Tạp Ghi

thienthanh
Posts: 3386
Joined: Thu Jun 07, 2007 4:14 pm
Contact:

Post by thienthanh »

TRĂM NGHÌN NHÁNH KHỔ
Vũ Thế Thành

Các quán nhậu vỉa hè dọc kênh Nhiêu Lộc dạo này nhiều người hát rong, cũng ampli, loa, micro không dây, nhạc đệm,…Họ chỉ hát toànnhạc xưa, nhạc sến, với điệu rumba, bolero nghe tưởng như đồng hồ đếm ngược. Lần trước về Sàigòn, tôi đã ngồi quán vỉa hè, nghe những bài ca vỉa hè như thế…Lặng cả người, “…Buồn vào hồn không tên, thức giấc nửa đêm nhớ chuyện xưa vào đời. Đường phố vắng đêm nao quen một người, mà yêu thương trót trao nhau trọn lời..

Tôi chợt nhớ những ngày sau tháng tư 75, đám bạn bỗng nhiên làm đám cưới chớp nhoáng, lấy vợ lấy chồng để “đối phó” với thời cuộc, rồi vội vã tìm đường vượt biên. Có đứa vượt qua biên giới, nhưng cũng có đứa về bên kia thế giới. Những người ở lại tưởng họ đã đến bến bờ thiên đường.

Bước lên tàu là ngàn khơi sóng vỗ, không phải là chuyến xe Sàigòn- Đà Lạt. Có khi Hà bá mời xuống chơi, có khi tủi nhục trên đường vượt biển, phần còn lại là may mắn. Mà có may mắn lọt vào xứ người cũng chưa hết. Cô bạn tôi cao chưa quá thước rưỡi, với tay đưa khay bánh vào ngăn, trượt chân, u đầu sứt trán. Quên cả đau, vội vội vàng vàng lượm bánh xếp lại vào khay. Bà xếp Tây mắng, “Xứ này không ăn dơ như thế”.

Cũng có người đi làm nail, tiền tươi thóc thật, dồn hết cho con ăn học. Hy sinh đời bố, củng cố đời con, hiểu sát nghĩa đen là đây, là mồ hôi trộn nước mắt. Tiền gửi về nhà, người thân trong nước tưởng đâu bên đó kiếm tiền dễ như ăn cơm sườn, xin thêm thứ này thứ nọ. Có biết đâu đó là tiền chắt chiu, có khi là tiền thí mạng, không mua bảo hiểm y tế.

Nhưng cũng có người kiên nhẫn vừa làm vừa học, thành danh nơi xứ người. Nhưng cho dùthế nào nơi xứ người, vẫn còn ít nhiều cơ hội, có chịu nắm hay không mà thôi. Trong nước thì coi như bế tắc. Hồi đó, tôi dạy kèm thêm luyện thi đại học, dạy nhóm 5-7 học sinh. Có em học xuất sắc, bài thi làm không chê vào đâu được. Vậy mà rớt. Em là con “ngụy”, thứ “ngụy” còn trong trại cải tạo, làm sao vào đại học nổi, em rớt ngay từ bãi gửi xe. Em đến báo tin, thầy trò ngồi uống cà phê vỉa hè, buồn ứa nước mắt. Đất nước này không dung những tiềm năng như em… Số phận đời người chứ đâu phải trò chơi chính trị. Sao lại có thể xây dựng đất nước bởi những con người bằng thiệt học giả?

Những năm sau 75, đói khổ và ê chề thấy rõ. Giáo sư, bác sĩ, ông này bà nọ xuống đường ra chợ trời hết, người đạp xích lô, người bơm mực bút bi, bán bún riêu, buôn hàng lạc xon,… Lanh hơn thì buôn hột xoàn đổi đô la,…

Năm 78, tôi gặp một phụ nữ ăn mặc lam lũ, nhưng đẹp, qúy phái, không quá 30, trên chuyến tàu chợ. Chị kéo lê 2 bao than ra gần cửa tàu, ngước mắt nhìn tôi, nói như năn nỉ: “Lát nữa gần đến ga Bình Triệu, anh làm ơn đạp dùm tôi 2 bao than này xuống”. Chị buôn lậu than, đến ga sẽ bị tịch thu. Đôi mắt chị buồn và nhẫn nhục quá, làm tôi nhớ đến đôi mắt của bà mẹ trong một tác phẩm của C.V.Gheorghiu. Cảnh sát bắt bà mẹ vào bót để tra hỏi nơi ẩn nấp của con bà. Gheorghiu đã mô tả đôi mắt của bà cũng buồn và nhẫn nhục như thế.

Có lần đi chơi khuya, tôi gặp Bùi Giáng ở ngã ba Trần Quang Diệu-Trương Minh Giảng, ăn mặc chắp vá màu mè như phường tuồng, cầm cây chổi cùn múa may, chặn đầu xe tôi lại, “Cho trẫm điếu thuốc”. Hoàng thượng đã chiếu cố xin thuốc dân đen, dân nào dám cãi. Tôi rút điếu thuốc và cung kính châm lửa cho hoàng thượng. Ngài rít một hơi rồi phẩy tay, “Cho lui…”. Lui rồi, ngoái cổ lại, thấy hoàng thượngtiếp tục múa chổi đi quyền.

Bùi Giáng đã có mầm mống bất thường từ trước rồi, sau 75 nặng hơn, lang thang khắp chốn. Cái điên của Bùi Giáng thật hay giả, cũng khó biết. Mất trí như ông vậy mà hay, ý thức buồn vui làm chi cho khổ?

Mà Sài Gòn lúc đó sao lắm người điên thế! Cũng không phải điên, họ có phá phách gì ai đâu. Tôi thường gặp vài ông ăn mặc lịch sự lắm, áo sơ mi trong quần, có ông còn đeo cà vạt, đi đi lại lại ở khu Lê Công Kiều, nơi bán sách cũ. Vừa đi vừa khua tay, lảm nhảm rồi lại gật gù, nào là Marx, Hegel, Mounier, Sartre,…

Người bạn tôi qua được tới bến bờ, vừa làm vừa học, gửi về cho tôi thùng quà chừng 1,5 kg kèm bức thư ngắn: “Gửi mày mấy hộp thuốc tây, bán đi mà lai rai. Còn lọ nhỏ để uống, đừng bán. Thuốc an thần đó”. Tâm thần phải chăng là lối thoátcủa con người với thực tại quá phũ phàng?

Sau 75, tôi học được một điều, mà đến nay vẫn thấy chí lý. Đó là, người chiến thắng tuyệt đối đúng. Lịch sử thuộc về người chiến thắng. Chân lý cũng thuộc về người chiến thắng luôn. Đánh thắng cả 3 tên đế quốc đầu sỏ, sao lại không đúng?Cái gì không có nội dung, mới cần tới hình thức là thế. Người chiến thắng tự hào là đúng rồi, nhưng tự hào cả những cái sai. Sai mà cứ tưởng mình đúng. Chuyện “tủ lạnh chạy đầy đường” chỉ là chuyện khôi hài, chuyện nhỏ. Cái “sai mà tưởng đúng” mới làm đất nước ra nông nỗi thế này, di lụy chẳng biết bao giờ mới hết.

Ngẫm lại, một nhà chính trị tài giỏi là người có thểđưa đất nước tới mục tiêu mà ít đổ máu nhất, chứ đâu cần phải đốt cả dãy Trường Sơn, đánh tới người cuối cùng. Mạng người quá bèo. Bèo thì cũng đành, nhưng hệ lụy cho người còn sống, cha mẹ vợ con họ mới là nỗi đau gặm nhấm cả đời.

Cả đất nước sống bằng khẩu hiệu, đất nước ta dân chủ gấp vạn lần,… Nghe riết rồi quen, nghe tai này lọt tai kia cũng quen luôn. Không quen lỡ có ngày phát điên thì sao?

Người lẽ ra phải điên mà không chịu điên, đó là mấy bà. Cầm có tí tẹo tiền, xách giỏ đi chợ, loanh quanh đầu chợ cuối chợ cả tiếng đồng hồ,có khi chẳng mua được thứ gì. Mà có tiền đi chợ là còn may, có người chỉ khoai sắn, rau lang, bí đỏ,…quanh năm. Ăn để sống sót thì thứ gì chẳng nhét vô bụng được. Bột ngọt khi đó là thần thánh.

Mấy ông “tù cải tạo” coi vậy chứ chỉ khổ cái thân, chứ cái đầu chưa đến nỗi. Có biết bên ngoài thế nào đâu mà khổ, mà lo. Vợ một bác sĩ quân y đi thăm nuôi, dúi vào tay chồng ít tiền. Thăm nuôi lần sau, thấy tiền vẫn còn nguyên, ông chồng không dám xài. Bà than, “Tội nghiệp cho cả gia đình tôi ! Ở ngoài vợ con nhịn đói để nuôi tù, ở trong nhịn đói vì không nỡ nuốt cái đói khát của vợ con”. Não lòng đến thế là cùng!Nước mắt nuốt ngược thế này, chỉ bị nghẹn mà không phát điên,bà nàychắc có căn phần phúc đức.

Nghe nói mấy ông “ngụy cải tạo” định lập ra ngày vinh danh mấy bà vợ. Không đủ đâu mấy ông. Mấy bà này chắc phải phong thánh.

Tháng tư năm nay, Sàigòn nóng khủng khiếp. Sàigòn không mưa nhưng Đà Lạt mưa. Những ngày cuối tháng tư năm nào Đà Lạt cũng mưa, mưa mù mịt che khuất cả đồi thông ởCouventdes Oiseaux đối diện nhà, nhưng mưa chỉ vào lúc trưa chiều, tối tạnh.

Đà Lạt 8 giờ tối đã như 12 giờ khuya ở Sài Gòn. Tôi vẫn thích đi bộ mỗi khi có chút hơi men thế này. Con đường dốc về nhà như kéo theo mệt mỏi của đời người. Tựa lưng vào cửa nhà, hoa lá trong vườn yên tĩnh như đêm. Dưới ánh đèn đường rọi qua hàng rào, bóng của lá cây ngọc lan chập chờn trên mặt sân. Cuối tháng tư rồi. Người ta sẽ đốt pháo hoa ở Sàigòn để ăn mừng. Ai vui xin cứ vui. Nhưng còn chút tâm tình này của kẻ buồn, không nói cho thế hệ sau biết những buồn bã sau 75 là như thế đó, lòng dạ nào yên?

Đời trăm nghìn nhánh khổ, nhánh nào cho người, nhánh nào cho mình? Năm 75 là ngã rẽ của đời người. Bạn bè, người thành danh, đứa bầm dập, và cho dù có ở phương trời nào, tây hay ta, nỗi khổ vẫn theo số mệnh mà đến. Giờ đây, đứa nào cũng chạm tay vào buổi hoàng hôn cuộc đời rồi. Tháng tư, tôi thắp ngọn nến trong lòng. Thoảng trong mùi hương ngọc lan, tôi hát theo, hát thầm bài hát nghe được ở quán rượu “…Cuộc đời là hư vô, bôn ba chi xứ người, khi mình còn đôi tay…” (**)

Vũ Thế Thành
Đà Lạt, 28 tháng 4, 2016
tramthaiha
Posts: 453
Joined: Tue Sep 08, 2009 7:54 pm
Contact:

Post by tramthaiha »

Image


Xúi trẻ ăn cánh (?) gà

Bùi Bảo Trúc

Cái tựa của bài viết, “Xúi Trẻ Ăn Cánh Gà,” chắc chắn sẽ/đã làm cho người đọc thắc mắc không ít. Chuyện xúi bẩy nhất định không thể nào là chuyện cần thiết. Xúi bẩy chỉ cần khi một hành động nào đó không phải là chuyện đem lại thú vị, thuận lợi, có ích... cho người ta. Những điều ngược lại có thể tạo thích thú, lợi ích thì nhất định không cần phải được xúi bẩy. Thí dụ món cánh gà chiên bơ, hay chiên nước mắm chẳng hạn thì cần gì phải đợi được xúi bẩy người ta mới ăn. Người Mỹ cũng rất ưa món buffalo wing. Không cần được xúi mới ăn.

Món chân gà trong thực đơn của mấy tiệm Tầu, với cái tên “phụng trảo,” nghe hấp dẫn và bí hiểm hơn cũng vậy. Không cần phải xúi, vẫn có nhiều người mê nó.

Thế thì tại sao lại có cái tựa nghe không thuận tai cho bài viết này? Lý do là vì có thể một vài người lại thấy... không thuận tai nếu viết đúng như người xưa vẫn nói từ rất lâu. Câu người xưa vẫn nói là “xúi trẻ ăn cứt gà.” Nhưng với một số người thì danh từ “cứt” không được thanh tao lắm nên mỗi khi đề cập tới nó, nhiều người tránh nói thẳng ra mà thay vào đó, chọn cách viết tắt chữ “cứt” thành “c...” Việc (viết tắt) này chỉ có thể làm được sau khi ông Bá Đa Lộc và mấy ông cố đạo Bồ Đào Nha đến Việt Nam và chế ra chữ quốc ngữ cho chúng ta. Có chữ quốc ngữ chúng ta mới biết viết tắt. Trước khi có chữ quốc ngữ thì các cụ muốn tránh nói huỵch toẹt ra thì phải làm sao? Không lẽ xẻ đôi chữ Nôm ra, dùng chữ “thỉ,” bỏ chữ “cát” đi hay sao? Dĩ nhiên là không được. Viết tắt như vậy thì ông Hàn Thuyên hay bà Hồ Xuân Hương, bà chúa thơ Nôm cũng chịu thua. Vậy thì cứ làm như người Anh, người Mỹ : “Call a spade a spade,” gọi cái xuổng là cái xuổng cho tiện việc sổ sách.

Chuyện “xúi trẻ ăn cứt gà” tưởng chỉ là một cách nói của chúng ta khi muốn đề cập tới chuyện khuyến khích, hối thúc ai đó làm một công việc mà chính người làm công việc xúi bẩy đó không sẵn sàng để làm, vì việc đó chắc chắn sẽ bất lợi, gây thiệt hại hay tổn thương cho người làm công việc đó.

Nhưng mới đây, ở Việt Nam, các trường học đã đem dùng một bộ sách có tên “ Thực Hành Kỹ Năng Sống” do nhà xuất bản Giáo Dục phát hành từ năm 2014. Bộ sách này gồm nhiều cuốn dùng để dậy các học sinh ở nhiều trình độ khác nhau nhắm phát triển kỹ năng sống, trở thành những người can đảm, dũng mãnh. Sách dậy các em không biết sợ là gì. Thí dụ dùng cưa một quả bom chưa nổ để lấy thuốc nổ trong quả bom. Hay dậy các em can đảm đi chân trần trên những mảnh thủy tinh vỡ. Toàn là những việc làm mà các cha mẹ của các em từng tốn bao nhiêu công sức để dậy các em tránh đừng làm. Ngay cả ông già Nguyễn Trãi cũng phải dùng mấy chục câu song thất lục bát trong Gia Huấn Ca để can ngăn dậy dỗ. Nhưng bộ sách “Thực Hành Kỹ Năng Sống” thì dẹp hết những lời can ngăn khuyên bảo đó để cố sao đào tạo được những người Việt anh dũng để dựng xây cho được một xã hội toàn những người anh hùng không biết sợ là gì.

Trong một cuốn thuộc bộ sách “Thực Hành Kỹ Năng Sống” có một bài kể lại chuyện trong một lớp học, cô giáo đã dậy cho các học sinh trong lớp của cô không nên sợ bất cứ gì trên đời, trong đó có cả chuyện ăn cứt gà. Một em học sinh tên là Ân đã được xúi bẩy để làm công việc đó. Lúc đầu em còn băn khoăn không biết có làm công việc đó được hay không. Nhưng sau những lời khuyến khích của cô giào, Ân ăn luôn đống phân gà và thấy cũng... được, không quá ghê rợn nên hết sợ luôn.

Em học sinh quả là một người can đảm không biết sợ là gì, khi cần em sẽ là anh hùng như Lê Văn Tám tẩm xăng vào người đốt kho xăng của Tây ngày nào, cho dù Lê Văn Tám không bao giờ là người có thật như trong trò dối trá của bọn Cộng Sản Việt Nam từ suốt mấy chục năm nay bất chấp những lời thú nhận của Trần Huy Liệu và Phan Huy Lê, theo đó, không hề có nhân vật Lê Văn Tám. Lê Văn Tám chỉ là trò dối trá của Trần Huy Liệu.

Ngày nay, nhà nước lại cần thêm những trò giả dối, bịa đặt theo kiểu Lê Văn Tám và đang muốn tạo dựng những thứ anh hùng tưởng tượng như vậy. Anh hùng vào lúc này là những người sẵn sàng ăn cá ở Vũng Áng và xuống tắm ở các vùng biển có cá chết để lấp liếm những trò khốn nạn của bọn đầu sỏ đã được nhét đầy túi những đồng tiền của bọn khốn nạn Formosa.

Sống chết mặc bay, tiền thì bọn khốn nạn đã nhét đầy túi...
vuongquan
Posts: 270
Joined: Mon Mar 14, 2016 4:15 pm
Contact:

Post by vuongquan »

Vì đâu nên nỗi?

Nguyễn-Xuân Nghĩa
Chiến thắng của Donald Trump hay đại họa cho nước Mỹ


Không, bài này không viết về chuyện Việt Nam, dù ngạn ngữ của tiểu tựa khiến chúng ta tự hỏi là người Việt Nam đã phạm những tội gì để ngày nay có một chính quyền như vậy. Trong cột mục “Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài,” bài này viết về nước Mỹ và cuộc bầu cử năm nay.

Ngoại trừ một biến cố hết sức bất thường, cuộc tranh cử tổng thống trong hai đảng chính đã ngã ngũ, với Hillary Clinton có thể là ứng cử viên Dân Chủ và Donald Trump là ứng cử viên Cộng Hòa. Ðiều quái gở là cả hai đều có “tỷ lệ tiêu cực” cao nhất, nói cho đơn giản là cả hai đều ít được cử tri trong đảng tin tưởng và là nhân vật đáng ghét nhất.



Rốt cuộc, loại cử tri có tinh thần “chiến lược” đôi khi lại dồn phiếu cho người này chỉ để người kia thất cử, cho bõ ghét.

Ða số còn lại có khi lại ngao ngán ngồi nhà.

Tuy nhiên, căn cứ trên chuỗi bất ngờ dồn dập từ tám tháng qua, chưa ai có thể đoán kết quả và mọi người ngạc nhiên là các cuộc thăm dò dân ý đều trật lất. Vì sao nên nỗi? Chúng ta nên trở lại đầu nguồn, rồi những biến thái về sau.

***

Nền Cộng Hòa Hoa Kỳ được các nhà lập quốc xây dựng theo nguyên tắc lạ: thu hẹp ảnh hưởng của chính quyền và trao nhiều quyền hạn cho cơ chế “gần dân” nhất là Hạ viện, mỗi hai năm bầu lại toàn phần theo ý người dân - vào lúc đó. Nét thứ hai, lạ không kém là bậc tổ phụ không coi chính trị là sinh hoạt chính của dân chúng: đời sống người dân thể hiện qua các trung tâm khác, như gia đình, nhà thờ, hiệp hội, chính quyền địa phương và doanh nghiệp, v.v....

Ðã vậy, từ xưa, các vòng sơ bộ của nền dân chủ ở cấp cơ sở lại thường bỏ phiếu vào một ngày Thứ Ba giữa mùa giá lạnh đầu năm, khi người dân còn bận việc nhà, việc sở, chuyện con cái hay chợ búa. Chính trị là phụ và đời sống mới là chính! Trong các nền dân chủ trên thế giới, Hoa Kỳ là nơi mà tỷ lệ đi bầu thuộc loại thấp cũng vì những lẽ đó.

***

Khi ấy, ai thật sự quyết định về vị đại diện dân cử cao cấp nhất cho quốc gia là tổng thống?

Ðấy là thẩm quyền của từng tiểu bang qua đại hội đảng ở địa phương, khi lãnh đạo của đảng dưới cơ sở chọn các đại biểu đi dự Ðại hội Toàn quốc. Tập thể đại biểu này, hay cử tri đoàn ở địa phương, sẽ thay dân bầu lên tổng thống. Thể thức gián tiếp ấy trao thẩm quyền cho các bậc trưởng thượng của đảng, là những người sẽ chọn đại biểu và ứng cử viên qua các vòng sơ bộ mà ta gọi là “primaries.”

Trong thế kỷ 20, thể thức đó cho nước Mỹ nhiều tổng thống xuất sắc như Theodore Roosevelt, Woodrow Wilson, Franklin Roosevelt, Harry Truman, Dwight Eisenhower hoặc nhiều người kém tài mà cũng chẳng thể làm nước Mỹ suy sụp: bề nào thì bốn năm sau lại có bầu cử và người mua hớ có quyền đổi ý.

Kết luận sơ khởi là hệ thống bầu cử gián tiếp - và hơi mờ ám vì vai trò quá lớn của các bậc trưởng thượng trong đảng - thật ra cũng không đến nỗi tệ!

Nhưng sau ba kinh nghiệm tai hại, John Kennedy, Lyndon Johnson và Richard Nixon, từ năm 1972, thành phần lý tưởng hay tiến bộ trong đảng đã cải cách thể thức bầu cử theo tinh thần thân dân: quyền dân được thể hiện trực tiếp hơn là ảnh hưởng của bậc trưởng thượng trong đảng. Các trưởng tràng địa phương bị lột mão từ vòng sơ bộ, thay vào đó là đại hội đại biểu “caucus,” mỗi tiểu bang lại có một thủ tục riêng và thủ tục này thường thay đổi, gọi là được cải tiến.

Khốn nỗi, và ta trở lại đầu nguồn, bậc quốc phụ của Hoa Kỳ không coi chính trị là trung tâm của sinh hoạt quốc gia. Và thực tế thì đa số dân Mỹ chỉ chú ý đến cuộc bầu cử tổng thống vào vài tháng cuối mà thôi. Cho nên việc cải cách thể thức bầu bán dẫn tới một hậu quả bất lường.

Ðó là trước sự thờ ơ của đa số, một thiểu số quan tâm nhất đến chính trị hoặc có nhiệt tình nhất với sinh hoạt dân chủ lại tích cực tham gia từ rất sớm. Ðấy là thành phần coi trọng ý thức hệ và thường liên lạc với nhau qua các phương tiện thông tin ngày càng hiện đại. Hiện đại mà thô thiển vì đặc tính tức thời, chớp nhoáng, và thiếu chiều sâu của hệ thống thông tin.

Qua điện thư hay mạng điện tử, họ không thể trình bày bối cảnh rạch ròi của từng hồ sơ lớn với những giải pháp khả thể quá chuyên môn, mà chỉ trao nhau các thông điệp ngắn ngủi hay phản ứng quy tụ vào khẩu hiệu. Hiện tượng mới là điện thoại di động còn làm cho việc khảo sát ý kiến bị sai lệch: dân số mẫu có thể phản ảnh “lòng dân” là một đám mây mơ hồ lơ lửng chứ không được neo vào một địa phương hay ngành nghề nhất định của kỹ thuật thăm dò cổ điển.

Vì vậy mà vòng sơ bộ khởi sự rất sớm đã dẫn tới nhiều kết quả bất ngờ.

Các bậc trưởng thượng trong đảng thì vẫn còn đó, nhưng phải đổi nghề, tham gia vào ban tham mưu tranh cử hoặc trở thành tư vấn về truyền thông và bắt mạch cử tri qua phản ứng tức thời nên dễ đoán trật! Họ là đại gia lỡ thời và chính trường là nơi tung hoành của thiểu số tích cực. Thiểu số ấy có tinh thần triệt để, bị thiểu số bên kia đả kích là có chủ trương cực đoan, nên cuộc tranh cử khiến hai ứng cử viên bị nhiều người ghét nhất lại dẫn đầu. Ða số còn lại thì bàng hoàng ngao ngán!

Nhìn từ bên ngoài, chúng ta có thể nêu câu hỏi, rằng thiểu số đầy nhiệt tình ấy có đại diện cho nước Mỹ thâm sâu không? Câu hỏi ấy chẳng có giải đáp nhưng chắc chắn là đang ám ảnh những người đòi cải cách thể thức tuyển cử. Họ muốn lòng dân có cơ hội thể hiện nhưng đấy là lòng dân sao?

Qua thể thức mới, từ năm 1972, nước Mỹ có bầu lên tổng thống xuất sắc mà cũng gặp người kém tài, Ronald Reagan hay Jimmy Carter là hai thí dụ trái ngược. Nhưng chưa khi nào, ít ra qua khả năng nhận định của người viết, lại có ứng cử viên bị căm thù như trường hợp năm nay!

Dĩ nhiên là ta phải nói đến các yếu tố chi phối khá đặc biệt như kinh tế, xã hội, an ninh hay đối ngoại, nhưng các yếu tố ấy lại được thiểu số suy diễn theo kiểu “mì ăn liền” với kết luận nóng hổi, hoặc nông nổi nếu nhìn từ giác độ của thiểu số tích cực ở bên kia “chiến tuyến.” Họ tích cực đến độ vượt rào, nhảy vào phá hoại vòng sơ bộ của đối phương, để bảo vệ nền dân chủ hay lý tưởng của họ.

Cột lại cho gọn thì trước đây, người ta ủy thác cho các bậc trưởng thượng trong đảng việc cầu hiền và bầu ra các đại biểu sẽ bỏ phiếu cho vị đại diện dân cử cao cấp nhất. Thế rồi, vì không tin vào các đại gia ấy, hoặc vì muốn quần chúng trực tiếp tham gia vào tiến trình tuyển chọn, họ lại trao quyền quyết định cho một thiểu số tích cực nhất qua các vòng sơ bộ bất tận.

Ða số còn lại đang chưng hửng với hậu quả dị thường vì vòng sơ bộ chọn ra hai khuôn mặt tiêu cực nhất, đáng ghét nhất!

Nạn ách tắc chính trị từ 10 năm qua có thể khiến quần chúng hết tin vào các chính khách nhà nghề, trong đó có các bậc trưởng thượng trong đảng. Vì vậy, nhiều ứng cử viên sáng giá bên đảng Cộng Hòa đã bị tắt đèn và Nghị Sĩ Bernie Sanders bên đảng Dân Chủ mới làm một chính khách nhà nghề là Hillary Clinton vất vả. Nhưng thể thức tuyển cử đã được cải tổ từ hơn 40 năm trước rồi. Và khoa học kỹ thuật của thông tin ngày nay làm nốt phần vụ còn lại, là khuếch đại quan điểm của thiểu số tích cực trước sự cổ võ của truyền thông có nhiệt tình hốt bạc mỗi khi tường thuật các đòn đốp chát kỳ cục như trong một hài kịch truyền hình.

Nhiệt tình ấy làm nền Dân Chủ Hoa Kỳ bốc khói.
quangminh
Posts: 548
Joined: Thu May 27, 2010 1:54 am
Contact:

Post by quangminh »

Chủ tịch nước và con đường hoạn lộ: Bằng 'tại chức' và 'tiến sĩ giấy'

Tạp ghi Huy Phương


Những độc giả lớn tuổi, sinh trước năm 1945, đã hẳn không bao giờ quên cái tên Carnot,
trong tập sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư Lớp Dự Bị (lớp hai bây giờ hay là lớp tư trước năm 1975) dưới nhan đề “Học trò biết ơn thầy.”

Image
Ông Trần Đại Quang. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)

“Ông Carnot xưa là một ông quan to nước Pháp, một hôm nhân lúc rảnh việc, về chơi quê nhà. Khi ông đi ngang qua tràng học ở làng, trông thấy ông thầy dạy mình lúc bé, bấy giờ đã đầu tóc bạc phơ, đang ngồi trong lớp dạy học.

Ông ghé vào thăm tràng và chạy ngay lại trước mặt thầy giáo, chào hỏi lễ phép mà nói rằng:

“Tôi là Carnot đây, thầy còn nhớ tôi không?” Rồi ông ngoảnh lại khuyên bảo học trò rằng: “Ta bình sinh, nhất là ơn cha, ơn mẹ ta, sau ơn thầy ta đấy, vì nhờ có thầy chịu khó dạy bảo, ta mới làm nên sự nghiệp ngày nay.”

Thời nay có một ông Carnot Việt Nam khác: Đại Tướng Trần Đại Quang, ủy viên Bộ Chính Trị, bộ trưởng Bộ Công An hồi năm 2014 có về thăm trường xưa (Trung Học Phổ Thông Kim Sơn B, Ninh Bình) và thầy cũ (Phạm Thạnh) với một đoàn chức sắc hùng hậu: Nguyễn Thị Thanh, ủy viên dự khuyết Trung Ương Đảng, bí thư tỉnh ủy, trưởng đoàn đại biểu quốc hội tỉnh; Giáo Sư, Tiến Sĩ Trần Văn Nhung, nguyên thứ trưởng Bộ Giáo Dục và Đào Tạo, tổng thư ký Hội Đồng Chức Danh Nhà Nước; lãnh đạo Sở Giáo Dục và Đào Tạo; công an tỉnh; lãnh đạo huyện Kim Sơn. Bản tin ghi Giáo Sư-Tiến Sĩ Trần Đại Quang tặng hoa, quà cho thầy nhân Ngày Nhà Giáo Việt Nam, 20 Tháng Mười Một, 2014.

Ông sẽ không nói như ông Carnot, vì nếu nói, Trần Đại Quang sẽ nói: “Ta bình sinh, nhất là ơn đảng!...”

Sau này khi nghe học trò mình là Trần Đại Quang lên làm chủ tịch nước, tức là lên ngôi vua, ông thầy Phạm Thạnh đã nói với báo chí một câu khá xu nịnh “bốc trời” rằng: “Khi ông thấy người học trò của mình tiếp xúc gần gũi với đồng bào dân tộc Tây Nguyên, thì nghĩ rằng 'anh ấy rồi sẽ là một Đinh Bộ Lĩnh thứ hai của Ninh Bình!'” Khi đã là đại tướng công an quyền thế, ông Trần Đại quang tiếp xúc với dân Tây Nguyên, điều đó có liên hệ gì đến chuyện dẹp loạn 12 sứ quân của Đinh Bộ Lĩnh? Cũng nắm chức vụ đứng đầu của một nước, nhưng đem Trần Đại Quang, chỉ vì cái quê quán Ninh Bình, đất Hoa Lư, mà so sánh với Đinh Bộ Lĩnh thì xem chừng ông giáo này có bệnh tâm thần!

Trần Đại Quang và Đinh Bộ Lĩnh đều mồ côi cha sớm. Đinh Bộ Lĩnh phải theo mẹ về quê ngoại nương nhờ người chú ruột là Đinh Thúc Dự ở quê nội gần đó, nên mới có chuyện “cờ lau tập trận,” về sau lớn lên dẹp được loạn 12 sứ quân mà xưng vương. Nếu Đinh Bộ Lĩnh mà sống thời nay, dù có tài giỏi cũng không vào được Bộ Chính Trị Cộng Sản, rồi làm vua, vì thành phần lý lịch, thân phụ của Đinh Bộ Lĩnh là Đinh Công Trứ, nha tướng của thứ sử Hoan Châu Dương Đình Nghệ, trong khi thân phụ của Trần Đại Quang là nông dân vô sản làm nghề “đơm đó” (*) tức là nghề “đánh giậm.” Có thể coi là nghề đứng sau chót trong mọi nghề: bắt tôm tép dưới nước, một cái nghề khốn khổ luôn ngâm nửa người trong nước, đến độ khi ghét bỏ kẻ khác người ta dùng câu: “Thâm như dái thằng đánh giậm!”

Nhờ có lý lịch ba đời vô sản, ngay sau khi tốt nghiệp trung học năm 1971, Trần Đại Quang, lúc đó mới 16 tuổi, được tuyển vào ngành công an. Ông thầy Phạm Thạnh kể: “Lúc đầu, trò Quang học ở trường Giáp Bắc Ân Hòa. Khi đó trường toàn là nhà bằng tre, lợp bằng rạ, xung quanh tường đắp đất dày hàng mét, mỗi lớp có một nhà riêng. Đến năm 1968, nhà trường chuyển xuống đường ngang Ân Hòa. Anh Quang học ở đó đến năm 1971 thì ra trường.”

Theo tiểu sử chính thức của Trần Đại Quang thì ông này sinh năm 1956, ra trường năm 1971, tức là mới 15 tuổi, như vậy trình độ học vấn chỉ là khoảng lớp Đệ Tứ (Trung Học Đệ I Cấp). Tiểu sử ông Quang ghi từ Tháng Bảy, 1972 đến Tháng Mười, 1975: Học viên trường Cảnh Sát Nhân Dân Trung Ương tức là trường đào tạo công an.

Đến năm 1986, khi giữ chức vụ phó trưởng phòng Trinh Sát, Cục Bảo Vệ Chính Trị II, Bộ Nội Vụ (nay là Bộ Công An), ông mới có cái bằng tốt nghiệp Đại Học An Ninh Nhân Dân (tại chức) về ngành trinh sát.

Ông cũng tốt nghiệp “tại chức” tại Viện Lý Luận Mác-Lê, từ năm 1989 và lấy bằng năm 1991.

Cũng năm 1991, trong khi giữ chức phó bí thư Đảng Ủy, phó cục trưởng Cục Tham Mưu An Ninh, Bộ Nội Vụ) ông lại lấy thêm bằng tốt nghiệp “tại chức” cử nhân luật khoa.

Như vậy chủ tịch nước có ba bằng cấp được trưng ra đều là bằng cấp tại chức, được coi là chủ tịch “tại chức.”

Năm 2003, khi ông Trần Đại Quang là thiếu tướng, tổng cục phó Tổng Cục Công An, được phong hàm phó giáo sư.

Năm 2006, khi là trung tướng, thứ trưởng Bộ Công An, ông được phong hàm giáo sư.

Trong suốt trang tiểu sử không nghe nói ông bảo vệ luận án tiến sĩ năm nào, về đề tài gì, nhưng thấy Hà Nội gọi chức danh của ông đại tướng, giáo sư, tiến sĩ, chủ tịch nước, đời nay coi như tổng thống hay là hoàng đế thời xưa.

Ông Trần Đại Quang là một mẫu mực tiêu biểu nhất cho chuyện học tại chức và văn bằng tiến sĩ giấy. Ngày nay cứ theo con đường hoạn lộ, toàn dân không phải học tập theo gương “ bác Hồ” nữa mà theo gương “học tập” của “bác Quang,” nghĩa là không cần phải học gì cũng lên đến tột đỉnh vinh quang

Năm 1975, khi Cộng Sản Bắc Việt chiếm miền Nam, ông Trần Đại Quang chỉ mới là một “chú công an,” 37 năm sau đã lên đến đại tướng công an, bốn năm sau là chủ tịch nước. Thời bình, không có chiến tranh, nghiệp vụ của công an trong chế độ Cộng Sản là chỉ dùng để đàn áp dân, và bảo vệ đảng như khẩu hiệu của Bộ Công An: “Công an nhân dân chỉ biết còn đảng, còn mình.” Sở dĩ Trần Đại Quang tiến nhanh tiến mạnh được là nhờ quan niệm “công an là 'thanh bảo kiếm' bảo vệ đảng, nhân dân, chế độ” (phát biểu và nói tại hội thảo 70 năm công an nhân dân ngày 24 Tháng Bảy, 2015) (**).

Chỉ tội nghiệp cho hai chữ “nhân dân” bị nằm ép giữa “đảng” và “chế độ!”

Số phận “nhân dân” từ nay đã được định đoạt, khi chủ tịch nước là một anh xuất thân từ công an, chẳng khác chi Putin của nước Nga nguyên là một cán bộ KGB sắt máu.

Ghi chú:


(*) Trần Đại Quang - Wikipedia tiếng Việt: “Cha mẹ ông là những người nông dân hành nghề đơm đó và bán chuối...”

(**) Dưới thời ông Trần Đại Quang làm bộ trưởng, tình trạng công an đội lốt côn đồ, thường dân đánh đập tấn công những nhà bất đồng chính kiến xảy ra tràn lan khắp trong cả nước...

-Cũng dưới thời ông Trần Đại Quang làm bộ trưởng, xuất hiện những nhóm truyền thông nặc danh trên mạng xã hội để xuyên tạc hình ảnh những người bất đồng chính kiến.

-Cũng dưới thời ông Trần Đại Quang làm bộ trưởng, một nhóm thanh niên xung kích được thành lập để chuyên gây rối, chửi bới, lăng mạ những người biểu tình chống Trung Quốc. Nhóm này hung hăng dọa giết cả bà già lẫn thiếu nữ, dùng chất bẩn đổ vào nhà người khác giữa Hà Nội.

Đó là những thủ đoạn bẩn thỉu mà lực lượng công an Việt Nam đã sử dụng dưới thời ông Trần Đại Quang làm bộ trưởng. Đó cũng là những kinh nghiệm mà ông áp dụng thành công ở Tây Nguyên trước kia, giờ đem ra áp dụng phổ biến khắp cả nước.

Trước khi rời bỏ chức bộ trưởng công an để lên làm chủ tịch nước, ông ra lệnh bắt Luật Sư Nguyễn Văn Đài.” (Danlambao)
bichphuong
Posts: 620
Joined: Mon Mar 14, 2016 4:13 pm
Contact:

Post by bichphuong »

Viết cho Hải Điếu Cày, Trần Huỳnh Duy Thức, và các bạn tù của tôi

Trương Duy Nhất
Cảm phục, trước tin Trần Huỳnh Duy Thức từ chối đi Mỹ và quyết định tuyệt thực. Trại 6, mùa này hất xác trà ra sân, mươi phút sau thành tro xém đen. Cái trại giam khét tiếng, chuyên dành trị những tù chính trị cứng đầu.

Gốc xoài trước khoảnh sân chuồng cọp buồng giam số 1 ấy, giờ cao ngút tường chưa? Trái xoài của Dũng con Hải Điếu Cày gửi vào. Chia nhau gặm xong, lấy hạt trồng. Tôi và anh Hải chăm nó từng ngày. Để cho cái sân tù kia thấy chút sự sống.

Khi anh Hải đi, nó mới ngang đầu gối. Lúc tôi ra tù, đã cao quá đầu người. Tôi dặn anh em ở lại không được nhổ.

Một gốc hường nữa. Nhờ thằng Phương hình sự ra ngoài khu lao động nhổ về, từ khi bé tẹo, chưa quá gang tay. Đến khi tôi ra tù, nó đã thành một khóm xum xuê, mùa hoa rộ đến mấy chục bông. Kịp ép được mấy bông, đem về tặng con gái.

Cả khu tù chính trị, mỗi phòng số 1 ấy có hoa. Quản giáo mấy lần đòi nhổ, bị tôi mắng: tù cũng có nhiều loại, có tù thối có tù thơm. Phòng này là tù thơm, phải có hoa!

Khóm hường ấy, không biết có còn để đón Thức?

Tuyệt thực. Thức sẽ bị tống vào phòng số 5. Buồng biệt giam có gắn camera từng nhốt Hải Điếu Cày. Kín mít, không được ra ngoài. Không được tiếp xúc, chuyện trò với anh em.

Có lẽ giờ, Thức chỉ còn được động viên bằng tiếng đàn ghi ta của Ka- Nu vọng qua từ buồng số 3. Ka- Nu người Ê Đê, một trong những thủ lĩnh của nhóm Đề Ga Tây Nguyên. Nhiều đêm buồn, sững người suýt khóc khi nghe tiếng đàn và giọng hát Ka- Nu.

Ly cà phê Ban Mê, Đôi chân trần, Đi tìm lời ru mặt trời… Nhiều hôm buồn quá, tôi hét lên gọi: Đàn đi, hát to lên, vang lên cho vỡ vụn mấy bức tường này đi Ka- Nu ơi!

Suốt đêm qua, không ngủ được. Tôi tưởng tượng ra cảnh này. Như thể vẫn đang nằm chỗ đó, nơi chắc chắn giờ Trần Huỳnh Duy Thức đang nằm thay tôi, đúng chỗ tôi nằm, và nghe tiếng đàn Ka- Nu.

Lặng người, khi đọc tin Thức từ biệt gia đình bằng cuộc tuyệt thực vô thời hạn.

Khi chuyển tôi từ Hoà Sơn, Đà Nẵng ra Trại 6, hai tay cũng bị còng. Quốc lộ 1 nham nhở (khi đó đang đào xới nâng cấp). Suốt một ngày, văng bên này, hất bên kia thành xe, nhồi xốc như chở lợn.

Mấy ngày sau, ngồi đánh cờ với lão Tiến gián điệp Tàu (án chung thân), vẫn thấy người lắc lư.

Từ Đà Nẵng ra Nghệ An còn vậy. Trần Huỳnh Duy Thức còn bị bịt miệng, nhồi xốc như vậy suốt chặng đường hơn nghìn km từ Xuyên Mộc.

Trong tù, tôi không chọn phương cách tuyệt thực. Nhưng cảm được cái giá của phương cách này qua hình ảnh Điếu Cày. Thật sự choáng, rùng mình khi hôm đầu thấy Điếu Cày ngất nghểu trèo tường. Một thân hình tỏng teo, gầy đét như sợi dây. Cái bụng mỏng, nhăn nheo da, tép lẹp như thể sát dính tận lưng vậy.

Hình ảnh ấy, giờ đây sẽ lặp lại với Trần Huỳnh Duy Thức.

Mấy lần an ninh Bộ vào làm việc, gọi Điếu Cày ra thương thuyết việc đi hay ở, anh kể hết với tôi. Lần đại diện Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào trại gặp Điếu Cày, tôi cũng biết. Mấy tuần anh Hải không ngủ. Trằn trọc suy tính chuyện đi- ở. Cả khu chính trị, anh chỉ tham khảo ý tôi.

Tôi biết, quyết định đi, với anh Hải là một điều cực kỳ khó khăn. Chúng tôi ôm nhau mà cả hai cứ cố quay mặt dấu những dòng nước mắt.

Giờ là Trần Huỳnh Duy Thức. Tôi hiểu quyết định của anh, của các anh, dù ở hay đi, đều khó khăn và cay đắng.

Ka- Nu ơi. Đêm nay, và mãi hằng đêm, mày nhớ chịu khó thức ngồi ôm đàn, hát cho Thức nghe nhé. Thức ơi, mày cũng hát đi. Kệ, hay dở gì cũng hát. Tao có để lại tuyển tập 100 bản tình ca bất hủ đấy. Cả 2 tập báo Tết Tiền Phong và 1 tập báo Tết Tuổi Trẻ nữa. Nói mấy đứa phòng bên chuyển cho đọc. Khi ra tù tao dặn rồi, không được xé, giữ lại cho các bạn tù vào sau.

Mùa này, nếu gốc hường ấy vẫn còn, sẽ lại rộ hoa. Hoa tao trồng đấy. Trồng không chỉ cho tao, cho mày đấy Thức ơi. Cho cả Hải Điếu cày, và những người bạn tù bất khuất của tao, cho dù họ đã ra tù, hoặc đang còn bít bùng ngột ngạt trong đó như mày.

Hãy tiếp tục tưới chăm gốc xoài, và khóm hường đó cho tao Thức nhé. Cả gốc sắn dây hồi ấy tao trồng bám trên vách chuồng cọp trước sân nữa. Chúng mình là tù thơm mà Thức. Trên cái ruột gối tao để lại, trên mấy lọ nhựa đựng trà và thức ăn, có khắc câu tao nói trước toà: “Có loại tù làm người ta nhục nhã, nhưng có loại tù chỉ khiến họ vinh quang!”.

Câu ấy không chỉ cho tao. Cho mày đấy Thức ơi. Cho Hải Điếu Cày. Cho những bạn tù bất khuất của tao.

T. D. N.
Nguồn: FB Trương Duy Nhất
nguyenvsau
Posts: 1134
Joined: Thu Jul 08, 2010 11:25 pm
Contact:

Post by nguyenvsau »


NGƯỜI VIỆT NAM YÊU THÍCH OBAMA
Người ta bảo Obama được yêu thích do ông là Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa kì.

Đúng mà không đúng. Không ai phủ nhận Tổng thống Hợp Chủng quốc Hoa kì là một trong vài nhân vật quyền lực nhất thế giới. Tuy nhiên, ở vị trí ấy mà được yêu thích thì kể cũng khó, người yêu thì lắm, mà kẻ ghét cũng nhiều. Đa phần là người ta sợ, chứ yêu thích thì phải xem đã.

Trước đây, Bill Clinton cũng giành được nhiều tình cảm từ người dân Việt nam, nhưng sự cuồng nhiệt mà người dân Việt nam dành cho ông vẫn còn kém hơn một bậc so với Obama. Có một lí do dự phần vào việc ấy, đó là quan hệ Việt nam – Trung quốc hiện nay xấu hơn rất nhiều so với thời Clinton, và vai trò của Mỹ trong việc giải quyết xung đột ở Biển Đông hiện nay cũng lớn hơn rất nhiều.

Là một chính khách hàng đầu thế giới, nhưng Obama lại thể hiện một sự chân tình, tạo cho người đối diện sự tin tưởng. Trên thực tế, ông chưa làm điều gì tổn hại đến niềm tin mà người ta dành cho ông. Ông tạo cho người ta cảm giác ông luôn thẳng thắn và trung thực.

Nhiều người cho rằng ông chẳng làm gì ra hồn trong 8 năm cầm quyền. Tôi không nghĩ như vậy. Ông đã thay đổi nước Mỹ. Ngũ Giác Đài không còn là trung tâm phát động chiến tranh của thế giới. Ông đã nhìn xa hơn những cuộc tranh chấp ở khu vực Trung Đông, chấp nhận đặt một số lợi ích kinh tế trước mắt vào thế bị thách thức, để thể hiện sự cương quyết với chủ nghĩa bành trướng của Trung quốc ở Biển Đông.

Ông sẵn sàng tiếp một Tổng bí thư đảng cộng sản Việt nam, vừa đối nghịch về ý thức hệ, vừa là cựu thù với nước Mỹ, ở phòng bầu dục, chỉ để duy trì một sự liên kết, tạo ra một hệ thống đủ mức hiệu quả để ngăn chặn sự bành trướng của Trung quốc, mối đe doạ lớn nhất, nguy hiểm nhất đối với các giá trị Mỹ.

Không cần chiến tranh, không cần đổ máu, ông đã đẩy nước Nga vào tình thế khốn đốn, đẩy Venezuela đến điểm tới hạn của sự thay đổi chế độ chính trị. Không tốn viên đạn nào, ông quảng bá giá trị Mỹ ở Cuba, và bây giờ, người Việt nam phát cuồng lên vì ông.

Hai lần đọc diễn văn ở Việt nam, ông đều không cầm bất cứ mẩu giấy nào, không cắm cúi đọc hoặc chú ý đến những lời nhắc, mà nhìn thẳng vào cử toạ. Nhưng nội dung những phát biểu của ông có thể nói là súc tích và đầy đủ các vấn đề được quan tâm, từ quá khứ đến tương lai, từ chính trị đến giáo dục, từ chủ quyền lãnh thổ đến nhân quyền...

Bằng việc biến cuộc chiến tranh đau thương giữa hai nước thành một bài học lịch sử, ông đã khéo léo đề cập đến sự cần thiết phải vượt qua những đau thương của cả hai phía. Các nhà lãnh đạo cộng sản Việt nam nhận được cam kết tôn trọng chủ quyền từ ông khi ông nhắc đến bài thơ thần của Lý Thường Kiệt. Hai câu Kiều cuối cùng chắc là đủ làm yên lòng ông Nguyễn Phú Trọng.

Người dân Việt nam thấy mình được đề cao khi ông nhắc đến Hai Bà Trưng, Nguyễn Du, Phan Chu Trinh, và những gương mặt của thời hiện đại như Trịnh Công Sơn, Ngô Bảo Châu. Không cố gắng thể hiện vị thế quyền lực hàng đầu, ông thể hiện sự quan tâm đến cốt lõi của vấn đề.

Ông đã thành công trong việc thể hiện, ông là bạn của mọi người. Động tác chào mấy con cá khi chấm dứt việc cho cá ăn của ông cho thấy ông thực sự quan tâm tới người đối diện. Cho dù chỉ là mấy con cá thôi, nhưng ông đối xử với chúng như những người bạn, tôn trọng chúng.

Chỉ với một động tác nhỏ, không có vẻ diễn chút nào, nói theo cách của ông, là ông đã chạm đến trái tim của những người dân Việt nam. Họ cảm nhận một tình bạn, họ tin tưởng ông. Có lẽ chính Obama cũng phải ngạc nhiên với sự nồng nhiệt mà người dân Sài gòn dành cho ông. Ồn ào, náo nhiệt và đông đúc hơn cả Hà nội.

Không hi vọng rằng có một nhà lãnh đạo Việt nam nào đó có thể hùng biện như ông. Nhưng mong rằng, ông sẽ truyền cho những lãnh đạo Việt nam sự chân thành, trung thực, và tôn trọng người dân, để họ có thể nhận được một phần sự tôn trọng mà người dân giành cho ông.

Xuân Sơn Võ.
phidao
Posts: 134
Joined: Sun Sep 30, 2012 7:29 am
Contact:

Post by phidao »

Image

Vì sao Trần Đại Quang lườm Obama bằng “đôi mắt hình viên đạn”?

Bạn đọc Danlambao - Một bức ảnh phổ biến trên facebook cho thấy khuôn mặt đầy biểu cảm của chủ tịch nước Trần Đại Quang khi chứng kiển cảnh tất cả mọi người đều vui vẻ vây quanh tổng thống Obama để chụp hình selfie.

Không những bị lạc lõng trong đám đông, ông Quang dường như còn tỏ thái độ không mấy thiện cảm khi lườm vị tổng thống Hoa Kỳ bằng “đôi mắt mang hình viên đạn”.

Quả là một cú sốc lớn cho vị tân chủ tịch nước. Có thể ông Quang sẽ luôn được vây quanh bởi những đảng viên xu nịnh, nhưng sẽ chẳng ai thèm yêu mến và hâm mộ ông ta.

Trong khi đó, đối với tổng thống Obama thì khác hẳn. Bức ảnh trên đã nói lên tất cả, hệ thống tuyền truyền ngày đêm chửi bới “đế quốc Mỹ” của cộng sản đã phá sản hoàn toàn.

Image
Ánh mắt ghen tức và bất lực của Trần Đại Quang đã cho thấy rõ điều đó.

Bạn đọc Danlambao
nguyenvsau
Posts: 1134
Joined: Thu Jul 08, 2010 11:25 pm
Contact:

Post by nguyenvsau »

Image

Lại thêm một con kangaroo khốn nạn nữa


Bùi Bảo Trúc

Một em kangaroo già vừa bị vồ trên đường trở về Úc và có thể sẽ bị cho ngồi tù bóc lịch cho đến lúc chết vì tuổi tác của em này cũng đã cao lắm rồi. Và như vậy, tuy (có thể sẽ) không bị tòa phạt tử hình nhưng em sẽ vẫn chết trong tù.

Đáng lẽ ra, em kangaroo cao niên này cứ hồn nhiên nhảy lăng quăng với bầy, hay cà tửng với bọn roo con (joye) có phải là vui đời kangaroo không nào. Nhưng em không chịu. Phải mà em nổi máu ngựa lên, thì cứ kiếm vài ba anh kangaroo cao niên khác mà ngựa thì đâu đến nỗi. Em kangaroo cao niên này lại học đòi mê cờ bạc. Thế là cậy có cái túi (kangaroo thì phải có túi chứ) đựng ít tiền lẻ, em cứ lết tới mấy cái sòng bài mà chơi. Nhưng rồi em đánh nhỏ thua nhỏ, đánh lớn thua lớn, càng đánh càng thua. Móc hết tiền trong cái túi trước bụng ra cũng hết luôn, gỡ mãi không dược. Thế là em quay sang đi vay mượn để đánh tiếp. Em lại càng thua đậm. Em lại vay tiếp. Nợ càng ngày càng nhiều. Em trả sao nổi. Tiền đâu bây giờ. Bên Úc cũng có trợ cấp cho mấy kangaroo cao niên như em nhưng cũng không đủ để trả nợ. Tiền em vay lại là tiền của xã hội đen. Chúng nó mà đòi thì không hề có chuyện nương tay. Em phải tìm cách để trả lại số tiền vay của chúng với một khoản tiền lời còn hơn cả “xanh xít, đít đui” của mấy anh chà ở Việt Nam trước kia nữa. Không trả được thì làm sao sống. Túng thì phải tính. Em kangaroo già này được gợi ý là đi mấy chuyến du lịch Việt Nam, bỏ những gói bột màu trắng vào trong cái túi trước bụng mang về Úc, rồi trao lại cho mấy thằng kangaroo mất dạy thuộc xã hội đen và sau vài ba chuyến như thế, em sẽ trả xong nợ. Em cứ nghĩ như thế.

Nhưng khốn nạn cho đời em. Em bị bắt quả tang ở phi trường Tân Sơn Nhất với 9 bánh bạch phiến nặng 3 kilô dấu trong 5 hũ mắm cá rô khi em định mang sang Úc để hại đời bọn kangaroo mà lại có tiền trả nợ.

Thôi nói gần nói xa mãi có thể làm xấu mặt bọn kangaroo thứ thiệt. Chi bằng nói thẳng và rõ ràng ra rằng con kangaroo mang bạch phiến sang Úc này là một con kangaroo gốc Việt Nam được cho nhập tịch Úc sau khi được cho tị nạn ở Úc. Không biết nó sang Úc được bao nhiêu năm, nó và gia đình nó được nước Úc giúp đỡ như thế nào để rối nó quay lại cắn những bàn tay từng giúp đỡ nó, cưu mang nó.

Cái con mẹ khốn nạn, vô ơn bạc nghĩa đó nào phải là thứ trẻ người non dạ gì cho cam. Nó đã quá cái tuổi “cổ lai hy” cả mấy năm để có thể nhắc tới nó bằng danh xưng “cụ bà” như trong một vài tờ báo Việt ngữ ở đây. Phải gọi nó là một con mụ chó má khốn nạn làm xấu mặt tất cả những người Việt ở Úc. Nó không là một “cụ bà.” Nó là cái thứ lưu manh khốn nạn nhất đã trở mặt quay lại cắn những bàn tay ân nhân từng cứu giúp nó.

Nhưng nó không phải là đứa duy nhất. Năm ngoái, một con già khốn nạn khác cũng ngoài tuổi “thất thập” cũng bị bắt khi tìm cách đưa vào Úc một số bạch phiến dấu trong mấy chục bánh xà bông. Rồi một con khác thì chết trước khi lên máy bay vì bọc bạch phiến bị vỡ khi được dấu trong cửa mình. Một bọn khác thì dấu trong những chiếc trang thờ mang từ Việt Nam qua. Mấy năm trước, một thanh niên định mang bạch phiến vào Úc thì bị chặn ở Malaysia và bị tử hình mặc dù có sự can thiệp của chính phủ Úc. Ngoài ra còn hơn một chục vụ khác cũng do những con kangaroo khốn nạn tương tự định hại đời những người Úc, những người dân của cái quốc gia mà bọn sinh viên Việt Nam chúng tôi hưởng học bổng Colombo du học ở Úc vô cùng yêu mến trong những năm trước năm 1975.

Nhớ chuyện cây quýt Giang Nam đem trông chỗ khác thì mất đi vị ngọt. Hay là cây quýt được tưới bằng thứ nước tưới khốn nạn thì cũng chua lè chua lét. Hệt như cá ở Vũng Áng lăn ra chết vì cái thứ nước biển chó chết chăng!
quangminh
Posts: 548
Joined: Thu May 27, 2010 1:54 am
Contact:

Post by quangminh »

Image

Việt Nam sẽ ra sao nếu Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ?

Nguyễn Hưng Quốc

Mặc dù Donald Trump nhận được sự ủng hộ khá nhiệt liệt của các cử tri thuộc đảng Cộng Hoà trong các cuộc bỏ phiếu sơ bộ để trở thành ứng cử viên chính thức của đảng, viễn ảnh ông trở thành tổng thống thứ 45 của Mỹ vẫn khiến nhiều chính khách cũng như giới bình luận chính trị cảm thấy hãi hùng.

Ngay cả những người cùng đảng Cộng Hoà với ông cũng hãi hùng. Hai cựu Tổng thống Cộng Hoà, George H.W. Bush và George W. Bush cũng như ứng cử viên đảng Cộng Hoà trong kỳ bầu cử năm 2012, Mitt Romney tuyên bố không tham dự đại hội đảng vào tháng 7, lúc Trump chính thức trở thành đại diện của đảng trong kỳ bầu cử Tổng thống vào tháng 11. Chủ tịch Hạ Viện Paul Ryan, thuộc đảng Cộng Hoà, cho đến nay vẫn từ chối lên tiếng ủng hộ Trump. Nhiều tên tuổi lớn khác trong đảng giữ thái độ dè dặt.

Tại sao?

Có bốn lý do chính.

Thứ nhất, người ta cho Trump chỉ phát ngôn mị dân, ồn ào và bừa bãi chứ không có một chính sách gì rõ rệt. Mà nếu có, phần lớn những chính sách ấy đều bất khả thi (như dựng hàng rào dọc theo biên giới Mỹ và Mexico; trục xuất hết tất cả những di dân bất hợp pháp và cấm không cho người Hồi giáo vào nước Mỹ; sát hại gia đình của các tên khủng bố). Nếu thi hành được, những chính sách ấy sẽ chỉ gây ra những hậu quả bất lợi cho nước Mỹ.

Thứ hai, những chính sách của Trump thường đi ngược lại với các nguyên tắc chủ đạo của đảng Cộng Hoà lâu nay: Trong khi đảng Cộng Hoà chủ trương giảm thuế, Trump lại chủ trương tăng thuế của những người giàu có; trong khi đảng Cộng Hoà chủ trương tự do mậu dịch, Trump chủ trương áp đặt nhiều lệnh cấm lên các hoạt động thương mại với nước ngoài; trong khi đảng Cộng Hoà chủ trương đóng vai trò người hùng trên thế giới, khi cần, sẵn sàng tuyên chiến với các nước khác để bảo vệ quyền lợi của nước Mỹ, Trump theo chủ nghĩa biệt lập (isolationism), giảm các hành động can thiệp vào sinh hoạt chính trị của thế giới, v.v…

Thứ ba, người ta không tin Trump có thể đánh bại được Hillary Clinton trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng vào tháng 11 tới. Cách ăn nói bỗ bã của Trump làm mất lòng nhiều giới như cộng đồng những người nói tiếng Tây Ban Nha, những người Hồi giáo, phụ nữ và giới trí thức nói chung. Theo các cuộc điều tra, hầu hết những người vừa nêu đều không có ý định bỏ phiếu cho Trump.

Cuối cùng, thứ tư, người ta không tin Trump xứng đáng nắm vai trò tổng tư lệnh của siêu cường quốc số một trên thế giới về cả phương diện đạo đức lẫn trí thức. Dưới mắt nhiều người, ông là người kỳ thị chủng tộc và kỳ thị phái tính. Ông không giấu sự ngưỡng mộ của ông đối với cả Hitler lẫn Mussolini. Ông từ chối lên án các phong trào kỳ thị chủng tộc tại nước Mỹ. Ông cũng không có kinh nghiệm và kiến thức về chính trị quốc gia cũng như thế giới.

Cũng vì các lý do nêu trên, hầu hết các nhà lãnh đạo châu Âu đều lo lắng trước viễn ảnh Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ. Nhiều dân biểu Quốc Hội Anh đề nghị cấm không cho Trump nhập cảnh vào nước họ.

Tháng 12, 2015, Thủ tướng Anh, David Cameron, thẳng thắn gọi các chính sách của Trump là “sai lầm, ngu xuẩn và gây chia rẽ”. Giới lãnh đạo các nước khác, không nói thẳng ra, nhưng đều nhìn Trump một cách đầy lo ngại. Dưới mắt họ, nguy cơ Trump trở thành một tên phát xít là rất lớn.
Tuy nhiên, ở đây, chúng ta chỉ nên tập trung vào Việt Nam: Đất nước chúng ta sẽ ra sao nếu Donald Trump được bầu làm Tổng thống nước Mỹ?
Theo tôi, có hai điều quan trọng sẽ xảy ra:

Thứ nhất, về phương diện kinh tế, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vốn đã được ký kết và đang chờ Quốc Hội thông qua sẽ khó biến thành hiện thực. Xin lưu ý là cả Hillary Clinton lẫn Donald Trump đều phản đối hiệp định này. Nhưng mức độ phản đối của hai người khác nhau: Bà Clinton chỉ phản đối một số nội dung của hiệp định còn ông Trump thì phản đối bản thân hiệp định. Trump từng nhiều lần buộc tội Trung Quốc, Ấn Độ và cả Việt Nam nữa, đang “đánh cắp” nhiều thứ từ nước Mỹ, trong đó, có việc làm của người Mỹ. Ông bảo ông không “tức giận” các nước ấy, ông chỉ “tức giận” với sự lãnh đạo “thiếu hiểu biết” và “bất tài” của chính phủ Mỹ hiện nay. Ông doạ sẽ tăng thuế đối với hàng hoá nhập từ Trung Quốc và cũng sẽ tăng thuế đối với các công ty Mỹ mở chi nhánh sản xuất ở nước ngoài để tận dụng giá nhân công rẻ. Với quan điểm như thế, rất khó hy vọng Trump sẽ thúc đẩy việc hiện thực hoá Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương mà Mỹ đã ký kết với 11 quốc gia khác, trong đó, có Việt Nam (các quốc gia khác ấy là Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Nhật Bản, Peru, Singapore và Úc.)

Thứ hai, về phương diện chính trị, Mỹ có thể sẽ không can thiệp vào những tranh chấp trên Biển Đông của Việt Nam. Phương châm tranh cử của Trump là tập trung giải quyết các vấn đề của Mỹ trước, chuyện thế giới tính sau. Ở châu Âu, Trump tuyên bố sẽ rút khỏi, hoặc nếu không, sẽ giảm bớt vai trò của Mỹ trong khối NATO trừ phi các quốc gia Âu châu tăng thêm ngân sách quốc phòng để có thể tự bảo vệ được chính họ. Ở châu Á, Trump chỉ nhìn Trung Quốc như một sự đe doạ về kinh tế chứ không phải về phương diện chính trị. Ông đòi Nhật Bản và Hàn Quốc phải trả thêm các chi phí cho việc Mỹ đóng quân trên nước họ. Hơn nữa, ông cho cả Nhật Bản lẫn Hàn Quốc nên phát triển vũ khí hạt nhân để tự họ, họ có thể đối đầu với Trung Quốc. Như vậy, khi lên cầm quyền, rất có nhiều khả năng Trump sẽ huỷ bỏ chính sách xoay trục về châu Á và sẽ không can thiệp vào các tranh chấp giữa Trung Quốc và một số quốc gia khác, trong đó, có Việt Nam, tại Biển Đông.

Với cả hai chính sách nêu trên, việc Donald Trump được bầu làm tổng thống nước Mỹ sẽ là một tai hoạ cho Việt Nam.

Chúng ta chỉ hy vọng khi thực sự lên cầm quyền, dưới áp lực của các cố vấn, các tướng lãnh và đặc biệt, của Quốc Hội, ông sẽ không thực hiện những điều ông tuyên bố lúc tranh cử.

Hy vọng vậy.
bichphuong
Posts: 620
Joined: Mon Mar 14, 2016 4:13 pm
Contact:

Post by bichphuong »

Một hòn đá ném xuống, mặt nước nổi sóng rồi lại trở lại tù đọng như xưa?
Song Chi.
Tổng thống Obama đã đến và đã đi rồi. Chút hy vọng, chút niềm vui được dịp nhìn thấy hình ảnh một người lãnh đạo tử tế, đến từ một quốc gia có rất nhiều điều đáng để học hỏi rồi cũng qua đi, người Việt còn lại với những vấn đề muôn thuở của VN.

Biển bị nhiễm độc đến mức độ nào mà một con cá voi to như vậy còn bị chết, nếu con cá voi mà còn chết thì con người sống sao nổi. Đã gần hai tháng trôi qua rồi mà nhà cầm quyền vẫn chơi bài “lờ”, không trả lời về nguyên nhân cá chết cũng như cách giải quyết ra sao. Gần hai tháng trời, bao nhiêu hộ ngư dân phải treo lưới nằm không, tiền cứu trợ 5 triệu nhỏ nhoi đã đến chưa, mà đến thì sống được bao nhiêu ngày rồi sau đó thì sao. Kẻ gây ra thảm họa cho đất nước này, dân tộc này vẫn nhởn nhơ. Ai trả lời, ai chịu trách nhiệm, ai giải quyết?

Lại thêm một vụ nước ngọt C2, Rồng Đỏ có hàm lượng chì vượt mức cho phép. Độc tố ở khắp mọi nơi, từ trong không khí, dưới lòng đất, ngoài biển, ngấm vào cát vào muối, độc tố trong thức ăn, thức uống hàng ngày của người VN. Ai trả lời, ai chịu trách nhiệm, ai giải quyết? Dân sống thế nào được thì sống, không được thì chết, mặc kệ dân, các quan lớn quan nhỏ đã có tiền, có sẵn nơi để khi cần thì thoát hết cả, sợ gì. Và trong tù ngục tăm tối kia, còn bao nhiêu tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị đang bị đọa đày, trong đó có một kỹ sư, doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức đang tuyệt thực đến chết vì tương lai chung của đất nước. Ai sẽ cứu được Trần Huỳnh Duy Thức?

Rồi những sự cố tưởng chừng nhỏ thôi, nhằm vào những cá nhân như vụ cô ca sĩ Mỹ Linh bị ném đá dữ dội vì định thử nghiệm hát “quốc ca” của nhà nước cộng sản theo một cách khác, hay vụ đài truyền hình VTV tổ chức cả một chương trình, mà dân mạng gọi là “đấu tố”, một MC, facebooker vì đã dám chia sẻ clip cá chết sau 2 phút bơi trong nước biển múc gần khu vực Vũng Áng…Nhưng qua đó, cho ta thấy sự mông muội, thói quen bóp nghẹt mọi tự do suy nghĩ, tự do có ý kiến, thói quen định hướng cho người khác ở xứ này còn nặng nề đến mức nào, hay nói cách khác, khái niệm tự do dân chủ không hề có ngay trong đầu óc của đa số người Việt!

Chuyến viếng thăm của Tổng Thống Barack Obama, dù hết sức hồ hởi, phấn khích trên báo chí và trong đời sống của người dân tại 2 thành phố lớn Sài Gòn, Hà Nội, nhưng ngay lập tức, mọi sự lại trở lại như cũ, trong cái hồ nước tù đọng VN.

Đừng trông chờ cũng đừng thất vọng, trách móc Tổng Thống Barack Obama, trách móc Hoa Kỳ. Hoa Kỳ nói chung và riêng bản thân Tổng thống Obama đã chứng tỏ quá thiện chí, quá kiên nhẫn đối với đảng và nhà nước cộng sản VN và đã cho đi nhiều hơn rất nhiều những gì họ nhận được từ cái nhà cầm quyền hẹp hòi, không đáng tin cậy, thậm chí phản trắc này. Có thể có nhiều người không vui và cho rằng Tổng Thống Barack Obama cũng như Hoa Kỳ đã lại thêm một lần nữa phản bội người dân VN khi quá sức dễ dãi, đã “chiều ý” nhà nước cộng sản VN hết vụ TPP đến vụ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí, trong khi nhà nước này vẫn không hề có chút tiến bộ nào về mặt nhân quyền, hay nới lỏng tự do dân chủ cho nhân dân.

Tôi nghĩ rằng Hoa Kỳ và Tổng Thống Barack Obama có những lý do để làm như vậy, vì chiến thuật, đường đi nước bước, tầm nhìn hàng chục năm của nước lớn, họ nhắm mắt bỏ qua vấn đề nhân quyền để nhà cầm quyền VN từ từ thoát ra thay vì ngã hẳn vào tay Trung Cộng.

Cũng đừng ảo tưởng rằng Hoa Kỳ làm thế là vì cần VN, vì VN quan trọng đối với Hoa Kỳ. Thực tế rõ ràng chỉ người ở trên mây mới không thấy, hiện nay giữa VN và Hoa Kỳ ai cần ai hơn. VN đúng là có vị trí quan trọng nhưng không có VN, trong khu vực biển Đông này Mỹ cũng có những đồng minh lâu đời, đáng tin cậy và giàu mạnh hơn. Mỹ thật ra chỉ cần VN không ngã hẳn về Tàu, chứ họ cũng chả cần gì hơn.

Và việc xóa bỏ cấm vận vũ khí thật ra có ý nghĩa chính trị, có tính biểu tượng nhiều hơn là thực tế VN có mua vũ khí Mỹ hay không và mua được bao nhiêu, ý nghĩa đó là thay đổi mối quan hệ, là một sự khẳng định quan hệ giữa hai nước đã hoàn toàn bình thường, là ủng hộ VN một cách ý tứ, đồng thời khiến cho Trung Cộng bớt hung hăng bắt nạt VN quá mức. Như thế là Hoa Kỳ đã giúp VN quá nhiều.

Còn đối với người dân VN, Tổng Thống Barack Obama cũng ý tứ truyền đi những thông điệp về những giá trị tự do, dân chủ, nhân quyền mang tính phổ quát của toàn nhân loại, đã đem tới hình ảnh một vị lãnh đạo hoàn toàn khác với những người lãnh đạo đảng cộng sản VN hay Trung Quốc để người Việt tự so sánh, đối chiếu và suy ngẫm. Quan trọng nhất, Tổng Thống Barack Obama đã nhắc đi nhắc lại những ý sau:

“Vietnam is an independent, sovereign nation, and no other nation can impose its will on you or decide your destiny…

…And ultimately, the future of Vietnam will be decided by the people of Vietnam.

…Your destiny is in your hands. This is your moment. And as you pursue the future that you want, I want you to know that the United States of America will be right there with you as your partner and as your friend.”

“Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền và không có quốc gia nào khác có thể áp đặt ý chí của mình lên VN hay quyết định số phận của Việt Nam.

...Và cuối cùng, tương lai của Việt Nam sẽ được quyết định bởi người Việt Nam.

...Số phận của bạn là trong tay của bạn. Đây là thời điểm của bạn. Và khi bạn theo đuổi tương lai mà bạn muốn, tôi muốn bạn biết rằng Hoa Kỳ sẽ đến với bạn, là đối tác và bạn bè của bạn”

Chỉ có người VN thay đổi được vận mệnh, số phận đất nước, dân tộc VN. Không ai khác, không nước nào khác làm thay chuyện đó.

Phải chăng dân tộc VN chúng ta có phần nào bạc nhược, ỷ lại? Trước đây với chính thể VNCH cũng vậy, phải chăng vì quá ỷ lại vào Mỹ nên Mỹ mệt mỏi và muốn buông? Nước mất đến nơi mà vẫn không biết lo xa nên đến khi Mỹ buông là không sống nổi, tất nhiên có lý do khách quan là một bên bị cắt hết viện trợ trong khi bên kia vẫn được tiếp viện dồi dào, lại chưa bao giờ từ bỏ ý định cưỡng chiếm miền Nam.

Bây giờ ta lại ngồi chờ Mỹ giúp, phương Tây giúp, ta sung sướng khi Mỹ và phương Tây lên tiếng giùm vụ biển Đông, khi Mỹ cho tàu bè đi qua vô hại trong khu vực. Nhà nước cộng sản VN hèn hạ bất lực đã đành, chưa đánh mà đã tự hù dọa mình Tàu nó mạnh lắm, đánh nó không nổi đâu. Chưa đánh mà đã mang sẵn ý nghĩ cố gắng nhịn nhục bằng mọi giá.

Chả bù cho trước kia thời đánh Mỹ, người ta có thể nói Việt Cộng tàn ác, sắt máu, mù quáng…nhưng ít ai nói Việt Cộng hèn. Việt Cộng đánh Mỹ được một phần do tuyên truyền giỏi, điếc không sợ súng, đánh với tinh thần “dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn…”, “còn cái lai quần cũng đánh”…Bây giờ thì ông quan to quan nhỏ nào cũng có quá nhiều thứ để mất-tài sản của chìm của nổi, quyền lực, chức vụ, rồi nào vợ con, nhân tình…đâm ra hèn, lại thêm tự mình hù dọa mình.

Nhà cầm quyền thì thế còn người dân thì có tâm lý ngồi chờ, chờ Mỹ, chờ các nước phương Tây giúp, chờ cho Trung Cộng sụp đổ rồi chờ cho chế độ này tự thay đổi. Đảng và nhà nước cộng sản sẽ không thay đổi. Tại sao họ phải thay đổi khi mà bây giờ Mỹ đã nói thẳng sẽ không có ý định can thiệp vào công việc nội bộ của VN, Mỹ công nhận thể chế chính trị của VN, đã mời ông Tổng Bí thư đảng cộng sản sang thăm Nhà Trắng, lại bình thường hóa quan hệ. Còn Bắc Kinh khi thấy Mỹ bỏ cấm vận vũ khí VN, lại quay sang dịu giọng với Hà Nội, thế là Hà Nội chả mất gì, vẫn tiếp tục đu dây giữa hai nước để hưởng lợi đồng thời tiếp tục đàn áp nhân dân. Một chế độ phản dân hại nước mà lại đươc đủ thứ, vậy mắc gì họ phải thay đổi, họ sẽ tiếp tục ngồi đó đè đầu cưỡi cổ nhân dân, vơ vét mọi thứ.

Số phận VN nằm trong tay và chỉ trong tay người VN mà thôi.
MatVit
Posts: 1309
Joined: Fri Sep 02, 2011 9:10 pm
Contact:

Post by MatVit »

NƯỚC MỸ LÀ DO THÁI

Trung Cộng, con cờ của tập đoàn tư bản tài chánh Mỹ gốc Do Thái

1.- Cộng Đồng Giàu Nhất Thế giới:

Cộng đồng người Mỹ gốc Do Thái có khoảng từ 5,3 đến 8,4 triệu người gồm 3 nhóm, lớn nhất là nhóm Ashkenazi, chiếm đến 90% dân số cộng đồng, hai nhóm khác là Sephardic và Mizrahi.

Người Do Thái xem quan trọng 3 thứ: Do Thái Giáo (Judaism), trí thức và tài sản. Do Thái Giáo đã giúp cho người Do Thái bị phiêu bạt mấy ngàn năm mà không mất gốc. Trí thức giúp cho người Do Thái vươn lên đứng đầu mọi lãnh vực của nền văn minh nhân loại (30% giải Nobel được trao cho người Do Thái). Tài sản đã làm cho người Do Thái giàu có mà đặc biệt là cộng đồng Do Thái tại Mỹ đang quản lý một số tài sản có thể ngang với từ 15 % đến 20% tài sản của nhân loại. Người Do Thái rất đoàn kết, có tổ chức và không giữ bí mật để làm lợi riêng nên khi họ quây quần thành tập thể thì họ có cơ chiếm hết mọi quyền lợi chung quanh và trở thành mối họa cho những cộng đồng bản xứ nơi họ định cư.

Thế chiến thứ II, người Đức đã thấy được mối họa Do Thái nên đã diệt chủng hơn 2 triệu người Do Thái. Thảm cảnh Holocaust đã làm động tâm cả nhân loại nên các cường quốc mới dành một mảnh đất nhỏ bên bán đảo Sinai của Ai Cập để cho người Do Thái có chỗ đi về, nước Israel.

Cộng đồng Do Thái ở Mỹ thoát được sự tàn phá của hai trận thế chiến và không bị họa Holocaust nên họ vươn lên giàu có rất nhanh và chiếm lấy nước Mỹ và dùng nước Mỹ như một con cờ điều khiển cả thế giới. (Helen Thomas, một phóng viên nổi tiếng và là một thành viên của cơ quan báo chí Tòa Bạch Ốc hơn 50 năm, đã bị sa thải. Về sau, bà đã đọc một diễn văn tại một hội nghị ở Detroit trong đó bà trình bày quan điểm cho rằng “Quốc Hội, Tòa Bạch Ốc, Hollywood, và Wall Street đều bị Do Thái làm chủ. Dứt khoát là thế.” (Congress, the White House, Hollywood, and Wall Street are owned by Zionists. No question in my opinion).

2.- Mục tiêu tối hậu: Tiền


Nhóm Sephardic là nhóm người Do Thái đầu tiên từ Tây Ban nha và Bồ Đào Nha di cư sang Mỹ, Đến năm 1749 đế quốc Anh làm luật cho ưu tiên người Do Thái di cư sang thuộc địa cùa Anh tại Hoa Kỳ. Năm 1880 Châu Âu đi vào khủng hoảng kinh tế nên cộng đồng Do Thái nói tiếng Yiddish thuộc nhóm Ashkenazi ở các nước nghèo đói Trung Âu và Đông Âu tuôn sang Hoa Kỳ khoảng 2 triệu người. Họ làm đủ nghề thấp kém nhất để kiếm sống và nhanh chóng biến thành ông chủ trong mọi ngành.

Nay điều hơi khó khăn là tìm cho ra một người Mỹ gốc Do Thái không phải là triệu phú, họ tập trung trên 2 triệu người sống ở thành phố New York, đông nhất ở mạn dưới Manhattan, từ đó bàn tay Do Thái đan vào nhau tổ chức thành một tập đoàn tư bản tài chánh và vươn ra quậy khắp thế giới với một mục đích tối hậu là để kiếm… TIỀN.

Khi phân tích tình hình thế giới đi về đâu, cái gì đang xảy ra, cái sẽ sẽ xảy ra mà muốn điều phân tích ấy chính xác thì chúng ta nên nhìn vào tập đoàn tư bản tài chánh Mỹ gốc Do Thái đang lên kế hoạch gì để đưa khối tài sản kết sù của cộng đồng người Mỹ gốc Do Thái hướng vào đâu để đầu tư. Như thế là nên nhìn cho ra địa điểm đầu tư, hướng giải quyết sản phẩm đầu tư hay nhìn vào hướng cung và hướng cầu để có thể làm cho số tiền đầu tư ấy được sinh lợi thì mới biết được mục đích của các diễn biến trên trường quốc tế.

3.- Các địa điểm đầu tư trước đây.


Một số chuyên gia về đầu tư cho rằng có 3 yếu tố cần phải nghĩ đến khi bắt tay vào việc đầu tư:

-Yếu tố thứ nhất: Địa điểm đầu tư (Location)

-Yếu tố thứ hai: Cũng là địa điểm đầu tư
-Yếu tố thứ ba: và cũng là địa điểm đầu tư

Địa điểm đầu tư của tập đoàn tư bản Do Thái tại Hoa Kỳ lẽ dĩ nhiên là nước Hoa Kỳ, là một vùng an toàn nằm ngoài nhiều xung đột của thế giới, khi đầu tư thành công thì lợi nhuận làm cho số tài chánh ngày càng tăng thì phải nghĩ đến một địa điểm đầu tư khác nằm ngoài Hoa Kỳ, để cho số tài chánh thặng dư sinh thêm lợi nhuận.

Sau thế chiến thứ II địa điểm đầu tư ngoài nước Hoa Kỳ mà tập đoàn tư bản Mỹ gốc Do Thái chọn là 2 nước Đức và Nhật, bởi hai nước này là hai nước hoang tàn đổ nát, các cơ sở sản xuất vẫn có mà công nhân thì đang chết đói đang cần những bị bạc của những nhà tư bản Do Thái vực dậy để sản xuất ra những sản phẩm rẻ mạt bán khắp năm châu.

Sau hơn 20 năm thâu lợi nhuận hả hê, một người Nhật hay người Đức làm ra một đồng thì phải chia cho người Do thái ở Mỹ một ít, tập đoàn tư bản Do Thái rút tiền đầu tư từ hai nước này về vì họ nhìn ra một địa điểm đầu tư khác hấp dẫn hơn, nước Trung Quốc.

Nước này đang bị đại loạn của Hồng Vệ Binh, anh Mao Xếng Xáng giết các đồng chí của anh ta nên gây ra thảm cảnh 36 triệu người chết… vì đói. Các cơ sở sản xuất tiêu điều mà công nhân hơn 1 tỷ người đang thất nghiệp. Tập đoàn tư bản Do Thái ở Mỹ rót tiền vào đầu tư làm ra những sản phẩm rẻ mạt “Made in China” bán ra toàn thế giới.

4.- Khủng hoảng địa điểm đầu tư:

Để giải quyết những sản phẩm quân sự làm ra tại địa điểm đầu tư ở Hoa Kỳ, tập đoàn tư bản Mỹ gốc Do Thái đã đem quân Mỹ gây bất ổn khắp Trung Đông khiến cho các ông vua dầu lửa phải chạy đua vũ trang hay nói cách khác đem tiền bán dầu đưa cho tập đoàn tư bản Do Thái để đổi lấy những đoàn tàu bay tàu bò giết nhau cho bỏ ghét.

Chính sách này gây cho nước Mỹ bị thù ghét khắp Trung Đông. Vụ đánh sập Tòa Tháp Đôi năm 2001 ở New York đã làm cho những tập đoàn tư bản Do Thái giật mình hoảng sợ và điều đầu tiên mà bất cứ anh nhà giàu nào khi lo sợ cũng phải làm là lo giữ của.

Sau một thời gian dài hơn 20 năm thâu lợi nhuận nhờ đầu tư vào đúng địa điểm, một nước Trung Cộng nghèo đói tan hoang, tập đoàn tư bản Mỹ gốc Do Thái tính toán không thể kiếm thêm lợi nhuận hơn nữa vì chi phí đầu tư quá cao và sẵn dịp Tòa Tháp Đôi bị đánh sụp nên họ đồng loạt rút tiền về nước rồi đem cho vay dễ dàng, tắc trách mới sinh ra cuộc khủng hoảng tiền tệ ở Hoa Kỳ vào năm 2008.

Hiện nay số tài sản kết sù này đang đưa nền kinh tế Hoa Kỳ qua cơn suy thoái, đang chê Châu Âu già cỗi nên khó kiếm ra tiền, Châu Phi hoảng loạn không an toàn để đầu tư, Trung Đông nguy hiểm lắm kẻ thù vừa mất tiền đầu tư vừa mất mạng.

Khối tài sản kết sù này đang nhắm nhé hướng về Châu Á Thái Bình Dương, một vùng năng động chưa khai phá hết để đầu tư nên nước Mỹ mới lập nên hiệp định TPP làm nòng cốt, và chính quyền Hoa Kỳ xoay trục sang Châu Á để bảo vệ vùng đầu tư. Nhưng các quĩ đầu tư của các tập đoàn tư bản Do Thái chưa chuyển động, phải chăng họ đang mưu tạo ra một địa điểm đầu tư lý tưởng ở Châu Á như Đức và Nhật sau thế chiến thứ II.

5. Mưu tạo địa điểm đầu tư mới.


Nay chúng ta thấy tình hình Châu Á có những biến chuyển như sau: Trung Cộng gây bất ổn ở Biển Hoa Đông và Biển Đông. Siêu quyền lực Bilderberg club họp ngày 6/6/2014 tại Watford ở Anh Quốc lên kế hoạch chia Trung Cộng thành 5 nước nhỏ. Trung Cộng bồi đắp các đảo nhân tạo để núng ra ở Biển Đông. Các nước Đông Nam Á lo sợ chạy đua vũ trang.Hoa Kỳ dè dặt tuần tra Biển Đông v.v…

Mấy hôm nay người viết bài này đọc được bản tin như sau :

Ông Obama đã cảnh cáo quan chức Trung Quốc: Nếu quý quốc dám gây chiến tranh với Philippines, Việt Nam, Nhật Bản, tôi chỉ cần nói ra 6 điều là Trung Quốc tan vỡ, không phải sử dụng đến dù chỉ một người lính.

1. Công bố tài khoản nước ngoài của quan chức Trung Quốc và cho đóng băng.

2. Công bố danh sách quan chức Trung Quốc có hộ chiếu Mỹ.

3. Công bố danh sách người nhà các quan chức cấp cao Trung Quốc định cư tại Mỹ.

4. Ra lệnh thanh tra biệt thự và tình nhân của quan chức Trung Quốc ở Los Angeles.

5. Đưa người nhà quan chức Trung Quốc đang sống tại Mỹ đến nhà tù nổi tiếng của Mỹ ở Guantanamo (Cuba).

6. Tiếp tế vũ khí cho công nhân thất nghiệp ở Trung Quốc (có lẽ chỉ cần áp dụng điều thứ 6 này là đủ).


Người viết nghĩ:


Đây là lời đe dọa thứ hai nhắm vào Trung Cộng sau khi đe dọa lên kế hoạch chia Trung Cộng thành 5 nước nhỏ. Đe dọa có nghĩa là anh phải thực hiện những thỏa thuận đã đề ra nếu anh không thực hiện những thỏa thuận đã đề ra thì tôi sẽ thực hiện những thứ sau đây… làm anh thiệt hại.

Vậy những thỏa thuận đã đề ra là những thỏa thuận gì ?


Những thỏa thuận đã đề ra thường thuộc loại TOP SECRET nên không ai biết được. Giống như thỏa thuận bán đứng MNVN giữa tên Do Thái Henry Kissinger và thủ tướng Chu Ân Lai của Trung Cộng phải 30 năm sau mới lòi ra.

Người viết xin đoán mò:

Thỏa thuận 1: Trung Cộng tạo bất ổn để Châu Á chạy đua vũ trang cho tập đoàn tư bản Do Thái ở Mỹ bán vũ khí kiếm tiền (đã và đang thi hành).

Thỏa thuận 2: Phân chia lại vùng ảnh hưởng các cường quốc bằng cách giao Biển Đông và vùng Đông Nam Á cho Trung Cộng độc chiếm.

Người viết xin bình luận thỏa thuận 2:

Tập đoàn tư bản Mỹ gốc Do Thái và chính quyền Hoa Kỳ tuy hai mà một, tuy một mà hai. Tập đoàn tư bản tài chánh Mỹ gốc Do Thái thỏa thuận giao vùng Đông Nam Á và Biển Đông cho Trung Cộng độc chiếm nhưng chính quyền Hoa Kỳ lại giúp đỡ (có thể đang giả vờ) các nước Đông Nam Á chống lại Trung Cộng.

Mục đích:

- Gây chiến tranh phá nát vùng Đông Nam Á để mưu tạo một địa điểm đầu tư lý tưởng cho tập đoàn tư bản tài chánh Mỹ gốc Do Thái bỏ tiền vào đầu tư.

- Tạo lý do và cơ hội để cho các cường quốc xâu xé và chia nước Trung Hoa ra thành 5 nước nhỏ.

- Có chiến tranh ở Châu Á thì tập đoàn tư bản tài chánh Mỹ gốc Do Thái có cơ kiếm thêm tiền nhờ bán vũ khí.

Tập Cận Bình là một Đại Hán nên cũng tham ăn. Củ cà rốt giao vùng ảnh hưởng Biển Đông và Đông Nam Á cho Trung Cộng nhưng trong củ cà tật đó có một khúc xương khó nhằn. Tiến thoái lưỡng nan làm cho Đảng Cộng sản Trung Cộng đang ngồi trên đống lửa và có thể bị sụp đổ từ bên trong lẫn bên ngoài.

Nostradamus tiên tri thế chiến thứ III xảy ra do AntiChrist điều khiển. Các thầy bàn Phương Tây đang đi tìm AntiChrist là ai. Họ quên rằng Nostradamus không nói AntiChrist là cá nhân hay tập đoàn. Nếu là
tập đoàn thì chuyện tìm ra AntiChrist cũng dễ thôi.


© Nhất Hướng Nguyễn Kim Anh
thienthanh
Posts: 3386
Joined: Thu Jun 07, 2007 4:14 pm
Contact:

Post by thienthanh »

Image

Đồ đểu

Bùi Bảo Trúc
Trong thơ ngụ ngôn của Jean de La Fontaine, con kiến là con vật đểu cáng và mất dạy nhất. Nó xuất hiện trong bài La cigale et la Fourmi được cụ Nguyễn Văn Vĩnh chuyển sang tiếng Việt rất tài tình. Bài thơ kể rằng trời sắp sang Thu, bên hàng xóm, anh ve sầu mải ca hát suốt mùa Hè, không lo giành dụm thực phẩm để tích cốc phòng cơ, trong khi gió lạnh bắt đầu thổi, nguồn cơn bối rối đến nơi. Ve qua nhà kiến định vay dăm ba hạt để cầm cự qua mùa Đông hứa sang năm sẽ trả đầy đủ. Kiến thừa sức giúp hàng xóm nhưng nhất định không, lại còn quay sang hỏi đểu ve mấy câu khiến ve càng đau khổ, cuối cùng kiến còn bồi thêm một câu xỏ xiên khác trước khi đuổi ve ra khỏi nhà: “Xưa chú hát, nay thử múa coi chơi.”

Kiến thừa biết ve đang lúc khốn khó. Ve có thể chết đói cùng với lũ ve con nên đành phải muối mặt tìm cách vay mượn kiến, một đứa keo kiệt, bủn xỉn bậc nhất trong vùng. Ve than nghèo kể khổ, vợ ốm con đau, hy vọng kiến mở lòng thương xót nhưng vẫn bị kiến từ chối mà lại còn cho nghe mấy câu nói móc thập phần khốn nạn.

Bỏ qua những chi tiết không chính xác về loài ve mà tác giả của bài ngụ ngôn không nắm vững: ve chỉ sống được vài tuần lễ, không hề có chuyện sống từ năm nọ sang năm kia để bị kiến làm khó.

Kiến chỉ cần từ chối không cho ve vay ít thực phẩm thôi cũng đã là không tử tế rồi. Đàng này biết hoàn cảnh khốn khó của ve, kiến đã không những không giúp, lại còn hỏi đểu mấy câu cho ve đau thêm. Thật là khốn nạn có thừa.

Tưởng câu chuyện ngụ ngôn đó cũng đã cảm hóa được người ta, giúp dẹp bỏ hay giảm bớt những sự đểu giả, khốn nạn, bất nhân, xấu xa trong đời sống như mong ước của Eusop (nhà văn cổ Hy Lạp) và Jean de La Fontaine. Nhưng trò khốn nạn mất dậy của một số người thì hình như vẫn còn nguyên.

Mới đây, ngày Quốc Tế Nhi Đồng 1 tháng 6, người ta đã được chứng kiến tận mắt một hành động thuộc loại đểu giả đó. Phía tiếp nhận hành động khốn nạn không phải là con ve của La Fontaine, mà là 55 em nhi đồng, ở 11 tỉnh thuộc các vùng sâu, vùng xa và nghèo ở biên giới. Các em được chọn để dự một cuộc họp mặt có chủ tịch nhà nước Trần Đại Quang phát quà cho các em.

Cũng như anh ve sầu, các em thiếu nhi, theo bản tin của tờ Tuổi Trẻ cho biết, đều là những em đang có những hoàn cảnh rất cơ cực, khó khăn. Các em được cho dự một sự kiện (như lối nói ngu dốt ở trong nước ngày nay) để nhận quà của chủ tịch nước. Chuyện ấy không phải là chuyện mới lạ gì. Vài món quà nhỏ phát trong dịp Trung Thu cho... con trẻ nó mừng. Hồi vua Bảo Đại rồi đệ nhất, đệ nhị Cộng Hòa cũng có chuyện phát quà cho các em học sinh nghèo học giỏi. Những gói quà đó có thể là những cuốn vở, những hộp bút chì mầu, những cái cặp sách bằng plastic... hay những hộp quà CARE của chính phủ Mỹ trong có những cây bút Crayola với mùi thơm kỳ lạ, một hai món đồ chơi nhỏ, vài chiếc kẹo Lifesavers, mấy thỏi sô cô la...

Tại cuộc phát quà lần này mà những tờ báo trong nước nói rõ là tất cả các em đều có chung những hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn nhưng lại học giỏi. Các em được quà đặc biệt của chủ tịch Trần Đại Quang. Ai cũng tưởng tượng ra ngay những ngôi trường (nếu có thể gọi đó là trường học) với một lớp học tường vách không có, chỉ là mấy cái phên tre huếch hoác gió mưa tha hồ tự do ra vào thoải mái. Những đứa học trò nhỏ quần áo nhếch nhác, có những đứa chân quanh năm đi đất hay nhiều lắm là những đôi dép đứt quai trên những quãng đường lầy lội trong thời tiết khắc nghiệt. Nhiều đứa phải bơi qua suối để đến trường. Có những đứa phải chui vào những cái bao nylon để được người lớn kéo qua sông. Còn có những đứa khác thì lần theo những chiếc cầu khỉ để qua con lạch đến lớp... Có những đứa phải cởi hết quần áo đội lên đầu cùng vài ba cuốn vở để lội suối băng đèo đi kiếm vài ba chữ trong lúc bụng không lòng trống...

Đó, cuộc sống hết sức khó khăn mà các bài báo nhắc tới chắc phải là như thế. Vậy thì quà của chủ tịch nước Trần Đại Quang tặng cho các học sinh nghèo trong hoàn cảnh khó khăn đó là gì? Những đôi dép plastic, những cái túi đeo lưng, những cuốn vở thơm mùi giấy mới, hộp bánh biscuit các em đã lâu không được thưởng thức... hay những khoản tiền làm những chiếc cầu thô sơ cho các em vượt suối đi học...?

Làm quái gì có những thứ quà vớ vẩn như thế bao giờ! Báo chí cho biết chủ tịch nước thông cảm và thấu hiểu những khó khăn của các học sinh nghèo và để giúp các em khắc phục các khó khăn đó, các em được tặng mỗi em một bức chân dung Hồ Chí Minh.

Không quăng cho các học sinh nghèo này một câu xỏ xiên như con kiến nói với con ve nhưng mức độ đểu giả và khốn nạn của Trần Đại Quang thì không thua gì. Con ve ra về tay không sau khi được cho nghe những lời từ chối độc ác của kiến. Các học sinh nghèo hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn vật chất thì được Trần Đại Quang tặng những bức hình chủ tịch Hồ Chí Minh.

Câu hỏi móc của con kiến không giúp ve no bụng trong mùa đông thì cũng hệt như thế, chân dung Hồ chủ tịch có giúp cho cái bụng đỡ đói, cái thân đỡ lạnh trong những ngày đông, đôi chân dỡ bật máu trong những lần đi học không ? Có ngu nhất thì cũng thấy ngay là không. Vậy mà tên chủ tịch gốc công an đã dám làm cái việc đểu giả khốn nạn và tàn ác đó với các em học sinh nghèo để chụp hình đăng báo. Sau buổi lễ nhận quà, các em sẽ đem những bức chân dung ấy về nhà, và hôm sau lại vẫn quần áo, dép tả tơi lội suối, chui vào bao nylon qua sông đi học và nhiều em bụng vẫn đói meo... tiếp tục học tập tốt tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để thành các cháu ngoan bác Hồ.

Có thể sẽ có những em vừa về đến nhà, cha mẹ mừng quá ra đón và đòi xem quà của chủ tịch nước. Và chắc chắn sẽ có những câu như thế này: “Ối giời ơi... tao tưởng quà cáp gì chứ cái của nợ này thì vác về làm gì... có đem luộc lên mà ăn được không ? Muốn sống muốn tốt thì ném vào chuồng xí ngay... mang vào nhà tao đánh thấy mẹ bây giờ... quà với chả cáp...Bố tiên sư khỉ... Nham nhở đến như thế là cùng.”

Trần Đại Quang đểu thật. Làm có một việc mà chơi xỏ được hai việc: Khốn nạn với lũ học sinh nghèo đã đành. Lại còn khiến cho Hồ Chủ Tịch bị đay nghiến, chửi cho một trận te tua!

__._,_.___
vuongquan
Posts: 270
Joined: Mon Mar 14, 2016 4:15 pm
Contact:

Post by vuongquan »

Tập Cận Bình đấu dịu

Ngô Nhân Dụng
Tổng thống Mỹ Barack Obama mới qua Việt Nam và được hàng trăm ngàn dân Việt chờ đợi bên đường hoan nghênh nhiệt liệt. Chính quyền cộng sản cố tiếp đón ông Obama theo cách hờ hững, kém long trọng hơn cuộc tiếp rước Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mấy tháng trước.

Sau đó, khi dân Việt Nam đi biểu tình đòi bảo vệ môi trường sống, đả đảo công ty Formosa và các nhà thầu Trung Cộng, họ còn bị đàn áp mạnh mẽ. Việt Cộng cố bày tỏ lòng trung thành với các đồng chí anh em, nhưng Trung Cộng có hung hăng hơn đối với Mỹ để răn đe đàn em bốn tốt và 16 chữ vàng hay không? Nhiều dấu hiệu cho thấy họ đã đấu dịu.

Ngày Thứ Hai, 6 Tháng Sáu, 2016, tại Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình mới công khai bày tỏ ý kiến về mối bang giao Trung Quốc với Mỹ: “Điều cơ bản là hai nước phải giữ vững các nguyên tắc, là không xung đột hay đối đầu với nhau; kính trọng lẫn nhau, và hợp tác để cả hai cùng thắng lợi.” Tập Cận Bình tỏ ý muốn hai chính phủ phải tiếp tục đối thoại để nuôi dưỡng lòng tin tưởng và cộng tác với nhau.

Lời tuyên bố trên được đưa ra trong ngày khai mạc cuộc họp “Đối Thoại Chiến Lược Và Kinh Tế Mỹ-Trung” (US-China Strategic and Economic Dialogue, SED) lần thứ tám. Cuộc họp định kỳ này được Chủ Tịch Trung Cộng Hồ Cẩm Đào và tổng thống Obama khởi đầu từ năm 2009. Năm nay, trong số hàng trăm viên chức cấp bộ trưởng tham dự, phía Trung Cộng có Ủy Viên Quốc Vụ Viện Dương Thiết Trì, Phó Thủ Tướng Vương Dương, và Chủ Tịch Ngân Hàng Trung Ương Chu Tiểu Xuyên và Tạ Chấn Hoa (Xi Zhenhua, 谢振华), phụ trách vấn đề khí hậu thay đổi; với các bộ trưởng hoặc thứ trưởng tài chánh, thương mại, giáo dục, canh nông, khoa học kỹ thuật, và văn hóa. Phía Mỹ có Ngoại Trưởng John Kerry và Bộ Trưởng Tài Chánh Jacob Lew. Trong hai ngày họp mặt, các bài thuyết trình tập trung vào các vấn đề kinh tế, thương mại, hợp tác khoa học và vấn đề khí hậu biến đổi, vân vân.

Nhưng trong cuộc gặp gỡ bàn những vấn đề kinh tế và chiến lược này, các mối bất đồng được nêu ra đều nhỏ. Mỹ muốn Trung Cộng giảm bớt việc sản cuất thép và nhôm vì các doanh nghiệp nhà nước dù lỗ vốn vẫn tiếp tục xuất cảng hàng dưới giá thành tràn gập thị trường thế giới. Trung Cộng muốn cuộc thảo luận về Hiệp Ước Đầu Tư Song Phương tiến nhanh hơn, và Ngân Hàng Trung Ương Mỹ thông báo trước các quyết định về lãi suất vì nếu lãi suất ở Mỹ tăng lên thì đồng nhân dân tệ sẽ mất giá. Bên cạnh các đề tài trên, chủ đề gay go nhất, dù không được ghi trong ghị trình, vẫn là quan điểm xung khắc giữa Mỹ và Trung Cộng trong vùng Biển Đông nước ta.

Chính phủ Mỹ đã yêu cầu Trung Cộng phải tuân theo bản quyết định mà Tòa Trọng Tài Thường Trực Thế Giới sắp công bố, theo đơn kiện của chính phủ Philippines; mà Bắc Kinh đã báo trước sẽ không công nhận. Đồng thời Mỹ lên tiếng chỉ trích Trung Cộng đang gây thêm căng thẳng tại Biển Đông với các hành động biến các tảng đá ngầm thành căn cứ quân sự trong vùng biển đang còn tranh chấp. Đáp lại, Trung Cộng tố ngược rằng chính nước Mỹ đang gia tăng các hoạt động quân sự trong vùng!

Đối với các xung đột hiển nhiên đó, ông Tập Cận Bình đã nói rõ Trung Cộng không muốn đối đầu với Mỹ. Ngôn ngữ ông ta dùng rất ôn hòa, coi tình trạng “bất đồng ý kiến trên các vấn đề nhạy cảm” là hiện tượng dĩ nhiên phải diễn ra vì lịch sử, văn hóa hai nước khác nhau. Ông ta không nói gì về những lần phi cơ Mỹ và Trung Cộng nghênh nhau trên trời cũng như tàu chiến hai nước bám nhau ngoài biển! Ngược lại, ông giảng giải, “Không có lý do nào phải sợ các quan điểm bất đồng, điều quan trọng nhất là chúng ta không giữ một thái độ kình chống trên các điểm bất đồng đó.”

Tập Cận Bình giải thích thêm: “Nhiều điểm bất đồng có thể được giải quyết với những nỗ lực của hai bên khi cả hai đều cố gắng giải quyết.” Hơn nữa, “Những vấn đề chưa thể giải quyết được bây giờ thì hai bên nên nhìn nhận vị thế thực tế của nhau và giải quyết theo hướng xây dựng.” Tập Cận Bình dùng những hình ảnh hoa mỹ hơn, đề nghị Vùng Á Châu-Thái Bình Dương phải là một “đia bàn lớn bao dung lẫn nhau để hợp tác” (inclusive big ­platform for cooperation) chứ không phải là “một vùng cho các quốc gia thi thố đối đầu” (“arena for countries to leverage”)!

Mọi người có thể hiểu rằng Cộng Sản Trung Quốc không muốn đối đầu với Mỹ, vì quân lực của họ chưa sẵn sàng. Nhưng lý do quan trọng nhất là nền kinh tế Trung Quốc sẽ sụp đổ nếu xung đột vũ lực xẩy ra khiến hàng hóa không thể xuất cảng và tuyệt đường tiếp tế nguyên liệu và nhiên liệu. Khi hàng trăm triệu công nhân Trung Hoa theo nhau mất việc làm thì chỉ một năm hay nửa năm sau dân lục địa sẽ nổi loạn. Một hành động đấu dịu hiển nhiên là từ ba tuần qua các tàu hải giám của Trung Cộng đã ngưng không quấy nhiễu, để cho các thuyến đánh cá Phi Luật Tân được tự do hoạt động trong vùng biển hai bên đang tranh chấp.

Trước thái độ hòa hoãn của Tập Cận Bình, Ngoại Trưởng John Kerry đã khẳng định: “Lập trường của chúng tôi là các phe không được giải quyết những bất đồng (trong vùng Biển Đông) bằng những hành động đơn phương. Phải giải quyết bằng luật pháp, qua ngoại giao và thương thảo. Nước Mỹ kêu gọi các quốc gia hãy đi tìm các giải pháp ngoại giao, đặt nền tảng trên tiêu chuẩn quốc tế về tinh thần tôn trọng luật pháp.” Lời tuyên bố đó nhấn mạnh thêm ý kiến yêu cầu Trung Cộng phải tôn trọng phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực Thế giới; và lên án việc Trung Cộng xây cất các phi tường và căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo.

Trước đó một ngày, trong cuộc hội họp Shangri-La tại Singapore, Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Ashton Carter đã cảnh cáo Trung Cộng đang dựng lên một “Trường Thành Cô Lập” bằng các hành động quân sự hóa vùng Biển Đông. Để đáp lại, phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Cộng, tướng Tôn Kiến Quốc (Sun Jianguo, 孙建国) chỉ phản ứng bằng một lời đe dọa ngầm chứa mối lo sợ bị các nước tẩy chay, khi ông ta nói rằng mọi âm mưu cô lập hóa Trung Quốc sẽ thất bại.

Ngay tại hội nghị Shangri-La, người ta đã thấy dấu hiệu Trung Cộng đang bị cô lập hơn, khi nước Pháp bắt đầu bầy tỏ thái độ về các xung đột tại Biển Đông. Chủ Nhật vừa qua, Bộ Trưởng Quốc Phòng Pháp Jean-Yves Le Drian đã nhắc tới và nhấn mạnh một luận điểm mà chính phủ Mỹ vẫn dùng làm căn bản chính sách của họ. Ông Le Drian kêu gọi hải quân các nước Châu Âu hãy thực hiện các cuộc hải hành “thường xuyên và biểu lộ rõ ràng” (regulier et visible) để chứng tỏ họ hiện diện trong vùng này. Mục đích của hành động đó là chứng tỏ các nước Châu Âu tuân thủ, tôn trọng luật pháp về biển và quyền tự do hàng hải. Ông Le Drian nêu những ý kiến cụ thể: “Nếu hôm nay mà luật biển không được tôn trọng tại vùng Nam Hải, thì ngày mai sẽ đến lượt các vùng biển Bắc Cực và Địa Trung Hải cũng như các nơi khác bị đe dọa.” Hai vùng biển được nêu tên trong câu này rõ ràng ám chỉ các hành động quân sự của chính phủ Nga tại biển Baltic và bở biển Syria.

Ông Le Drian cảnh báo, “Nếu chúng ta muốn ngăn ngừa mối nguy hiểm khi xung đột xảy ra, chúng ta phải bảo vệ quyền tự do hàng hải này, và chính chúng ta phải đứng ra bảo vệ,” ngầm nói rằng các nước Châu Âu không thể để cho một mình nước Mỹ đóng vai trò cảnh sát trên mặt biển!

Khi chính phủ Pháp nhập trận vào vùng biển Đông Nam Á, họ cũng chứng tỏ các nước khác ở Châu Âu không còn thờ ơ trước các hành động hung hãn của Trung Cộng. Một ngày sau khi ông Le Drian nói mạnh, chúng ta đã thấy phản ứng của Tập Cận Bình là đấu dịu.
thuytrieu
Posts: 90
Joined: Mon Mar 14, 2016 4:09 pm
Contact:

Post by thuytrieu »

Quê hương là... mùi nước mắm
Tạp ghi Huy Phương

Image
Quà biếu của Formosa cho BCT Ba Đình
Cá chết trong nước, ngoài nước quý bà nội trợ đổ xô đi mua nước mắm.

Chúng ta đi mang theo quê hương nhưng nhiều khi quên mang theo nước mắm. Ở đâu cũng có gạo, thịt, cá, tôm, rau cải, bột, đường, nhưng không phải ở đâu cũng tìm ra nước mắm. Những người di tản đến Orange County, California, năm 1975 đi Los Angeles, kiếm được chai nước mắm đem về, mừng rơn. Bây giờ, cộng đồng người Việt ở hải ngoại đã đông vui, không khó để có được chai nước mắm, có khi còn mắm nêm, mắm lóc, mắm ba khía... chẳng khác chi ở một ngôi chợ làng.

Chén nước mắm dùng trong mâm cơm được coi là nét đặc biệt trong chuyện ăn uống của người Việt Nam. Miền Bắc và miền Trung thường dùng nước mắm nguyên chất với các loại ớt, nhưng vào miền Nam thì người ta dùng “nước mắm pha,” có đường, chanh, ớt, tỏi pha nước, không mặn, nên khi ăn ốc, ăn bánh khọt, người ta “húp” cả nước mắm. Nước mắm pha để ăn các loại bánh làm từ bột của xứ Huế quả là muôn vàn rắc rối, không thể dùng một cách nhầm lẫn được. Do vậy nước mắm để ăn bánh bột lọc khác với nước mắm ăn bánh ướt tôm chấy, nước mắm ăn bánh bèo không dùng để ăn với bánh nậm.

Có ai còn nhớ nước mắm tĩn?

Nước mắm không phải là món nước chấm, mà là một món ăn chính. “Ngày mưa bão, trên mâm thường trứng luộc.” (dầm trong một chén nước mắm - nhà nghèo thì một phần trứng mà có đến ba phần nước mắm) hay như một câu nói bình dân xứ Huế: “Nói cho lắm cũng nước mắm - dưa cải, nói cho phải cũng dưa cải - nước mắm!” Đó là món ăn nghèo khổ nhất! Không cao lương mỹ vị, thì bữa cơm với chén nước mắm cũng xong! Thời Pháp thuộc, người ta dùng “tỉn” để chứa nước mắm chứ chưa có chai để đựng nước mắm phổ biến như bây giờ.

Với tôi, từ thuở nhỏ đến lúc bạc đầu, bữa cơm nào cũng phải có chén nước mắm ớt nguyên chất. Đến dùng cơm nhà bà con hay bạn thân, thì cứ nói thẳng: “Đừng quên chén nước mắm ớt của tôi nghe!”

Tôi có một người bạn người Huế đi du học bên Tây rất sớm, lại lấy vợ đầm, suốt đời phải bỏ lại “nước mắm” sau lưng. Thời gian sau này khi đi du lịch một mình sang Mỹ, anh lại có cơ hội “tắm lại trong dòng sông cũ,” được chan nước mắm thả dàn, tâm sự là nhớ mẹ khôn nguôi! Bây giờ thấy những bà nội trợ Việt Nam ở Mỹ đi chợ, chất đầy những chai nước mắm lên xe đẩy, mới thấy nước mắm gắn bó với con người Việt Nam ra sao!

Sau năm 1975, khi miền Bắc “mới được giải phóng,” dân chúng chưa có được chai nước mắm mà ăn. Người ta lừa vị giác và thị giác của con người bằng loại nước mắm XHCN làm bằng nước muối và lá chuối khô. “Nhà sản xuất” nấu nước muối lên, bỏ vào nồi một hai ngọn lá chuối khô, loại nước này ngả màu nâu rất đẹp không khác gì màu nước mắm, đậm nhạt tùy thời gian nấu lá chuối khô trong nồi. Màu thì giống nước mắm thật, còn mùi thì phải tưởng tượng ra!

Ví như hôm nay, bạn sửa soạn ra đường, nhưng chẳng may vấy phải vài giọt nước mắm trên áo, thì phải vội vàng vứt cái áo ngay, vì cái mùi “hôi” của nó, nhưng sao chúng ta lại mê nước mắm, đến đỗi bữa cơm không có nước mắm thì thành bữa cơm vô vị, và nói đến người Việt Nam thì phải nhắc đến nước mắm. Tôi không chịu nổi mùi Fromage Camembert của xứ Normandie ra sao, thì Tây cũng sợ mùi nước mắm Phú Quốc đến như thế! Mùi vị của mỗi nơi là văn hóa, nên cũng đừng bắt người ngoại quốc phải thích văn hóa của mình.

Đứng ở xa thì OK, nhưng đến gần thì không mê nổi.

Người Hoa, Triều Tiên, Philippines, Nhật, Khmer, Indonesia, Malaysia, Lào... có mắm mà không có nước mắm như Việt Nam và Thái Lan, nhưng các bạn đi Thái Lan rồi, hay ăn nhà hàng Thái ở Mỹ, trong bữa cơm có thấy chén nước mắm đâu! Vậy thì cứ xem nước mắm như là món “quốc hồn quốc túy” của xứ mình, chứ không phải là phở hay chả giò như nhiều người nói, bằng chứng là người Mỹ ăn phở được, nhưng ăn nước mắm thì không, trừ những anh chàng phương Tây số nặng nợ, lẽo đẽo theo cô gái Việt Nam, chỉ vì... mùi nước mắm!

Việt Nam có bờ biển dài hơn 3,400 km, nếu tính gồm các đảo, đầm phá và các cửa sông chịu tác động mạnh của thủy triều thì số chiều dài bờ biển đến 11,409 km. Với địa hình giáp “biển bạc” như thế, cá ăn không hết nên nẩy sinh ra nghề làm nước mắm, mà không giống một quốc gia nào trên thế giới. Monaco chỉ có 4 km tiếp giáp với biển không có nước mắm đã đành, sao Canada có bờ biển dài 202,080 km cũng chỉ có maggi.

Không có sách sử nào nói về lịch sử, cội nguồn của nghề làm nước mắm, chỉ biết đây là một nghề cha truyền con nối, truyền thống gia đình, thì nói một cách hàm hồ, chỗ nào có người Việt sinh sống gần biển là chỗ đó có làm nước mắm. Nói một cách khác, vào nhà người Việt, thịt cá chưa biết ở đâu nhưng phải có chai nước mắm trong nhà bếp.

Tại Việt Nam, các vùng miền duyên hải đều làm nước mắm. Thì cứ đi một dọc từ Bắc chí Nam, từ Cát Hải, Hải Phòng, cho đến miền Trung là Nam Ô, Vạn Giã, Phan Thiết, vào cực Nam là Cà Mau, Phú Quốc.

Nước mắm có thể làm từ con cá nục, nhưng ngon là nước mắm làm từ con cá cơm. Nước mắm ngon là loại nước mắm nhĩ, tức lá nước mắm tinh chất nhỏ những giọt đầu tiên. Trước năm 1975, người ta còn được ăn nước mắm “óc trâu” lợn cợn những chất béo của cá. Những loại nước mắm ăn vào nghe nhức nhối cả chân răng. Người ta còn nói, nước mắm ngon, bỏ hạt cơm vào thì hạt cơm nổi lên mặt.

Thời đó con người còn trong sạch, ngay thẳng, chưa được dạy điều xảo trá, điêu ngoa, nên dân còn được ăn miếng ngon, giọt nước mắm không hề có chút hóa chất, con gà con vịt, miếng thịt, ngọn rau còn tinh chất, không hạnh phúc sao?

Bây giờ nghe tin cá chết, dân Việt Nam ùn ùn đi mua nước mắm, vậy nước mắm chính là mùi vị quê hương Việt Nam không thể thiếu.

Bài thơ “Quê Hương” của Đỗ Trung Quân mặc dầu có nói đến cầu tre, cánh diều... nhưng vẫn còn chung chung, chỉ có hình ảnh mà chưa có mùi vị.

Theo tôi, nếu nói đến quê hương Việt Nam thì phải nói thêm:

“Quê hương là mùi nước mắm
Đi xa ai cũng nhớ nhiều!”
dailien
Posts: 2454
Joined: Sun Jun 03, 2007 3:37 am
Contact:

Post by dailien »

Con quan lại làm quan: Phải minh bạch!
Cao Huy Huân
(Nguồn: VOA)
Ca dao Việt Nam có câu “Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa.” Cá nhân tôi không hoàn toàn cho rằng việc cha truyền con nối là hoàn toàn tiêu cực, bản chất nằm ở chỗ tính minh bạch và sự đồng thuận chính trị, tức sự tín nhiệm thực sự cần phải được đảm bảo đến mức chấp nhận được. Vụ ông Vũ Quang Hải, 28 tuổi, con trai Nguyên Bộ Trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, được bổ nhiệm vào những vị trí quan trọng ở Bộ Công Thương và Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cũng như vậy.

Trước hết cần nói về tính minh bạch. Chưa bàn về vấn đề đúng sai, phải quấy, vụ việc ngay khi được báo chí công bố đã cho thấy những khuất tất gây nhiều tranh cãi, trong đó phần lớn thông tin cần phải được khai thác, điều tra, đào xới để tìm ra sự thật. Việc bổ nhiệm một người không có quan hệ thân thuộc vào những chức vụ quan trọng đã cần phải cẩn trọng, đừng nói chi đến việc người được bổ nhiệm là con trai của một quan cấp bộ. Thế nhưng, cũng như rất nhiều lần trước, với nhiều vụ “con quan” tương tự, thông tin và quy trình bổ nhiệm dường như còn quá nhiều vấn đề phải bàn cãi. Sự thỏa mãn thông tin đối với dự luận dường như chưa được đảm bảo, để lại một khoảng trống khiến phía dư luận hoàn toàn có khả năng tự bơm lấp bằng hoàn loạt những giai thoại, những câu chuyện của họ.

Việc khuất tất và thiếu thông tin được chính phía Hiệp Hội Các Nhà Đầu Tư Tài Chính Việt Nam (VAFI) chứng minh trên báo Người Lao Động (Việt Nam). Một là về vấn đề ông Vũ Quang Hải có làm công ty đầu tư tài chính dầu khí (PVFI) thua lỗ hay không? Nguyên Bộ Trưởng Vũ Huy Hoàng, tức cha của ông Hải, khẳng định khi bổ nhiệm con trai làm tổng giám đốc PVFI, công ty này đã thua lỗ từ trước, với số tiền hơn 200 tỷ đồng. Việc kinh doanh lỗ trước đó không thuộc trách nhiệm của Hải. Thực tế, qua hai năm Hải làm ở PVFI đã chặn được, không lỗ tiếp nữa, thậm chí sau này còn có lời (dù không nhiều).

Phản biện quan điểm này, VAFI khẳng định thông tin Vũ Quang Hải làm thua lỗ 220 tỷ đồng là căn cứ vào báo cáo tóm tắt đăng trên website của PVFI. Trên trang Web của PVFI, phần giới thiệu lịch sử PVFI có nói rằng PVFI đã kinh doanh có lãi khoảng 100 tỷ đồng trong 3 năm 2007, 2008, 2009. Đúng như VAFI đặt vấn đề, đâu là thông tin đúng, thông tin sai? Báo cáo trên website đúng (thực tế thì báo cáo trên website về nguyên tắc là báo cáo chính thức, post báo cáo lên không thể làm thay đổi số liệu), hay là lời ông Hoàng, ông Hải đúng? Nhất thiết phải giải quyết vấn đề này một cách minh bạch, rõ ràng, thuyết phục.

Phản biện thứ hai nằm ở chỗ, giai đoạn ông Vũ Quang Hải làm việc ở Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cũng xuất hiện mâu thuẫn. Bản thân ông Vũ Quang Hải nói cá nhân ông về cục này không theo ngạch công chức nhà nước. Như vậy có thể hiểu rằng ông Vũ Quang Hải không phải công chức nhà nước. Tuy nhiên phải nhớ rằng, chỉ có công chức nhà nước mới được bổ nhiệm làm Kiểm soát viên. Đó là chưa tính đến việc trong thời gian ở Trung tâm hỗ trợ xuất khẩu (Cục Xúc Tiến Thương mại), ông Hải lại được nhận chức kiểm soát viên tài chính ở Tổng Công Ty Thuốc Lá Việt Nam (một đơn vị độc quyền kinh doanh thuốc lá với thu nhập rất cao và đặc biệt), còn ông Hoàng (cha của ông Hải) tại thời điểm ấy lại đang là người đại diện của Tổng Công ty này. Sự mâu thuẫn trong lời nói của ông Hải cũng cần được giải thích một cách thỏa đáng, vì nó liên quan đến “quy trình” - điều mà nhiều cá nhân vẫn cho rằng ông Hải đã theo đúng khi được bổ nhiệm.

Phản biện thứ ba cũng rất cần được lưu ý chính là khi ông Hải đến làm việc tại Sabeco, việc bổ nhiệm dường như có vấn đề pháp lý. Tiến Sĩ Nguyễn Đình Cung, viện trưởng Viện Nghiên Cứu Quản Lý Kinh Tế Trung Ương, phát biểu trên báo Dân Trí (Việt Nam) rằng Sabeco là công ty cổ phần, không còn là doanh nghiệp nhà nước, Bộ Công Thương chỉ được quyền đề cử người vào thành viên Hội Đồng Quản Trị, sau đó Đại Hội Đồng Cổ Đông bầu Hội Đồng Quản Trị rồi Hội Đồng Quản Trị mới bổ nhiệm các chức danh tổng giám đốc và các phó tổng giám đốc... Khi bổ nhiệm các chức danh đó thì có thể phải hỏi ý kiến Hội Đồng Quản Trị. Việc Sabeco chủ động đi “xin” Bộ Công Thương là trái luật. Cần lưu ý, người đứng đầu Bộ Công Thương lại là ông Hoàng, cha của ông Hải. Thay vì hỏi ý kiến Hội Đồng Quản Trị, vốn trong đó cũng có ít nhất 20% cổ phần của các đơn vị ngoài nhà nước thì Sabeco lại chạy đến Bộ Công Thương. Việc làm này, như ông Cung phân tích, vừa trái luật, vừa không để ý đến lợi ích chung của cổ đông.

Như vậy, câu hỏi đặt ra là làm sao để giảm thiểu và tiến đến xóa bỏ những vụ “con quan thì lạt làm quan” gây bức xúc dư luận. Thứ nhất, nói hoài và nói mãi, chính là tính minh bạch trong việc tuyển người. Tôi đồng tình với quan điểm cho rằng Luật Doanh nghiệp của Việt Nam đã được cải thiện rất đáng kể, thậm chí việc quy định bổ nhiệm, quyền và nghĩa vụ của đại diện vốn nhà nước, cơ cấu Ban Giám Đốc đúng với chuẩn mực quốc tế. Việc nói luật có nhiều kẽ hở thật ra không thuyết phục. Luật nói rất rõ là những người liên quan như ông Hoàng (trong vai trò làm cha của ông Hải) là không được làm gì liên quan đến bổ nhiệm. Báo chí đã nhiều lần đề cập đến việc cần phải tổ chức thi tuyển công chức, lãnh đạo như vị trí của ông Hải. Nếu chỉ dựa vào đề xuất của Sabeco (suy cho cùng cũng dưới trướng của ông Hoàng, cha của ông Hải) rằng ông Hải giỏi tiếng Anh, có kinh nghiệm (khi tuổi đời còn quá trẻ) thì không thuyết phục, hoặc ít nhất không thể thuyết phục người dân. Các tiêu chí của Sabeco như thế nào, hội đồng chấm thi là ai, thì hình thức gì, barem điểm ra sao,... tất cả mọi thứ nhất thiết phải được đưa ra minh bạch, rõ ràng, công bằng để ai đủ điều kiện đều có thể dự thi.

Phải nhấn mạnh lại rằng ông Hải hoàn toàn có thể làm chức vụ cao cấp nếu đủ năng lực và điều kiện. Quan trọng là, khái niệm “đạt yêu cầu” đó phải do một đơn vị độc lập đánh giá dựa trên quy trình rõ ràng, tiêu chuẩn rõ ràng, người chấm có năng lực và không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ ai. Tất cả thông tin này phải đảm bảo công luận muốn biết sẽ có ngay lập tức - minh bạch tuyệt đối. Tổng thống Mỹ cũng có cha làm, con nối nghiệp, thì việc cha làm quan con nối nghiệp cha không phải không chấp nhận được. Quan trọng là cách làm và mọi thứ phải mang lại sự đồng thuận cao, hài lòng cao của người làm chủ - tức nhân dân.
Post Reply

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 0 guests