vàng, trên thế giới cũng không thiếu, nhưng cách thức mà CSVN đang sử dụng, như giả dạng lưu manh chận đánh người dân giữa đường, ném mắm tôm, sơn, phân người v.v... vô nhà dân, theo dõi và canh giữ những người bất đồng chính kiến, không cho họ đi lại tự do, và rồi dùng cách lấy thịt đè người trong mọi hoàn cảnh để tăng độ khiếp đãm nơi đối tượng, thì quả là quá ti tiện và hèn mọn.


Nhưng điều trái khoáy là vụ bắt người lần này có vẻ đã không đạt được "ý đồ" của CSVN. Hình ảnh lũ an ninh cúi gằm mặt khi bắt giữ chị TTN, và gương mặt lạnh như băng, kiêu hãnh của " người vi phạm bộ luật hình sự 88 " khiến cho vụ bắt giữ TTN lần này trở thành một hoạt cảnh bi hài cho chế độ CSVN. Bi hài vì người ta thấy bản chất hèn mọn của chế độ CSVN nó lộ ra quá rõ, thật mắc cười và tội nghiệp. Cái chế độ luôn khoa trương là tốt đẹp, là đỉnh cao của trí tuệ loài người, là dân chủ đến thế là cùng, là đất nước có bao giờ được như thế này chưa? v.v. chỉ qua một hình ảnh nhỏ của chị TTN bị bó bột chân tay nằm trên giường bịnh, và hình ảnh gương mặt bình tĩnh lạnh lùng, kiêu hãnh của một phụ nữ giữa vòng vây của bầy thú dữ, khiến cho tất cả lớp mạ vàng được sơn phết lên mặt của 200 UVTW, của 19 tên trong BCT, của tứ trụ triều đình Trọng Quang Phúc Ngân, đã rớt lộp độp xuống đất, lộ ra nanh vuốt của loài quỷ dữ, của lũ thú rừng hoang dã.

Nếu bạn theo dõi những bài viết trên các trang mạng về sự kiện bắt giữ chị Trần Thị Nga, ở phần dành cho comments, các bạn sẽ thấy an ninh CSVN không dừng ở việc nhốt chị Nga vào chốn lao tù, chúng còn sử dụng một lực lượng đông đảo của lũ dư luận viên, đem một lý lịch đã được soạn sẵn về chị TTN, dĩ nhiên là nói xấu chị TTN triệt để từ A tới Z, bêu rếu trên đó. Nếu là một người bình thường, bị nhồi sọ bởi tuyên truyền của chế độ, không hiểu gì về chị TTN, có thể nghĩ chị TTN là kẻ gây rối xã hội và có vào viết còm chửi bới cũng là điều dễ hiểu, nhưng lũ dư luận viên, chó săn của an ninh CSVN, thì hoàn toàn không phải như vậy! Mười đứa y như chục, cùng một giọng điệu, cùng một bản lý lịch được soạn sẵn về chị TTN, ào ào như sôi, bêu rếu, bôi đen hình ảnh của một phụ nữ kiên cường, dù đã từng bị đánh gãy tay, gãy chân, bị dọa giết, vẫn lừng lững đi tới với niềm tin vào tự do, công lý. Lũ dư luận viên này, riêng trong vụ chị Trần Thị Nga, chúng né tránh tranh luận với mọi người, chúng chỉ đem lý lịch của chị Nga xả rác tùm lum trên các trang mạng. Mục tiêu của an ninh CSVN là gì thì ai cũng đã hiểu, không cần dài dòng thêm nữa!

Một bạn trên FB nhận định: "CSVN không chịu làm tốt chính mình, lại cứ đi tìm bắt người nói xấu chế độ."

Câu nhận định này có lẽ còn có ý nghĩa nếu được nói vào đầu thập niên 80, sau khi kế hoạch 5 năm đầu tiên của chế độ CSVN bị phá sản, vì lúc đó nếu CSVN biết nhìn nhận sai lầm của mình, và thực sự đi đúng nguyện vọng tha thiết của người dân, tạo dựng sức mạnh đoàn kết dân tộc, dẹp hết ảnh hưởng xấu xa của CNCS, một lòng vì sự phát triển của đất nước, vì cuộc sống hạnh phúc của nhân dân, thì quả là một phước lớn của đất nước và dân tộc. Nhưng sau khi đã bỏ qua những cơ hội hiếm có để kết nối lòng người, để xây dựng đất nước, lại càng ngày càng dấn sâu vào vũng lầy của tội ác, chế độ CSVN ngày nay không còn đường để quay lại nữa. Những người lãnh đạo của chế độ CSVN, qua nhiều đời tổng bí thư, đã quá lầm lạc khi mang đầu óc nô lệ, hết theo Liên Sô lại theo Trung Cộng, miệng họ thì coi nhân dân như trụ cột của đất nước, nhưng trong thực chất họ coi nhân dân như rơm rạ, như đàn cừu mặc tình cho họ lợi dụng và săn giết. Sức mạnh dân tộc bây giờ như bãi cát rời, lòng người nhạt nhẽo. Cái họa mất nước đã rõ ràng trước mắt, nhưng chế độ không hề bận tâm. Họ chỉ có một bận tâm duy nhất, đó là làm sao kéo dài sinh mệnh của đảng. Điều này giải thích cho việc những kiến nghị, những đòi hỏi chính đáng của những người Việt Nam yêu nước chân chính đã không hề được ngó ngàng tới. Thay vì hướng vào dân tộc để tìm về nguồn cội, tìm về sức mạnh của triệu triệu lòng dân, họ đi triều bái kẻ thù phương bắc, chịu nhận những hiệp ước, hiệp định thua thiệt, nhường biển, nhường đất cho kẻ thù, với mục đích duy nhất là bảo tồn sinh mệnh của đảng, dù là trong vị thế của một tên nô tài bán nước.

Cho tới thời điểm này, mà còn có người viết thư ngỏ cho ông Nguyễn Phú Trọng rằng: "Đảng ta không bao giờ có lợi ích gì khác ngoài lợi ích dân tộc..." và khuyên Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng hãy bãi bỏ chỉ thị 15 được ban hành ngày 7 tháng 7 năm 2007 CT/TW trong đó quy định việc điều tra đảng viên phải được sự đồng ý của cấp ủy đảng quản lý đương sự, và đề nghị Tổng Trọng ra tuyên bố: "Vì danh dự, vì sự tồn vong của đảng, lực lượng CAND được trao nhiệm vụ bảo vệ, ngăn ngừa mọi khả năng dẫn đến hành vi tham nhũng của lãnh đạo đảng, nhà nước các cấp, không có vùng cấm, kể cả tôi (Nguyễn Phú Trọng)."

Tôi không rõ nhân vật Vũ Công Hùng, một người bạn ở Thành Phố Hải Dương của Tổng Trọng, tác giả của thư ngỏ nói trên, muốn góp ý với Tổng Trọng để chấn chỉnh đảng CSVN, hay lại có ý tại ngôn ngoại, tôi không rõ, nhưng xin nhắn với ông Vũ Công Hùng một lời: Đã quá muộn rồi ông Hùng ơi! Ung thư đã ở vào giai đoạn cuối rồi, cái chế độ CSVN hèn hạ và ti tiện ấy bây giờ chỉ còn chờ giây phút thở hắt ra lần cuối và được đưa ra nghĩa địa mà thôi.

24.01.2017
Trần Thảo
vuphong
Posts: 2749
Joined: Sun Jun 03, 2007 12:31 am
Contact:

Post by vuphong »

Việt Nam vẫn chưa có tự do

Thanh Trúc
phóng viên RFA

1-2-2017

Image
Sơ đồ phúc trình về tự do toàn cầu với 195 quốc gia trên thế giới. Photo: Freedomhouse.org
Feedom House, một tổ chức giám sát độc lập ở Hoa Kỳ công bố phúc trình về tự do toàn cầu với 195 quốc gia trên thế giới, trong đó Việt Nam vẫn giữ nguyên vị trí một nước không có tự do và không có dấu hiệu cải thiện.

Trong số 195 quốc gia trên thế giới, 87 nước được công nhận là có tự do, 59 nước chỉ phần nào có tự do, 49 nước còn lại hoàn toàn không được tự do về nhiều mặt, trong đó Việt Nam là một.

Đó là phần mở đầu phúc trình lần thứ 11 về tự do toàn cầu 2017 của Freedom House, tổ chức chuyên theo dõi và đánh giá mức độ tự do dân chủ của người dân tại từng quốc gia thuộc từng khu vực trên thế giới.

Trong phúc trình về tự do toàn cầu 2017, Freedom House sử dụng sơ đồ màu xanh lá cho những nước thực sự có tự do, màu vàng dành cho những nước phần nào có tự do, màu tím là những nước không có tự do. Năm nay, Việt Nam vẫn nằm trong khung màu tím.

Bà Sarah Repucci, giám đốc chuyên trách xuất bản toàn cầu của Freedom House, nói rằng tổ chức tiếp tục đặt Việt Nam vào tư thế một quốc gia thiếu tự do:

Chúng tôi nhận thấy năm nay Việt Nam chẳng có thay đổi nào đáng kể so với năm ngoái, nhiều người đối lập vẫn bị bắt giữ, tiếng nói của các xã hội dân sự hay của những nhà hoạt động độc lập bị dập tắt.

Đã có lúc chúng tôi cảm thấy phần khởi thấy một vài cá nhân hoặc thành viên các tổ chức dân sự độc lập ở Việt Nam gọi là được phép tự ra ứng cử vào quốc hội. Đáng tiếc là chưa đủ để có thể tin rằng đó là sự thay đổi tích cực và đó là Việt Nam muốn chấp nhận có sự đối lập về chính trị.

Theo đánh giá của Freedom House trong phúc trình về tự do toàn cầu 2017, 3 lãnh vực quan trọng nhất mà Việt Nam thiếu hẳn là tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thông tin, tự do mạng. Sơ đổ về tự do toàn cầu của Freedom House năm 2017 cho thấy trong số 39 quốc gia thuộc khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Việt Nam ở nhóm 20% những nước đang theo đuổi chính sách kiểm soát và chi phối mọi quyền tự do căn bản của công dân. Bà Sarah Repucci:

Freedom House chưa bao giờ nhận được sự phản hồi từ phía Việt Nam, đối với những phúc trình thường niên mà tổ chức thực hiện hàng năm. Có vẻ như chính phủ Việt Nam không thực sự quan tâm một cách nghiêm túc đến những báo cáo như thế này và cũng không muốn cải thiện để trở thành một thể chế thông thoáng hơn.

Những điểm chính cần nhấn mạnh là qua đại hội đảng lần thứ XII cho đến bầu cử quốc hội thì rõ ràng Việt Nam đã và vẫn muốn giữ nguyên trạng một nhà nước toàn trị, người dân không được thông báo trước điều gì và cũng không có cơ hội được tham gia vào những sinh hoạt chính trị vốn đã rất giới hạn.

Điểm thứ nhì là đã có những cuộc biểu tình lớn ở Việt Nam hồi năm ngoái, chứng tỏ người dân mong muốn nói ra những suy nghĩ của họ và mong muốn được quyền tự do bày tỏ những suy nghĩ đó.

Việt Nam thường tuyên bố mình là một quốc gia tự do, dân chủ nhưng để trở thành một nước dân chủ đích thực thì Việt Nam phải tôn trọng và thực thi quyền tự do bày tỏ chính kiến, tự do truy cập mạng để trao đổi tin tức, tự do báo chí để người dân biết những điều gì đang xảy ra trên đất nước của mìn. Đó là kết luận của Freedom House.
dailien
Posts: 2451
Joined: Sun Jun 03, 2007 3:37 am
Contact:

Post by dailien »

Image

Hào quang

Nguyễn đạt Thịnh


Hào quang là một vừng ánh sáng bao quanh và ở phía sau chân dung một vị thánh nhân, hay một nhân vật siêu việt; hiểu rộng hơn nữa thì vừng ánh sáng đó không nhất thiết phải nhìn thấy, nhưng là tiếng thơm, là sự kính trọng của mọi người, tạo hào quang cho nhân vật cao quý đó. Một vài thí dụ: hào quang bất khuất của Trần Bình Trọng, hào quang đạo đức của Giáo Chủ Huỳnh Phú Sổ.

Hào quang cũng có thể hiểu hẹp hơn như tiếng tăm lừng lẫy, hoặc như nhân vật số một trên một địa hạt nào đó, như Sở Khanh, được cụ Nguyễn Du mô tả là:

Bạc tình nổi tiếng lầu xanh,

Một tay bẻ gẫy bao cành phù dung

Có thể cũng chỉ vì thích cái hào quang ‘coi đàn bà đẹp như rác’ mà tổng thống Donald Trump đang tạo ra vài chục cuộc biểu tình của phụ nữ trên khắp thế giới; chỉ riêng trên lãnh thổ Hoa Kỳ con số phụ nữ đang xuống đường chống Trump cũng đã lên đến hàng triệu người, tính chung trên toàn thế giới số phụ nữ đó được ước lượng trên 2 triệu.

Từ Luân Đôn đến Los Angeles, từ Paris đến Park City, Utah, Miami, Melbourne, phụ nữ quyết liệt chống Trump. Chiến trường chính vẫn là Hoa Thịnh Đốn -thủ đô chính trị của Hoa Kỳ.

Trong cuộc xuống đường tại Hoa Thịnh Đốn, quần chúng trương cao những bích chương, “Women’s rights are human rights”, (Nữ Quyền là Nhân Quyền); “Break down walls, don’t build them”, (Đập Phá Chứ Đừng Xây Trường Thành); và “Hell hath no fury as a nasty woman scorned”; (Địa Ngục Không Nổi Giận, Phụ Nữ không Chấp Nhận Miệt khinh).

Họ còn đe tổng thống qua khẩu hiệu ‘Welcome to your first day, we will not go away!’ (mừng ông ngày đăng quang, nhưng đừng mong chúng tôi tan biến.)

Cô Sophie Walker, đảng trưởng đảng Women’s Equality (Phụ Nữ Bình Quyền) tuyên bố với truyền thông, “Chúng tôi biểu tình tại Hoa Thịnh Đốn để chống chính sách bài ngoại, thù hận và chia rẽ của ông Donald Trump; chúng tôi đòi hỏi bình thường, bình đẳng giữa nam, nữ giới, và giữa những người Mỹ thuộc mọi gốc sắc tộc.”

Cô Walker nói, “nữ quyền, quyền tự do sinh nở, quyền di dân, đều là nhân quyền.”

Trong lúc xin phép tổ chức biểu tình, Walker đưa ra con số ước lượng là 200,000 người tham dự, cảnh sát cho biết con số thật sự có mặt nhiều hơn nửa triệu.

Phụ nữ xuống đường chống cái hào quang Prince Charming (ông Hoàng đẹp trai), chống câu chuyện do chính Trump kể lại là ông ta đã mò vào âm hộ của một phụ nữ, mặc dù bà đó không đồng ý.

Nhiều người biểu tình đội mũ pink cat-eared “pussy” hats (Mũ Tai Mèo Hình Âm Hộ Mầu Hồng) để phản đối thái độ coi rẻ đàn bà của Trump.

Nhiều người nhận xét là sau lễ tấn phong, Trump vẫn thích hào quang thắng cử, vẫn còn giữ nhiều ngôn ngữ và body linguist -như nheo mắt, chu môi, đưa ngón tay cái lên ra dấu ‘số zách’…, ông chưa thật sự trở thành tổng thống; thái độ, và phản ứng của ông vẫn mang nặng tác phong của một ứng cử viên.

Sau những nghi lễ tấn phong nặng tính truyền thống và tôn giáo, cùng với sự hiện diện của quan khách Hoa Kỳ và ngoại quốc cấp cao nhất, trước những nghi thức quân sự, những đoàn xe cảnh sát hộ tống, và khung cảnh của toà Bạch Cung uy nghi, quí vị tổng thống tiền nhiệm của Trump đều nhanh chóng trở thành những nhân vật chín chắn hơn, thận trọng lời ăn, tiếng nói hơn.

Trump không giống họ, ông lộ liễu tỏ ra là ông thích hào quang; ngay cả trong những đụng chạm với truyền thông, Trump vẫn muốn hào quang chiến thắng. Ông tuyên bố chiến tranh công khai với truyền thông, sau va chạm ngày thứ Bẩy 1/21/2017 trong phòng họp báo giữa phát ngôn viên Bạch Cung Sean Spicer và các phóng viên tham dự cuộc họp báo hàng ngày.

Sau lưng ông Spicer là tấm hình lớn ghi nhận cảnh đăng quang, ông nói với các phóng viên là số người dự lễ đông đến mức kỷ lục, đông nhất trong lịch sử những buổi lễ tấn phong của Hoa Kỳ.

Phóng viên truyền thông bảo ông nói sai và họ có thể chứng minh điều sai lầm đó.

Tân chính phủ đe truyền thông là họ phải chịu trách nhiệm.

Hãng AP viết thái độ của chính phủ khiến truyền thông mất tín nhiệm vào sự chính xác của tin tức do Bạch Cung loan ra.

Hai ký giả Kyle Cheney và Dan Diamond viết bài ‘ Sean Spicer told at least 5 untruths in 5 minutes’ (Trong 5 phút ông Sean Spicer nói lên 5 điều sai sự thật); họ liệt kê ra 5 điều không thật đó.

ĐIỀU KHÔNG THẬT THỨ NHẤT: ông Spicer nói đây là lần thứ nhất trong lịch sử, ban tổ chức dùng vật liệu plastic che để bảo vệ cỏ trong Mall; thật ra thì việc bảo vệ cỏ bằng thảm plastic đã được thực hiện từ năm 2013, trong lễ tấn phong tổng thống Barack Obama tái đắc cử.

ĐIỀU KHÔNG THẬT THỨ NHÌ: Spicer nói khoảng cách từ khán đài đến Washington Monument đen nghẹt người; phim CNN chiếu lên cho thấy vào lúc Trump đọc diễn văn, có rất nhiều chỗ trống tại địa điểm vừa kể.

ĐIỀU KHÔNG THẬT THỨ BA: Spicer nói có 420,000 người sử dụng xe điện D.C. Metro để vào Hoa Thịnh Đốn dự lễ đăng quang, rồi so sánh với số 317,000 người đến dự lễ đang quang tổng thống Obama năm 2013 bằng xe điện. Thật ra con số chính thức do sở D.C. Metro loan báo là 193,000 -không đến một nửa con số của Spicer.

ĐIỀU KHÔNG THẬT THỨ TƯ: Spicer nói “cử toạ tham dự lễ đăng quang lần này không chỉ đông nhất trong lịch sử các cuộc lễ đăng quang tại Hoa Kỳ, mà còn đông nhất thế giới nữa.” Bài báo phản bác cho là chỉ nhìn vào hình cũng đủ thấy cử toạ tham dự lễ đăng quang của tổng thống Obama năm 2009, đông hơn.

ĐIỀU KHÔNG THẬT THỨ 5: Spicer nói vì hàng rào cản quá nhiều nên vài trăm ngàn người không vào kịp để dự lễ đăng quang của Trump; việc đó được tờ The New York Time đem hỏi sở Mật Vụ, và sở này trả lời là không có gì thay đổi trong việc dựng hàng rào an ninh quanh khu vực hành lễ.

Việc Trump thích hào quang còn đưa đến nhiều điện thư chỉ trích việc cậu con trai nhỏ của tổng thống -cậu Barron Trump- xuất hiện trong những nghi lễ không nên để cậu có mặt; Trump không tweet trả lời, mà người ra miệng trả lời lại là cô Chelsea Clinton -con của một vị tổng thống khác.

Cô bảo những người chỉ trích Barron là phải tôn trọng ‘ấu quyền’ của cậu bé, kể cả quyền lầm lỗi của trẻ con, và bảo họ là nếu cần chỉ trích, cứ chỉ trích người lớn.

Thích hào quang còn được gọi là bệnh nổ; người mắc bệnh này trọng dụng bọn nịnh bợ, và ông Spicer đoạt kỷ lục nịnh chủ 5 lần trong 5 phút. Nhưng tội của ông lớn hơn: ông làm tổng thống phải ‘tuyên chiến’ với truyền thông, cuộc chiến tranh mà Trump không thể nào thắng, vì chưa một quyền lực nào đủ mạnh để bóp chết truyền thông.

Một trong nhiều đặc tính của trận chiến Trump vs Media là không hoà giải được, vì truyền thông là hàng ngàn, hàng chục ngàn khối óc độc lập, không có người đại diện để thương thuyết với chính quyền.

Nếu Trump vẫn thích nổ, tình hình sẽ căng thẳng hơn; hiện nay đài CNN đã có nguyên một bộ tham mưu để thường xuyên thảo luận 24 giờ mỗi ngày về việc làm của chính phủ.

Tuy nhiên truyền thông bị trói vào một quy luật: phải thông tin chính xác, đích thật, và nhanh chóng. Những va chạm đầu tiên của ông hiện nay chỉ giới hạn trên địa hạt dân sinh, xã hội, nếu vị ngoại trưởng ông tuyển chọn Rex-Tillerson cấm được Trung Cộng léo hánh vào Biển Đông như ông ta thuyết trình trước Thượng Viện, thì chắc chắn truyền thông không thể không tường thuật.

Chừng đó người Việt Nam lại hoan hô ông Trump đồng minh với Nga để diệt Tầu, cho phép ngư dân Việt Nam trở lại Biển Đông -ngư trường nuôi sống họ từ 4043 năm nay.

Nguyễn đạt Thịnh
caubennoc
Posts: 530
Joined: Fri Nov 28, 2008 8:43 pm
Contact:

Post by caubennoc »

Cộng Sản HN- Một tổ chức buôn bán con người khủng khiếp!

Michel Benge
Nguyễn Trọng Dân lược dịch
 

Cộng Sản Hà Nội được coi lá một chính thể lừng danh vì vi phạm nhân quyền nặng nề nhất tại Đông Nam Á – theo tường trình của UB Đối Ngoại Hạ Viện Hoa Kỳ. Các công ty gọi là tuyển nhân công của chính phủ do Cộng đảng kiểm soát chuyên buôn bán cung cấp con người từ nam, nữ, trẻ em cho mọi thị trường từ tình dục cho đến lao động khổ sai- đem về một nguồn lợi quá lớn cho đảng.
Thống kê dữ liệu về việc xúc tiến buôn bán con người của Cộng Sản Hà Nội lên đến mức báo động và rõ như ban ngày nhưng đừng hòng tìm thấy từ nguồn tin xác thực từ chính phủ Hà Nội. Bộ Lao Động & Thuơng Binh Xã Hội của Cộng Sản Hà Nội miễn cưỡng đưa ra con số nhỏ bé 2935 nạn nhân từ năm 2004 đến năm 2009- trong khi các tổ chức quốc tế đã có bản tường trình với con số hơn 400 ngàn người Việt Nam bị bán đi tính từ năm 1990 cho đến nay; và đó chỉ là con số của những trường hợp buôn bán con người đã bị bại lộ, còn con số những nạn nhân người Việt Nam bị (đảng) bán đi chưa bị bại lộ có thể lên đến thêm cả chục ngàn nạn nhân nữa.
Hình thức buôn bán còn người thông qua chiêu bài “xuất khẩu lao động ” không còn lạ gì đối với xã hội Việt Nam. Sau khi Cộng Sản thôn tính Việt Nam Cộng Hòa năm 1975- hàng trăm ngàn lao công đã được “xuất khẩu” sang Liên Xô và khối Đông Âu để trả nợ chiến tranh. Không biết bao nhiêu lao công Việt Nam tại Đông Âu lâm vào cảnh túng quẩn, thất nghiệp và mất khả năng tài chánh để hồi huơng. Cộng Sản Hà Nội cũng nhanh chóng trở thành một tổ chức buôn bán trẻ em, phụ nữ cho thị trường nô lệ tình dục kể từ đó.
Cộng Sản Hà Nội bị cảnh cáo về thành động khuyến khích buôn bán con người cho thị trường tình dục:
Cộng Sản Hà Nội trở thành tổ chức cung cấp nô lệ tình dục và lao động khổ sai chủ yếu trên thế giới- thậm chí có nhiều trường hợp nạn nhân từ lao động khổ sai bị ép trở thành nô lệ thình dục.
Xảo trá và lường gạt trong hôn nhân là một cách để Cộng Sản Hà Nội buôn bán phụ nữ cho thị trường tình dục. Mồi để nhử các nạn nhân là năm ngàn dollar Mỹ, một số tiền quá lớn khiến các gia đình thôn quê dưới chế độ XHCN hầu hết là nghèo rất khó mà từ chối. Phụ nữ và các bé gái dưới vị thành niên từ đó được bán qua thị trường tình dục ở Campuchia, China, Lào, Thái Lan, Malaysia, Đài Loan, Ma cau, Trung Đông, và ngay cả Âu châu. Tương tự, trẻ em ở Campuchia cũng được bán vào Việt Nam để giúp Việt Nam nhanh chóng trở thành một nơi thiên đường du lịch cho huởng lạc tình dục trẻ em đối với du khách khắp nơi từ Nhật, Nam Hàn, Trung Cộng, Dằi Loan,Anh, Úc, Âu châu , và ngay cả du khách từ Hoa Kỳ. Tàn nhẫn và phi truyền thống luân lý hơn hết, phụ nữ Việt Nam còn được “xuất” hay bán sang các nước chỉ để làm “thợ đẻ” không thôi- tức là đẻ con cho những gia đình không thể sinh con hoặc đẻ con để cung cấp cho “thị trường con nuôi” mà khách hàng là những gia đình ở các quốc gia giàu có.
Một trường hợp điển hình tại nước Nga:
Cô Danh đã tường trình trước Quốc Hội Hoa Kỳ về đường dây từ Việt Nam có Cộng đảng bảo kê buôn bán phụ nữ sang Nga thông qua dụ dỗ lừa gạt là sẽ có lương hậu, thu nhập cao cho những nạn nhân này khi họ sang Nga làm tiếp đãi viên. Thực tế, họ bị bán vào các nhà thổ tại Moscow. Đường dây buôn bán phụ nữ này được tổ chức bởi các công ty quốc doanh tuyển người, đem đến không biết bao nhiêu là tiền cho các đảng viên. Còn các nạn nhân khi đến Nga bị giữ passport, chẳng được trả đồng lương nào cả và không có sự chăm sóc sức khỏe hay những hổ trợ để quay về lại quê nhà. Nhiều phụ nữ Việt Nam đã bị cầm cố tại những nhà thổ ở Nga hơn bốn năm trời và luôn bị đánh đập tàn nhẫn nếu muốn rời khỏi hay cố tình bỏ trốn. Và dù là bị cầm cố như vậy, họ vẫn phải trả tiền nhà, tiền ăn tiền quần áo(?!)
Người em gái của cô Danh là cô Huỳnh Thị Bé Hương là một trong những nạn nhân chịu cảnh thảm thiết này từ chính sách buôn bán con người của đảng. Khoảng sau vài tháng bị giam cố nghiệt ngã, Huơng phải nhờ gia đình nghèo khó của cô gởi tiền để lo sức khỏe – gia đình cô lật đật gởi 300 dollar Mỹ để giúp cô. Sau đó, cô lại gọi về nhờ giúp 2000 dollar Mỹ để bay trở về sau khi công ty quốc doanh tuyển người (để bán) tại Việt Nam đồng ý hủy hợp đồng. Cô Danh đang ở Mỹ mượn tiền để gởi đến cơ quan này, rồi số tiền đòi hỏi cứ tăng kên, từ 2000 dolllar lên 4000 dollar, rồi 6000 dollar- rõ ràng, đây là cách giữ người siết tiền của đường dây buôn người hợp pháp này.
Vào tháng Hai năm 2013, sau 13 tháng làm nô lệ tình dục, cô Hương trốn khỏi nhà Thổ cùng với ba nạn nhân Việt khác. Cô Hương ráng liên lạc với tùy viên sứ quán Nguyễn Đông Triều tại tòa đại sứ Cộng Sản Hà Nội ở Moscow xin cầu cứu giúp- Triều nhẫn tâm làm ngơ và nói với cô Huơng rằng:”Cơ quan nào đem cô đến đây thì bảo cơ quan đó đem cô về!” Hai ngày sau, cô Huơng cùng ba người trốn đi bị bọn băng đảng bắt về lại nhà thổ và bị đánh đập tàn nhẫn. Sau đó, cô Huơng mới khám phá ra má mì của nhà thổ này là bạn mần ăn, ăn thông với các tùy viên sứ quán của Cộng Sản Hà Nội tại Moscow- nên cô Huơng cùng ba người trốn đi đã bị bán rẽ bởi bọn cán bộ đảng viên làm ở sứ quán.
Khi cô Danh biết được tình trạng thảm khốc của người em gái minh, cô đã liên lạc được với hai tổ chức phi chính phủ tại Mỹ thay vì liên lạc với nhà cầm quyền Cộng sản Hà Nội cố tâm bán rẽ con người, đó là hội “Boat people SOS” và liên hội “Coalition to Abolish Modern-Day Slavery in Asia” chuyên hổ trợ cho các hoạt động chống buôn người- nhờ vậy, cô Danh có cơ hội thông báo chi tiết nội tình cho Dân Biểu Al Green và Bộ Ngoài Giao Hoa Kỳ . Thông qua nỗ lực vận động chung của hai hiệp hội trên cũng như của Dân Biểu Green cùng báo chí, cô Huơng cuối cùng cũng đã có thể về lại quê nhà với điều kiện rất ngặt nghèo là gia đình cô Huơng bị buộc phải chấm dứt mọi truy tố hay tố cáo cơ quan “tuyển người” của đảng là tổ chức bán buôn người trá hình trước công pháp, cũng như phải chính thức xin lỗi má mì của nhà thổ này là Thúy An về việc kết án bà ta buôn bán tình dục trên thân phận những thiếu nữ nghèo. Không những vậy, cô Danh còn buộc phải viết một lá thư…”cám ơn” các tùy viên sứ quán Cộng sản Hà Nội tại Moscow ”giúp đỡ” cô Huơng quay về.
Cuối cùng, cô Huơng cũng đã được chở đến sứ quán của Cộng đảng tại Moscow- tại đây, cô được tùy viên sứ quán là Kiên giải thích về các điều kiện liệt kê trên và cô Huơng bị buộc phải viết một lá thư khẳng định những gì cô báo cho gia đình về má mì Thúy An là hoàn toàn bịa đặt cũng như phải viết một lá thư “cám ơn” nhân viên toàn đại sứ cùng má mì Thúy An đã giúp cô trở về quê nhà (?!)
Đương nhiên là tòa đại sứ Cộng Sản Hà Nội tại Moscow không những không giúp mà còn làm ngơ trợ giúp má mì Thuy An gia hại các nạn nhân – cô Huơng thoát được thảm cảnh hoàn toàn là do áp lực ngoại giao từ phí Hoa Kỳ cũng như nỗ lực từ thiện của hai tổ chức phi chính phủ kể trên và sự tận tâm hổ trợ của giới báo chi truyền thông quốc tế. Cộng Sản Hà Nội thiệt là dối trá và nhẫn tâm!
Buôn bán lao động khổ sai:
Cộng Sản Hà Nội “xuất khẩu” hay bán con người ra nước ngoài lao động khổ sai nhằm giảm bớt đối kháng bất mãn trong lòng xã hội, một kế sách đã được thông chế Tito thực hiện ở Nam Tư trước đây. Tito là một tên Cộng Sản tàn bạo ngồi ở ghế “tổng thống suốt đời” cho đến khi chết vào năm 1980.
Cộng Sản Hà Nội đẩy mạnh xuất khẩu bán buôn con người cho các thị trường lao động khổ sai khắp nơi trên thế giới nhằm che giấu bất lực của nhà cầm quyền trong việc tạo công ăn việc làm ngay tại đất nước và đồng thời, tạo ra một khoản thu nhập lớn đem về cho đảng.
Năm 2007, ngân sách của đảng đã thu về được hai tỷ Mỹ kim từ sự bán buôn uất khẩu con người cho lao động khổ sai. Việt Nam hiện có khoảng 51.4 triệu người đang ở tuổi lao động và 70% dân số là dưới 30 tuổi. Bất chấp đẩy mạnh buôn bán con người tối đa, Cộng đảng vẫn phải lo đối phó sự bất mãn của gần 10 triệu người thất nghiệp, theo thống kê của Quỹ Tiền Tệ Quốc tế IMF.
Cộng sản Hà Nội cố bán ra thế giới khoảng 500 ngàn người cho thị trường lao động khổ sai vào năm 2005, và con số bán lao động khổ sai ra thị trường thế giới cứ mỗi năm mỗi tăng. Vào năm 2008, Cộng Sản Hà Nội đạt được thoả hiệp với Qatar, nâng tổng số lao động khổ sai bán qua vùng Vịnh từ 10 ngàn lên đến 100 ngàn cho đến hết năm 2010, gấp mười lần con số của những năm trước
Cấu Trúc hệ thống buôn bán con người của Cộng Sản Hà Nội:
Tất cả các công ty quốc doanh tuyển nhân công để bán ra nước ngoài cho thị trường lao động khổ sai đều là một bộ phận trong một hệ thống buôn bán con người rất chặt chẽ tinh vi của Cộng đảng- liên quan đến nhiều viên chức cao cấp trong đảng, hệ thống ngân hàng.
Các nạn nhân nghèo trước hết bị lừa khi ký các hợp đồng láo gọi là “hợp đồng nội” hay hợp đồng trong xứ, có nhiều hứa hẹn ba xạo về điều kiện việc làm tốt đẹp. Sau đó, các nạn nhân nghèo phải mượn nợ từ các nhà băng ngân hàng quốc doanh cũng của đảng để trả các khoản phí giấy tờ, tiền giấy máy bay, tiền đào tạo. Nếu không đủ kinh phí, bậc phụ huynh phải bán luôn điền sản nhỏ nhoi của mình để cho con cái có đủ kinh phí nộp đơn đi lao động khổ sai.
Sau khi đã nộp không biết bao nhiêu thứ phí không bồi hoàn cho đúng thủ tục của “hợp đồng nội,” các nạn nhân trước ngày đi một hay hai ngày mới bắt đầu ký hợp đồng nội khác, hoàn tòan lật lộng với những gì trong “hợp đồng nội” ban đầu- nhưng các nạn nhân đã hết cách vì chi ra quá nhiều tiền, lún sâu trong nợ rồi nên đành phóng lao thì phải theo lao; ký bừa đồng ý cho xong mà thôi.
Khi đến được nơi lao đông khổ sai ở xứ người, các nạn nhân lúc bấy giờ bị lấy hết giấy tờ, buộc phải ký hợp đồng thứ nhì gọi là “hợp đồng ngoại” mà không có nạn nhân nào có thể từ chối cũng như hiểu là mình đang ký thỏa thuận điều gì trong bản hợp đồng ngoại này. Từ đó, cuộc đời của các nạn nhân lao vào tăm tối – làm việc lao lực khổ sai hơn 10 tiếng mỗi ngày trong điều kiện độc hại, với lương bổng vô cùng thấp và không có sự chăm sóc y tế. Có nhiều nạn nhân không được trả lương trong khi vẫn phải trả nợ cho công ty môi giới tuyển người tại Việt Nam khi mượn nợ làm thủ tục. Cuối cùng, các nạn nhân đi đến chổ suy yếu bệnh tật, không thể có tiền để quay về xứ sở, cũng như trả nợ-và nhà cửa của gia đình thì bị siết. Thảm cánh bần cùng thê thảm không thể tả.
Các tòa đại sứ của Cộng Sản thì trơ như đá không giúp đỡ gì cho các nạn nhân. Cộng Sản Hà Nội cũng vờ vịt ban hành đạo luât chống buôn người, xử án một vài vụ hời hợt cho lấy lệ để lừa qua mặt sự giám sát của Liên Hiệp Quốc hay Hoa Kỳ hoặc qua mặt các quốc gia trợ giúp chống buôn người, cho thấy rằng đảng ta cũng có quan tâm. Tất cả sự láo lừa đó chỉ nhằm che đậy chính sách buôn bán con người của đảng đang ngày được đẩy mạnh, đem đến một nguồn lợi nhuận khổng lồ cho các đảng viên, từ công khai lẫn hối lộ lén lút.
Ngoài ra, có ai biết rằng tại Việt Nam hiện nay, tố cáo tham nhũng là phạm pháp hay không?
Michel Benge
Nguyễn Trọng Dân lược dịch

***********
Michel Benge từng làm việc tại Việt Nam hơn 11 năm như là một quan sát viên nên ông rất am tường nhiều sự dối trá của nhà cầm quyền Cộng Sản Hà Nội. Ông cũng là một người hoạt động nhân quyền rất tích cực. Lối viết của ông hóm hĩnh nhưng vô cùng sắc bén, cứa thẳng vào chổ ung nhọt của chế độ Cộng Sản Hà Nội.
Source:
1.http://www.americanthinker.com/articles ... naire.html
2. http://docs.house.gov/meetings/FA/FA16/ ... 130411.pdf

__._,_.___
buikiem
Posts: 501
Joined: Sat Sep 22, 2012 12:45 am
Contact:

Post by buikiem »

Donald Trump – Một lãnh đạo tâm thần?

Thạch Đạt Lang tổng hợp
10-2-2017
Image
TT Donald Trump. Ảnh: AFP Photo/Timothy A. Clary
Trong lịch sử lập quốc hơn 240 năm của nước Mỹ, lần đầu tiên người dân thấy một tổng thống bỏ nhiều thời giờ để tranh cãi, lý luận hơn thua với bất cứ ai về những chuyện nhỏ nhặt, không đáng, như Donald Trump. Hơn thế nữa Trump còn dùng mạng xã hội Twitter, để nhục mạ người khác.

Chuyện mới nhất đây, với một status trên Twitter, Donald Trump đã phỉ báng, nhục mạ một thẩm phán liên bang, ông James Robart như sau: “Quan điểm của cái gọi là thẩm phán khi tước mất quyền hành động để bảo vệ đất nước thật khôi hài và sẽ bị xóa bỏ”.

James Robart là chánh án liên bang, là người đã ký quyết định ngăn chận, không cho thi hành sắc lệnh di trú của Donald Trump trên toàn quốc cho đến khi tòa án phúc thẩm khu vực số 9 (9th Circuit Court) có quyết định rõ ràng về sắc lệnh này.

Xin nói sơ qua về hệ thống tòa án liên bang Mỹ. Hệ thống này chia làm 3 cấp: tòa địa hạt khu vực (District Courts) gồm 94 tòa án; tòa phúc thẩm (Circuit Courts, hay Courts of Appeals) gồm 12 tòa và một tòa phúc thẩm liên bang (The U.S. Court of Appeals for the Federal Circuit); và một tòa án tối cao (Supreme Court).

Trở lại vấn đề, James Robart là chánh án liên bang, được bổ nhiệm từ thời tổng thống George W. Bush với sự đồng ý tuyệt đối 99 phiếu thuận (0 phiếu chống) của Thượng viện trong cuộc biểu quyết. Khi nhục mạ một chánh án liên bang, Donald Trump đã tỏ ra là một người kém hiểu biết về cơ chế tam quyền phân lập. Chánh án liên bang thuộc cơ quan tư pháp (Judicial Branch), dù Trump là lãnh đạo cao nhất của hành pháp (Executive Branch), cũng không được phép coi thường kỷ cương, phép nước, bôi nhọ, chế diễu quyết định của cơ quan tư pháp.

Với ý kiến viết trên Twitter đó, dường như Trump muốn áp đảo nền tư pháp Mỹ để thâu tóm quyền lực, Trump muốn ngồi xổm lên luật pháp. Hành động đó có thể làm suy giảm niềm tin của công chúng và theo các chuyên gia về luật pháp, quyền hành của Trump có thể sẽ phải xem xét lại.

Ông Arthur Hellman, giáo sư luật của trường đại học Pittsburgh, nói với đài NBC như sau: “Việc tấn công vào cá nhân người chánh án bằng ngôn từ được lập lại nhiều lần, tạo nên mối lo ngại, khiến mọi người giảm đi sự tin tưởng vào các quyết định của chánh án, không biết có đúng theo luật pháp không?”

Hellman nói tiếp: “Bạn có thể không đồng ý với phán quyết của một chánh án nhưng quyết định của người chánh án căn cứ vào nền tảng lập luận của cả hai bên. Biến nó thành chuyện cá nhân, cố gắng mô tả chánh án hành động không vì một sự công bằng, tốt đẹp thì quả thật là có vấn đề”.

Hellman cho biết, ông sẽ không đi quá xa để nhận định rằng những tin nhắn trên Twitter của Donald Trump là một phần trong kế hoạch có mục đích rõ ràng, nhằm hủy bỏ các quy định của hiến pháp, những hiến định gây trở ngại, khó khăn cho các chính sách của Trump.

Một giáo sư luật khác, thuộc trường Đại học Northwestern, Giáo sư Ron Allen cho rằng, phát biểu của Donald Trump trên Twitter cần phải đặt thành vấn đề cho những người đã hỗ trợ ông ta.

Ông Allen nói với đài NBC: “Donald Trump có thể thất bại như một vài nhân vật trong lịch sử, những người đã có những chiến dịch huy hoàng nhưng lại tự bôi nhọ thanh danh chính mình ở văn phòng Nhà Trắng. Lời phỉ báng ‘Cái gọi là chánh án’ – chỉ là sự ngu xuẩn, phản ánh sự thiếu kiến thức một cách tệ hại về hệ thống pháp lý”.

Nhà báo Dan Rather nhận định về sự kiện này trên Facebook, nói rằng những câu của Trump viết trên Twitter, khiến ông nhớ lại một câu nói của tổng thống thứ 7 của nước Mỹ, Andrew Jackson, người đã được tranh luận nhiều trong quá khứ về tính độc tài và cực đoan. Trong 2 nhiệm kỳ tổng thống của mình, Andrew Jackson đã làm dấy lên một làn sóng dân túy trong tòa Bạch Ốc.

Trong một vụ kiện liên quan đến quyền sở hữu đất đai của người da đỏ Cherokee năm 1832, chánh án John Marshall đã phán quyết ngược lại luật lệ của tiểu bang Georgia về quyền đi lại của người da trắng trong vùng đất sở hữu của người da đỏ Cherokee. Phán quyết này đã bị tổng thống Andrew Jackson chế nhạo bằng câu nói: “Marshall đã quyết định, hãy để ông ta thực thi quyền hạn của mình”. Lời nói, hành động của Andrew Jackson liên hệ với các ý kiến là một biến cố lịch sử, trở thành một biểu tượng để tranh luận về quyền lực của tiểu bang, liên bang và vai trò của tòa án trong hiện tại. Hãy thử hình dung Andrew Jackson đưa câu nói của mình Twitter, việc gì sẽ xảy ra?

Cuộc đối chọi quan điểm giữa tổng thống Andrew Jackson và chánh án John Marshall là bước ngoặt đáng kể của nước Mỹ, tác động vào niềm tin, rằng Tối cao Pháp viện có được độc lập để quyết định luật lệ chiếu theo hiến pháp hay không.

Trump đang phát động một chiến dịch bán cái nghiêm trọng, nguy hiểm, để phủi bỏ trách nhiệm những hậu quả gây ra bởi sắc lệnh di trú mà Trump đã ban hành. Trump lập luận rằng, nếu có một cuộc tấn công khủng bố xảy ra ở Mỹ, thì lỗi lầm chính là do phán quyết của các chánh án, những người đã ký lệnh ngăn chận luật di trú của Trump, đồng thời cũng là do lỗi của truyền thông, báo chí đã không loan tin đầy đủ về các cuộc khủng bố…

Một người đọc bình thường có thể thấy ngay đó là những lời ngụy biện, trốn tránh trách nhiệm của tổng thống.

Những lời dối trá này cũng giống như Trump đã từng nói có hàng triệu cử tri gian lận trong cuộc bầu cử, nhưng cho đến hôm nay, hoàn toàn không có một cuộc điều tra nào chứng minh được chuyện đó. Tòa Bạch Ốc không đưa ra được một bằng chứng nào để biện minh cho lời nói của Trump. Vậy thì đâu là mối đe dọa nền dân chủ của Mỹ như Trump tuyên bố?

Cũng theo nhà báo Dan Rather, Trump là Tổng Tư lệnh Quân đội Mỹ, các cơ quan tình báo, lực lượng võ trang báo cáo tình hình cho Trump. Việc tìm con dê tế thần để trút trách nhiệm trước khi biến cố xẩy ra là một thủ đoạn gian manh, thâm hiểm, đó là cách gieo mầm phá hủy nền tảng tạo dựng nền cộng hòa. Đó cũng là chiến thuật của những tên độc tài nhạy cảm, nhận ra rằng mình đang ở vị trí quá tầm với của mình, nên rất dễ bị tổn thương bởi những lời chê bai, chỉ trích, dễ dàng cáu kỉnh, thậm chí nổi điên về những tin tức mà họ quả quyết rằng “giả dối” giống như những ngọn roi đang quất vào họ.

Ông Dan Rather nói: “Tôi không nghĩ rằng chiến thuật này sẽ có chút hy vọng thành công. Trump đang xây dựng thương hiêu cho mình một cách táo bạo, xấc xược của một lãnh đạo mà đa số người Mỹ sẽ thấy, toàn là những lời nói vô trách nhiệm. Hơn thế nữa chúng ta đang bảo vệ, gìn giữ nền tư pháp độc lập bằng nền tảng kiểm soát và cân bằng. Chúng ta có thể thấy rằng báo chí đã đưa tin đầy đủ về các cuộc tấn công khủng bố. Tôi không thấy chánh án hay phóng viên nào thoái lui. Không – Hoàn toàn ngược lại. Tuy nhiên, Donald Trump đang tỏ dấu hiệu cho thấy ông ta sẽ phản ứng như thế nào trong thời gian khủng hoảng. Biết trước được nguy hiểm thì có thể tránh được nó”.

Trong một bài báo đăng tải trên New York Daily, nhà báo Gersh Kuntzman viết như sau: “Các chuyên gia về tâm lý cuối cùng đã phải nói ra rằng: Điều đáng sợ ở Donald Trump là lòng tự cao, sự ngạo mạn, luôn hung hăng, tin tưởng vào những sự hoang đường, phản xạ khó lường và tấn công người đối lập. Mục đích của các chuyên gia tâm lý không những chỉ để định bệnh cho ông Vua Donald, mà còn muốn cảnh cáo công chúng rằng họ sẽ bị xỏ mũi, dẫn đi đến một nơi không thể tránh được”.

Tiến sĩ Julie Futrell, là bác sĩ chuyên khoa tâm lý ở một bệnh viện tâm thần – để tránh bị rắc rối về luật pháp – bà nói thêm rằng bà chưa hề chữa trị cho Donald Trump: “Lòng kiêu ngạo hạn chế khả năng nhận biết sự thật. Bạn không thể sử dụng những diễn tiến hợp lý thông thường để chứng minh cho một người nào đó thấy rằng họ đang hoang tưởng. Ba triệu phụ nữ xuống đường không đánh thức được ông ta. Các cố vấn chỉ ra sự chọn lựa chính sách không làm ông ta thay đổi suy nghĩ. Ông ta không cần biết. Sự duy trì bản chất là nguyên tắc tổ chức đời sống cho những ai đã rơi vào giai đoạn cuối của bệnh kiêu ngạo”.

Nhà báo Kuntzman cho biết, trước đây nhiều bác sĩ tâm lý không muốn hoặc không thích phân tích những nhân vật công chúng (public figure). Ở thời điểm năm 1964, mọi người đã im lặng khi thượng nghị sĩ Barry Goldwater ở Phoenix, Arizona, chạy đua vào tòa Bạch Ốc. Tương tự như hiện nay, nhiều nhà tâm lý học tin rằng tâm thần của ông Barry Goldwater không ổn định. Nhưng cũng không giống hiện tại, nhiều chẩn đoán gửi tới một tờ báo chuyên môn, ấn bản đặc biệt với tựa đề “Sự vô thức của một nhân vật bảo thủ”. Một câu hỏi đặc biệt về tình trạng tâm thần của Barry Goldwater.

Tựa đề của bài báo tự nó đã nói lên tất cả: “1.189 nhà tâm lý học nói rằng tinh thần của Barry Goldwater rất bất ổn, không phù hợp để làm tổng thống”. Hiệp hội các nhà tâm lý học bất ngờ phổ biến môt bản điều lệ gọi là Goldwater Rule. “Thật là không có đạo đức nếu một bác sĩ tâm lý nhận định về một bệnh nhân mà họ chưa hề khám hay chữa trị”.

Bài báo viết tiếp: “Kết quả là Bác sĩ tâm lý chỉ là những người chuyên môn, không được phép đề nghị báo chí cho phổ biến những nhận định chuyên môn, phức tạp của mình với công chúng. Nói cho rõ hơn, môt nhà khoa học có thể nói với dân chúng về sự hâm nóng địa cầu, một kỹ sư có thể nói về tình trạng của một cây cầu, một người lính có thể nói về khả năng của địch quân mạnh hay yếu. Tuy nhiên về tình trạng tâm thần của một tổng thống thì các chuyên gia bị trói tay, ngay cả khi người Mỹ đã chọn vị tổng thống hoang tưởng nhất kể từ thời tổng thống Nixon. Rõ ràng đây là nhân vật chính trị tự lừa dối mình nhiều nhầt và cũng nguy hiểm nhất kể từ thời Aaron Burr”. (Ông Aaron Burr là phó tổng thống thứ 3 trong lịch sử nước Mỹ, dưới thời tổng thống Thomas Jeffersons, nhiệm kỳ 1801-1805 – Chú thích của người viết).

“Không thể như thế được nữa. Trong mấy tuần qua các bác sĩ tâm lý đã lên tiếng, vì lương tâm chức nghiệp, lòng yêu nước, họ không thể im lặng. Điều mới nhất là gì? Một chuyên gia tâm lý hàng đầu có những liên lạc với trường đại học y khoa nổi tiếng Johns Hopskins nói rằng: Bệnh thần kinh của Trump rất nặng và với tính khí bất thường, Trump không có khả năng làm tổng thống.

Chuyên gia thần kinh John D. Gartner chẩn đoán rằng Trump mắc chứng kiêu ngạo ác tính. Gartner gia nhập vào một nhóm chuyên gia, càng ngày càng nhiều người đồng thanh lên tiếng, những người quan tâm đến tổng thống, họ đang muốn đối mặt với cơn thịnh nộ của các tổ chức chuyên môn về nghề nghiệp của họ.

Trong một nỗ lực trước đó, chỉ sau khi bầu cử xong, hàng ngàn nhà tâm lý học gia nhập một nhóm mới có tên ‘Công dân trị liệu chống chủ nghĩa Trumpist’ để cảnh giác nước Mỹ về một nhà lãnh đạo bị bệnh tâm thần. Chúng tôi không thể im lặng khi chúng tôi chứng kiến sự trỗi dậy của chủ nghĩa phát xít theo khuôn mẫu Mỹ”.

Còn các Trumpist Việt Nam ở hải ngoại và trong nước thì sao? Ai có thể chẩn đoán được tình trạng trí não của họ?

Tin mới nhất cho hay, tòa phúc thẩm số 9 đã bác bỏ kháng án của Donald Trump yêu cầu áp dụng trở lại sắc lệnh di trú mà Trump đã ký.
vuphong
Posts: 2749
Joined: Sun Jun 03, 2007 12:31 am
Contact:

Post by vuphong »


Cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn từ chức

14/02/2017
.
Image
Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Flynn phát biểu trong một cuộc họp báo hàng ngày tại Tòa Bạch Ốc, ở Washington, ngày 1 tháng 2, 2017.

Cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn đã từ chức sau khi có những tin tức cho hay ông đã lừa dối những quan chức trong chính quyền của Tổng thống Donald Trump về mối quan hệ của mình với đại sứ Nga tại Mỹ.


Việc ông Flynn từ chức chưa đầy một tháng sau khi chính quyền ông Trump lên nắm quyền cho thấy sự xáo trộn xảy ra vô cùng sớm trong đội ngũ cố vấn cao cấp của Tổng thống. Ông Flynn là người ủng hộ trung thành của ông Trump trong suốt chiến dịch tranh cử, nhưng mối quan hệ của ông với Nga đã khiến những trợ lý cao cấp khác lo ngại.

Ông Flynn lúc đầu nói với những cố vấn của ông Trump rằng ông không bàn bạc với đại sứ Nga về những biện pháp chế tài mà Tổng thống Obama đã áp đặt lên Nga vì sự can dự của nước này trong cuộc bầu cử tổng thống trong quá trình chuyển tiếp quyền lực. Phó Tổng thống Mike Pence, dường như dựa trên thông tin mà ông Flynn cung cấp, đã đứng ra bảo đảm uy tín cho ông Flynn.

Ông Flynn sau đó nói với các quan chức Tòa Bạch Ốc rằng ông có thể đã thảo luận về những biện pháp chế tài đó.

Trước khi ông Flynn từ chức tin tức cho hay Bộ Tư pháp đã cảnh báo chính quyền Trump về những liên lạc của ông Flynn với Nga.

Những nguồn tin nắm rõ tình hình cho báo The Washington Post và The New York Times biết rằng Bộ Tư pháp đã nói với chính quyền rằng những gì Tòa Bạch Ốc đang nói công khai về những liên lạc của ông Flynn và sự thật về chuyện gì đã xảy ra là không trùng khớp.

Một người nói rằng Bộ Tư pháp lo ngại ông Flynn có thể lâm vào thế bị phơi bày bí mật.

Một quan chức chính quyền Trump nói rằng Tòa Bạch Ốc đã biết về cảnh báo này của Bộ Tư pháp từ "mấy tuần nay." Quan chức này không nói liệu Tổng thống có được báo cáo về vấn đề này hay không.
nguyenvsau
Posts: 1134
Joined: Thu Jul 08, 2010 11:25 pm
Contact:

Post by nguyenvsau »

TT Trump bắt đầu ‘nếm’ thực tế
trong chính sách đối ngoại


Image
Tổng Thống Donald Trump.
(Hình: Mark Wilson/Getty Images)

Người ta đã có thể bắt đầu hiểu rõ hơn về chính sách đối ngoại của Tổng Thống Donald Trump sau hơn hai tuần nhậm chức, và chắc chắn là không giống như dự đoán qua những gì ông từng nói trước kia.

Sụ kiện đó là tự nhiên, vì từ trước đến nay, tầm nhìn của tất cả các tổng thống Mỹ khi vào Tòa Bạch Ốc đều khác những gì nghĩ hay nói trong thời gian tranh cử. Ông Trump không thoát ra ngoài quy luật ấy, thể hiện bằng sự sửa đổi và uyển chuyển trong một số chủ trương đối ngoại.

Thoạt đầu, hành động để chứng tỏ ý chí chuyển đổi hoàn toàn thực trạng và trật tự nước Mỹ, như lời hứa khi tranh cử, ông Trump đã có một số quyết định cùng hành động gây ra rắc rối hơn là đạt tới kết quả. Đó là vụ tổng thống Mexico hủy bỏ chuyến thăm Tòa Bạch Ốc đã dự định và sắc lệnh hạn chế nhập cảnh Mỹ bị tòa kháng án phán quyết tạm ngưng thi hành.

Qua tuần lễ thứ nhì, Tổng Thống Trump có những thay đổi trong chính sách ngoại giao. Dấu hiệu quan trọng nhất về sự rời khỏi chủ trương cô lập hóa và cứng rắn là việc ông Trump đấu dịu với ông Tập Cận Bình và khẳng định Mỹ duy trì chính sách “Một Trung Quốc.”

Một tín hiệu đáng chú ý khác là ông Trump cũng thay đổi thái độ đối với Israel. Ban đầu, ông tỏ ra là người mạnh mẽ bênh vực Thủ Tướng Benjamin Netanyahu trong các vấn đề thành lập những khu định cư của dân Do Thái và chuyển tòa đại sứ Mỹ về Jerusalem.

Nhưng bây giờ, ông Trump nhắc nhở Israel là việc phát triển những khu định cư “không đóng góp cho tiến trình hòa bình.” Ông cùng các cố vấn quan tâm đến ý kiến của các nhà lãnh đạo Ả Rập như Jordan, Saudi Arabia, và có vẻ quay trở về đường lối của các tổng thống tiền nhiệm từ Bill Clinton qua George W. Bush đến Barack Obama.

Không như lời ông Trump đã tuyên bố trong thời gian tranh cử là sẽ xóa bỏ thỏa hiệp nguyên tử mà chính quyền Obama và các cường quốc đã ký kết với Iran, các cố vấn Tòa Bạch Ốc nói với bà Federica Mogherini, phó chủ tịch kiêm ủy viên đối ngoại/an ninh Liên Âu, là Mỹ có thể vẫn hoàn toàn tôn trọng thỏa hiệp.

Những cuộc hội đàm của ông Trump với Thủ Tướng Shinzo Abe của Nhật và Thủ Tướng Justin Trudeau của Canada cũng cho thấy ông Trump hiểu rằng nước Mỹ ở trong thế cần đến các đồng minh, chứ không dễ dàng đòi hỏi Âu Châu và Nhật “phải chịu chia phí tổn nếu muốn duy trì các hiệp ước liên phòng thủ.”

Khi chưa nhậm chức, hồi Tháng Mười Hai năm ngoái, cuộc điện đàm giữa ông Donald Trump và bà Thái Anh Văn, tổng thống Đài Loan, gây sôi nổi trong dư luận thế giới. Người ta dự đoán Mỹ thay đổi chính sách, cúng rắn với Trung Quốc và thậm chí có thể sẵn sàng đi đến chiến tranh như sự mong đợi của một số phần tử diều hâu hiếu chiến. Tất cả những suy đoán ấy hầu như đã bỏ qua thực tế về vai trò của Trung Quốc đối với nước Mỹ trong mối quan hệ chính trị, kinh tế và quốc tế.

Cuộc điện đàm hôm Thứ Năm tuần trước do Tổng Thống Donald Trump chủ động gọi cho Chủ Tịch Tập Cận Bình đã xóa tan lập luận hoang tưởng về thế đối đầu giữa hai cường quốc. Ông Jared Kushner, chồng cô Ivanka Trump, con rể của Tổng Thống Trump, và cũng là cố vấn của ông, là người đã dàn xếp chuyện này, sau khi đến gặp Đại Sứ Thôi Thiên Khải tại tòa đại sứ Trung Quốc ở Washington, DC. Ông Trump khẳng định với ông Tập là nước Mỹ tôn trọng chính sách “Một Trung Quốc” đã thi hành từ 48 năm qua.

Không nên lầm lẫn “chính sách Một Trung Quốc” và “nguyên tắc Một Trung Quốc” của chính quyền Cộng Sản. Theo Bắc Kinh, Trung Quốc là một đất nước thống nhất về lãnh thổ bao gồm lục địa, đảo Đài Loan chỉ là một tỉnh còn do “những phần tử phản động” kiểm soát từ năm 1949. Họ không bao giờ thừa nhận nhà cầm quyền Đài Loan là một chính phủ.

Về mặt công pháp quốc tế và ngoại giao, các quốc gia trên thế giới chỉ công nhận có một chính quyền hợp pháp của Trung Quốc – hoặc là chính quyền ở Bắc Kinh của Cộng Sản hoặc là chính quyền ở Đài Bắc của Đài Loan. Từ thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, Mỹ chỉ công nhận chính quyền Đài Loan, không công nhận chính quyền Cộng Sản, và bằng quyền phủ quyết ở Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, ngăn cản không cho Trung Quốc trở thành thành viên Liên Hiệp Quốc.

Chính quyền Tổng Thống Richard Nixon ký kết thông cáo chung Thượng Hải năm 1972, nhìn nhận Đài Loan là một phần của Trung Quốc, nhưng không thay đổi chính sách. Tới năm 1979, Tổng Thống Jimmy Carter cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan và chỉ công nhận một nước là Trung Quốc.

Chính sách ấy có nhiều điểm mập mờ, tuy nhiên, được minh định rằng Đài Loan không là một quốc gia có chủ quyền, Trung Quốc không có chủ quyền ở Đài Loan, và Mỹ “thừa nhận” chính sách “Một Trung Quốc” đối với cả hai phía bên eo biển Đài Loan. Do Mỹ chỉ bang giao chính thức với Bắc Kinh nên không có tòa đại sứ ở Đài Loan, liên lạc ngoại giao với đảo quốc này chỉ là qua các phái bộ liên lạc.

Sau cuộc điện đàm với bà Thái Anh Văn, Tổng Thống Tân Cử Donald Trump lúc đó nói là “sẽ thương thuyết về vấn đề Trung Quốc và Đài Loan.” Tuy nhiên, sau khi Trung Quốc khẳng định là sẽ không có thương lượng nào về bất cứ vấn đề gì với Mỹ, nếu Mỹ không tôn trọng điều kiện tiên quyết về chính sách “Một Trung Quốc,” Tổng Thống Trump đã phải đồng ý chấp nhận đấu dịu.

Sự chấp nhận ấy không có nghĩa là chính sách bang giao với Trung Quốc đã được minh định. Còn rất nhiều vấn đề mà Mỹ cần giải quyết với Trung Quốc, bao gồm từ vấn đề kinh tế, tiền tệ, mậu dịch đến chuyện Bắc Hàn, Biển Đông.

Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là Mỹ hay Trung Quốc đều không thể có một lập trường cứng nhắc định sẵn khi phải đối diện với thực tế.



Hà Tường Cát/Người Việt (tổng hợp)
February 14, 2017
vuongquan
Posts: 270
Joined: Mon Mar 14, 2016 4:15 pm
Contact:

Post by vuongquan »

Image

Chất thải Formosa, chất thải Hồ Chí Minh và con người Việt Nam

Vũ Đông Hà
(Danlambao) - Không dẹp bỏ được chất thải Formosa thì đừng mong dẹp được chất thải Hồ Chí Minh. Cùng lúc, nếu không diệt trừ được chất thải Hồ Chí Minh thì sẽ không bao giờ chấm dứt được hậu họa của các loại chất thải Formosa.

*
Hơn 1000 người tay không chân đất đi suốt con đường Nghệ An-Hà Tĩnh là biểu tượng của khát vọng công lý. Với rừng cờ ngũ sắc trên tay, khẩu hiệu bảo vệ môi trường giương cao, người dân Quỳnh Ngọc, Sơn Hải và Quỳnh Thọ là hình ảnh của những con cá nhất định không chấp nhận số phận sẽ nằm phơi bụng trắng hếu chết trên bờ mà cương quyết bám Nước, vượt vũ môn để hóa rồng.

Họ xuống đường để đứng lên tranh đấu, không những cho quyền lợi chính đáng của họ, mà còn cho toàn thể hơn 90 triệu người dân khác.

Hơn 90 triệu người dân khác nghĩ gì, làm gì, sống ra sao?

Họ nghĩ rằng cuộc sống của họ sẽ luôn luôn tốt đẹp khi các quan chức cầm quyền tuyên bố cá an toàn, biển đã tự sạch? Họ nghĩ rằng những dòng sông luân lưu khắp nơi trên đất nước này vẫn sạch sẽ để nước uống, bữa ăn hàng ngày của họ là không nhiễm độc?

Họ nghĩ rằng thảm họa Formosa đã chấm dứt với số tiền bồi thường 500 triệu đô, với những hứa hẹn của quan chức cộng sản trong việc giải quyết bồi thường và đây chỉ là chuyện của những nạn nhân 4 tỉnh ven biển miền Trung?

Họ nghĩ rằng nếu thật sự Formosa là hiểm họa thì chỉ cần ngồi yên để hưởng thành quả - nếu những người dân kia đứng lên thành công thì thành quả này là thành quả chung; nhưng thất bại và bị đàn áp thì đó là hậu quả dành riêng cho những kẻ không biết "khôn thì sống, dại thì chết"... như ta?

Và họ nếu có quan tâm đủ thì lên mạng viết vài lời khích lệ, làm khán giả vỗ tay hoan hô, hoặc phê bình cách thức tranh đấu chưa đủ mạnh vì thiếu súng ống, gậy gộc... trong khi họ đang ngồi rung đùi, không phải ở một xứ sở xa xôi nào đó, mà ngay trên mảnh đất khốn khổ này?

Ô nhiễm Formosa đã làm hàng trăm ngàn con cá chết. Và chỉ mới xảy ra trong thời gian ngắn. Nhưng chất thải Hồ Chí Minh, chất thải cộng sản được công khai tuôn xả từ ống cống Ba Đình kể từ ngày Hồ Tập Chương khoác áo Hồ Chí Minh cướp chính quyền đã làm cho hàng triệu triệu con người Việt Nam đang sống nhưng như những kẻ chết. Sống trong vô cảm, sống trong thờ ơ, sống trong hèn nhát và sống trong sự tự hủy hoại lương tâm và phẩm giá con người. Hồ Chí Minh, đảng CSVN chính là một loại Formosa xả thải tàn độc gấp ngàn lần những độc tố Phenol, Cyanua, Hydroxit đang lan tràn trên đất, dưới biển, dọc các sông ngòi của đất nước Việt Nam. Chất thải Hồ Chí Minh / CSVN đã và đang lan tràn trên từng tế bào, từng dòng máu, từng ngũ tạng của nhiều thế hệ Việt Nam, được truyền đời từ thế hệ ông bà, đến cha mẹ, đến con cái để con người Việt Nam đa phần nhiễm một chứng bệnh mãn tính: hèn.

Ngày 14 tháng 02 năm 2017, người ta lại chứng kiến hình ảnh máu me, bầm dập của những người dân tay không tấc sắt bị tập đoàn công an còn đảng còn mình thẳng tay đàn áp. Những hình ảnh đó đã trở thành chứng nhân lịch sử cho sự tàn bạo của bạo quyền. Đó là tiếp nối hình ảnh của Trần Thúy Nga, Nguyễn Hoàng Vi, Nguyễn Chí Tuyến, Gió Lang Thang, Lã Việt Dũng, Phạm Thanh Nghiên, Nguyễn Hồ Nhật Thành, Trương Văn Dũng, Trần Minh Nhật, Chu Mạnh Sơn, Lê Đình Lượng, Đinh Quang Tuyến, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trương Minh Đức, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Bắc Truyển, LS Lê văn Luân, LS Trần Thu Nam, Trịnh Bá Tư, Trần Bang, Đỗ Đức Hợp, Trần Văn Thắng, Hoàng Mỹ Uyên, Lê Sỹ Bình, Mai Phú Sang, Đinh Đức Long, Đào Nguyên Anh, Huỳnh Thành Phát, Nguyễn Thị Thái Lai, Nguyễn Công Huân, Mục sư Nguyễn Hồng Quang, Linh mục Đặng Hữu Nam, Linh mục Nguyễn Quang Thế, Mai Thị Dung, Trần Ngọc Anh... và rất nhiều người khác. Tội ác của cộng sản không mới, nó chỉ làm dày thêm bản cáo trạng tội ác nghìn chương kéo dài từ ngày Hồ Tập Chương theo lệnh Mao Trạch Đông vượt biên giới để biến VN thành một thứ bên kia biên giới là nhà, bên này biến giới cũng là quê hương của Tàu. Và những người dân Việt bây giờ - mới nhất là những người dân Nghệ An - những giọt máu chảy xuống trên thân thể họ chính là những giọt mực viết tiếp, làm đầy bản cáo trạng tội ác cộng sản.

Lịch sử sẽ ghi công họ. Sẽ ghi công những người thiểu số hôm nay đã chấp nhận những đau đớn, mất mát của riêng mình mà đứng lên tranh đấu. Khoan nói đến những thành quả sau cùng là xóa bỏ độc tài, bất công mà chỉ ngay thành quả trước mắt: ít ra họ chứng tỏ rằng dân tộc vốn có truyền thống bất khuất của hơn 4000 năm lịch sử này còn có những người can đảm. Nếu không thì khó mà phản biện được nếu một người ngoại quốc nào đó phán một câu rằng: toàn thể con người Việt Nam ngày hôm nay chỉ là những con người hèn nhát. Những người đứng lên ngày hôm nay - họ chính là danh dự của dân tộc Việt Nam.

Không dẹp bỏ được chất thải Formosa thì đừng mong dẹp được chất thải Hồ Chí Minh. Cùng lúc, nếu không diệt trừ được chất thải Hồ Chí Minh thì sẽ không bao giờ chấm dứt được hậu họa của các loại chất thải Formosa.

15.02.2017
Vũ Đông Hà
Post Reply

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 0 guests