Thời Sự, Bình Luân

thienthanh
Posts: 3384
Joined: Thu Jun 07, 2007 4:14 pm
Contact:

Post by thienthanh »

Dân Mỹ chờ gì ở tân chính quyền Donald Trump?
November 10, 2016

Image
Ông Donald Trump cùng vợ (trái) đến thăm Quốc Hội hôm Thứ Năm. Bên phải là Thượng Nghị Sĩ Mitch McConnell. (Hình: AP Photo/Alex Brandon)
Hà Tường Cát/Người Việt (tổng hợp)

Không nghi ngờ là nhiều chính sách và quy định của chính quyền Tổng Thống Barack Obama sẽ bị bãi bỏ, thu hồi, hay sửa đổi. Những điều ấy không thể xảy ra “ngay ngày đầu ông Donald Trump vào Tòa Bạch Ốc,” như cách nói trong khi vận động tranh cử. Nhưng chắc chắn người ta có thể chờ đợi một số những chính sách ưu tiên sẽ được thi hành.


Kế hoạch “100 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ Tổng Thống Donald Trump” công bố trên trang mạng DonaldTrump.com gồm những điểm chính sau đây:

Ông Trump sẽ thực hiện lời cam kết “Make America Great Again” (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại) bằng cách “tái tạo sự thịnh vượng kinh tế, an ninh cho xã hội Mỹ và tính chân thật của chính quyền.”

Nhằm tẩy rửa tình trạng thối nát và tệ nạn câu kết thông đồng với giới đặc quyền đặc lợi ở Washington, DC, sáu biện pháp được đề ra trong đó có đề nghị tu chính Hiến Pháp để quy định giới hạn số nhiệm kỳ của tất cả các thành viên Quốc Hội, tạm ngưng tuyển dụng thêm công nhân viên chức liên bang, giảm 2/3 số quy định mới và hạn chế hoạt động vận động hậu trường (lobbying) của các giới chức Tòa Bạch Ốc và Quốc Hội sau khi rời khỏi chức vụ.

Nhiều trong số các biện pháp ấy có thể được dễ dàng đưa ra, hay đề nghị, trong 100 ngày đầu. Nhưng để thi hành hay có hiệu lực áp dụng không hẳn là thuộc thẩm quyền của tổng thống, và phải có một thời gian dài mới có thể có tác dụng thực tế.

Ông Donald Trump cũng đề ra bảy hành động nhằm bảo vệ công nhân Mỹ trong đó có việc thương lượng lại hoặc rút khỏi Thỏa Hiệp Tự Do Mậu Dịch Bắc Mỹ (NAFTA), rút khỏi Hiệp Ðịnh Ðối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), đối phó với chính sách tiền tệ của Trung Quốc, hủy bỏ lệnh hạn chế khai thác dầu khí trong nước Mỹ, cho phép thực hiện đường dẫn dầu Keystone Pipeline, và không trả hàng tỷ đô la cam kết cho chương trình Liên Hiệp Quốc phòng chống thay đổi khí hậu qua Hiệp Ðịnh Paris năm ngoái.

Tất cả những kế hoạch này cũng không thể đơn giản thi hành được và có ngay hiệu quả, cần phải một thời gian rất dài để thương lượng dàn xếp mới đạt tới.

Vậy thì sẽ chưa thể vui cũng như không nên lo lắng về ảnh hưởng của những thay đổi mà ông Trump sẽ đem lại cho dân chúng Mỹ. Ông sẽ chỉ chính thức thành tổng thống vào ngày 20 Tháng Giêng, 2017, và không phải chỉ trong 100 ngày đầu mà ngay cả bốn năm của nhiệm kỳ cũng chưa thực hiện đủ những điều hứa hẹn, với giả định là ông tuyệt đối tôn trọng mọi lời cam kết.

Có một số thay đổi mà người ta tin rằng sẽ được thi hành hay bắt đầu được thi hành. Ðó là việc hủy bỏ những sắc lệnh hành pháp mà Tổng Thống Obama đã ban hành, và sẽ đưa ra một số biện pháp nào đó về di dân bất hợp pháp. Những việc ấy sẽ như thế nào, và khi nào thực hiện, chúng ta chưa được biết. Ngoài ra, nên hiểu rằng đây mới chỉ là những kế hoạch được đề ra, chưa phải là chính sách do tân Tổng Thống Donald Trump công bố.

Nhưng thay đổi mà nhiều người quan tâm nhất, và chắc chắn sẽ bắt đầu được thi hành ngay, là liên quan đến đạo luật cải tổ y tế ACA, quen gọi Obamacare. Kế hoạch 100 ngày đầu tiên ở Tòa Bạch Ốc của ông Trump chính thức khẳng định thu hồi và thay thế toàn bộ Obamcare bằng “Health Savings Accounts” cho phép mua bảo hiểm y tế từ những công ty ngoài tiểu bang và để cho tiểu bang quản lý chương trình Medicaid, bảo hiểm y tế cho dân nghèo. Thêm nữa, sẽ giải tỏa những hạn chế của FDA (Cơ Quan Dược Phẩm Liên Bang) để 4,000 loại thuốc còn bị ngăn chặn, một số sớm được cấp phép cho dân chúng sử dụng.

Hai nhà lãnh đạo Cộng Hòa tại lưỡng viện Quốc Hội, Thượng Nghị Sĩ Mitch McConnell và Dân Biểu Paul Ryan, trong các cuộc họp báo hôm Thứ Tư đã xác định thu hồi đạo luật Obamacare là ưu tiên hàng đầu bây giờ. Ðiều này không có gì ngạc nhiên vì đó là mong muốn từ lâu của đảng Cộng Hòa. Hạ Viện hơn 50 lần biểu quyết dự luật thu hồi ACA nhưng không đi được xa hơn, và Thượng Viện hồi đầu năm nay đã thông qua một dự luật như thế nhưng không có kết quả.

Bây giờ, khi cả hành pháp và lập pháp trong tay mình, đảng Cộng Hòa có đủ điều kiện thuận lợi để tiến tới mục tiêu ấy. Nhưng còn hơn 20 triệu dân đã tham gia vào chương trình ACA thì sẽ như thế nào, đẩy họ trở lại tình trạng không có bảo hiểm y tế? Phải có biện pháp khác. Các lãnh đạo Cộng Hòa từng đề nghị những kế hoạch thay thế và ông Trump cũng vậy. Sẽ còn rất nhiều phức tạp để chọn lựa và đồng ý một kế hoạch mới. Tất nhiên, ACA chưa hoàn hảo nhưng qua nhiều chục năm mới đạt tới đạo luật ấy.



Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Sáu, ngày 11 tháng 11 năm 2016

Có thể nói những hành động dự tính của tân tổng thống là kế hoạch đầy tham vọng, khi được thực hiện sẽ đem đến nhiều điều tốt đẹp cho dân Mỹ và tất nhiên không loại trừ khả năng một số không ít người sẽ phải chịu thiệt thòi. Như đã đề cập, trong tất cả những sự thay đổi này đều có rất nhiều khó khăn, trở ngại, và không thể chờ đợi sẽ xảy ra trong một sớm một chiều. Phải cần thời gian để được thực hiện và cũng phải có thời gian mới có thể nhận định về tác dụng của chúng.

Chúng ta chỉ có thể phân tích, bàn luận về từng vấn đề vào từng tình huống và thời điểm thích ứng.

Trong không khí còn vương vất những tình cảm buồn vui, phẫn nộ hay phấn khởi của tất cả mọi người từ cuộc bầu cử vừa qua, sự phân tích các vấn đề ấy, và rất nhiều chuyện liên hệ khác, vào lúc này sẽ chưa thể nào khách quan và trung thưc.
thienthanh
Posts: 3384
Joined: Thu Jun 07, 2007 4:14 pm
Contact:

Post by thienthanh »

Nato cảnh báo ông Trump về 'lựa chọn đơn phương'
13 tháng 11 2016

Image
Tổng thư ký Nato Jens Stoltenberg cảnh báo ông Donald Trump về chính sách đơn phương 'đi một mình một đường'
của Tổng thống đắc cử Mỹ đối với khối liên minh quân sự này.
Tổng thư ký Nato Jens Stoltenberg cảnh báo tân Tổng thống đắc cử Donald Trump của Mỹ rằng "đi riêng một mình" không phải là một lựa chọn cho cả châu Âu lẫn Hoa Kỳ.


Ông nói phương Tây đang phải đối mặt với thách thức an ninh lớn nhất trong một thế hệ.

Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump mô tả liên minh quân sự phương Tây Nato là lỗi thời.


Đi một mình không phải là một lựa chọn, cho cả châu Âu lẫn Hoa Kỳ. Chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức lớn nhất về an ninh trong một thế hệ
Tổng thư ký Nato Jens Stoltenberg

Ông đề nghị rằng Hoa Kỳ nên suy nghĩ lại về việc trợ giúp bất kỳ đồng minh nào trong Nato bị tấn công nếu đồng minh đó không thanh toán (trả tiền) cho các nghĩ vụ (tài chính).

Viết trên tờ The Observer của Anh, ông Stoltenberg thừa nhận rằng ông Trump đã nêu ra được một điểm về việc một số thành viên (của Nato) cần có những đóng góp tài chính lớn hơn, khi mà Mỹ hiện chi trả cho gần 70% chi tiêu của Nato.

Nhưng ông nói thêm rằng các nhà lãnh đạo Mỹ đã luôn luôn công nhận rằng họ có một lợi ích chiến lược sâu sắc trong một châu Âu ổn định và an toàn.

"Thật là quá dễ dãi khi cho rằng việc chúng ta đang hưởng thụ tự do, an ninh và thịnh vượng là một điều hiển nhiên."

Nato rút quân khỏi biên giới Nga?
Image
Một phát ngôn viên của Tổng thống Nga Putin hôm 11/11 nói rằng ông Trump có thể giúp 'xây dựng lòng tin với Nga bằng cách thuyết phục Nato rút quân khỏi các biên giới với Nga'

Cựu thủ tướng Na Uy viết:

"Trong những thời điểm bất chắc này, chúng ta cần một nền lãnh đạo mạnh mẽ của Mỹ và châu Âu cũng cần ghé vai san sẻ trách nhiệm và gánh nặng."

"Đi một mình không phải là một lựa chọn, cho cả châu Âu lẫn Hoa Kỳ.

"Chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức lớn nhất về an ninh trong một thế hệ. Đây không phải là lúc đặt câu hỏi về giá trị của quan hệ đối tác giữa châu Âu và Hoa Kỳ."


Ông Trump có thể giúp xây dựng lòng tin với Nga bằng cách thuyết phục Nato rút quân khỏi các biên giới với Nga
Phát ngôn viên của Tổng thống Putin

Cuộc tấn công 11/9 vào nước Mỹ, ông Stoltenberg chỉ ra, là lần duy nhất mà Nato đã viện dẫn điều khoản tự vệ của mình vốn yêu cầu tất cả các thành viên trợ giúp một thành viên bị tấn công.

"Điều đó còn nhiều hơn là một biểu tượng đơn thuần. Nato đã đảm trách các chiến dịch tại Afghanistan. Hàng trăm ngàn binh sĩ châu Âu đã phục vụ tại Afghanistan kể từ.

"Và hơn 1.000 người đã phải trả giá cao nhất trong một chiến dịch là một phản ứng trực tiếp đối lại với cuộc tấn công nhắm vào Hoa Kỳ."

Phóng viên BBC Paul Adams ở Washington nói rằng những gì mà một số người, có lúc còn coi là những 'mơ màng' về một ứng cử viên không dự kiến đã giành chiến thắng, nay đang được xem gần như một mối đe dọa được đặt ra với sự tồn tại của khối liên minh.

Ông nói thêm rằng sự ngưỡng mộ rõ ràng của ông Trump đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin làm sâu sắc thêm điều quan ngại đó.

Vào ngày thứ Sáu, một phát ngôn viên của Tổng thống Putin nói rằng ông Trump có thể giúp xây dựng lòng tin với Nga bằng cách thuyết phục Nato rút quân khỏi các biên giới với Nga.
tranphuongdong
Posts: 524
Joined: Wed May 30, 2007 2:08 am
Contact:

Post by tranphuongdong »


Ai sẽ ở trong nội các của ông Trump?

November 17, 2016

Nguyễn Văn Khanh
Những ai đã được mời và những ai hy vọng sẽ được mời vào trong nội các chính phủ của tổng thống đắc cử Donald Trump? Câu trả lời đúng nhất: chưa biết, cho dù đồn đãi thì rất nhiều, nghe đâu danh sách cũng rất dài.

Mười ngày sau khi ông Trump đắc cử, tin đồn chính trị cho thấy có rất nhiều người được ban tham mưu của vị tổng thống đắc cử nhắm tới cho những vai trò khác nhau, nhưng đến chiều Thứ Năm, 17 Tháng Mười Một, vẫn chưa có công bố chính thức, đẩy mọi người tới chỗ phải chờ đợi xem ông Trump sẽ chọn những ai, đặc biệt là những vai trò quan trọng, như các bộ trưởng ngoại giao, quốc phòng, tư pháp, hoặc tài chánh.

Tin duy nhất được xác nhận là tin ông Trump gặp ông phó Mike Pence để “bàn chuyện” trước khi công bố danh tánh những người được chọn, đi kèm theo tin vị tổng thống tương lai của nước Mỹ “chưa vội thông báo ngay lúc này, sẵn sàng đợi đến đầu tuần tới khi Tổng Thống Barack Obama về lại Washington, DC.” Tại sao ông Obama của đảng Dân Chủ lại dính dáng đến chuyện của vị tổng thống đắc cử Cộng Hòa? Xin thưa: giới thạo tin nói rằng theo đề nghị của ông Chánh Văn Phòng Reince Prebius, “chỉ nên công bố danh sách tân chính phủ sau khi ông Obama hoàn tất chuyến công du cuối cùng,” để vị tổng thống đương nhiệm không phải trả lời các câu hỏi của báo chí về người được ông Trump bổ nhiệm.

Một lời đồn khác cũng được giới thạo tin tại Washington, DC đưa ra, cho biết danh sách những người được chọn “sẽ được công bố vào đầu Tháng Mười Hai,” sau khi người dân Hoa Kỳ cùng gia đình nghỉ Lễ Tạ Ơn (Thanksgiving). Khi được hỏi về chuyện này, bà sếp ban tham mưu tranh cử Kellyanne Conway cũng trả lời nước đôi, bảo rằng “có thể danh sách sẽ được công bố trước Thanksgiving, cũng có thể sẽ được loan báo sau Thanksgiving.”

Chưa rõ bao giờ ông Trump mới công bố danh tánh những người được chọn, chỉ thấy đồn đãi về những nhân vật có triển vọng tham gia chính quyền ngày một nhiều và một sôi nổi hơn. Dẫn đầu vẫn là ông cựu Thị Trưởng New York Rudy Giuliani, người hùng của nước Mỹ sau biến cố 11 Tháng Chín, 2011. Từng làm việc ở Bộ Tư Pháp, ông Giuliani hãnh diện nói “không ai biết Bộ Tư Pháp bằng tôi,” khiến mọi người nghĩ ông muốn về điều khiển bộ này, nhưng một hai ngày qua lại có tin cho biết ông đang trên đường trở thành ngoại trưởng, thực hiện chính sách ngoại giao của Tổng Thống Trump.

Thứ Hai vừa rồi, khi có mặt tại Washington, DC tham dự buổi nói chuyện do nhật báo The Wall Street Journal tổ chức, ông Giuliani khéo léo ủng hộ một chính trị gia bảo thủ cũng đứng trong danh sách ứng viên cho chức vụ này là ông John Bolton, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, nói rằng chọn ông này là “điều hợp lý,” nhưng khi được hỏi có thấy ai sáng giá hơn không, ông nói nửa đùa nửa thật “có thể (người sáng giá hơn ông Bolton) là tôi.” Nhưng đến tối Thứ Tư, lại có tin nói bà Thống Ðốc Nikki Haley của tiểu bang South Carolina sẽ là nữ ngoại trưởng, sáng sớm Thứ Năm lại có tin nói ông Trump muốn giao vai trò quan trọng này cho ông Mitt Romney.

Ngoài những nhân vật vừa nêu trên, còn có ít nhất hai người khác cũng được báo chí nêu tên, gồm ông Henry Paulson, cựu bộ trưởng tài chánh, và ông Richard Amitage, cựu thứ trưởng ngoại giao. Ðồn đãi chính trị cho rằng ông Amitage “không sáng lắm” tức chẳng có nhiều hy vọng, còn ông Paulson “có nhiều triển vọng trở lại vị trí tổng trưởng tài chánh.” Tin này được tung ra hồi sáng Thứ Ba, đến buổi trưa thì… tắt ngúm, sau khi tỷ phú Carl Icahn gửi tin nhắn qua mạng xã hội, báo tin “đã nói chuyện trực tiếp với ông Trump, được (ông Trump) báo là đang tính chuyện chọn ông Steven Mnuchin làm sếp Bộ Tài Chánh.”
Image
Ông Mitt Romney có thể là ngoại trưởng dưới thời chính quyền Donald Trump. (Hình: Justin Sullivan/Getty Images)

Ông Steve Mnuchin là ai? Xin thưa: ông từng làm việc với đại tổ hợp tài chánh Goldman Sachs trước khi làm trưởng ban vận động tài chánh cho ứng cử viên Trump. Ngoài nhiệm vụ “tay hòm chìa khóa” giúp ông Trump tranh cử, ông Mnuchin còn là người soạn thảo kế hoạch kinh tế, cũng là người thúc đẩy ông Trump phải “đánh thật mạnh, phải nhắc đi nhắc lại với cử tri rằng chỉ có mình Trump mới đưa kinh tế nước Mỹ trở lại thời thịnh vượng, chỉ có mình Trump mới lấy lại công ăn việc làm cho công nhân Hoa Kỳ.”

Cũng phải nói thêm trong tin nhắn qua mạng, ông tỷ phú Icahn còn tiết lộ người nhiều triển vọng giữ chức bộ trưởng thương mại là ông Wilbur Ross, một nhà đầu tư nổi tiếng trong giới sinh hoạt tài chánh, cũng đi sát với ông Trump ngay từ lúc đầu. Ngoài ra, ông Dan DiMicco, chủ tịch công ty thép Nucor Corp., được nói sẽ giữ vai trò đại diện thương mại Hoa Kỳ (US Trade Representative). Ông DiMicco không được nhiều người biết đến dù là cố vấn chuyên trách mậu dịch cho ứng cử viên Donald Trump, nghe đâu ông chính là người đưa ý kiến xếp Trung Quốc trong danh sách những quốc gia “cố ý hạ giá đồng tiền để trục lợi khi xuất cảng hàng sang Mỹ,” sau đó sẽ đánh mức thuế nhập cảng tới 45% trên các mặt hàng Trung Quốc sản xuất bán sang Mỹ.

Vẫn theo đồn đoán, chức bộ trưởng quốc phòng sẽ được trao cho Thượng Nghị Sĩ Jeff Sessions (Cộng Hòa-Alabama), người đầu tiên trong Thượng Viện lên tiếng ủng hộ ông Trump đồng thời cũng là thành viên trong ban cố vấn đặc trách về đối ngoại. Một vài ngày gần đây, lại có tin cho hay ông Stephen Hadley, cựu cố vấn an ninh quốc gia thời Tổng Thống George W. Bush, cũng là ứng cử viên cho chức vụ này, cùng với cựu Thượng Nghị Sĩ Jim Talent nổi tiếng của nhóm dân cử bảo thủ cứng rắn.

Bên cạnh những người đang trông chờ được tuyển chọn là những người đã lên tiếng cho hay sẽ từ chối nếu được mời. Ðứng trong danh sách này có ông Ben Carson, đầu năm nay từng là đối thủ chính trị của ông Trump trước khi quay sang ủng hộ vị tổng thống đắc cử. Ông Benson được dự đoán sẽ điều hành Bộ Y Tế hoặc Bộ Giáo Dục, nhưng theo lời ông “tôi tin rằng nếu đứng ngoài chính phủ, tôi có thể giúp Tổng Thống Trump nhiều hơn.” Cũng với lời phát biểu tương tự, ông Newt Gingrich, cựu chủ tịch Hạ Viện, cho tờ Politico biết sẽ không tham gia chính phủ “chỉ muốn giữ vai trò cố vấn,” đóng góp ý kiến cho Tổng Thống Trump và các quan chức chính quyền.

Sôi nổi nhất trong số những nhân vật “chưa kịp lên nhưng… đã xuống” là trường hợp của cựu Dân Biểu Mike Rogers, thành viên ủy ban tuyển chọn người tham gia chính phủ, đồng thời cũng là nhân vật sáng giá cho cả chức bộ trưởng nội an hoặc chức giám đốc CIA.

Trưa Thứ Ba vừa rồi ông Rogers bất ngờ loan báo từ chức, không đầy nửa giờ đồng hồ sau khi truyền thông khắp nơi đưa tin ông bị loại chỉ vì chuyện “đấu đá nội bộ.” Ông bị người trong gia đình Trump ghét bỏ vì có liên hệ thân tình với Thống Ðốc Chris Christie, người cũng vừa bị giáng chức, từ vị trí chủ tịch ủy ban tuyển chọn xuống làm phó chủ tịch.

Tin cho hay người đòi giáng chức ông Christie và đẩy ông Mike Rogers khỏi ủy ban là Jared Kushner, con rể của ông Trump. Một trong những lý do được nói tới: khi còn là công tố liên bang, ông Chris Christie đã thực hiện cuộc điều tra đưa thân phụ của anh Jared Kushner vào tù về tội trốn thuế, do đó cậu con rể đầy quyền uy của vị tổng thống tương lai có ác cảm với ông là điều chẳng ai ngạc nhiên, và chuyện cậu tìm cách giáng chức người đã hại cha cậu và đẩy lui những người thân tình với “kẻ thù” là điều được đoán trước sẽ xảy ra.

Anh Jared Kushner sẽ giữ vai trò gì trong chính phủ Donald Trump cũng là điều mọi người đang thắc mắc. Tuần trước khi ông Trump đến Washington, DC gặp Tổng Thống Barack Obama, cùng một lúc Tòa Bạch Ốc có ba cuộc gặp gỡ, thứ nhất là cuộc gặp giữa vị tổng thống đương nhiệm và người sẽ kế nhiệm, thứ nhì là buổi gặp gỡ giữa Ðệ Nhất Phu Nhân Michelle Obama và bà Melania Trump, đệ nhất phu nhân tương lai của nước Mỹ, cuộc gặp thứ ba là buổi gặp gỡ giữa ông chánh văn phòng Denis McDonough và anh Jared Kushner. “Ðiều đó,” theo một viên chức đang làm việc tại Tòa Bạch Ốc, “xác nhận Jared là người được ông Trump tin cậy nhất, là cánh tay mặt, là tai mắt của ông.”

Nhận xét đó có lẽ đúng.

Tối Thứ Tư vừa qua, đài truyền hình NBC đưa tin nói ông Trump muốn cậu con rể có mặt với ông để nghe viên chức an ninh tình báo liên bang trình bày những tin quan trọng nhất trong ngày, tựa như bản báo cáo nói về tình hình Hoa Kỳ và thế giới mà Tổng Thống Barack Obama và Phó Tổng Thống Joseph Biden được nghe mỗi buổi sáng. Theo NBC, ngoài cậu con rể tháp tùng, ông Trump còn muốn có sự hiện diện của cựu Trung Tướng Michael Flynn, người sẽ đảm nhận vai trò cố vấn an ninh quốc gia.
vuongquan
Posts: 270
Joined: Mon Mar 14, 2016 4:15 pm
Contact:

Post by vuongquan »

Ông Trump tuyên bố bỏ TPP ngay ngày đầu làm Tổng thống
22.11.2016

Trà Mi-VOA

Image
Tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump

Tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump ngày 21/11 công bố video đề ra những việc sẽ làm ngay ngày đầu tiên nhậm chức vào Tòa Bạch Ốc, trong đó có việc rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP mà chính quyền Tổng thống Barack Obama khởi xướng và dày công vun đắp.

Trong danh mục những ưu tiên ngày đầu làm Tổng thống được tiết lộ trong video hôm nay, ngoài rút bỏ TPP, ông Trump còn cho biết sẽ yêu cầu Bộ Lao động điều tra những lạm dụng trong chương trình cấp visa của Mỹ đối với lao động nhập cư.

Cùng ngày ông Trump công bố video này, Thủ tướng Nhật Bản, Shinzo Abe tuyên bố Hiệp định TPP sẽ trở nên vô nghĩa nếu không có Hoa Kỳ.

Phát biểu từ cuộc họp báo ở Buenos Aires hôm 21/11, Thủ tướng Abe cho biết thêm rằng kể từ sau cuộc bầu cử Mỹ hôm 8/11, không một nước nào tham gia TPP trì hoãn các nỗ lực nội bộ chấp thuận TPP hay hủy bỏ thỏa thuận này.

Dẫu vậy, TPP mà 11 quốc gia cùng Hoa Kỳ bỏ công thương lượng lâu nay vẫn không kịp ‘chào đời’ trước khi Mỹ thay đổi bộ máy lãnh đạo.

Chính quyền của Tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama kỳ vọng thỏa thuận chiếm 40% sức mạnh kinh tế thế giới TPP sẽ giúp Hoa Kỳ đề ra nghị trình mậu dịch toàn cầu trước sức trỗi dậy của Trung Quốc.

Nhật và các nước Châu Á tham gia hiệp định này cũng mong muốn thiết lập một đối trọng với chính sách bành trướng của Bắc Kinh ở khu vực Thái Bình Dương trong lúc Trung Quốc đang tìm cách mở rộng phạm vi ảnh hưởng kinh tế, chính trị tại đây.

Vì vậy, chỉ hai ngày sau khi ứng viên Cộng hòa Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, Hạ viện Nhật nhanh chóng thông qua thỏa thuận thương mại do chính phủ Obama dẫn đầu mà ông Trump mạnh mẽ phản đối.

Luật sư Vũ Đức Khanh kiêm Giáo sư luật tại Đại học Ottawa (Canada) chuyên nghiên cứu về chính trị Việt Nam, quan hệ quốc tế, và luật pháp quốc tế nhận định với VOA Việt ngữ:

“Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, xuyên Thái Bình Dương nghĩa là gồm hai trục: phía bờ Tây và bờ Đông. Phía bờ Đông, Nhật là nước dẫn đầu. Phía bờ Tây là Mỹ. Cho nên, sự thông qua của Hạ viện Nhật đã đặt chuyện thúc đẩy Mỹ trong ván bài cuối cùng của năm nay.”

Các nhà lập pháp Nhật hy vọng việc họ thông qua TPP sẽ gửi một thông điệp tới Mỹ, nhưng thông điệp đó xem ra không có tác dụng.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe xem TPP là cột trụ trong cương lĩnh kinh tế của ông nhằm vực dậy lĩnh vực xuất khẩu chủ đạo của quốc gia.

Tháng 9 năm nay, Tổng thống Barack Obama đã ra lời cảnh báo rằng nếu Mỹ không xúc tiến TPP để đề ra những quy chuẩn cho mậu dịch công bằng tại thị trường Châu Á, thì Mỹ sẽ bị hất chân, sẽ là một thua thiệt lớn cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ trong lúc Bắc Kinh đang thúc đẩy một hiệp định tự do thương mại trong khu vực với các luật lệ không có lợi cho người lao động và doanh gia Mỹ.

Thế nhưng, tân Tổng thống Donald Trump lại xem TPP là một thảm họa cho nước Mỹ. Ông Trump khẳng định dù ông ủng hộ tự do mậu dịch, ông không tán thành TPP hay các thỏa thuận hiện hành khác như Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ NAFTA vì, theo ông, các hiệp định này không được thương lượng công bằng và không phục vụ lợi ích nước Mỹ.

Chiến thắng của ông Trump vào Tòa Bạch Ốc xua ta hy vọng rằng Quốc hội Mỹ sẽ thông qua TPP trước cuối năm nay và là một đòn giáng đối với những ai kỳ vọng TPP sẽ giúp củng cố vai trò cân bằng của Mỹ tại khu vực đang bị Trung Quốc ‘làm mưa làm gió.’

Luật sư Vũ Đức Khanh:

“Quả thật tôi không biết vai trò của Mỹ sẽ như thế nào trong khu vực, đặc biệt khi chúng ta thấy sự trở cờ của Philippines, Malaysia cũng đã quay lại với Bắc Kinh, còn Việt Nam thì không biết bám vào ai trong thời điểm này. Cho nên, nếu như không thông qua TPP kỳ này, kể như vai trò của Mỹ không còn vai trò nào ảnh hưởng trong khu vực châu Á Thái Bình Dương cả.”

Ngoài hai cường quốc Mỹ, Nhật ở hai bờ Đông-Tây, TPP còn bao gồm sự tham gia của 10 nước khác như Australia, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.
vuphong
Posts: 2749
Joined: Sun Jun 03, 2007 12:31 am
Contact:

Post by vuphong »


Lần thứ nhì Mỹ bỏ rơi Việt Nam?

November 23, 2016

Image
Biếm họa Trump (phải) và Putin hút cần sa trên một bức tường nhà hàng tại Vilnius, Lithuania. Hình minh họa. (Hình: Sean Gallup/Getty Images)
Hà Tường Cát/Người Việt

HOA KỲ – Năm 1975, Mỹ bỏ rơi miền Nam Việt Nam sau hơn 10 năm trực tiếp trợ giúp không thành công trong việc ngăn chặn làn sóng Cộng Sản. Đã có rất nhiều bàn luận về sự kiện này, chẳng hạn tác giả Nguyễn Tiến Hưng đã viết ra cuốn “Khi Đồng Minh Tháo Chạy.”

Bây giờ sau gần 10 năm chính quyền Tổng Thống Barack Obama tìm cách đưa Việt Nam vào làm một đồng minh quan trọng của Mỹ nhằm kềm chế Trung Quốc bành trướng tại Đông Nam Á, tổng thống tân cử Donald Trump dường như sẽ đảo ngược hoàn toàn đường hướng này. Một lần nữa, với hình thức khác, đồng minh lại tháo chạy khỏi Việt Nam?

Chưa thể dự đoán hết mọi biến chuyển sau ngày 20 Tháng Giêng, 2017, ngày ông Trump tuyên thệ nhiệm chức. Tuy nhiên, trong những sự kiện đã được xác định, thì TPP sẽ là “nạn nhân” đầu tiên của một loạt những hủy bỏ mà ông Trump đã hứa hẹn từ thời kỳ tranh cử.

Khi nói đến sự can dự của Mỹ ở Châu Á, người ta thường nghĩ đến sự hiện diện quân sự, và nguy cơ xảy ra xung đột. Nhưng nếu chiến tranh là một hình thức khác của chính trị, như định nghĩa của Von Clausewitz, thì sự triển khai quân lực mới chỉ là giai đoạn đầu hay sự sẵn sàng ứng phó, răn đe, mà thôi. Trong thời đại này, chưa có nhiều nguy cơ chiến tranh giữa các nước lớn, và sự đối đầu chính là kinh tế.

TPP, hay Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương, là thỏa thuận mậu dịch tự do được ký kết tại Auckland, New Zealand ngày 4 Tháng Hai, 2016, giữa 12 nước: Brunei, Chile, New Zealand, Singapore, Australia, Canada, Nhật, Malaysia, Mexico, Peru, Mỹ và Việt Nam, sau năm năm thương thuyết. Tuy nhiên nhiều nước, trong đó quan trọng nhất là Mỹ, chưa phê chuẩn hiệp ước. Trị giá mậu dịch giữa các nước này được ước lượng là $27,000 tỷ mỗi năm, 40% kinh tế toàn cầu.

Không ai ngạc nhiên về việc ông Trump loan báo Mỹ sẽ rút khỏi TPP. Nhưng bằng nỗ lực tối hậu, Thủ Tướng Nhật Bản, Shinzo Abe, là nhà lãnh đạo đầu tiên trên thế giới đã đến New York gặp ông Trump tuần trước và thảo luận trong 90 phút. Rồi ông Abe vừa xác định rằng TPP sẽ không còn ý nghĩa gì nếu không có Mỹ, thì chỉ ít giờ sau đó ông Trump loan báo qua một đoạn video dài 2.5 phút trên Youtube, vạch rõ 5 quyết định sẽ thi hành trong 100 ngày đầu ở Tòa Bạch Ốc, trong đó có việc rút khỏi TPP, nhưng không đề cập gì đến Obamacare và xây bức tường biên giới, những điều cũng đã hứa hẹn khi tranh cử.

Quyết định ấy sẽ ảnh hưởng đến hàng trăm triệu dân ở 11 quốc gia vùng Thái Bình Dương, và chưa thể rõ lợi hại đối với giới công nhân Mỹ cùng tương lai của California, tiểu bang mà sự phát triển kinh tế chịu tác động mạnh nhất của mậu dịch toàn cầu.

Vui mừng đón nhận tin này là Trung Quốc, nước chưa bao giờ được tham gia thương lượng TPP và chỉ được mô tả mơ hồ sẽ làm một đối tác tương lai. Cho đến nay Bắc Kinh vẫn đang cổ vũ RCEP, Hiệp Định Đối Tác Kinh Tế Toàn Diện Khu Vực, bao gồm Trung Quốc, Nhật, Nam Hàn, Australia, New Zealand và 10 nước Đông Nam Á và Ấn Độ, nhưng… không có Mỹ!

Như thế chính sách bảo hộ mậu dịch mà ông Trump chủ trương và (có lẽ) thực hiện sẽ mở đường cho Tung Quốc thay thế vai trò của Mỹ tại thị trường đang tiếp tục phát triển mạnh ở khu vực Tây Thái Bình Dương. Trong hoàn cảnh đó, về phần nước Mỹ, dù cho hùng mạnh bao nhiêu hay bằng cách nào thì cũng không thể là vĩ đại, và tương lai chỉ là cường quốc hạng nhì trên thế giới.

Zhang Yansheng, trưởng ban nghiên cứu thuộc viện kinh tế Trung Quốc, nói là “chủ trương cô lập của ông Trmp là một thách thức và cơ hội hiếm có cho Trung Quốc cùng các công ty Trung Quốc.” Theo ông: “Có thể là với chính sách kinh tế của ông Trump sẽ có thêm nhiều công ty Trung Quốc vào thị trường Mỹ.”

Chưa có cơ sở để đánh giá dự phóng ấy, bởi lẽ ông Trump và đảng Cộng Hòa từng đe dọa áp thuế quan 45% trên hàng hóa Trung Quốc nhập cảng Mỹ, và chiến tranh mậu dịch có tiềm năng xảy ra giữa hai cường quốc.

Tuyên bố tại hội nghị APEC ở Peru tuần trước, chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh đến tầm quan trọng “tiếp tục gia nhập vào kinh tế toàn cầu và đưa các nền kinh tế Á Châu – Thái Bình Dương đến khai phóng hơn.”

Nhiều chuyên gia kinh tế trên thế giới không cho là việc Mỹ rút khỏi TPP là một hành động khôn ngoan. Simon Rabinovitch, chủ biên kinh tế Á Châu của tờ Economist, nói với BBC rằng “mặc dầu ông Trump gọi là một thỏa hiệp ‘kinh khiếp,’ thật ra TPP có lợi nhiều cho nước Mỹ.”

Cùng với việc xóa bỏ TPP sẽ là thay đổi chiến lược “chuyển trục về Châu Á” của chính quyền Obama. Thành tố chính của chiến lược này không phải là quân sự mà chính là kinh tế. Cùng lúc chuyển đổi cả hai chủ trương đó sẽ là bãi bỏ sự kiềm chế Trung Quốc bành trướng, phát triển quân lực và mở đường cho nước này phát triển hợp tác chính trị, kinh tế với các nước khu vực.

Việt Nam được xem là nước hưởng lợi ích nhiếu nhất với TPP. Bây giờ, hơn bất kỳ nước nào khác, Việt Nam được coi như lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan. Sự hiện diện của Mỹ ở Á Châu là một bảo đảm vững chắc cho nền độc lập trước mọi âm mưu xâm lược từ Trung Quốc.

Ngày nay, gần như chỉ còn một mình đứng ở tuyến đầu sau khi Philippines quay ngang và nhiều nước không còn trung thành trong khối ASEAN, Việt Nam sẽ phải tìm cách thích ứng có chừng mực trong đường lối đối phó với Trung Quốc. Tuy vậy, dù tình hình khó khăn phức tạp hơn, Việt Nam vẫn có đủ khả năng uyển chuyển để không dễ dàng phải lệ thuộc đại quốc này như người ta lo ngại. Thái độ dè dặt trong mối quan hệ với Mỹ mấy năm vừa qua là một minh chứng về sự tính toán khôn ngoan của Việt Nam, dự phòng không bị bất ngờ đi vào tình trạng nan giải quá đáng trong trường hợp đồng minh Mỹ tháo chạy.

Singapore và Malaysia cũng là hai nước sẽ chịu nhiều thiệt thòi vì không còn TPP. Kinh tế Malaysia hy vọng đạt mức tăng trưởng 5.5% năm 2025 với TPP. Singapore là một trong những thành viên sáng lập đầu tiên và Thủ Tướng Lý Hiển Long đã từng bày tỏ sự thất vọng: “Cuối cùng nếu chờ đợi trước bàn thờ mà cô dâu không đến, thì theo tôi mọi người sẽ cảm thấy rất tổn thương, nhưng không chỉ về mặt tình cảm, mà thực tế là những tổn hại trong một thời gian dài tương lai.”

Sự lo ngại của các thành viên TPP về chủ trương cô lập mới của Mỹ được trình bày thẳng thắn nhất qua phát biểu của tân thủ tướng New Zealand, ông John Key. Ông nói: “Tôi sẽ cố gắng thuyết phục ông Trump về giá trị của TPP và tầm quan trọng về sự can dự của Mỹ ở Châu Á.” Và ông nói thêm: “New Zealand và các nước khác sẽ không chờ đợi mãi mãi. Nếu Mỹ không có mặt ở đây thì Trung Quốc sẽ lấp vào khoảng trống ấy và sự hợp tác của chúng tôi không có lựa chọn nào khác.”
lengoi
Posts: 486
Joined: Sat Oct 23, 2010 7:17 pm
Contact:

Post by lengoi »


Liên Âu trên đôi vai Angela Merkel


Hùng Tâm
Người Việt


Image
Sau bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm nay, hãy nhìn vào cuộc bầu cử tại Ðức năm tới…

Hôm Chủ Nhật, 20 Tháng Mười Một, bà Angela Merkel thông báo quyết định tái tranh cử năm tới để làm thủ tướng Cộng Hòa Liên Bang Ðức trong nhiệm kỳ thứ tư. Với đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo CDU đang cầm quyền của mình, bà hứa hẹn tranh cử qua chương trình hành động tập trung vào các đề mục như dân chủ, tự do, tôn trọng nhân quyền và quyền tự do cá nhân. Sau khi Vương Quốc Anh Thống Nhất quyết định triệt thoái khỏi Liên Hiệp Âu Châu (Brexit) và ông Donald Trump trở thành tổng thống tân cử tại Hoa Kỳ, nhiều người mong bà Merkel có thể là sức mạnh ổn định cho nước Ðức, Liên Âu và cho cả thế giới trước những bất trắc và cuồng nộ chính trị ở quá nhiều nơi.

Sau bài tuần trước “Hiệu ứng Donald Trump và Âu Châu – Vì sao nhiều lực lượng Âu Châu chào mừng chiến thắng của Donald Trump?” Hồ Sơ Người Việt kỳ này tìm hiểu về bài toán của Merkel.

Ðối diện thực tế 2017

Nếu năm 2016 đã gây nhiều chấn động – với cao điểm là cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ sau hàng loạt hoạt động khủng bố, việc Liên Bang Nga tham chiến tại Syria, vụ Brexit, v.v… – thì 2017 sẽ là năm còn gây nhiều bất ngờ hơn nữa. Liên Âu sẽ đối diện với các mối nguy kinh tế, tài chánh, an ninh và chính trị.

Pháp sẽ có bầu cử tổng thống vào Tháng Tư và Tháng Năm qua hai vòng bỏ phiếu. Nếu đảng Mặt Trận Quốc Gia Front National của Marine Le Pen đắc cử – giả thuyết hơi khó – Pháp có thể rụt khỏi khối tiền tệ Euro và cả Liên Âu, như nước Anh. Ðảng Cộng Hòa thuộc xu hướng trung hữu cố tránh kịch bản tan rã đó trước sự tê liệt của đảng Xã Hội đang cầm quyền với Tổng Thống Francois Hollande có mức hậu thuẫn thấp nhất lịch sử. Ngày mùng 4 tới, Ý sẽ trưng cầu dân ý về Hiến Pháp và có thể có tổng tuyển cử sớm vào đầu năm tới. Khi ấy, Phong Trào Năm Sao mà thắng cử thì việc Ý đòi ra khỏi Liên Âu sẽ là một mối nguy khác cho cả khu vực.

Nếu Mặt Trận Quốc Gia tại Pháp và Phong Trào Năm Sao tại Ý mà thực hiện lời hứa là đòi tổ chức trưng cầu dân ý về việc đi hay ở trong khối Euro, Ðức sẽ phản ứng ra sao, bà Merkel phải làm gì? Tương lai của cả khối Euro lẫn tổ chức Liên Âu sẽ nằm trên đôi vai của thủ tướng Ðức. Bà phải nhượng bộ hai quốc gia sáng lập ra hệ thống Âu Châu thống nhất để tránh khủng hoảng cho cả tập thể. Khi ấy, cử tri Ðức nghĩ sao trong cuộc tổng tuyển cử?

Tức là khi ta vừa bóc tấm lịch qua năm 2017, thủ tướng Ðức đã phải đổi ưu tiên. Chương trình hành động của bà hết nhắm vào lý tưởng tự do dân chủ trong sự hội nhập Âu Châu mà phải tìm cách bảo vệ quyền lợi của nước Ðức trước nguy cơ tan tác của Liên Âu. Không chỉ có vậy. Thủ tướng Ðức còn phải nhìn về hai hướng Ðông-Tây.

Từ phía Ðông, cảm giác bất an của các nước Ðông Âu và Trung Âu trước sự bành trướng của Liên Bang Nga là một thách đố cho toàn khối Liên Âu. Từ hướng Tây, việc ông Trump đắc cử tổng thống Hoa Kỳ với câu hỏi thuận lòng dân Mỹ là vì sao ta phải cáng đáng việc bảo vệ Âu Châu và đóng góp tới 70% ngân sách của Minh Ước Bắc Ðại Tây Dương NATO, sẽ gây thêm phân hóa.

Khi đó, các nước ở xa tầm đạn của Nga, như Áo và Ý, có thể đồng ý với chủ trương của ông Trump, là nhìn lại quan hệ với Moscow: hòa hoãn hơn. Ngay trong tháng tới, nước Áo có thể bầu một nhân vật cực hữu lên làm tổng thống, với chủ trương ưu tiên bảo vệ quyền lợi quốc gia, chẳng khác gì ông Trump, đảng Năm Sao của Ý hay Mặt trận Quốc Gia của Pháp. Khi ấy, các nước Ðông Âu quá gần Nga, như Ba Lan hay Estonia chỉ còn trông cậy vào nước Ðức, hoặc đi tìm liên minh quân sự khác để bảo vệ an ninh. Trong ngoặc đơn, nền độc lập, dân chủ hay nhân quyền cho Ukraine là ưu tiên nhỏ của các nước.

Khi đó, thủ tướng Ðức phải mua thời gian chừng dăm ba tháng, là kêu gọi các nước tiếp tục cấm vận kinh tế Nga về tội xâm lăng và khuynh đảo Ukraine, nhưng bà chẳng có nhiều hy vọng. Qua lời Phó Tổng Thống Joe Biden, Chính quyền Barack Obama từng bắn tiếng hăm dọa là nhiều nước sẽ bãi bỏ lệnh cấm vận nếu Ukraine không tăng cường diệt trừ tham nhũng nội bộ! Trước khi Donald Trump là tổng thống tân cử, Hoa Kỳ đã tự chuẩn bị kịch bản ấy. Nôm na là hy sinh Ukraine để cùng Liên Bang Nga diệt trừ tổ chức khủng bố Hồi Giáo ISIS tại Syria và Iraq. Với Donald Trump, việc bãi bỏ lệnh phong tỏa kinh tế Nga chỉ là vấn đề thời gian – mà sẽ là bài toán cho bà Merkel: nước Ðức chưa có khả năng quân sự để đảm nhiệm việc bảo vệ Ðông Âu và sự vẹn toàn của cả khối Liên Âu.

Chưa kể là Ðức vẫn là hy vọng sau cùng của làn sóng tỵ nạn đến từ Trung Ðông. Hy vọng đó khiến thủ tướng Ðức và lý tưởng Âu Châu càng rơi vào thế kẹt.

Kinh tế Ðức và chủ nghĩa dân tộc


Nước Ðức là cột trụ của cả khối Âu Châu, với ưu điểm là nền kinh tế giàu mạnh nhất mà cũng bị nhược điểm là có nền kinh tế quá lệ thuộc vào xuất cảng. Giải pháp kinh tế của Ðức là khối Euro, một thị trường xuất cảng chính yếu, lại gây ra bài toán chính trị là Ðức phải cáng đáng gánh nặng tài chánh để duy trì hệ thống Euro khiến dân Ðức càng phân vân với làn sóng tỵ nạn. Trong các cuộc bầu cử địa phương năm nay, đảng CDU của bà Merkel đều thất cử vì sự phân vân đó.

Nhìn rộng ra ngoài, tập thể Liên Âu gồm 28 quốc gia lại có nhiều ưu tiên khác biệt.

Nhân danh dân chủ, hay quyền dân, nhiều quốc gia nghiêng dần về giải pháp bảo vệ chủ quyền và ưu tiên riêng. Ưu tiên ấy có thể là an ninh hay kinh tế. Vì vậy, ngược với lập trường của thủ tướng Ðức là mở cửa tiếp nhận di dân, nhiều quốc gia mặc nhiên phủ nhận chánh sách phân phối di dân và ra lệnh kiểm soát biên giới của mình. Ðấy là về an ninh, một trong nhiều lý do của vụ Brexit. Về kinh tế, để duy trì hệ thống Euro, Ðức phải thông cảm với việc nhiều nước xé rào và bị bội chi ngân sách hoặc vay mượn nhiều hơn tiêu chuẩn chung của toàn khối. Như vậy, chánh sách và chủ trương của Ðức bị nhiều nước thách đố trong thực tế. Ngoài lằn ranh về an ninh theo trục Ðông-Tây, thì về kinh tế sự khác biệt Nam-Bắc, giàu mạnh tại miền Bắc và khủng hoảng tại miền Nam, cũng là bài toán cho nước Ðức ở giữa.

Thủ Tướng Angela Merkel nằm tại giao điểm của nhiều mâu thuẫn về quyền lợi của các nước.

Sau những kinh nghiệm chết người về chủ nghĩa quốc gia dân tộc – hai thế chiến chứ không ít – nước Ðức không còn muốn tự ý hành động mà cố tìm sự đồng thuận với các lân bang và trở thành đầu máy của cả tập thể. Từ sau Thế Chiến II, trật tự Âu Châu được xây dựng trong tinh thần đó. Nhưng khi tập thể, như những toa tàu đòi chạy theo hướng khác, lại phân vân về lẽ thống nhất, đầu máy đó có thể bị lật. Tấm lịch sinh hoạt chính trị của Âu Châu trong năm 2017 là lộ trình của nhiều hướng chạy ngược – và sẽ kết tụ vào cuộc bầu cử tại Ðức.

Sai lầm của truyền thông chính mạch

Trong năm nay, chúng ta thấy truyền thông dòng chính, từ Âu qua Mỹ, đánh giá sai và bị bất ngờ trước hai biến cố là Brexit và Donald Trump. Chìm sâu ở dưới, người ta không nhìn ra làn sóng đáy là chủ nghĩa quốc gia dân tộc trong nhiều nước. Dư luận coi thường cử tri Anh Quốc khi dại dột ly khai, và khinh miệt ứng cử viên Donald Trump là thô bỉ, cực đoan hay kỳ thị.

Bây giờ, truyền thông chính mạch có thể tái diễn sai lầm cũ khi giới thiệu thủ tướng Ðức.

Trước nhiều biểu hiện cực đoan quá khích tại Âu Châu và Hoa Kỳ, người ta tin rằng Thủ Tướng Angela Merkel là thành lũy sau cùng của sự ôn hòa tỉnh táo khả dĩ đẩy lui cuồng phong bão tố. Bản thân bà Merkel từng lãnh những biệt danh ngoạn mục sau 11 năm làm thủ tướng, như “Iron Frau” Phụ Nữ Thép, “Mutti of Germany” Quốc Mẫu Ðức, hay “Thủ Tướng Của Thế Giới Tự Do.” Ðứng đầu trong tệ sùng bái là tờ The New York Times, với danh hiệu lên trang nhất của số ra ngày 12 vừa qua: “Người Bảo Vệ Tự Do Tây Phương Sau Cùng” – Liberal West’s Last Defender. Khi làm báo, người ta hay tìm đề tựa bắt mắt nên lại đơn giản hóa sự thể. Bà Merkel không đơn giản như vậy mà nói ngay rằng đấy là “điều kệch cỡm, gần như phi lý.”

Sinh trưởng tại Ðông Âu dưới gót giầy Liên Bang Xô Viết vào năm 1954, Thủ Tướng Merkel có ý thức cao độ về tự do và chủ nghĩa dân tộc. Chủ nghĩa quốc gia dân tộc thời Hitler là tai họa cho dân tộc Ðức, chủ nghĩa Cộng Sản là tai họa cho tự do dân chủ của dân Ðức. Vì vậy, hai dòng tư tưởng là tự do và dân tộc có những quan hệ đan kết phức tạp mà con người ta khó đơn giản hóa thành khẩu hiệu, là chứng tật bẩm sinh của truyền thông nông cạn.

Chủ nghĩa tự do đòi hỏi một nền tảng xã hội trong đó quyền tự do của từng cá nhân – một trong các chủ điểm tranh cử lần này của bà Merkel – được hiện hữu và bảo vệ. Nền tảng xã hội đó là khái niệm “quốc gia dân tộc,” dân tộc phải có quốc gia. Nhược điểm của hệ thống chúng ta gọi là tự do dân chủ là người dân phải được quyền lên tiếng chống lại những dàn xếp chính trị trên thượng tầng. Nếu người dân nhiều nước Âu Châu không hài lòng với dàn xếp chính trị gọi là Liên Âu và đòi xét lại, hoặc ly khai, họ có toàn quyền, nhân danh tự do dân chủ.

Khi gọi đó là sự nổi loạn, là tinh thần cực đoan quá khích, người ta có thể quên cái quan hệ trên-dưới. Trên là cơ chế “siêu quốc gia” như khối tiền tệ Euro hay tổ chức Liên Âu với đầu não nằm tại Bruxelles của nước Bỉ, hay Strasbourg của nước Pháp. Dưới là người dân Hy Lạp, Anh, Pháp, Ý, Áo, Hung, Ba Lan, v.v… Vụ nổi loạn hiện nay tại Âu Châu là chủ nghĩa dân tộc của từng nước không chấp nhận sự cai trị của một thiểu số ưu tú trong quốc gia của mình là các chính đảng truyền thống, hay trong cơ chế quốc tế là các tổ chức của Euro và Liên Âu.

Không riêng gì bản thân bà Merkel đang bị kẹt trong mâu thuẫn này. Dân Ðức cũng có quyền cổ xúy cho chủ nghĩa quốc gia Ðức, và đảng Alt-D, một giải pháp khác cho nước Ðức, đang là một thách đố từ cánh hữu. Dù bà Merkel có đắc cử hay không, nước Ðức vẫn phải giải quyết bài toán đó, với một lãnh tụ khác, mà không rơi vào trường hợp đáng sợ của Otto von Biskmark hay Adolf Hitler.

Kết luận ở đây là gì?

Bà Angela Merkel lên cầm quyền khi nước Ðức đã tái thống nhất và từ đó ra sức bảo vệ thành quả cho quốc gia trong một khuôn khổ quốc tế. Khuôn khổ đó đang bị rung chuyển từ bên trong và bị khủng bố Hồi Giáo tấn công từ bên ngoài. Bà không thể đội đá vá trời. Năm 2017 còn đáng sợ hơn 2016 đang kết thúc.
thuytrieu
Posts: 90
Joined: Mon Mar 14, 2016 4:09 pm
Contact:

Post by thuytrieu »

Bất chấp phản đối, CSVN vẫn tiến hành dự án thép ở Cà Ná
December 1, 2016

Image
Mô hình dự án nhà máy thép Hoa Sen Cà Ná. (Hình: hoasengroup)
HÀ NỘI (NV) – Bất chấp những phản đối, can gián, khuyến cáo, nhà cầm quyền Việt Nam vẫn đưa dự án thép đặt tại khu vực Cà Ná, tỉnh Ninh Thuận “vào quy hoạch” dù cái gương khổng lồ Formosa còn đang trước mặt.

Các báo tại Việt Nam cho hay Bộ Công Thương vừa công bố “dự thảo quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch hệ thống sản xuất thép đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, trong đó có dự án khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen-Cà Ná do tập đoàn Hoa Sen làm chủ đầu tư tại tỉnh Ninh Thuận.

Biện minh cho quy hoạch thép sản xuất tại Cà Ná nhưng không thấy trình bày dựa trên cơ sở nào, Bộ Công Thương nói “đến năm 2020, cả nước sẽ thiếu hụt khoảng 15 triệu tấn thép thô. Năm 2025, thiếu hụt sẽ vượt mức 20 triệu tấn, nhập siêu ngành thép sẽ ngày càng trầm trọng hơn. Vì thế, bản quy hoạch này đặt mục tiêu năm 2020 trong nước sản xuất 8 triệu tấn, năm 2025 đạt 15 triệu tấn và năm 2035 đạt 35 triệu tấn gang và sắt xốp. Riêng sản xuất phôi thép trong 5 năm tới đạt 18 triệu tấn; cán mốc 27 triệu sau 10 năm và 52 triệu tấn trong 20 năm nữa.”

Sau khi tin tức về tập đoàn sản xuất tôn Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ loan báo rùm beng về đầu tư dự án sản xuất thép tại Cà Ná, ngày 30 tháng 8, 2016, theo báo Dân Trí, GS.TSKH Nguyễn Mại, chủ tịch Hiệp Hội Doanh Nghiệp Ðầu Tư Nước Ngoài (VAFIE) cho rằng: “Một số ngành công nghiệp gang thép cần rất thận trọng và nếu được không nên phát triển thêm bất kỳ dự án thép nào nữa vì chúng ta có thể là nước đi sau, rõ ràng có thể tránh được những vết xe đổ của các nước đi trước.”

Lời ông Mại được báo Dân Trí thuật lại cho hay, hiện gang thép trên thế giới rất nhiều và không khó mua, do đó, Việt Nam có thể đi vào công nghiệp hiện đại như hợp kim cao cấp, vật liệu nano sau đó bán ra thị trường thế giới và mua thép. Ông cũng cho rằng, cần tập trung sức vào làm công nghiệp tương đối hiện đại đi cùng thế giới, bỏ qua những ngành công nghiệp cổ điển. Chẳng hạn, đầu tư công nghệ hiện đại sản xuất hợp kim cao cấp, nhập khẩu công nghệ ở những nước tiên tiến, nước G7 với giá trị bằng 5-7 lần so với sản xuất thép.

Theo ông Mại, Việt Nam không nên đi vào vết xe đổ của các quốc gia khác, như tại Trung Quốc hiện đang dư thừa khối lượng thép khổng lồ và 3 năm vừa qua Trung Quốc đã bắt đầu bỏ các nhà máy gang thép công suất dưới 2 triệu tấn vì những nhà máy như vậy không có lợi cho kinh tế, môi trường.

Sau khi thấy nhiều người phản đối, nêu ra những cái hại của việc rước thêm một thứ Formosa khác đến Cà Ná, theo facebooker Lê Nguyễn Hương Trà, ngày 13 tháng 9, 2016, Ban Tuyên Giáo Trung Ương của đảng CSVN gửi một công văn chỉ đạo đến tất cả các báo một số vụ việc. Ðiện thư đến từ ông Phạm Văn Linh, phó trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương gồm có 7 điểm chính trong đó có việc “dừng phản biện, đưa tin về dự án thép của Tôn Hoa Sen.”
Một góc bãi biển Cà Ná, nơi dự tính đặt nhà máy thép Hoa Sen. (Hình: Nhật Bình/Người Việt)
Một góc bãi biển Cà Ná, nơi dự tính đặt nhà máy thép Hoa Sen. (Hình: Nhật Bình/Người Việt)

Ra lệnh cấm đưa tin, viết bài hay đe dọa những người làm việc thông tin tuyên truyền vẫn có thường xuyên. Hệ thống thông tin tuyên truyền của chế độ tuy không có chế độ kiểm duyệt từ trước nhưng bị theo dõi để xử phạt mỗi khi đi trệch ra ngoài khuôn khổ.

Từ khi tập đoàn Hoa Sen loan báo đã được nhà cầm quyền tỉnh Ninh Thuận đã chấp thuận cho họ đầu tư xây dựng một nhà máy luyện thép ở khu vực Cà Ná và họ đã “chạy” được vào “quy hoạch” của Bộ Công Thương mà trước đó vài ngày bản “quy hoạch” không có đề cập.

Ông Lê Phước Vũ, chủ tịch tập đoàn Hoa Sen họp báo với những lời lẽ rất “đại ngôn” về dự án quy mô hơn $10 tỷ, xây dựng làm nhiều giai đoạn, đi từ ban đầu 6 triệu tấn từ năm 2017 rồi sẽ lên 16 triệu tấn.

Dư luận phản ảnh qua phần lớn các báo mạng lớn tại Việt Nam những hoài nghi về một dự án quy mô như thế trong lúc chế độ nay vẫn còn đang lúng túng trong việc đối phó với thảm họa môi trường mà công ty thép Formosa gây ra tại miền Trung Việt Nam.

Nhiều chuyên gia kinh tế, kỹ nghệ tại Việt Nam ngạc nhiên thấy “lòi ra” một dự án được thông qua ở địa phương và “quy hoạch ở trung ương tại một tỉnh xưa nay vốn đất đai cằn cỗi vì thiếu nước, hiện đang điêu đứng vì hạn hán mà hàng ngàn con cừu chết vì thiếu nước và thiếu cỏ ăn. Ngay ở giai đoạn đầu, nhà máy thép của ông Vũ cần đến 33,000 mét khối nước sạch mỗi ngày.

Dù vậy, ông Lê Phước Vũ khoe và được nhà cầm quyền Ninh Thuận xác nhận là nhà máy thép Cà Ná nếu được xây dựng sẽ có đủ nước. Nhiều người hỏi lấy nước ở đâu khi người dân tỉnh này còn thiếu nước uống, chưa nói đến tắm giặt. Ông Vũ khi được đặt vấn đề này thì ông nói lọc từ nước biển, một cách nói không ai tin.

Người ta điều tra thấy ông Lê Phước Vũ sử dụng nhà tư vấn là CISDI Group là công ty con của Tập Ðoàn Xây Lắp Luyện Kim Trung Quốc (MCC) trụ sở ở Trùng Khánh – mà cũng là nhà thầu chính xây dựng hai lò đứng ở Vũng Áng cho tổ hợp Formosa Hà Tĩnh. CISDI còn là nhà thầu chính xây dựng dự án mở rộng Nhà Máy Gang Thép Thái Nguyên (TISCO) hiện đang “đắp chiếu” vì bị họ bỏ ngang.

Ngay sau khi thông tin dự án thép Cà Ná của Hoa Sen được công bố, một số trang mạng xã hội xì ra rằng vào giữa năm 2015, Hoa Sen Group cử một đoàn cán bộ đến Ninh Thuận khảo sát địa điểm để thiết kế xây dựng tổ hợp thép Hoa Sen Cà Ná. Ðoàn này do ông Nguyễn Văn Quý, khi ấy là phó tổng giám đốc Hoa Sen Group phụ trách. Thành phần có 6 người quốc tịch Trung Quốc, đến từ CISDI Group. Thông tin vừa kể bị ông Vũ phủ nhận.

Trong khi hàng triệu tấn thép sản xuất trong nước dư thừa và các nhà máy cũng chỉ sản xuất cầm chừng, chưa hết công suất, bị thép Trung Quốc chèn ép điêu đứng thì ông Lê Phước Vũ vẫn tuyên bố “ngu gì không làm thép.” Lý do là công ty của ông được hưởng những ưu dãi chưa từng có.

Trên trang thông tin điện tử Bizlive, người ta thấy đặt ra câu hỏi, “Hoa Sen sẽ lấy đâu ra tiền để thực hiện dự án có quy mô vốn lên tới $10 tỷ này?” Một chuyên viên cho rằng Hoa Sen còn công nợ nhiều, khó lòng đào ra vốn. Tại sao Bộ Công Thương “vội vã” đưa dự án thép Cà Ná vào “quy hoạch” dù vài ngày trước không có? Có phải ông chủ tôn Hoa Sen “chạy quy hoạch” không?

Theo một chuyên viên ngành thép được Bizlive thuật lại ý kiến, hiện Việt Nam chưa sản xuất được thép cuộn cán nóng nhưng khi Formosa Hà Tĩnh đi vào hoạt động, hoàn thiện dự kiến sẽ có sản lượng thép hơn 20 triệu tấn.

Bộ Công Thương mới đây “cũng đã bổ sung dự án thép Nghi Sơn-Thanh Hóa vào quy hoạch với công suất 7 triệu tấn/năm tổng mức đầu tư lên đến $4.3 tỷ, thời gian thực hiện từ 2015 đến năm 2017.”

“Như vậy, tính đến 2030 Việt Nam có khoảng 50 triệu tấn thép mỗi năm trong khi theo tính toán, nhu cầu thép của Việt Nam đến năm 2030 cũng chưa tới mức 40 triệu tấn/năm,” vị chuyên gia đưa ra tính toán.

Một số trang mạng còn xì tin cho biết Chủ Tịch Tập Ðoàn Hoa Sen Lê Phước Vũ là anh em “cọc chèo” với Bộ Trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh. Có phải nhờ vậy mà dự án được ưu đãi?

Thấy bị dư luận “ném đá” tới tấp, Ban Tuyên Giáo Trung Ương của đảng CSVN vội vã ra lệnh bịt miệng báo chí lại. Ðây là một lệnh lạt bình thường của chế độ mỗi khi không đối phó nổi một vấn đề gì, bèn ra lệnh cấm đưa tin hay “phản biện.”

Rõ ràng có “lợi ích nhóm” thấp thoáng đằng sau chuyện “quy hoạch” thép ở Cà Ná và bóng dáng Trung Quốc đằng sau dự án của Hoa Sen nhưng ông Trần Tuấn Anh vẫn chối ở Quốc Hội hôm 15 tháng 11, 2016 là “không có lợi ích nhóm.” (TN)
nguyenvsau
Posts: 1134
Joined: Thu Jul 08, 2010 11:25 pm
Contact:

Post by nguyenvsau »

Image

Cô giáo cả nước, hãy đoàn kết lại!

Nguyễn Bá Chổi
(Danlambao) - Quá “bức xúc” trước tình trạng cô giáo nước vợ (Bá tước Đờ Ba-le phu nhân dân Hải Phòng) bị áp bức bóc lột tàn tệ dã man còn hơn giai cấp Vô Sản nước Nga thời Cách Mạng Bôn-xê-vích, Bá tước Đờ Ba-le noi gương “bác” Hồ ra đi tìm đường cứu cô giáo.

Nói “noi gương “bác” Hồ ra đi tìm đường...” là nói cho có vẻ “tuyển tập hồ chí minh” hay “vừa đi vừa phịa chuyện”, sống vươn lên theo tinh thần “trần giả tiên”, và ta đây cũng trình độ cỡ “tiến sĩ xây dựng đảng”, nhưng bác Đờ (Bá tước Đờ Ba-le) ra đi không bằng con đường “bước xuống tàu Tây, nước mắt như mưa”, trong nỗi hận đời đen bạc; “Bác” Đờ ra đi bằng con đường ngồi vào bàn, mở còm-piu- tơ, leo lên mạng “Anh Tẹc Nét”.

Ai có đi vào con đường Anh Tẹc Nét rồi mới biết nó rộng bao la vô giới hạn, chứ không chỉ “thênh thang tám thước” như con đường của nhà thơ thiên tai Tố Hữu. Người ta hay gọi Anh Tẹc Nét là thế giới ảo, nhưng toàn là chuyện có thật, lại đủ thứ vui buồn.

Vui nhất là “sô-bít” các em chân dài, và “mô-đeo” quốc phục mới cho phụ nữ Việt Nam. Buồn nhất là tin bác Rô Phi bên Tây mới chết, nhưng bên Ta bị “đảng ta” dí cho cái “quốc tang”.

Quốc tang hay quốc nhục, quốc sỉ, khi dân cả nước bị “đảng ta” buộc treo cờ rủ khóc thương một tên “lưu manh giả danh lương thiện” (1), một kẻ đã đưa đất nước hắn Xuống Hố Cả Nút, dẫn dân tộc hắn đến chốn nghèo đói lầm than, khiến đồng bào Cu Ba của hắn liều mình đổ xô ra biển đi tìm đường sống, kể cả con gái của hắn...

Tuy nhiên cũng có “một bộ phận” cho rằng, dân Ta chịu tang cho quốc Tây cũng tốt thôi, vì ngày xưa trong chiến tranh đánh Mỹ cứu nước Tàu, biết bao bộ đội cụ hồ được cứu sống là nhờ máu của nhân dân Cu Ba. Đó là máu của những tù chung thân hoặc tử hình bị bác Rô Phi đè cổ ra hút đem sang "bán rẻ" cho “bạn”, mỗi bịch chỉ có 50 USD (nên mới có chuyện báo lề đảng đang chạy tít rầm rầm” “Fidel Castro: ‘Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu mình’”.) (2)

Bá tước Đờ Ba-le bảo là “ra đi tìm đường cứu cô giáo”, nhưng đã đi hơi bị xa. Nhưng vẫy vùng mãi trong thế giới mạng, cuối cùng Bá tước cũng thoát ra được khỏi rừng chân dài của bác Hồ lẫn bác Rô (3)

Image
Chân dài của bác Rô
(Hình từ New York Press Photographer's Ball,
New York City, April 23, 1959)
...Rồi cuối cùng bác Đờ (Ba-le) gặp được “Tuyên ngôn Đảng Cộng Sản” của Kạc Mạt và Phệ đít Anh ghen (Karl Marx, Friedrich Engels). Mừng hết lớn, Bác đọc ngấu nghiến quên ăn quên ngủ quên đủ thứ khoái trên đời. Bổng dưng "Người" la lên “Nó đây rồi”, rồi "Người" khóc rống, nước mắt "Người" tràn trụa không thua nước xã lũ miền Trung.

Đang nằm trằn trọc thấp thỏm chờ chồng “dẹp mẹ cái máy đi, vào oánh cờ... vua vui hơn”, Bá tước phu nhân nghe giật nẩy mình, hoảng hốt chạy ra: Mình làm gì đó? Có sao không?

Tưởng chồng bị ăn phải thứ gì lạ, trúng độc phát quàng, Bá tước phu nhân chụp điện thoại gọi “nai oăn oăn”, à lộn, gọi “một một năm” (4), nhưng Bá tước giật lấy máy, kéo phu nhân lại màn hình còm-piu-tơ, nói: Anh không sao đâu; Anh mừng quá vì đã tìm ra chân lý. (Vừa nói, Bá tước vừa chỉ vào câu: “Vô sản toàn thế giới, hãy đoàn kết lại!”

Nghe chồng nói thế, Bá tước phu nhân không còn nghi ngờ gì nữa. Bà lên tiếng: “Ông này đúng là bị bà nhập. Bây giờ mà còn kêu gọi vô sản toàn thế giới đoàn kết lại...”

Bá tước phu nhân phen này nhất định gọi bệnh viện cấp cứu, nhưng thấy chồng đang đứng lau nước mắt trông giống “bác” Hồ quá, phịt cười, bèn đổi ý rồi “kiểm tra” lại thì thấy Bá tước phu nhân tỉnh táo chứ tâm thần không có vấn đề.

Biết vợ trở lại bình thường, Bá tước Đờ Ba-le liền giải thích, với giọng điệu vừa quý tộc vừa bình dân:

Phu nhân mày thấy không (Bu mày thấy không): Chưa có thời nào, ở đâu, giới nữ giáo viên giáo chức lại bị khốn khổ nhục nhã như Việt Nam thời CS. Phu nhân mày cũng từng là cô giáo một thời. Trước 75, cô giáo được hưởng lương bổng thế nào và sau 75 bị “tiêu chuẩn” ra sao? Nhắc lại “chế độ”, “tiêu chuẩn” một thời mà còn rùng mình cho cô giáo một năm được đảng và bác phát cho vài tấc vải mùng để lo việc “hạ sự”, áo mặc không đủ vải che rốn trong giờ “lên lớp”, nếu cô không nhờ chút “tàn dư Mỹ Ngụy để lại” hay bươn chải “cải thiện linh tinh” ngoài giờ dạy học.

Nhưng mà bươn chải “cải thiện linh tinh” bằng cách gì đây? Buôn bán thì gặp cảnh ngăn sông cấm chợ; ra khỏi nhà là gặp CA chặn lại lục soát "trọn gói" mình mẩy. Đi làm ô sin thì cả nước đều đang là ô-sin không lương của chế độ. Những ai có thân nhân “chây lười lao động, ma cô đĩ điếm ôm chân đế quốc Mỹ” gửi về cho được chút quà Mỹ cứu đói, thì bị CA hải quan ăn chặn, tráo đồ; chưa nói đến quà nhận được bán ra bằng chi phí cho thủ tục giấy tờ, tổn phí đi lại. Cũng may nhờ “ông nội” Liên Sô lăn đùng ra chết bất đắc kỳ tử, các “nước anh em” Đông Âu tan hàng, trở về mái nhà xưa: bỏ Vô Sản, lấy Tư Sản... không thì cả nước “ngáp” lâu rồi.

Những tưởng rằng, bỏ thế giới rừng rú về với loài người văn minh, sẽ khá lên được, ai dè cái “bã tư bản” làm chúng phì nộn thân xác, bóng loáng mặt mày, càng “tạo điều kiện” cho “cốt khỉ” của chúng chẳng những “hoàn cốt khỉ”, mà còn “khỉ” hơn, “khỉ"” không thể tưởng tượng nổi, “khỉ” không ai chịu nổi.

Từ sau ngày “rửng mỡ” Tư Sản, với “đồng Đô có sẵn trên tay”, chúng bày ra ngày nhiều trò khỉ. Trò khỉ mới nhất, mất dạy nhất là chúng bắt các cô giáo đi “tiếp khách” các quan trong các buôi tiệc tùng, nhậu nhẹt. “Tiếp khách” các quan! Những “công tác” gì các cô giáo phải làm trong nhiệm vụ “tiếp khách”, báo chí đã bàn nhiều rồi, nhắc ra chỉ làm đau lòng tủi nhục thêm nạn nhân.

“Trò khỉ mất dạy”, Bá tước Đờ Ba-le sực thấy mình đã lỡ lời, xúc phạm đến loài khỉ bốn chân, khi so sánh “khỉ cách” với “nhân” cách của một bọn người đang cai trị nước vợ đã mất hết nhân tính, người không còn ra người nữa; mà thú cũng chẳng ra thú: thú có bao giờ ăn thịt đồng loại, như bọn “đồng chí” này đang ăn thịt đồng bào.

Bắt các cô giáo đi “tiếp khách” các quan, nói trắng ra là chào đón, hầu rượu, cụng ly, hát karoke, và những trò gì sau đó nữa, khi quan đã xỉn và cô giáo cũng khó thoát khỏi hơi men lẫn hơi “phú quý”, hoặc vì nghề nghiệp đang làm mà phải “nhắm mắt đưa chân”, chính là một hình thức các quan ăn thịt người ăn thịt cô giáo.

Tầng lớp Vô Sản thời Nga Hoàng bị bọn chủ nhân bóc lột sức lao động thật đấy, nhưng chắc chắn giới nữ giáo chức thời đó không bị các quan bắt lột áo quần của nhà giáo để làm gái tiếp khách,“con hát” như các quan CSVN đang làm một cách công khai, và có hệ thống, vì chúng bảo đó là “trách nhiệm chính trị”.

Thời Nga Hoàng, giai cấp vô sản tuy biết mình bị đối xử bất công, nhưng không dám đứng lên đấu tranh, vì không có tự do dân chủ. Phải chờ Kạc Mạc và Phệ đít Anh ghen kêu gọi, “Vô sản toàn thế giới, hãy đoàn kết lại!”.

Thời đại Hồ Chí Minh, giới cô giáo biết mình bị các quan ép bắt “tiếp khách” (“Văn hóa đồi trụy” gọi là “đi khách”), nhưng vẫn im thin thít vì sợ đuổi khỏi nhà trường, mặc dầu VN “tự do dân chủ gấp vạn lần Tư Bản”.

Trước cảnh cô giáo VN đang bị các quan CS làm nhục như vậy, Bá tước Đờ Ba-le “đau lòng con quốc quốc” nước vợ lắm. Nhưng không biết làm gì hơn, là vận dụng khẩu hiệu chính trị nổi tiếng nhất của những người CS, vào hoàn cảnh cụ thể bi ai của nữ giáo chức VN dưới thời CS: Cô giáo cả nước, hãy đoàn kết lại!

Chẳng lẽ hàng ngũ thuộc giới trí thức kiêm đạo đức “Việt Nam anh hùng” ngày nay lại không đoàn kết lại được với nhau như giai cấp vô sản thời “Cách mạng Bôn-xê-vich”? Để ít ra cũng tự rửa được mặt mình...

03.12.2016

Nguyễn Bá Chổi

danlambaovn.blogspot.com
dailien
Posts: 2451
Joined: Sun Jun 03, 2007 3:37 am
Contact:

Post by dailien »

Image

“Quốc tang” cho một con quái vật
Ký Thiệt
- Tin từ Việt Nam cho biết Việt Cộng đã tổ chức “quốc tang”cho Fidel Castro ngày 4.12.2016 vừa qua. Nhưng, “quốc tang” là cái gì và tại sao lại tổ chức quốc tang cho Fidel Castro?

Quốc tang là ngày tang lễ buồn đau cho cả nước, các cơ quan công quyền và các sứ quán ở nước ngoài phải treo cờ rũ, nhà thờ cầu hồn, chùa chiền cầu siêu, các sinh hoạt vui chơi, giải trí bị hủy bỏ.

Theo nhà nước VC thì ngày “quốc tang” được tổ chức nhằm mục đích “tỏ lòng thương tiếc và biết ơn đồng chí Fidel Castro”. Quyết định này đã tạo nên làn sóng chỉ trích dữ dội trên các mạng xã hội – nào là “mả cha không khóc, đi khóc đống mối”, nào là đây là việc làm ngu xuẩn của những kẻ “cuồng cộng sản”, nào là “chỉ có bọn Việt cộng đầu người óc heo” mới làm những chuyện quái gở như vậy, và nhiều bài thơ, vè cũng đã được sáng tác để đả kích “quốc tang” mà in ra đây chắc không đủ chỗ.


Có người vạch ra rằng cái “quốc tang” này đã vi phạm chính luật lệ do VC đặt ra về quốc tang là chỉ dành cho bốn tên trong “tứ trụ tiều đình” chứ không có chuyện làm “quốc tang” cho người nước khác. Có người kêu gọi nhân dân cả nước hãy phản kháng “quốc tang” bằng cách tổ chức các cuộc vui chơi linh đình nơi công cộng vào ngày 4.12.2016.

Nhưng, hãy thử tìm hiểu xem vì nguyên do sâu xa nào mà VC tổ chức “quốc tang” cho Fidel Castro. Thực ra cũng không khó khăn gì.

Thứ nhất, VC đã… thành thật khi nói tổ chức “quốc tang” cho tên trùm Cộng sản Cuba Fidel Castro râu xồm là để “tỏ lòng thương tiếc và biết ơn”.

Thương tiếc thì ít mà biết ơn thì nhiều.

Nhìn về quá khứ, năm 1959 chàng trai trẻ Fidel mới 32 tuổi (sinh năm 1926) mê chủ nghĩa Mác-Lê đã cùng đồng bọn lật đổ chế độ Batista thân Mỹ đang mất lòng dân vì thối nát, lập nên nhà nước cộng sản đầu tiên và duy nhất ở tây bán cầu. Khi ấy, ở Đông Nam Á, Việt Cộng chiếm được nửa nước Việt Nam do Hiệp Định Genève năm 1954, và đang phát động cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam VN.

Đó cũng là thời điểm “Chiến Tranh Lạnh” giữa khối Cộng sản do Liên-Sô lãnh đạo và “Thế giới Tự Do” do Hoa Kỳ cầm đầu đang trên đà leo thang. Trong đó có hai “điểm nóng”. Cuba với chủ nghĩa cộng sản ở ngay cạnh, Hoa Kỳ xem Fidel Castro là kẻ thù cực kỳ nguy hiểm vì y sẽ truyền bá vi trùng cộng sản vào các nước láng giềng ở Trung Nam Mỹ. Năm 1960, Hoa Kỳ cấm vận hoàn toàn Cuba, và đầu năm 1960 đoạn giao. Tháng 4 năm 1961, tân Tổng thống Kenndy cho mở một cuộc đổ bộ lên Vịnh Con Heo (Bay of Pig) với Lữ đoàn 2506 gồm 1,400 tay súng Cuba lưu vong chống cộng được CIA huấn luyện, với mục đích lật đổ Fidel Castro nhưng bị quân cách mạng do chính Castro trực tiếp chỉ huy đánh bại và bị bắt làm tù binh sau hai ngày giao chiến.

Tại Đông Nam Á, Cộng sản Bắc Việt (CSBV) đẩy mạnh cuộc chiến tranh xâm chiến miền Nam VN khiến sự can thiệp của Hoa Kỳ vào đây ngày càng sâu rộng để ngăn chặn sự bành trướng của cộng sản, dựa trên thuyết Domino.

CSBV và Cuba đều có l‎ý do để đoàn kết cùng nhau chống kẻ thù chung: “đế quốc Mỹ”. CSBV, dưới tên Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, chỉ được vài nước cộng sản anh em nhìn nhận. Trái lại, Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam được gần 100 nước nhìn nhận và thiết lập bang giao. Vì vậy, CSBV rất cần đồng chí Fidel Castro trên mặt trận tuyên truyền để lừa bịp nhân dân trong nước cũng như quốc tế.

Trong khi đó, Castro cũng rất cần liên kết với VC để chống Mỹ ... bằng mồm, mà Castro thì rất to mồm. Trong chiến tranh Việt Nam (1955-1975), Castro đã đích thân sang thăm Bắc Việt ba lần, lần nào cũng chửi Mỹ dòn dã.

Có lần Castro tới tận bên kia bờ Bến Hải, hùng dũng đứng trên một chiếc xe tăng, tuyên bố: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng đến cả máu của mình”.

Năm 1969, CSBV đẻ ra cái chính phủ lâm thời (ma) “Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam”, Cuba là nước duy nhất cử “đại sứ” tới… trình ủy nhiệm thư tại một túp lều lá trong rừng già cho VC chụp hình rồi biến mất, không bao giờ thấy xuất hiện nữa!

Nước Cuba cũng là nơi đẻ ra những huyền thoại về cuộc “chiến đấu thần thánh, chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam anh hùng”, “ước mơ ngủ một đêm thức dậy thấy mình là người Việt Nam” (!)...trên mặt trận tuyên truyền lừa bịp thế giới.

Còn sự thật về lời tuyên bố “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng đến cả máu của mình”, ông Trần Trung Đạo đã viết như sau trong bài “Máu Cuba trong cơ thể Việt Nam”:

“Trở lại với tuyên bố của Fidel Castro ‘Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng đến cả máu của mình’. Đó không phải là câu để cổ võ tinh thần mà là câu nói thật.

Cuba đã từng ‘đóng góp’ máu của người Cuba để chuyền cho thương binh CSVN trong thời chiến. Tuy nhiên, có hai điểm chính của sự kiện góp máu Fidel Castro cố tình che giấu; thứ nhất, đó không phải là máu của dân Cuba tự nguyện hiến mà là máu của những tù nhân bị chế độ CS Cuba kết án tử hình, và thứ hai, không phải máu tặng không mà CS Bắc Việt phải trả lại Cuba 50 đô-la cho mỗi túi. Với 7 túi máu, mỗi tử tù đem lại cho nhà nước CS Cuba một thu nhập 350 đô-la. Như đã viết ở trên, Cuba có nhiều ngàn tử tù bị hành quyết tập thể; do đó, thu nhập từ xuất cảng máu hàng năm không phải nhỏ.”(ngưng trích)

Bị Mỹ cấm vận cộng với hậu quả của chính sách “tiến mau tiến mạnh lên chủ nghĩa cộng sản” của Castro, Cuba đã trở thành một địa ngục, thay vì “thiên đường xã hội chủ nghĩa” như truyên truyền. Không chỉ hút máu của tử tù đem bán rất dã man, Castro còn đem xác thịt phụ nữ Cuba bán cho du khách ngoại quốc để lấy ngoại tệ sau khi Liên Sô Sụp đổ năm 1991, Cuba không còn nhận được viện trợ từ Mạc-tư-khoa.

Du khách ngoại quốc đến Cuba vào những năm đầu thập niên 1990 không lạ gì những nàng “jinetera”. “Jinetera” tiếng Tây-Ban-Nha đồng nghĩa với chữ “jockey” (nài ngựa) trong tiếng Anh, là tiếng lóng ở Cuba lúc ấy để chỉ những phụ nữ hấp dẫn sẵn sàng hiến mình cho du khách để lấy đô-la. Những nàng Kiều XHCN này thường xuất hiện trên đại lộ Quinta Avenida chạy giữa hai hàng cây cọ nên thơ, hay tại những quán cà-phê lộ thiên chuyên chơi những bản nhạc cổ truyền, hay trong hộp đêm ở Riviera dành riêng cho du khách, hầu hết đến từ Ý, Thụy Sĩ, Pháp, Tây-Ban-Nha, Canada... Các nàng “jinetera” đã được Castro dùng làm mồi để nhử các du khách hảo ngọt này. Cuba đã hé mở cánh cửa nhà tù lớn XHCN để thu hút ngoại tệ mạnh. Bộ Du lịch được Castro cho phép nhảy vào thị trường quảng cáo toàn cầu, mời tạp chí Playboy tới chụp hình tại chỗ những cô gái nảy lửa và phân phát cho các văn phòng du lịch, bán vé máy bay khắp thế giới những tấm bích chương chụp những bãi biển với cát trắng và những cô gái Cuba phơi những bộ ngực trần bốc lửa. Nhà nước cách mạng vô sản Cuba gọi những cô gái này là “những người làm tăng tiến du lịch”!

Những người đẹp Cuba phục vụ ái tình cho du khách không bao giờ bị gọi là gái mãi dâm hay gái gọi. Gái mãi dâm là “những nạn nhân trong xã hội tư bản xấu xa”. Gái gọi là sản phẩm của giai cấp thương lưu thối nát của xã hội người bóc lột người. Jinetera không thuộc vào hai loại nói trên. Họ là những nữ y tá, luật sư, giáo viên, nha sĩ, học sinh, sinh viên... Họ đã chấp nhận cuộc sống hai mặt để thoát khỏi đời sống vât chất thiếu thốn. Giúp vui cho một ngoại kiều đem lại cho họ những bữa ăn với thịt heo hay thịt gà, và có thể với tôm hùm và rượu chát, chưa nói đến quần áo đẹp, giày dép, nước hoa...Ngoại tệ thì phải đổi ra tiền Cuba và vào túi nhà nước.

Trong một bài diễn văn đọc trước quốc hội Cuba năm 1992, đích thân Castro đã đề cao và quảng cáo cho các nàng “jinetera”, đồng thời phủi trách nhiệm:

“Không có phụ nữ nào bị buộc phải tự bán mình cho một người đàn ông, cho một người ngoại quốc, cho một du khách. Những người làm điều đó là do tự nguyện và không có nhu cầu cần thiết nào cả. Chúng ta có thể nói rằng họ là những jineteras có học vấn cao và hoàn toàn khỏe mạnh, vì chúng ta là một đất nước có số người mắc bệnh AIDS thấp nhất. Vì vậy, sự thật là không có du khách nào khỏe mạnh hơn người Cuba.”

Chiến dịch câu du khách của Castro đã thành công vĩ đại! Năm 1990 chỉ có 300 ngàn du khách tới Cuba, năm 1999 tăng lên gần 2 triệu. Cuba đã trở thành một trung tâm sex-tour, sex-vacation nổi tiếng thế giới, chỉ đứng sau Thái Lan. Nhưng, khi những nàng jineteras được cảm tình của dân Cuba, vì họ có tiền, họ sống cuộc đời thoải mái, và có thể giúp đỡ gia đình, người thân. Họ trở thành “anh hùng” của những người chung quanh. Và họ trở thành mất cảm tình với nhà nước chuyên chính vô sản. Lối sống của họ ảnh hưởng đến số đông dân Cuba mà nhà nước không thể kiểm soát. Vì vậy, Castro đã phải tung ra chiến dịch chống lại “jineteras” mà trước đây chính y đã sử dụng họ trong cơn ngặt nghèo. Họ bị kết tội là “quấy nhiễu người nước ngoài”, thay vì “làm tăng tiến ngành du lịch”. Nhưng, Castro đã không thành công. Cũng như “mại dâm” trong xã hội Việt Nam đã băng hoại toàn diện hiện nay. Hết thuốc chữa.
Image
Người dân bị VC tuyên truyền ru ngủ như thế này... thiệt là hết nói.
Việt Cộng đã tổ chức “quốc tang” để tỏ lòng “biết ơn đồng chí Fidal Castro” là đúng. Trong “quốc tang” này cũng đã có những đoàn người ôm ảnh đồng chí Castro miệng mếu máo khóc, hay mang vòng hoa tới đại sứ quán Cuba ở số 65 đường Lý Thường Kiệt, Hà-nội, tỏ lòng thương tiếc mà có người đã nhận diện được vài kẻ trong “đội ngũ” của nhà nước lâu nay thường hoạt động quanh khu Hồ Hoàn Kiếm, Hà-Nội, được huy động để sử dụng vào những công tác khác nhau, như tổ chức khiêu vũ để phá đám vào các ngày chủ nhật khi có đoàn biểu tình quanh Hồ Hoàn Kiếm, như đóng vai giả khách tới xem mô hình đường sắt Cát Linh – Hà Đông...và lần này đóng vai nhân dân Việt Nam thương tiếc đồng chí Castro vô vàn kính yêu!

Các đồng chí lãnh đạo cộng sản vô vàn kính yêu được đánh bóng và thần thánh hóa trên thế giới đã theo nhau xuống địa ngục, mà Fidel Castro có lẽ là kẻ cuối cùng, sau những Xít-ta-lin, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh, Kim Nhật Thành.

Và cũng như những kẻ đã ra đi trước, bộ mặt thật của Fidel Castro đang được phơi bày, sau khi y nằm xuống, mà trước kia ít người được biết vì bị bưng bít chặt chẽ.

Trong một bài viết đăng trên The Daily Mail ngày 27.11.2016, cập nhật ngày 28.11.2016, Ký‎ giả Tom Leonard viết rằng “Castro cho biết đã sống cuộc đời thanh đạm với số tiền lương 25 mỹ-kim mỗi tháng. Nhưng ông ta có 20 ngôi nhà loại sang, một hòn đảo riêng, một du thuyền dài 22 feet, và vô số kể nhân tình.”

Theo bài báo này, Fidel Castro là một tên đại đạo đức giả. Hắn luôn mồm chửi bới bọn nhà giàu trong xã hội tư bản sống xa hoa phung phí trên nỗi thống khổ của dân nghèo, nhưng chính hắn là con người như thế. Hắn sống còn hơn vua chúa thời phong kiến. Tạp chí Forbes năm 2006 liệt kê Castro là người giàu nhất trong những ông vua, hoàng hậu, kẻ độc tài trên thế giới. Fidel tức giận bảo rằng chỉ sống nhờ vào tiền lương 20 bảng Anh mỗi tháng.

Theo cuốn sách của Juan Reinaldo Sanchez, cựu nhân viên an ninh bảo vệ Castro, tài sản riêng của hắn ước lượng khoảng 100 triệu bảng Anh. Sanchez cũng tiết lộ những chi tiết về sự hoang phí của chủ tịch kính yêu mà người dân Cuba nghèo khổ không bao giờ biết, như việc Castro giải trí bằng cách đi xiên cá trong những vùng nước biển trong xanh tại hòn đảo riêng của hắn tên Cayo Piedra, theo cung cách vua Henry XV đi săn thú trong vùng núi gần điện Versailles ngày xưa.

Fidel Castro còn là một tay hoang dâm vô độ. Nhân tình của hắn gồm đủ loại người, kể cả những cô gái vị thành niên trong các hộp đêm mà họ cho biết hắn vẫn liên tục hút xì-gà trong lúc làm tình! Do những thói quen quái đản ấy mà hắn được tặng cho hỗn danh: “con ngựa”!

Những con quái thú ở nước CHXHCN Việt Nam đã tổ chức “quốc tang” cho con quái vật của xứ Cuba cộng sản.

Ký Thiệt
MatVit
Posts: 1308
Joined: Fri Sep 02, 2011 9:10 pm
Contact:

Post by MatVit »

Image


TRUMP , NƯỚC MỸ VÀ NGƯỜI MỸ
Tôi hiếm khi bình luận hay tham gia vào các cuộc tranh cãi chánh trị , bởi nó thường đi vào ngõ cụt, vì mỗi người 1 ý, ai cũng tự cho mình hay và tài giỏi & luôn luôn đúng .

Từ ngày Donald Trump đắc cử tổng thống hầu như cả thế giới đang hướng về Mỹ với đủ “ hỷ, nộ, ái, ố”. Nhưng người ta quên 1 điều, nước Mỹ mãi mãi là nước Mỹ , luôn bất ngờ & khó lường, vì nước Mỹ được khai sinh từ những con người ưa mạo hiểm.

Và người Mỹ đã chọn Trump
*TINH THẦN “AMERICAN FIRST”

Người Mỹ chọn Trump không phải vì họ thích ông ta, hay thương ông ta. Vì người Mỹ biết hơn ai hết là nước Mỹ & người Mỹ đang cần gi.

Nhiều nước, trong đó có VN đang chỉ trích Trump đang cổ súy cho “Chủ Nghĩa Dân tộc”. Điều này người ta nói là ông ta sai?

Tôi không cho là như vậy. Trump và người Mỹ hoàn toàn có quyền “ích kỷ dân tộc”. Tai sao ư? Vì tai sao TQ nêu cao tinh thần “Đại hán” dân tộc của họ, họ coi VN là nước tiểu nhược mà không ai dám lên tiếng chỉ trích?
Nhật bản đề cao tinh thần “Đại Đông Á” của họ, sao không ai lên tiếng?
Người Hồi giáo giương cao ngọn cờ ‘thế giới Hồi giáo” của họ tới mức cực đoan, tại sao không ai dám ho he?

Vậy , Trump và người Mỹ nêu cao tinh thần “American First” của họ là hoàn toàn chính đáng. Đã tới lúc, họ phải bảo vệ dân tộc mình & sự thịnh vượng của nước Mỹ.

* LỢI ÍCH DÂN TỘC LÀ TỐI THƯỢNG.

Khi tất cả quốc gia trên thế giới đều có gắng gom lợi ích kinh tế về cho quốc gia mình , mà rõ nhất là Trung Quốc. TQ đã phá giá đồng Yuan & thuế đánh vào các mặt hàng nhập cảng trên thế giới trong đó có VN & Mỹ , nhưng lại xuất cảng sang Mỹ & VN với thuế xuất thấp hoặc bằng “0”. Vậy thì Trump hoàn toàn có quyền đánh thuế cao hàng của TQ nhập vào Mỹ.
Có người cho rằng TQ là chủ nợ của Mỹ, & nếu Trump làm vậy người nghèo Mỹ sẽ thiệt thòi.

Có 2 điều những người này quên :

Thứ 1: Nếu Mỹ là con nợ của TQ, thì TQ cũng đang là con nợ của các quốc gia khác. Và kinh tế TQ đang bước vào giai đoạn suy thoái.

Thứ 2: Người ta chỉ nhìn vào duy nhất là giá hàng tiêu dùng rẻ, mà họ quên mất vòng luân chuyển của đồng tiền. Đất nước VN có những kẻ này nắm quyền nên kinh tế mới chạy theo hửi khói thiên hạ.

Một tay kinh tế lão luyện như Trump đương nhiên ông ta thấy rõ từng bước đi của kẻ cáo già mang tên TQ. Khi Trump tăng thuế hàng từ TQ nhập vào Mỹ 45%, điều này buộc các doanh nghiệp Mỹ phải rút về chính quốc, vì thuế cao & chi phí xuất nhập cảng 2 đầu sẽ đẩy giá thành sản phẩm từ TQ tăng gấp 3 lần, nên trở về Mỹ là giải pháp tối ưu cho các doanh nghiệp Mỹ.
Khi các doanh nghiệp Mỹ về lại chính quốc, họ sẽ tạo ra công ăn việc làm cho người lao động. Người hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ giảm, chỉ số tiêu dùng của người Mỹ sẽ tăng. Điều này thúc đẩy các nền kinh tế dịch vụ khác cũng tăng theo.

Ngoài ra, Mỹ sẽ ưu đãi cho 1 số quốc gia khác như Nhật , Đại Hàn & các nước Châu Âu đầu tư vào Mỹ. Tiếp đó là cuộc rút lui của các doanh nghiệp ở các nước này ra khỏi TQ.
Và lúc này, 1.3 tỷ dân TQ sẽ không phải là những kẻ không biết ăn , mà chỉ thở để sống.

* TRUMP BỎ RƠI BIỂN ĐÔNG??

Nhiều người nói như vậy. Nhưng tôi không cho là vậy.
Ông ta đang chuẩn bị thay đổi toàn bộ cục diện Biển Đông bằng 1 nước đi khác trên bàn cờ mà Obama đã đi sai nước.
Ông ta buộc Nhật & Đại Hàn phải tự bảo vệ lãnh thổ của mình.
Ông ta đã đánh động khối NATO, cuối cùng nước Anh đã phải đưa ra Biển Đông máy bay F35 để bảo vệ tự do hàng hải của mình.

Ông ta đã bật đèn xanh cho Đài Loan đứng lên làm khắc tinh của TQ.
Trump không nói tới Philippines, nhưng Duterte đã phải giảm bớt sự cuồng ngôn.

TQ – 1 kẻ ngang ngược đã thận trọng hơn trong thời gian gần đây , dù thực tế Trump chưa chính thức làm tổng thổng.
Nhiều người nói rằng chưa biết Trump sẽ đưa nước Mỹ về đâu.
Nhưng dù nước Mỹ có về đâu thì cũng là do dân Mỹ chọn.

Họ vẫn hơn đất nước VN này, những kẻ đang hô hào là “công bộc của dân” , nhưng dân Việt chưa bao giờ chọn họ.

Uyên Lê.
thuytrieu
Posts: 90
Joined: Mon Mar 14, 2016 4:09 pm
Contact:

Post by thuytrieu »

Image

Giữ ngọn lửa Formosa!!!

Xã luận bán nguyệt san Tự do Ngôn luận số 257 (15-12-2016)

Ngày 5 tháng 12 vừa qua, Linh mục Nguyễn Đình Thục thuộc Giáo phận Công giáo Vinh, đại diện các nạn nhân của thảm họa môi trường biển, trong bản trình bày trước Quốc hội Đài Loan về tội ác do Formosa gây nên đối với dân sinh và môi trường Miền Trung, đã mạnh mẽ tố cáo:

- Điều đáng căm phẫn là từ khi gây thảm họa đến nay, Formosa chưa một lần thông báo cho công luận biết họ đã thải những chất gì vào biển, số lượng bao nhiêu, thải trong thời gian nào!

- Điều đáng sợ hãi là một số báo chí trong nước có đưa tin nhiều mẫu cá lấy ở Hà Tĩnh bị nhiễm cyanur, phenol và đặc biệt là kim loại nặng cadimi, chì, sắt, crom và thủy ngân vượt mức cho phép. Nhưng thông tin chính thức về các độc tố này thì lại không có, đang khi người dân đòi hỏi nhà nước phải công bố rõ ràng kim loại nặng trong nguồn gây ô nhiễm là những loại nào, đâu là tác động của chúng đối với môi trường và sức khỏe, tồn dư của chúng trong trầm tích đáy biển sẽ ảnh hưởng đến nhiều thế hệ người Việt ra sao. Hiện giờ hầu như ai cũng nghe nói đến thảm họa Minamata ở Nhật Bản cách đây hơn nửa thế kỷ và đều sợ rằng trong những thập kỷ tới, dân Việt cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Nên từ khi thảm họa xảy ra, người dân không dám dùng các loại thủy hải sản (cá, tôm, nghêu, mực, muối, nước mắm…) vì chẳng biết những chất độc đã nhiễm vào chúng sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sinh mạng. Và tình trạng này sẽ còn kéo dài bao lâu nữa?

- Điều đáng ngỡ ngàng là người dân, đặc biệt những ai cảm thấy sức khỏe có vấn đề sau khi tiếp xúc với nước biển hay tiêu thụ sản phẩm biển, gặp rất nhiều khó khăn để lấy kết quả xét nghiệm liên quan đến kim loại nặng trong cơ thể của mình với những lý do rất khó hiểu. Hiện tại chỉ có một kết quả của một bệnh nhân cho thấy hàm lượng thủy ngân và chì trong máu vượt quá mức cho phép. Về bệnh tật, mặc dù chưa được chính thức công nhận, nhưng thông tin trên mạng xã hội ghi nhận ít nhất đã có ba trường hợp tử vong sau khi ăn cá biển. Một thợ lặn làm việc cho Formosa đã chết sau ngày bị nhiễm độc. Những thợ lặn khác cũng có các triệu chứng tương tự.

Dĩ nhiên, tất cả những sự mập mờ lấp lửng, bưng bít thông tin (từ phía Formosa và nhà cầm quyền) mà linh mục Nguyễn Đình Thục đã tố cáo ở trên không có gì mới, chỉ có điều là chúng được nói lên công khai tại chính nơi Formosa đặt bản doanh, sào huyệt, trong một nỗ lực mới để duy trì “ngọn lửa” Formosa. Xin lưu ý: linh mục Thục cũng là một trong nhiều người (chức sắc và tín đồ) tại Giáo phận Vinh đã làm cho ngọn lửa Formosa bùng cháy qua những vụ đưa đơn đòi bồi thường, nộp hồ sơ quyết khởi kiện và xuống đường biểu tình cách đông đảo…

Nhưng ngoài những việc “tiêu cực” nói trên đây, đảng và nhà nước Việt cộng còn thực hiện nhiều việc “tích cực” hơn nữa. Thời gian qua, đó là bao che dung dưỡng cho Formosa tiếp tục hoạt động, tiếp tục xả thải, tiếp tục đầu độc môi trường sau khi đã được nó thí cho một số tiền gọi là “bồi thường” hết sức bẻo bọt đến độ khốn nạn. Đó là không truy tố toàn bộ những quan chức chóp bu đã đưa tên tội phạm môi trường khét tiếng ấy vào VN hoặc đã lên tiếng bênh vực nó suốt mấy tháng trời cho tới cuộc họp báo chính phủ ngày 30-06. (Mới đây có truy tố -kiểu mỵ dân- một tên nhãi nhép là cựu chủ tịch xã Kỳ Anh về tội tham nhũng). Đó là tung toàn thể bộ máy công quyền, khối báo chí tay sai, dàn công an mạng, đám dư luận viên đồng loạt gọi đại thảm họa là “sự cố môi trường”, ngoác miệng tối thiểu hóa các nguy cơ, lùng sục những ai vạch trần vụ việc, vu khống chửi bới các cá nhân và tổ chức lên tiếng bảo vệ môi trường. Đó là trấn áp khốc liệt những cuộc biểu tình lớn nhỏ của nhân dân, của giáo dân nhằm tố cáo thủ phạm Formosa lẫn đồng phạm và đòi được bồi thường thiệt hại. Đó là hăm dọa, đánh đập, bắt bớ, xử tòa những công dân yêu cầu phải cho đất nước được sống trong một sinh thái an toàn. Đó là thay vì vận dụng tất cả mọi phương tiện kỹ thuật để thanh tẩy biển, tiêu diệt cá tôm nhiễm độc, khôi phục các rặng san hô, thì lại thỉnh thoảng họp báo để tuyên bố đại dương đã tự làm sạch mà không ngượng miệng, rồi xúi dân cứ đi tắm biển, nuôi trồng và tiêu thụ thủy sản. Đó là thay vì khôi phục và bảo vệ ngư trường ở miền Trung, để luôn có những “cột mốc bảo vệ chủ quyền đất nước trên Đông hải” vốn đang bị Tàu cộng lăm le chiếm đoạt, thì lại tìm cách buộc ngư dân phải chuyển nghề, rời biển, lên sống trên đất, qua lao động tận bên Lào, để lũ Bắc phương xâm lược dễ dàng hoàn tất kế hoạch. Đó là quyết tâm thực hiện một vụ Formosa thứ hai: xây dựng nhà máy thép mới với vốn của Trung Quốc ở Cà Ná, Ninh Thuận, mang tên Tôn Hoa Sen, để phối hợp cùng tên tội phạm ở Vũng Áng giết chết toàn bộ nguồn thủy sản của miền Trung và làm cho lãnh hải VN càng thêm thênh thang rộng mở cho Hán cộng tràn vào. Chưa kể vụ một nhà đầu tư Trung Quốc đang dự trù xây dựng nhà máy kẽm tại khu kinh tế Chân Mây–Lăng Cô, Thừa Thiên-Huế, cũng sát bên bờ biển.

Mới đây, còn có những sự việc động trời như vụ tàu kiểm ngư của Thanh Hóa đâm chìm tàu đánh cá của ngư dân sáng ngày 16-11-2016 trên chính vùng biển Việt Nam. Như vụ đại tá Đặng Hoài Sơn, trưởng công an thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh –với lời lẽ hăm dọa– đã buộc một ngư dân Đông Yên gỡ bỏ khỏi Facebook video clip mà anh đã quay được về chiếc tàu (nghi là từ Formosa ra) đang đổ hàng trăm tấn chất thải tại biển Vũng Áng ngày 20-11-2016. Rồi vụ sư đoàn 324 thuộc quân khu 4 vừa có cuộc diễn tập mà tình huống đặt ra là các chiến sĩ vượt sông để tấn công mục tiêu trên địa bàn Nghệ An. Theo công luận, mục tiêu giả định này chính là Giáo phận Công giáo Vinh nói chung và đầu não là tòa giám mục Vinh nói riêng (nằm bên một bờ sông) ở Xã Đoài. Trong quá khứ, sư đoàn 324 này từng đàn áp đẫm máu vụ giáo dân nổi dậy ở Quỳnh Lưu vào năm 1956, nơi mà mới đây, vào tháng 6-2016, cũng đã diễn ra một cuộc biểu tình phản đối Formosa từ phía các giáo dân.

Tất cả mọi động thái đó của nhà cầm quyền đều nằm trong kế hoạch “nhận chìm vụ cá chết” và “dập tắt ngọn lửa Formosa” hầu bảo vệ sự thống trị đầy sai lầm, tội ác và thất bại của đảng.

Nhưng dập tắt ngọn lửa Formosa sao được khi – vì ngu dốt? vì sợ hãi? vì đồng lõa? – Việt cộng đã ngửa tay nhận số tiền bồi thường 500 triệu đôla mà rõ ràng là chẳng thấm vào đâu so với thảm họa của môi trường và đòi hỏi của các nạn nhân đủ loại. Dĩ nhiên nhà nước đã có kế hoạch hỗ trợ cho tất cả những ai làm kinh tế biển ở 4 tỉnh miền Trung. Như ngày 21-10, với bản tin: “Địa phương đầu tiên chi trả bồi thường từ Formosa cho ngư dân”, báo VNExpress cho biết nhiều xã vùng duyên hải thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế đã được nhận tiền tạm cấp bồi thường là 400 tỷ đồng. Cũng tờ báo trên, ngày 16-11, lại loan tin ngư dân Quảng Trị được bồi thường lên tới 500 tỷ.

Tuy nhiên, báo chí lề dân thời gian gần đây lại loan những tin tức không mấy tốt đẹp về vụ này, đặc biệt tại những địa phương thiệt hại nhiều hơn là Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh. Dân Làm Báo ngày 25-10 cho hay: hôm nay, nhiều người dân xã Thạch Hạ đã đồng loạt vây hãm trụ sở UBND thành phố Hà Tĩnh biểu tình đòi đền bù thiệt hại do Formosa gây ra. Video và hình ảnh cho thấy người dân cầm theo băng-rôn lớn với dòng chữ: “Formosa làm thiệt hại nghề nghiệp và đời sống chúng tôi. Đề nghị chính quyền các cấp thực hiện công bằng”. “Formosa gây thảm họa, chúng tôi đang chịu hậu quả, đề nghị chính quyền giúp đỡ”. “Các hộ dân xã Thạch Hạ đề nghị UBND tỉnh, UBND thành phố đền bù thiệt hại do Formosa gây ra” và đòi gặp lãnh đạo thành phố để gửi đơn khiếu nại. Đáp lại, nhà cầm quyền chẳng những không dám gặp dân, mà còn đóng kín cổng văn phòng, đồng thời huy động lực lượng công an ra ngăn chặn và không cho người dân vào bên trong để nộp đơn.

Đài Á Châu Tự Do ngày 07-12 loan tin: Khoảng hơn 2.000 ngư dân xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, đã biểu tình tại nhà văn hóa thôn Xuân Hòa của xã vào sáng hôm nay để phản đối quyết định đền bù thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng do thảm họa môi sinh mà họ cho là không công bằng. Số người biểu tình này cũng là giáo dân xứ Xuân Hòa, hạt Hướng Phương, giáo phận Vinh. Linh mục Mai Xuân Ái, chủ chăn của họ phát biểu: “Dân bức xúc ở chỗ Nhà nước chưa đền bù cho dân; nhưng cô giáo ở các trường đòi nợ học sinh bắt phải đóng học phí, bảo hiểm y tế trong khi không tổ chức khám theo quyền lợi của các em. Một lý do nữa là người đáng đền bù lại không đền bù, còn người đáng hỗ trợ lại kêu lên… Dân không tán đồng cách làm của cơ quan chức năng nên họ quyết tâm xuống đường để đòi lại công lý.”

Trang mạng Tin Mừng Cho Người Nghèo ngày 12-12 cho biết: Hàng ngàn người dân vùng biển thuộc xã Kỳ Hà, Kỳ Vân và Kỳ Tân, tỉnh Hà Tĩnh đã quy tụ ngay đoạn đường đi vào thị xã Kỳ Anh, quốc lộ 1A, biểu tình đòi hỏi Formosa cút khỏi VN và yêu cầu nhà cầm quyền bồi thường thỏa đáng cho họ. Lý do chính khiến bà con xuống đường là vì VC đang làm ngơ trước sự mất mát cơ nghiệp của người dân và cả dân tộc, các gia đình lâm cảnh nghèo túng, trẻ em thất học dài dài… Nhiều băng-rôn biểu ngữ được bà con mang theo có nội dung: “Khởi tố Formosa”, “Formosa là thảm họa của đất nước”, “Tôi cần biển, cần tôm, cần cá, không cần sắt thép”…

Tất cả các cuộc biểu tình (mà trên đây chỉ là vài ví dụ tiêu biểu) ngày càng cho thấy VC không có thiện chí và chẳng đủ khả năng giải quyết đại thảm họa hiện thời của dân tộc. Mà từ xưa tới nay, có thảm họa lớn bé, khủng hoảng to nhỏ nào mà VC đủ tâm và đủ tầm để giải quyết ổn thỏa, ích lợi cho dân cho nước? Vì bản chất chế độ là quyết nắm mọi tài nguyên quốc gia (vật chất), mọi tư tưởng con người (tinh thần) để giữ mọi quyền lực, bất chấp dân tình đói khổ, đất nước điêu linh và giống nòi suy bại. Tất cả các cuộc biểu tình trên đây cũng ngày càng cho thấy giải pháp hữu hiệu hiện thời là tỏ bày sức mạnh tập thể, quyền lực nhân dân qua các cuộc xuống đường đông đảo và liên tục. Bên Đông Âu thập niên 80-90 thế kỷ trước, các giáo hội Công giáo, Tin lành, Chính thống một đàng vừa tổ chức những buổi cầu nguyện tập thể, thường xuyên, khắp cả nước cho quê hương, đàng khác vừa thiết lập thói quen xuống đường sau buổi thờ phượng Chúa nhật: lễ xong, từ mọi nhà thờ trong thành phố, tín đồ kéo nhau ra quảng trường trung ương. Các lãnh đạo tinh thần tại VN có dám thử như vậy không, có dám bắt chước những đồng nghiệp bên trời Âu mà nay được xưng tụng là mục tử của Giáo hội và là anh hùng của Dân tộc?
MatVit
Posts: 1308
Joined: Fri Sep 02, 2011 9:10 pm
Contact:

Post by MatVit »

Image

TẠP CHÍ VIỆT NAM
Tổng kết tình hình Việt Nam 2016

Thanh Phương
Formosa gây ô nhiễm khiến cá biển chết hàng loạt, thay đổi ban lãnh đạo sau những đấu đá quyết liệt ở Đại hội Đảng, Việt Nam tăng cường tiềm lực quân sự ở Biển Đông, Hoa Kỳ bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí Việt Nam, nợ công tăng cao đến mức báo động. Đó là một số trong những sự kiện đáng chú ý của thời sự Việt Nam năm 2016.

Cá biển chết hàng loạt

Có thể nói sự kiện được bàn tán nhiều nhất và gây chấn động nhiều nhất trong năm 2016 là vụ cá biển chết hàng loạt tại các tỉnh miền Trung vào tháng Tư do các chất độc hại do nhà máy của công ty Formosa Hà Tĩnh thải ra biển. Thảm họa môi trường chưa từng có ở Việt Nam đã gây thiệt hại nặng nề cho ngư dân các vùng này, và thu hút sự chú ý của báo chí quốc tế trong nhiều tháng.

Theo thẩm định của chính phủ trong một báo cáo với Quốc Hội vào tháng Bảy, khối lượng cá bị chết tại các vùng bờ biển miền Trung vào tháng Tư vừa qua lên đến 115 tấn, gây tác hại đến việc kiếm sống của hơn 200 ngàn người, trong đó có 41 ngàn ngư dân.

Vào tháng 06/2016, công ty Formosa đã thừa nhận trách nhiệm gây ô nhiễm biển khiến cá chết hàng loạt và đã hứa sẽ bỏ ra tổng cộng 500 triệu đôla để làm sạch nước biển và bồi thường cho những ngư dân bị thiệt hại. Nhưng cho tới nay, nhiều người dân địa phương vẫn chưa nhận được tiền đền bù, nên vẫn tiếp tục biểu tình phản đối Formosa, đòi bồi thường và đòi đóng cửa công ty này. Trong tháng Chín, hàng trăm ngư dân cũng đã tới tòa án Hà Tĩnh nộp đơn kiện Forrmosa, nhưng các hồ sơ kiện của người dân đã bị tòa bác với lý do « không có đủ cơ sở đánh giá mức độ thiệt hại ».

Thảm họa cá biển chết hàng loạt đã gây phẫn nộ dư luận Việt Nam và đã khơi dậy một phong trào mạnh mẽ đòi chính quyền phải chú tâm hơn đến việc bảo vệ môi trường khi cấp phép cho các dự án đầu tư ngoại quốc.

Đối với các chuyên gia quốc tế về môi trường như ông Nguyễn Đức Hiệp tại Sydney trong khi trả lời RFI ngày 04/07/2016, vụ Formosa là một bài học đắt giá cho Việt Nam về việc kiểm soát tác động của các dự án đầu tư ngoại quốc tại Việt Nam đối với môi trường biển.

Nhưng họa vô đơn chí, không chỉ gặp nạn cá biển chết hàng loạt, các tỉnh miền Trung năm nay còn gặp những trận lũ lịch sử. Thêm vào đó, các hồ thủy điện còn đồng loạt xả lũ, khiến nhiều địa phương chìm trong biển nước. Theo số liệu thống kê chính thức thì các trận mưa lũ đã khiến hơn 230 chết và mất tích. Biết bao người dân đời sống vốn đã khó khăn nay càng thêm khốn đốn vì các trận mưa lũ, xã lũ.

Thay đổi lãnh đạo

Chính trường Việt Nam năm 2016 đã có nhiều thay đổi, với việc tại Đại Hội đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12 họp vào đầu tháng Giêng, Ban Chấp Hành Trung Ương khóa mới đã bầu lại ông Nguyễn Phú Trọng vào chức tổng bí thư Đảng, chấm dứt một tuần họp kín đầy kịch tính với cuộc đấu đá quyết liệt giữa phe của ông Trọng với phe của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Việc ông Trọng giành phần thắng đã kéo theo việc thay đổi ban lãnh đạo chính quyền Việt Nam, với ba nhân vật đã được chọn trước lên thay thế ban lãnh đạo cũ: bộ trưởng Công An Trần Đại Quang lên làm chủ tịch nước, phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lên làm thủ tướng và phó chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân lên làm chủ tịch Quốc Hội.

Ba nhân vật nói trên đã được Quốc Hội mãn nhiệm bầu ngay vào chức vụ mới ngay cả trước khi diễn ra bầu cử Quốc Hội khoá mới vào tháng 05/2016, một sự kiện bất thường, tuy không phải là lần đầu tiên. Và Quốc Hội khóa mới dĩ nhiên là đã bổ nhiệm lại ba người vào vị trí cũ.

Nội bộ chính quyền Việt Nam 2016 cũng đã gặp không ít xáo trộn với vụ Trịnh Xuân Thanh, nguyên phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang, cựu chủ tịch hội đồng quản trị Tổng Công ty Xây Lắp Dầu Khí Việt Nam PVC bị cáo buộc là có « hành vi cố ý làm trái » gây thua lỗ hơn 3.000 tỷ đồng cho công ty. Nhưng chính quyền chưa kịp bắt thì ông Trịnh Xuân Thanh đã trốn ra nước ngoài, có tin đồn là đã trốn sang châu Âu, và cho tới nay vẫn biệt tăm, cho dù Việt Nam đã yêu cầu Interpol phát lệnh truy nã quốc tế đối với nhân vật này và tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã liên tục hô hào « phải bắt cho bằng được ».

Vụ Trịnh Xuân Thanh cho thấy là đấu đá nội bộ vẫn tiếp diễn ở Việt Nam, nhất là vì ông Vũ Huy Hoàng, cựu bộ trưởng bộ Công Thương, cấp trên trực tiếp trước đây của ông Trịnh Xuân Thanh, cũng đã bị kỷ luật, bị « cách chức » cho dù không còn là bộ trưởng nữa. Đánh vào ông Trịnh Xuân Thanh và ông Vũ Huy Hoàng cũng chính là đụng đến phe của Nguyễn Tấn Dũng.

Biển Đông : Việt Nam tăng cường tiềm lực quân sự

Về tình hình Biển Đông, đáng chú ý là trong năm nay là việc Hà Nội đã tăng cường tiềm lực quân sự và bồi đắp các đảo do Việt Nam kiểm soát để có thể đối phó với Trung Quốc. Ảnh vệ tinh Mỹ chụp ngày 30/11/2016 cho thấy Việt Nam có dấu hiệu bắt đầu công trình nạo vét tại Đá Lát (Ladd Reef), một đá thuộc quần đảo Trường Sa, bên trên có sẵn một ngọn hải đăng và một đồn lính nhỏ.

Trước đó, các hình ảnh vệ tinh do Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Tế Và Chiến Lược (CSIS) cũng cho thấy là Hà Nội đã mở rộng phi đạo và xây hai nhà chứa máy bay lớn trên một đảo của Trường Sa để có thể tiếp nhận những phi cơ mới của không quân Việt Nam, như máy bay giám sát biển PZL M28B và máy bay vận tải CASA C-295. Để mở rộng phi đạo, Việt Nam đã bồi đắp đảo cho lớn hơn, tương tự như việc Trung Quốc xây các đảo nhân tạo, tức bồi đắp các đá thành những đảo thật sự.

Hãng tin Reuters tháng 08/2016 tiết lộ rằng Việt Nam cũng đã bắt đầu triển khai các dàn tên lửa địa đối không ở quần đảo Trường Sa, nhưng Hà Nội chưa xác nhận thông tin này.

Với nguy cơ chiến tranh tái diễn với Trung Quốc do vấn đề Biển Đông, Việt Nam không có con đường nào khác hơn là phải tiếp tục hiện đại hóa quân sự, mua thêm vũ khí và thiết bị quân sự từ nhiều nguồn khác nhau, đặc biệt là từ Hoa Kỳ.

Mỹ bỏ cấm vận vũ khí

Trong năm 2016, quan hệ Việt - Mỹ tiếp tục được tăng cường, kể cả về mặt quốc phòng, đặc biệt với việc tổng thống Obama khi viếng thăm Việt Nam vào tháng 05 đã loan báo bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí cho Việt Nam. Bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương là điều mà Hà Nội vẫn thúc giục Washington làm trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tỏ ra hung hăng trên vấn đề chủ quyền Biển Đông. Tuy nhiên, ông Obama cũng đã nói rõ là việc bán vũ khí cho Việt Nam vẫn còn phải đáp ứng những yêu cầu của Mỹ, trong đó có yêu cầu về nhân quyền.

Theo báo điện tử của chính phủ Việt Nam, tổng thống tân cử của Mỹ Donald Trump, khi điện đàm với thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 14/12, đã « khẳng định mong muốn hợp tác với Việt Nam để cùng thúc đẩy quan hệ ». Hai nhà lãnh đạo cũng đã « trao đổi phương hướng và biện pháp thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam-Hoa Kỳ thời gian tới. »

Việt Nam đã hy vọng là thông qua hiệp định Tự Do Mậu Dịch Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương sẽ củng cố hơn nữa quan hệ với Hoa Kỳ, giảm bớt sự lệ thuộc vào Trung Quốc. Thế nhưng, tổng thống tân cử Donald Trump đã dập tắt hy vọng đó khi tuyên bố rằng ngay trong ngày đầu tiên vào Nhà Trắng, ông sẽ rút Hoa Kỳ ra khỏi TPP, một hiệp định mà theo ông chỉ bất lợi cho nước Mỹ.

Tuy vậy, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, trả lời RFI ngày 21/11/2016, Việt Nam còn nhiều kênh khác để tiếp tục hội nhập kinh tế thế giới.

Báo động nợ công

Nhưng trên con đường phát triển kinh tế, có một nguy cơ rất lớn đang rình rập Việt Nam, đó là món nợ công tiếp tục tăng cao và nay đã lên đến mức đáng báo động.

Theo các số liệu do chính phủ đưa ra thì tốc độ tăng nợ công của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2015 là 18,4% một năm, gấp 3 lần tăng trưởng kinh tế. Nợ công của Việt Nam năm 2016 được dự báo sẽ tăng lên mức 64%, tức là tiến ngày càng gần đến mức trần cho phép (65% GDP). Trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ ngày 28/11/2016, chuyên gia tài chính Huỳnh Bửu Sơn ở Sài Gòn cho rằng nguyên nhân chính khiến nợ công Việt Nam tăng nhanh là do hiệu quả của đầu tư công quá thấp.

Hệ quả của tình trạng nợ công tăng cao là thâm hụt ngân sách triền miên. Việt Nam đang có nguy cơ là bị cuốn sâu vào vòng xoáy vay để trả nợ, vay để bù đắp thâm hụt ngân sách. Đây là những thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam trong những năm tới.
phidao
Posts: 132
Joined: Sun Sep 30, 2012 7:29 am
Contact:

Post by phidao »

Đưa Việt Nam vào tầm ngắm của các luật trừng phạt của Hoa Kỳ

Đây là thời điểm để hành động, đúng việc và đúng cách

Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 25 tháng 12, 2016
Trong những tuần cuối năm, Quốc Hội Hoa Kỳ lần lượt thông qua 2 đạo luật về nhân quyền có tiềm năng tạo lợi thế cho người dân để đòi nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam.

Trước đây, người dân luôn luôn thất thế và bị động vì chế độ độc tài bày sân chơi, đặt luật chơi và làm trọng tài. Hai luật nhân quyền vừa được ban hành cho phép chúng ta chuyển sân chơi ra khỏi Việt Nam, nơi các biện pháp trừng phạt của luật Hoa Kỳ định luật chơi và nơi chúng ta là công dân Hoa Kỳ nắm phần chủ động. Các nhân vật của chế độ, nếu vi phạm nhân quyền một cách nghiêm trọng, nay phải đối mặt với các hệ luỵ ngoài tầm kiểm soát của họ.

Nhưng sự chuyển thế ấy mới chỉ là tiềm năng, và tiềm năng chỉ biến thành hiện thực nếu chúng ta bắt tay vào việc, và hành động một cách có kế hoạch và đồng bộ với nhau giữa trong và ngoài nước.

Những biện pháp trừng phạt

Tổng hợp 2 đạo luật mới được ban hành với luật hiện hành, Hoa Kỳ có những biện pháp trừng phạt sau đây:


(1) Cấm nhập cảnh và đóng băng tài sản của thủ phạm đàn áp nghiêm trọng các nhân quyền được quốc tế công nhận, hay can dự vào việc cưỡng đoạt tài sản của dân, hay dính líu đến các vụ tham nhũng lớn.

(2) Nếu vụ đàn áp liên quan đến quyền tự do tôn giáo, thân nhân trực hệ của thủ phạm cũng bị cấm nhập cảnh, và nếu đang ở Hoa Kỳ thì bị trục xuất; tổ chức ngoài chính phủ can dự vào vụ đàn áp bị chỉ định là “thực thể phải quan tâm đặc biệt”, cùng danh sách với các tổ chức khủng bố ở Trung Đông.

(3) Nếu sự đàn áp tự do tôn giáo mang tính cách nghiêm trọng và phổ biến thì cả chế độ bị đưa vào “danh sách cần theo dõi đặc biệt”, sau 2 năm không cải thiện thì tự động rơi xuống danh sách “quốc gia phải quan tâm đặc biệt” (CPC) và phải đối mặt với một hay nhiều trong số 15 biện pháp chế tài tập thể.

Cá trên thớt

Ngày càng nhiều nhân vật quyền thế ở Việt Nam đưa con cái hay vợ, chồng sang Hoa Kỳ để làm đầu cầu cho “sự nghiệp” chuyển của. Những ai trong số này mà bị đưa vào sổ đen chế tài thì có cơ nguy bị đóng băng toàn bộ tài sản nổi và chìm, đích thân mình sẽ bị cấm nhập cảnh Hoa Kỳ, và vợ, chồng, con cũng có thể bị trục xuất. Thủ phạm có thể bất chấp biện pháp trừng phạt tập thể vì ít ảnh hưởng đến họ, nhưng chắc chắn sẽ lo lắng cho tài sản cá nhân và triển vọng “hạ cánh an toàn” khi có biến động. Đấy chính là sợi dây thòng lọng mà các nhà lập pháp Hoa Kỳ cố tình giăng ra trong luật trừng phạt vừa được ban hành ngày 23 tháng 12 vừa qua.

Khi nói về thủ phạm thì không chỉ là những công an viên thi hành lệnh ở cấp phường cấp xã mà còn bao hàm những người ra lệnh hay điều động ở đằng sau, các người ban hành luật mang tính cách đàn áp nhân quyền, các điều tra viên ép cung, các quan tòa xử án tuỳ tiện và kể cả những cá nhân hay tổ chức ngoài chính phủ cam phận làm công cụ đàn áp cho chính quyền (như là một số chức sắc và tổ chức tôn giáo quốc doanh). Việc nhận diện đầy đủ thủ phạm đòi hỏi rất nhiều công phu.

Chúng ta phải làm gì?

Muốn khai dụng các biện pháp trừng phạt trong luật Hoa Kỳ, chúng ta phải thực hiện 3 công đoạn sau đây cho mỗi vụ vi phạm nhân quyền:

(1) Lập hồ sơ theo tiêu chuẩn quốc tế, với đủ thông tin về mức nghiêm trọng và về các thủ phạm;

(2) Bảo đảm rằng Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ xác nhận hồ sơ vi phạm khi phúc trình với Quốc Hội;

(3) Thúc đẩy biện pháp trừng phạt thích đáng đối với hồ sơ đã được xác nhận.

Riêng trong lĩnh vực tự do tôn giáo hay niềm tin, luật tăng cường bảo vệ tự do tôn giáo quốc tế (HR 1150) làm nhẹ gánh nặng cho chúng ta ở công đoạn (2). Luật này đòi hỏi Bộ Ngoại Giao hàng năm nộp cho Quốc Hội danh sách các vụ vi phạm quyền tự do tôn giáo kèm với danh sách các thủ phạm. Hiện nay chưa có luật nào tương tự cho những lĩnh vực nhân quyền khác. Luật Nhân Quyền Việt Nam có công dụng ấy và sẽ được chúng tôi vận động trong 2 năm 2017-2018. Trong khi chờ đợi, chúng ta phải theo dõi sát sao và vận động cho từng hồ sơ trong công đoạn (2) và (3), nếu không liên quan đến tự do tôn giáo.

Nói tóm lại, để khai dụng các biện pháp trừng phạt trong luật Hoa Kỳ, người ở trong lẫn ngoài nước phải phát triển năng lực cần thiết để thu thập và phối kiểm thông tin về từng trường hợp vi phạm, phải đổ công thực hiện các hồ sơ vi phạm theo đúng tiêu chuẩn quốc tế, và phải phối hợp nhịp nhàng với nhau để bảo đảm rằng các hồ sơ vi phạm được đặt lên bàn của các dân cử Quốc Hội và giới chức Bộ Ngoại Giao. Để tạo thuận lợi cho những việc này, chúng tôi đã thử nghiệm công thức “kết nghĩa” với nhiều thành quả cụ thể.

Công thức kết nghĩa

Kết nghĩa là công thức giúp cho người Việt ở ngoài nước và đồng bào ở trong nước tổng hợp lực và thế một cách nhanh chóng và hiệu quả để khai dụng các biện pháp trừng phạt trong luật của Hoa Kỳ. Công thức ấy như sau:

(1) Cứ dăm người thân quen ở hải ngoại hiệp lại thành “nhóm kết nghĩa” để yểm trợ kỹ thuật và tài chính cho một cộng đồng tôn giáo hay sắc tộc, hay một tổ chức xã hội dân sự, ở trong nước, giúp họ phương tiện và sự an tâm để phát triển năng lực;

(2) Cộng đồng hay tổ chức ở trong nước tạo ý thức cho thành viên về các nhân quyền được quốc tế công nhận, tạo cơ hợi cho họ thực thi các nhân quyền ấy, và cử người theo học các khóa huấn luyện ngắn và dài hạn của chúng tôi về lập hồ sơ báo cáo vi phạm nhân quyền;

(3) Các nhóm kết nghĩa có nhân sự ở Hoa Kỳ cùng nhau vận động dân biểu và thượng nghị sĩ chuyển hồ sơ vi phạm cho Bộ Ngoại Giao và theo dõi cho đến khi có câu trả lời cho từng hồ sơ.

Công thức kết nghĩa trên đây nối liền từng cộng đồng đang bị đàn áp ở trong nước trực tiếp với các cơ quan lập pháp và hành pháp Hoa Kỳ, để mỗi vụ vi phạm nhân quyền ở Việt Nam đều được theo dõi và có biện pháp xử lý thích đáng.

Chúng tôi đã thực hiện một video giải thích công thức kết nghĩa:

Thay lời kết

Công cuộc vận động Quốc Hội Hoa Kỳ, một phần của chương trình quốc tế vận do BPSOS đề xướng từ năm 2010, đã có những thành quả rõ rệt: 2 trong 3 dự luật trong mục tiêu vận động đã thành luật và cung cấp cho chúng ta các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ đối với những thủ phạm đàn áp nhân quyền. Tuy nhiên các luật này không tự động đẩy lùi sự đàn áp ở Việt Nam. Chúng chỉ là những khí cụ lợi hại mà chính chúng ta phải học cách sử dụng và rồi sử dụng.

Cách để sử dụng ngay các khí cụ này là tạo thế liên hoàn trong-ngoài, qua đó người Việt ở hải ngoại bổ khuyết cho các cộng đồng đang bị đàn áp ở trong nước trong 2 lĩnh vực: báo cáo vi phạm và vận động áp dụng biện pháp trừng phạt. Với thế liên hoàn ấy, mỗi khi chế độ đàn áp cộng đồng được kết nghĩa ở trong nước, thì lập tức nhóm kết nghĩa ở ngoài nước dùng thế công dân Hoà Kỳ để đưa các thủ phạm đàn áp nhân quyền vào tầm ngắm của luật pháp Hoa Kỳ. Tôi sẽ trình bày kế hoạch nới rộng chiến lược này đến các quốc gia khác.

Chúng ta đang có cơ hội để giành thế chủ động bằng cách đưa vấn đề nhân quyền vào sân chơi mới -- sân chơi của luật pháp Hoa Kỳ, nơi mà luật chơi do chính chúng ta vận động trong 6 năm qua và giờ đây đã thành công; trọng tài chính là chúng ta, những người thổi còi các vụ vi phạm và chỉ ra những thủ phạm để bị trừng phạt.

Tôi kêu gọi người Việt ở hải ngoại nhanh chóng lập ra các nhóm kết nghĩa để cùng nhau giành lấy thời cơ và thế chủ động. Nếu cần hướng dẫn, xin liên lạc với chúng tôi tại: bpsos@bpsos.org

Đồng thời, tôi kêu gọi các cộng đồng đang bị đàn áp ở Việt Nam hãy tập trung phát triển khả năng tự vệ và báo cáo vi phạm. Nếu cần hướng dẫn hay tìm nhóm kết nghĩa, xin liên lạc với chúng tôi tại: bpsos@bpsos.org

Đó là những việc mà chúng ta, những người ở trong và ngoài nước, phải làm, và làm càng sớm càng tốt, trong những tháng ngày tới đây.
phidao
Posts: 132
Joined: Sun Sep 30, 2012 7:29 am
Contact:

Post by phidao »

Image

Tại sao tất cả lãnh tụ cộng sản đều phá tan hoang đất nước?

Ngọc Ẩn
(Danlambao) - Chủ nghĩa CS kêu gọi đấu tranh giai cấp. Lúc đầu là đấu tranh giữa giai cấp công nhân, nông dân nghèo và chủ nhân. Sau khi giới chủ nhân bị đảng CS cướp hết tài sản, đấu tố, giết hoặc đày đi lao động khổ sai và chết trong rừng. Kế đến là CS đấu tranh, giết hại người trí thức. Một đất nước mà nhóm cầm quyền không biết tôn trọng nhân tài, người biết phát triển kinh tế và trí thức bị đào tận gốc, tróc tận rễ thì đất nước đó phải hoang tàn.


Sau khi đảng CS nắm được toàn quyền sinh sát thì bước kế tiếp người CS đấu tranh giai cấp với ai? Cách thức đảng CS chọn lựa lãnh tụ như Tổng Bí thư, Thủ tướng, Chủ tịch Nước là do một thiểu số nhỏ đảng viên bầu chọn chứ không do dân bầu. Như thế thì đấu tranh giai cấp phải xảy ra trong thành phần đảng viên để leo lên các chức vụ quyền lực. Chúng ta đã thấy đấu tranh giai cấp giữa Hồ Chí Minh và Lê Duẫn, giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và TBT Nguyễn Phú Trọng. Giờ đây là đấu tranh giai cấp giữa TBT Trọng và Chủ tịch Nước Trần Đại Quang và Bí thư Thành ủy Sàigòn Đinh La Thăng. Các chức vụ chóp bu do một nhóm nhỏ đảng viên bầu chọn vì thế chuyện kết bè, kết đảng, hối lộ, mua chuộc lá phiếu là chuyện đương nhiên. Sau khi các lãnh tụ ngồi vào ghế quyền lực thì họ tiếp tục bảo vệ cái ghế bằng cách đưa thân tộc vào các chức vụ dưới quyền của họ, chia quyền lợi cho bè đảng đã bầu họ lên. Các lãnh tụ lấy tiền từ đâu để cung phụng cho đàn em? Họ lấy từ tiền thuế xăng, tăng giá điện, cướp nhà, cướp đất của dân, bán tài nguyên, bóc lột công nhân, xuất khẩu lao động, bán nước cho Tàu Cộng. Dưới trướng của vài trăm đảng viên cao cấp là vài triệu đàn em ăn theo. Dân có chết đói, chết bệnh, chết vì cá nhiễm độc Formosa, chết lạnh, chết vì xả lũ đều mặc kệ bọn dân đen. Đảng CSVN cũng chẳng cần bảo vệ tổ quốc vì họ đâu cần dân bầu họ vào ghế quyền lực.


Ở các nước tự do dân chủ thì Tổng thống hoặc Thủ tướng do dân bầu ra. Nếu muốn còn tại chức thì họ phải biết lo cho dân, cho tổ quốc. Dân thì quá đông nên Tổng thống không thể dùng tiền mua chuộc lá phiếu mà phải tạo công ăn việc làm, giúp kinh tế phát triển và lo cho dân được ấm no, hạnh phúc. Tổng thống phải lo bảo vệ tổ quốc, bảo vệ an toàn cho người dân. Ở cái thiên đường XHCNVN thì đảng CSVN câm họng nhìn Tàu cộng húc chìm tàu đánh cá của ngư dân và sau đó là đảng tìm cách bịt miệng ngư dân đã bị TC húc chìm tàu nhưng chưa chết.


Đảng CSVN cứ bóc lột, róc dân cho cho đến xương, giờ đây đảng CS lại chặt cả xương mà hầm nước lèo thì dân đói ắt hẳn phải nổi lên. Lịch sử lại tái diễn cái vòng lẩn quẩn đấu tranh giai cấp giữa giới bần cùng và giới cộng sản đại gia đang cầm quyền như đã xảy ra ở những nước cộng sản ở Đông Đức, Tiệp Khắc, Ba Lan, Hung Gia Lợi, Nga. Để bảo vệ quyền lợi và tính mạng của nhóm lợi ích chóp bu thì đảng CSVN chi một số tiền khổng lồ để nuôi công an. Các nguồn tiền để nuôi công an, quân đội đang cạn kiệt. Hải sản nhiễm độc không ai mua, ngư dân không ra khơi đánh cá khiến công nhân chế biến hải sản thất nghiệp, nhà nước xả lũ làm hư hại mùa màng, sụp đổ nhà cửa, cuốn trôi tài sản của dân miền Trung, ruộng nhiễm mặn ở miền Nam thì dân lấy gì xuất khẩu và đóng thuế. Đảng và nhà nước CSVN đang tìm cách ăn cướp sạch số vàng và đô la của dân, trông chờ vào nguồn tiền từ thiện từ ngoại quốc và tiền đi ăn mày từ các nước tư bản. Nguồn tiền từ thiện cũng chẳng nuôi nỗi vài chục triệu dân. CSVN đi ăn mày còn láo cá vặt và vi phạm nhân quyền khiến thế giới khinh ghét. Nhà cầm quyền CSVN cứ vi phạm nhân quyền, đánh đập những nhà đấu tranh dân chủ sẽ khiến người Việt hải ngoại cắt luôn nguồn tiền từ thiện cho dân nghèo mà chỉ giúp những nhà đấu tranh dân chủ để đất nước sớm thoát khỏi ách CS. Dân đói sẽ vào nhà cán bộ giàu có mà lấy lại những gì họ đã bị cán bộ trấn lột mấy chục năm qua. Dân đói thì công an hạng tép riêu cũng đói. Khi công an đói thì họ cướp giật của dân càng khiến xã hội loạn lạc, cướp giật nổi lên như rươi. Những địa phương người dân biết đoàn kết bảo vệ cho nhau chống cướp thì còn tồn tại sau thời loạn lạc.


Ở các nước tự do dân chủ thì Tổng thống, Dân biểu Quốc hội đều cần lá phiếu của người dân nên họ giốc hết tâm sức làm việc phụng sự người dân. Ở các nước cộng sản thì các lãnh tụ chóp bu không cần lá phiếu của dân để trở thành Tổng Bí thư, Thủ tướng, Chủ tịch Nước vì thế họ coi dân như rơm rác, như nô lệ làm ra vật chất để họ nuôi công an bảo vệ họ. Những đảng viên cộng sản giốc toàn lực và trí tuệ vào đấu tranh giai cấp trong nội bộ đảng, kết bè đảng dành ghế quyền lực khiến họ không còn tâm trí để chăm lo cho dân tộc và đất nước mà chỉ lo cho nhóm lợi ích và ngoại bang đã bầu họ vào ghế quyền lực. Sau khi được chức quyền thì họ phải lại quả cho Tàu cộng bao gồm tài nguyên, đất đai, biển đảo. TBT Nguyễn Văn linh đã từng tuyên bố "thà mất nước còn hơn mất đảng." Nhìn hành động của TBT Nguyễn Phú Trọng bảo vệ Formosa, dâng đất, triều cống biển đảo, rước Tàu cộng vào VN thì đã rõ ông đang phục vụ cho Tàu cộng và sẳn sàng giết dân Việt để bảo vệ Tàu cộng. Hồ Chí Minh là tên Việt gian bán nước và các đàn em của Hồ tiếp tục sự nghiệp Việt gian cho dến hôm nay.

Tập đoàn Việt gian CSVN đã và đang phá hoại, xâu xé một đất nước VN tươi đẹp, giàu tài nguyên thiên nhiên để biến tổ quốc VN thành một bãi rác chứa chất độc kỷ nghệ do Tàu cộng mang vào. Tên đồ tể diệt chủng Pol Pot đã nhận lệnh TC giết dân Campuchia bằng súng đạn, dao búa. Những tên đồ tể từ thời HCM nhận súng đạn giết dân đến Nguyễn Phú Trọng nhận lệnh của TC đang diệt chủng dân Việt bằng thuốc độc của Tàu cộng. Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc bao che TC đầu độc sông, hồ, biển, đất (bauxite). Dân Campuchia bị giết chết ngay lập tức khiến thế giới lên án Pol Pot. Dân VN sẽ chết từ từ trong âm thầm vì nhiễm độc, vì ung thư, vì đói rét và thế giới sẽ không thấy mà lên án bọn diệt chủng CSVN.

30.12.2016

Ngọc Ẩn

danlambaovn.blog
thienthanh
Posts: 3384
Joined: Thu Jun 07, 2007 4:14 pm
Contact:

Post by thienthanh »


Loạn vì bất chấp luật pháp


Ngô Nhân Dụng
Em Đỗ Tuấn Lâm, học sinh lớp 4 ở huyện Thường Tín, Hà Nội, chửi nhau với bạn, bị cô giáo phạt, cho 42 bạn cùng lớp tát vào mặt, kêu khóc cũng không tha. Hình ảnh được truyền nhanh trên mạng khiến cô giáo bị cho nghỉ. Bà hiệu trưởng nói rằng cô giáo vốn dạy giỏi, cả lớp cô dậy đều là học sinh xuất sắc! Các công dân mạng đều trách cô giáo, và cả nền giáo dục ở Việt Nam. Nhưng tại sao một cô giáo giỏi lại đối xử tàn nhẫn như vậy, với một học sinh mồ côi và lâu nay vẫn bị bạn cùng lớp bắt nạt?

Trách tội cô giáo và những người bạn của em Lâm là đúng. Nhưng nên biết chính họ cũng là nạn nhân đáng thương. Một học sinh chửi mắng thô lỗ, cô giáo đã “thi hành kỷ luật” theo đúng bổn phận của mình. Thi hành cách nào? Cô chỉ việc bắt chước những cảnh chung quanh mình. Cô giáo biết ở nước ta những người có quyền là nắm toàn quyền. Cô giáo đã thấy cảnh sát lưu thông vẫn tát tai người lái xe, có khi đánh người ta ngã quỵ xuống đường, chỉ vì những tội nho nhỏ như xe thiếu bảng số, hay quên đội nón an toàn. Cô sống trong một xã hội những người nắm quyền tự mình đặt ra luật lệ, người dưới chỉ có việc tuân theo. Cô không bao giờ biết rằng ở nước khác, cảnh sát chỉ có quyền biên phạt người vi phạm luật lưu thông, chứ không được đụng tới thân thể người ta! Trước khi hỏi giấy tờ, cảnh sát còn phải chào người tình nghi phạm luật.

Mới tháng trước, một người dân ở xã Sông Nhạn, tỉnh Đồng Nai đang chạy xe máy, bất ngờ một nhóm dân phòng và công an xã lao ra chặn xe dù anh vẫn theo đúng luật đi đường. Vòi tiền không được, bọn chúng giật chìa khóa xe mang đi, bỏ mặc anh Nguyễn Trường Hải, 36 tuổi, giữa đêm khuya đứng ngoài đường, cách nhà 10 cây số. Cả một “xã hội loạn” đã ảnh hưởng trên hành vi và thái độ của cô giáo cũng như các học sinh.

Các em học sinh xúm lại tát tai bạn cũng chỉ là nạn nhân của xã hội hỗn loạn. Các em đã chứng kiến cảnh con người đối đãi với nhau thế nào, cho nên bắt chước. Những bà con nông dân đi kêu oan vì mất đất, mất ruộng, đã bị công an ném lựu đạn cay rồi đánh, đấm túi bụi. Cả một làng xúm đánh mấy người bắt trộm chó, đánh chết không tha! Các toán côn đồ giành giật cũng đánh nhau không khác gì công an đánh người. Người bị công an tra tấn, hành hạ đến chết trở thành một truyện dài nhiều tập không bao giờ ngưng. Năm ngoái, Bộ Công An báo cáo với Quốc Hội từ năm 2011 đến 2014, có “226 người chết trong các trại tạm giữ, tạm giam, chủ yếu do tự sát và bệnh lý.” Tại sao người ta mắc bệnh không cho đi nhà thương mà lại giam đến chết không tha? Tại sao có người lại chọn đồn công an làm nơi tự sát?

Các học sinh ở Thường Tín, Hà Nội, chắc phải được nghe chuyện ông Nguyễn Cao Tấn, 45 tuổi, ở tỉnh Vĩnh Phúc, không xa. Ông Tấn được mời đến trụ sở công an “làm việc,” về nhà thì trên người đầy vết bầm tím. Sáng ngày 28 Tháng Mười, 2016, người nhà vào phòng gọi thì thấy ông Tấn đã ngừng thở, thân hình cứng lạnh. Mới ngày 28 Tháng Mười Hai vừa rồi, ông Nguyễn Quốc Toản, 36 tuổi, bị bắt tạm giam ở huyện Lấp Vò, Đồng Tháp, tới buổi chiều cũng “lấy quần dài làm dây treo cổ tự tử.”

Các em học sinh chắc phải biết tin hàng trăm con nghiện tại trung tâm Cai Nghiện Đồng Nai vào lúc nửa đêm đã phá cửa, tràn ra Quốc lộ 1, tay cầm gậy gộc chặn xe xin tiền, đập phá, giật điện thoại, cướp thức ăn. Căn trại này chỉ có chỗ chứa 600 người, nhưng đã giam giữ 1,500 người khi vụ nổi loạn xẩy ra.

Côn đồ làm loạn, người ghiền bị nhốt làm loạn, công an làm loạn thường xuyên. Dân Việt Nam không còn tôn trọng luật pháp nữa. Vì người ta thấy những kẻ nắm quyền coi thường luật pháp. Họ thấy luật pháp là do bọn cường quyền đặt ra để bảo vệ quyền lợi và tài sản của chúng nó! Cái gì dân còn giữ được thì cố mà giữ. Cái gì chúng nó cướp rồi thì đi biểu tình đến chết cũng khó đòi được. Tất cả công sản quốc gia chúng độc quyền thao túng, khai thác, bán lấy tiền bỏ túi. Khái niệm “của công” đã biến mất!

Cho nên mới hôm qua, 30 Tháng Mười Hai năm 2016, người dân xã Triệu Nguyên, huyện Đăkrông, Quảng Trị, đã mang cưa máy, dao rựa vào chặt phá những khu rừng thuộc loại được bảo vệ, chưa được đốn. Một người dân địa phương nói, “Việc phát rừng diễn ra ngang nhiên đã nhiều năm nay, nhưng không thấy nhà chức trách ngăn chặn.” Khi người cầm quyền không còn tôn trọng pháp luật, người dân đã tự làm lấy luật theo ý họ!

Một tháng trước đây, tại huyện Di Linh, nhiều chiếc xe khách, xe tải trên quốc lộ 20 bị ném đá làm vỡ kính, hành khách bị thương và lưu thông gián đoạn. Hung thủ là hai thanh niên đi xe máy, họ đeo ba lô chứa đựng đá, để tấn công xe cộ! Tại sao hai anh này đi phá làng phá xóm như vậy? Họ nổi loạn chống cái gì? Chắc họ chỉ muốn chứng minh rằng: Xã hội loạn rồi! Ai muốn làm gì thì cứ làm đi!

Chúng ta biết rằng xã hội hỗn loạn này là do chế độ độc tài toàn trị gây ra. Nhưng cái gì trong chế độ cộng sản là động cơ chính đưa tới tình trạng này? Đó là quan niệm và thái độ khinh thường pháp luật của các lãnh tụ cộng sản, từ Stalin, Mao đến Hồ Chí Minh và đám con cháu. Đối với các lãnh tụ cộng sản, chính trị quyết định tất cả. Chính trị làm chủ, đứng trên cả luật pháp lẫn đạo đức. Con người cộng sản gương mẫu là một người “chính trị tốt,” nghĩa là chỉ biết vâng theo lệnh đảng, không tự mình suy nghĩ và phán đoán. Một người dân tốt là người chỉ tuân lệnh, cán bộ bảo sao là làm như thế.

Cho nên trong chế độ Cộng Sản họ không cần trường đại học luật khoa, không cần huấn luyện các luật sư. Tòa án nhân dân do các bần cố nông đứng ra, vừa kết tội, vừa tuyên án, vừa thi hành bản án.

Khi một nhóm người cướp chính quyền rồi tự phong cho họ độc quyền “lãnh đạo nhà nước và xã hội” theo điều 4 Hiến Pháp, thì họ bất chấp luật pháp. Ai nắm quyền trong tay thì tự mình làm ra luật, phán xử mọi người khác theo ý mình, và thi hành luật của họ với người khác tùy thích. Các lãnh tụ cao nhất bắt đầu nêu gương xấu cho đám tay chân thủ hạ, bệnh lan truyền từ trên xuống dưới, dần dần ảnh hưởng trên tất cả mọi người; ngoài đường, trong xóm là các chú công an, trong nhà thương là bác sĩ, y tá, trong trường họ là các cô giáo, truyền tới cả học sinh. Cứ như vậy, xã hội thành loạn.

Mạnh Tử đã liệt kê các hiện tượng cho thấy một chế độ khó đứng vững: “Khi người trên không dựa vào đạo lý, kẻ dưới không theo luật pháp, trong triều vi phạm lễ nghĩa, các công chức không tin chế độ, người quân tử không giữ nghĩa, kẻ tiểu nhân phạm hình luật.” Ông kết luận: “Một nước như vậy mà tồn tại là điều hiếm có.” (Thượng vô đạo quỹ dã, hạ vô pháp thủ dã, triều bất tín đạo, công bất tín độ, quân tử phạm nghĩa, tiểu nhân phạm hình, quốc chi sở tồn giả, hạnh dã). [上無道揆也,下無法守也,朝不信道,工不信度,君子犯義,小人犯刑,國之所存者幸.]

Nhiều người lo cho nếp sống đạo lý ở nước ta. Nhưng chỉ một quốc gia sống có pháp luật mới có cơ hội phục hồi đạo lý.

Nhiều người đang lo lắng cho nếp sống đạo lý ở nước ta; không biết làm sao khôi phục được. Nhưng một quốc gia phải sống có pháp luật thì mới tạo cơ hội cho việc phục hồi đạo lý. Khi chế độ cộng sản sụp đổ, việc đầu tiên người Việt Nam cần làm là tái lập tinh thần tôn trọng pháp luật. Muốn vậy, chính những người ở địa vị cao nhất phải làm gương tôn trọng luật pháp; truyền xuống đến cả guồng máy hành chánh, quân đội, cảnh sát, vân vân. Cứ như vậy, mới hy vọng người dân bình thường cũng tôn trọng luật lệ. Các cô giáo, thầy giáo sẽ suy nghĩ trước khi phạt học sinh: Lỗi lầm em mới phạm là thuộc loại tội nào, có bao nhiêu cấp nặng nhẹ trong tội đó, mỗi cấp được phép trừng phạt thế nào, vân vân. Chắc chắn sẽ không có cô giáo nào hô hào cả lớp “đánh hội đồng” một bạn học cùng với mình!
Post Reply

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 0 guests