Tin Tức Hoa Kỳ

Tin trong và ngoài nước, tin Cộng Đồng ...
bobinh
Posts: 221
Joined: Fri Feb 26, 2010 1:35 am
Contact:

Post by bobinh »


Chế độ bảo hiểm sức khỏe cho toàn dân tại Hoa Kỳ sắp hoàn thành!


Trần Bình Nam
Ngày 25 Tháng Sáu, sau 3 tháng cân nhắc vụ kiện King vs. Burwell (công dân David King kiện bà Sylvia Burwell, bộ trưởng Bộ Y Tế và An Sinh Xã Hội Hoa Kỳ), Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ phán quyết Bộ Y Tế thắng với đa số 6 phiếu chống 3. Phán quyết này cho phép Bộ Y Tế tiếp tục trợ cấp cho những người lương thấp mua bảo hiểm tại chợ bán bảo hiểm (health exchanges) do chính phủ liên bang thiết lập tại các tiểu bang không chịu thiết lập chợ bán bảo hiểm theo tinh thần của luật bảo hiểm sức khỏe toàn dân (Affordable Cate Act - ACA) ban hành ngày 23 Tháng Ba năm 2010. (1)

Vụ kiện này có tính kỹ thuật dựa vào một câu văn (đúng ra là mấy chữ) trong bộ luật ACA do Quốc Hội biểu quyết và Tổng Thống Obama ký ban hành. Bộ luật nhắm mục đích chính là tạo điều kiện và nếu cần thì bó buộc mọi người dân phải mua bảo hiểm sức khỏe. Hoa Kỳ là nước tiên tiến duy nhất trên thế giới không có bảo hiểm y tế toàn dân. Con số không có bảo hiểm vào đầu năm 2010 lên đến 32 triệu người.

Bộ luật ACA dày 955 trang có nhiều điều khoản nhưng quan trọng nhất là hai điểm gây tranh cãi và những người bảo thủ, đa số thuộc đảng Cộng Hòa nắm lấy đưa ra tòa kiện nhắm mục đích hủy bỏ luật ACA.

Ðiểm thứ nhất quy định ai không mua bảo hiểm sẽ bị phạt. Ðiểm thứ hai là các tiểu bang tùy nghi thành lập chợ bảo hiểm (health exchanges) để bán bảo hiểm cho những người dân buộc phải mua bảo hiểm. Ai có lợi tức thấp sẽ được chính phủ liên bang trợ cấp. Và luật ghi: số tiền trợ cấp thay đổi tùy giá bảo hiểm “thành lập bởi các tiểu bang” (established by the states). Mấy chữ “thành lập bởi các tiểu bang” đặt thành một vấn đề.

Những người chống luật ACA lập luận rằng, như vậy ở các tiểu bang không chịu thiết lập chợ bán bảo hiểm và chính phủ liên bang phải lập chợ thì những ai mua bảo hiểm qua chợ bảo hiểm liên bang sẽ không được trợ cấp theo văn từ của luật.

Trở lại một chút lịch sử của vấn đề bảo hiểm sức khỏe tại Hoa Kỳ. Như đã nói, ngày 23 Tháng Ba, năm 2010 Tổng Thống Obama ký ban hành luật ACA nhắm cung cấp bảo hiểm cho mọi người dân, một chương trình bảo hiểm được gọi một cách bình dân là Obamacare.

Mặc dù nguyên tắc bảo hiểm sức khỏe cho mọi người được áp dụng tại hầu hết các quốc gia tiên tiến Tây Phương, tại Hoa Kỳ thành phần bảo thủ vẫn chống nguyên tắc bảo hiểm sức khỏe cho mọi người vì quan niệm rằng sẽ sinh ra tệ trạng lười biếng không chịu làm việc.

Cách chống luật ACA đơn giản nhất là thông qua một luật minh thị bãi bỏ luật ACA. Nhưng đảng Cộng Hòa biết rằng dù có đa số tại cả hai viện Quốc Hội và biểu quyết bãi bỏ luật ACA cũng không được vì Tổng Thống Obama sẽ phủ quyết vả đảng Cộng Hòa sẽ không đủ phiếu (2/3 tại mỗi Viện) để vô hiệu hóa phủ quyết của tổng thống.

Cho nên đảng Cộng Hòa vin vào Hiến Pháp và ngôn từ trong bộ luật ACA đệ đơn ra tòa liên bang kiện tính vi hiến để vô hiệu hóa bộ luật ACA. Hơn 30 vị thống đốc Cộng Hòa đứng đơn kiện rằng: “Luật ACA quy định phạt công dân không mua bảo hiểm vi phạm quyền tự do mua gì hay không mua gì của người dân quy định trong Hiến Pháp.” Ðảng Cộng Hòa biết vụ kiện quan trọng này sẽ tới Tối Cao Pháp Viện. Và họ hy vọng 5 quan tòa có khuynh hướng bảo thủ trong 9 quan tòa hiện nay sẽ phán quyết nghiêng về phe bảo thủ.

Nhưng ngày 28 Tháng Sáu, 2012, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ phán quyết tối hậu về tính cách hợp hiến hay vi hiến của ACA cho rằng tiền phạt nếu không mua bảo hiểm qua các chợ bảo hiểm (exchanges) là tiền thuế. Và chính phủ không vi phạm Hiến Pháp khi buộc dân đóng thuế. Phán quyết này duy trì tính hợp hiến của luật ACA (2).

Ðiểm tranh cãi thứ hai như đã nói, Tối Cao Pháp Viện giải quyết ngày 25 Tháng Sáu, khi phán quyết rằng tuy câu văn không rõ nhưng trong khi thảo luận Quốc Hội không minh thị rằng sự trợ cấp này chỉ dành cho những ai mua bảo hiểm qua chợ bảo hiểm của tiểu bang thôi và qua ý của toàn bộ luật là tạo điều kiện cho mọi người mua bảo hiểm.

Cho nên tòa phán quyết ai cũng được trợ cấp cả dù mua bảo hiểm qua chợ bảo hiểm thiết lập bởi tiểu bang hay liên bang. Nếu Tối Cao Pháp Viện phán quyết ngược lại thì khoảng 6 triệu người sống tại các tiểu bang không thiết lập chợ bảo hiểm (và đã mua bảo hiểm qua các chợ bảo hiểm liên bang và đang được trợ cấp) sẽ mất trợ cấp. Kết quả, đa số trong số 6 triệu người này không đủ sức mua bảo hiểm đành chịu đóng thuế phạt. Chợ bảo hiểm ít khách buộc phải tăng tiền mua bảo hiểm và tạo ra một xáo trộn lớn cho thị trường bán bảo hiểm sức khỏe.

Phán quyết 6-3 ngày 25 Tháng Sáu vừa qua tuy không có tính sinh tử đối với bộ luật ACA như phán quyết ngày 28 Tháng Sáu, 2012, nhưng có một tác dụng tâm lý quan trọng (ngoài ảnh hưởng đến kinh tế quốc gia do xáo trộn thị trường bảo hiểm) là thêm một rào cản chống lại mọi nỗ lực dẹp bỏ luật ACA của đảng Cộng Hòa.

Trong không khí phe phái mà nặng nề nhất là Quốc Hội, các vị thẩm phán Tối Cao Pháp Viện đã làm thiên chức trọng tài của mình không để ảnh hưởng áp lực của phe phái sai khiến, và đã hai lần biểu quyết cứu đạo luật ACA, mang lại một bộ mặt nhân bản cho nước Mỹ vốn được thế giới xem là ít nhạy cảm đối với người yếu kém trong xã hội.

Chủ Tịch Tối Cao Pháp Viện John Roberts nổi bật trong cả hai phán quyết. Phiếu của ông ngày 28 Tháng Sáu, 2012, giúp đưa đến phán quyết 5-4 ban hành tính hợp hiến cho luật ACA. Phiếu của ông trong phán quyết 6-3 ngày 25 Tháng Sáu, 2015 vừa qua tuy không phải là phiếu sinh tử, nhưng ông đã lãnh nhiệm vụ viết lý giải cho phe đa số. Lý giải của ông vững vàng giúp đánh tan mọi tranh luận về vấn đề này (3).

Chủ Tịch John Roberts là một quan tòa bảo thủ do Tổng Thống George W. Bush bổ nhiệm năm 2005 và đảng Cộng Hòa đặt nhiều hy vọng vào ông để đẩy mạnh hoặc duy trì các chương trình bảo thủ của đảng. Nhưng ông đặt thiên chức trọng tài và quyền lợi quốc gia lên trên tinh thần phe phái. Qua vai trò quan trọng của ông trong hai phán quyết liên quan đến luật ACA, đảng Cộng Hòa đã không tiếc lời chỉ trích ông. Một luật sư của Viện Cato (một “think tank” chuyên suy nghĩ về vấn đề tự do cá nhân) châm biếm rằng luật ACA phải được gọi là “Robertscare.” Có thể trong nhiều thập niên nữa danh từ “Robertscare” trở thành một danh từ trân quý như những người bảo thủ đã châm biếm luật ACA là Obamacare, không ngờ rằng chỉ trong thoáng chốc danh từ Obamacare trở thành một danh từ bình dân dễ hiểu sẽ đi vào lịch sử với Tổng Thống Obama.

Những người bảo thủ sẽ chưa bỏ cuộc. Còn nhiều điều trong bộ luật ACA chưa hoàn chỉnh sẽ là đề tài tranh kiện. Nhưng xu thế thời đại đang thắng thế và những mối đe dọa sống chết của bộ luật đã qua. Một số thống đốc Cộng Hòa đã mệt mỏi không muốn tham gia tranh kiện nữa. Sau biểu quyết 6 chống 3 hôm 25 Tháng Sáu, không thấy ông Chủ Tịch Hạ Nghị Viện John Boehner đề ra chương trình cụ thể nào để hủy bỏ luật ACA. Và các ứng cử viên Cộng Hòa ghi danh tranh cử tổng thống cho năm 2016 tuy còn chống ACA để giữ phiếu của thành phần cực hữu có thể lần lần cũng tìm cách lảng tránh.

Ðảng Cộng Hòa còn một hy vọng. Cuộc bầu cử Tháng Mười Một năm 2016 sẽ giúp đảng Cộng Hòa nắm đa số tại hai viện Quốc Hội và nắm luôn tòa Bạch Cung.

Nhưng lúc đó ván đã đóng thuyền, lịch sử đã sang trang. Luật ACA đã trở thành một điều không thể thiếu của xã hội Hoa Kỳ.

28 Tháng Sáu, 2015
binhnam@sbcglobal.net
www.tran bìnhnam.com

Ghi chú:

(1) Link http://www.tranbinhnam.com/binhluan/Obamacare.htm, tài liệu số 345 Mục Bình Luận, www.tranbinhnam.com

(2) Link http://www.tranbinhnam.com/binhluan/Obamacare2.html, tài liệu số 432 Mục Bình Luận, www.tranbinhnam.com

(3) Xem “Why Roberts got it right,” by Nicolas Bayley, Los Angeles Times ngày 26 tháng 6, 2015.
dailien
Posts: 2462
Joined: Sun Jun 03, 2007 3:37 am
Contact:

Post by dailien »

Chicago: 6 người chết, 31 bị thương vì súng trong Lễ Lao Động
Monday, September 7, 2015 10:57:59 AM

CHICAGO, Illinois (NV) – Tính từ chiều Thứ Sáu, trên khắp các khu vực thành phố Chicago có sáu người chết và 31 bị thương vì súng,
Chicago Tribune trích thuật loan báo của cảnh sát địa phương.

Image
(Hình minh họa: Getty Images/Scott Olson)

Sáu trong số người chết có hai phụ nữ, một 19 tuổi và một 20 tuổi, họ bị bắn vào sáng sớm Chủ Nhật.

Cảnh sát tìm thấy một người đàn ông 38 tuổi ngồi trong một chiếc SUV, trên người đầy máu do vết thương ở đầu và vai ở Northwest Side vào sáng sớm Thứ Hai, trong xe cũng có hai thiếu niên nhưng họ đều vô sự.

Một người đàn ông 25 tuổi bị bắn ở vùng ngoại ô South Shore trước đó một giờ. Người này đang đứng trên lề đường ở đường South Shore Avenue thì bị hai người đàn ông khác bắn trúng ngực, cánh tay trái và cả hai chân. Nạn nhân đang trong tình trạng nguy kịch.

Một bé trai 15 tuổi bị thương nặng sau khi bị bắn bên ngoài công viên Fosco Park ở vùng ngoại ô University Village/Little Italy vào lúc 9 giờ 20 tối.

Một người đàn ông 23 tuổi bước vào bệnh viện Jackson Park Hospital với vết thương do trúng đạn ở chân, sau khi bị bắn tại khu ngoại ô West Englewood vào lúc 8 giờ 45 tối.

Trước đó một thanh niên 18 tuổi bị thương lúc 8 giờ 20 tại đường South Mozart Street ở vùng ngoại ô Brighton Park. Người này bị trúng đạn ở lưng và cẳng chân.

Cũng trước đó vào lúc 12 giờ 39 trưa tại đường South Wabash Avenue, một người đàn ông 22 tuổi bị bắn vào chân và được đưa đi bệnh viện, tình trạng sức khỏe ổn định. (TP)
dailien
Posts: 2462
Joined: Sun Jun 03, 2007 3:37 am
Contact:

Post by dailien »

Hạ Viện California thông qua 'quyền được chết'
Wednesday, September 9, 2015 5:41:55 PM

SACRAMENTO, Calif. (AP) - Hạ Viện tiểu bang California hôm Thứ Tư bỏ phiếu thông qua dự luật cho phép người bệnh ở giai đoạn cuối
tự quyết định kết liễu đời mình. Dự luật này sẽ phải được Thượng Viện thông qua.

Image
Bà Debbie Ziegler, thân mẫu cô Brittany Maynard, cầm chân dung con gái ngày 18 Tháng Tám khi California tái xét dự luật quyền được chết.
(Hình: AP Photo/Rich Pedroncelli)



Theo giới quan sát, Thượng Viện có khuynh hướng giống Hạ Viện về dự luật này.

Dự luật được thông qua với số phiếu 42 thuận, 33 chống, sau một cuộc tranh luận gay gắt.

Ðây là lần nỗ lực thứ nhì của giới lập pháp California trong năm nay nhằm cho phép các bác sĩ kê toa giúp bệnh nhân tự kết thúc đời mình. Trước đây, trường hợp mà cả nước để ý là cô Brittany Maynard, 29 tuổi, cư dân California bị ung thư não nhưng không thể tự kết liễu đời sống. Sau đó cô dọn sang tiểu bang Oregon để thực hiện điều này một cách hợp pháp.

Dự luật trước đây bị ngăn cản bởi phía Dân Chủ cũng như các tổ chức tôn giáo. Lần này, dự luật được sự tiếp sức của tối thiểu hơn 20 tiểu bang có cùng ý định. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chưa có dự luật nào được thông qua.

Hiện các tiểu bang Oregon, Washington, Vermont và Montana có luật cho phép bác sĩ kê toa giúp bệnh nhân qua đời.

Hiện chưa biết Thống Ðốc Jerry Brown, một người Công Giáo, có quan điểm ra sao trong vấn đề này. Trước đây, ông Brown vẫn từ chối đưa ra quan điểm riêng về dự luật quyền được chết. (Ð.B.)
quangminh
Posts: 548
Joined: Thu May 27, 2010 1:54 am
Contact:

Post by quangminh »

Máy bay đoàn quay phim Tom Cruise đóng vai chính rớt, 2 chết
Saturday, September 12, 2015 4:00:30 PM

MEDELLIN, Colombia (NV) – Một máy bay nhỏ thuộc ê kíp quay cuốn phim mà Tom Cruise đóng vai chính bị rơi ở Colombia hôm Thứ Sáu,
làm hai người thiệt mạng, một bị thương nặng.

Image
Chiếc Aerostar sau khi bị rơi ở San Pedro, Antioquia, Colombia. (Hình: Fire Department of San Pedro/EPA)


Theo NY Daily News, trong số hai người chết có một người Mỹ tên Alan Purwin và một người bản xứ tên Carlos Berl.

Phi công người Mỹ Jimmy Lee Garland bị thương nặng, được điều trị tại bệnh viện ở Medellin.

Ông Purwin là nhà sáng lập kiêm chủ tịch Helinet Technologies, một công ty ở Los Angeles, chuyên cung cấp kỹ thuật thám sát trên không cho cơ quan công lực và các cơ quan chính quyền.

Theo các giới chức, chiếc Aerostar hai động cơ gặp thời tiết xấu khi cất cánh từ thị trấn Santa Fe de Antioquia.

Tài tử Tom Cruise không có mặt trên máy bay khi tai nạn xảy ra.

Ông cùng đoàn quay phim đến Colombia để thực hiện cuốn phim “Mena,” nói về Barry Seal, một phi công Mỹ về sau trở thành tay buôn lậu ma túy, rồi quay sang cộng tác với cơ quan bài trừ ma túy DEA.

Universal Pictures, hãng thực hiện cuốn phim “Mena” ra thông cáo: “Một phi cơ chở đoàn làm phim vừa bị rơi khi quay trở về phi trường Enrique Olaya Herrera ở Medellin, khiến hai người chết. Chúng tôi xin chia sẻ nỗi đau đớn và sự cầu nguyện cùng với gia đình các nạn nhân vào giờ phút đau đớn này.” (TP)
dailien
Posts: 2462
Joined: Sun Jun 03, 2007 3:37 am
Contact:

Post by dailien »

Nước mắt rơi trong diễn văn của Đức Giáo Hoàng tại Quốc Hội Mỹ
Thursday, September 24, 2015 6:46:59 PM

WASHINGTON DC (NV) - Đức Giáo Hoàng Francis hôm Thứ Năm thách thức nước Mỹ việc đón nhận hàng triệu di dân bất hợp pháp
và tham gia chiến dịch toàn cầu chống biến đổi khí hậu và nghèo đói.

Image
Đức Giáo Hoàng Francis nói chuyện tại Quốc Hội Hoa Kỳ, sau lưng ngài là Phó Tổng Thống Joe Biden (trái) và Chủ Tịch Hạ Viện John Boehner.
(Hình: AP/Carolyn Kaster)
Theo CNN, qua bài diễn văn có lẽ làm hài lòng giới cấp tiến, ngài còn kêu gọi một nền kinh tế công bình trên toàn thế giới, hủy bỏ án tử hình, bảo vệ chủng tộc và tôn giáo của dân thiểu số, đặt ngoài vòng pháp luật việc mua bán vũ khí và bảo vệ gia đình.

Bài diễn văn cho thấy sự xuất hiện của Đức Giáo Hoàng Francis như là một lãnh đạo chính trị toàn cầu, thay vì chỉ là tiếng nói tâm linh hay đạo đức.

Lời lẽ táo bạo của ngài định mức cho những vấn đề đè nặng nhất trên đất nước Hoa Kỳ, gây ảnh hưởng đến Quốc Hội và cuộc chạy đua vào ghế tổng thống trong những tháng tới.

Thực hành như lời thuyết giảng, vị giáo hoàng của đại chúng, cầu nguyện và ăn uống với người vô gia cư, kể cả đứng gần với đám đông ngưỡng mộ ngài để họ có thể chụp “selfie.”

Đức Giáo Hoàng, người được reo hò khi bước vào sàn Quốc Hội và nhiều lần được toàn thể các vị dân cử đứng dậy vỗ tay ngợi ca trong khi ngài đọc diễn văn, đã không quở trách các nhà làm luật.

Âm vang lời lẽ của ngài như đang thuyết giảng hoặc nói chuyện tâm tình. Nhưng ngài không tránh né đưa ra những thông điệp chính trị một cách thẳng thừng.

Ngài ngầm phản bác quan điểm của một số người bảo thủ, trong đó có ứng cử viên tổng thống dẫn đầu đảng Cộng Hòa, Donald Trump, người tuyên bố rằng cần phải trục xuất hơn 10 triệu di dân bất hợp pháp.

Ngài ngụ ý rằng làm như thế sẽ xóa hết mục đích của nước Mỹ thời lập quốc như là một đất nước của những di dân đi tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Ngài nói, trong khi Phó Tổng Thống Joe Biden và Chủ Tịch Hạ Viện, cả hai đều là người Công Giáo, chăm chú nhìn: “Chúng ta, người của lục địa này, không sợ người ngoại quốc, vì hầu hết chúng ta đều từng là người ngoại quốc.”

Trước một cử tọa gồm các dân cử, chỉ huy quân đội, thẩm phán Tối Cao Pháp Viện và quan chức chính phủ, Đức Giáo Hoàng nói: “Tôi nói điều này với tư cách là con của những di dân, ý thức được rằng rất nhiều người trong số quí vị cũng là hậu duệ của di dân.”

Ngài khẳng định rõ ràng sự liên hệ giữa di dân bất hợp pháp ở Mỹ với sự đổ xô ồ ạt vào Âu Châu của dân Syria và của các nước khác để tránh nạn chiến tranh đang dày xéo ở Trung Đông.

Đề cập đến di dân từ Trung và Nam Mỹ, ngài tiếp: “Trên lục địa này cũng vậy, hàng ngàn người di chuyển lên hướng Bắc để tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn cho chính họ và cho người thân yêu của họ, để mưu tìm một cơ hội to lớn hơn.”

Theo ngài, họ cần được đối xử như người đi tìm nơi nương náu thay vì như những kẻ lợi dụng biên giới thiếu canh phòng chặt chẽ để thâm nhập vào.

Như trách móc những chính trị gia mạnh mẽ chỉ trích các đợt di dân bất hợp pháp, ngài nói: “Chúng ta chớ nên kinh sợ họ qua những con số mà hãy xem họ như con người, hãy nhìn vào mặt họ và lắng nghe câu chuyện của họ.”

Kế đó, trích dẫn Thánh Kinh, Đức Giáo Hoàng nói: “Hãy nhớ Nguyên Tắc Vàng Ngọc: 'Hãy đối xử với người khác như họ làm với chính con.”

Ngài kêu gọi các dân cử vốn thường gấu ó nhau hãy noi gương các bậc anh hùng vĩ đại của đất nước, như Martin Luther King Jr và Abraham Lincoln.

Người ta nhận thấy bài diễn văn của Đức Giáo Hoàng gây xúc động mạnh nơi các dân cử Mỹ. Chủ Tịch Hạ Viện, John Boehner, người có đôi mắt đẹp nổi tiếng, chùi nước mắt trong khi lắng nghe Giáo Hoàng thuyết giảng.

Đức Giáo Hoàng có vẻ như muốn nhắc lại những tin về bạo động chủng tộc mà giới truyền thông nói đến nhiều hồi năm ngoái và sự tranh luận về vị trí của người Hồi Giáo ở xã hội Mỹ, vừa trở thành đề tài trong thời gian gần đây.

Đề cập đến những xáo trộn làm phân rã Trung Đông, ngài cảnh cáo rằng thế giới đang ngày mỗi trở thành một nơi đặt nặng vào giáo điều và “tàn bạo,” nhân danh tôn giáo.

Hiểu rõ rằng nhiều người bảo thủ trong Quốc Hội còn bán tín bán nghi rằng nhân loại góp tay vào tình trạng hâm nóng toàn cầu, ngài kêu gọi một nỗ lực can đảm và trách nhiệm hầu đảo ngược “tình trạng tàn phá môi sinh do bàn tay con người gây nên” và thêm rằng Quốc Hội có “vai trò quan trọng cần phải đảm trách.”

Ngài cũng ca ngợi những nỗ lực trong những tháng gần đây “hầu vượt qua những dị biệt lịch sử, liên kết với những giai đoạn đau buồn của quá khứ,” khi đề cập đến sự chấp thuận lập trường hòa giải đầy tranh cãi đối với Cuba và Iran.

Đức Giáo Hoàng phê phán chủ nghĩa tư bản toàn thế giới và bác bỏ chỗ đứng của chủ nghĩa này trong việc đưa hàng triệu người ra khỏi tình trạng nghèo đói.

Ngài công nhận rằng “kinh doanh là môt nghề cao quí, trực tiếp mang lại sự giàu có và cải thiện thế giới.”

Nhưng ngài nhắc nhở rằng nên chia sẻ sự thịnh vượng đó và hướng đến việc “tạo ra công ăn việc làm.”

Đức Giáo Hoàng cũng khuyên các thành viên của một Quốc Hội, đang chia rẽ và thiếu sự ưa chuộng của quần chúng, cần phải cùng nhau tiến lên trong tinh thần huynh đệ quảng đại.

Về việc hôn nhân đồng tính đang trở nên ngày càng phổ thông và vừa được Tối Cao Pháp Viện ủng hộ rộng rãi trên toàn quốc vào đầu năm nay, ngài nói: “Tôi không thể che giấu mối quan ngại của tôi về quan hệ gia đình.”

Ngài cho rằng quan hệ căn bản đang được đặt lại vấn đề, cũng như căn bản của hôn nhân và gia đình.”

Phát biểu của Đức Giáo Hoàng được ca ngợi nhiệt liệt, đặc biệt từ phe Cộng Hòa, khi ngài nói về nhu cầu “cần bảo vệ cuộc sống của con người ở mọi giai đoạn phát triển của nó,” khi đề cập đến việc phá thai.

Tuy nhiên ngài chỉ nhận được sự vỗ tay hời hợt khi nói đến việc hủy bỏ án tử hình trên toàn thế giới.

Quốc Hội tỏ ra bất đồng quan điểm giữa hai đảng khi Đức Giáo Hoàng đề cập đến vấn đề hâm nóng toàn cầu và vấn đề di dân, vốn được phe Dân Chủ hoan nghênh trong khi phe Cộng Hòa thì không.

Sau khi đưa ra vài nhận định ngắn ngủi bằng tiếng Tây Ban Nha, Đức Giáo Hoàng Francis kết luận bằng câu nói tiếng Anh: “Thượng Đế phù hộ cho nước Mỹ!” (TP)
dailien
Posts: 2462
Joined: Sun Jun 03, 2007 3:37 am
Contact:

Post by dailien »

Mùa cúm ở Mỹ năm nay sẽ trầm trọng

•Nhớ chích ngừa Cúm

WHITE PLAINS, New York (USA Today) - Mùa cúm năm nay đã chính thức khởi sự. Theo Trung Tâm Kiểm Soát và Ngăn Ngừa Bệnh (CDC),
các trường hợp bệnh cúm trên khắp Hoa Kỳ vẫn còn thấp, tuy nhiên dịch cúm có thể bùng phát trong Tháng Mười này.

Image
(Hình minh họa: Justin Sullivan/Getty Images)


Trẻ em có thể bị ảnh hưởng trầm trọng nhất vì virus cúm: Có hơn 20,000 trẻ em phải điều trị tại bệnh viện mỗi năm vì các biến chứng từ cúm. Năm ngoái, có hơn 140 trẻ em thiệt mạng vì cúm.

Bác Sĩ Robin Altman, người đứng đầu khoa bệnh nhi ở bệnh viện Children's & Women's Physicians of Westchester, cho rằng năm nay có thể sẽ lại là một năm đối đầu gay go với cúm.

Bác Sĩ Altman khuyến cáo mọi người hãy đi chích ngừa cúm ngay lúc này vì cơ thể con người cần tới hai tuần lễ để phát triển sự đề kháng.

Thuốc chích ngừa cúm vẫn là phương cách phòng vệ hữu hiệu nhất.

Ông Richard Kanowitz ở thành phố Scarsdale, tiểu bang New York, người có cô con gái tên Amanda chết vì bệnh cúm 11 năm trước đây, tin rằng mọi trẻ em cũng như người lớn cần được chích ngừa mỗi năm.

“Ngay cả khi mắc bệnh cúm sau khi chích ngừa, điều này vẫn giúp bạn bảo vệ chính mình bằng cách điều hòa hệ thống đề kháng để không bị nặng hơn hay tệ hơn nữa là thiệt mạng,” ông Kanowitz nói.

Chích ngừa là điều quan trọng phải làm trước khi dịch cúm khởi sự, bất kể là loại virus nào hay trầm trọng tới đâu, theo lời Bác Sĩ Robert Amler, thuộc đại học y khoa New York Medical College.

Bác Sĩ Altman trấn an rằng người ta không thể mắc bệnh cúm từ thuốc chích ngừa, và dù nghĩ rằng mình đã bị cúm trước đó cũng nên đi chích.

“Ðừng nên tự chẩn bệnh cúm cho mình,” Bác Sĩ Altman nói. (V.Giang)
quaichao
Posts: 1186
Joined: Mon Jun 11, 2007 5:32 am
Contact:

Post by quaichao »

Cựu Nghị Sĩ Jim Webb, cựu chiến binh Việt Nam, ứng cử tổng thống
Wednesday, October 14, 2015 12:25:34 PM

LAS VEGAS, Nevada (NV) - Cựu Thượng Nghị Sĩ Jim Webb (Dân Chủ-Virginia) là người duy nhất còn nhắc tới kỷ niệm thời
chiến tranh Việt Nam trong cuộc tranh luận của năm ứng cử viên tổng thống đảng Dân Chủ hôm Thứ Ba, 13 Tháng Mười, ở Las Vegas.

Image
Cựu Thượng Nghị Sĩ John Webb trong cuộc tranh luận tối Thứ Ba. (Hình: Joe Raedle/Getty Images)

Khi điều hợp viên yêu cầu nêu lên một kẻ thù, bốn ứng cử viên kia đều nhắc tới những đối tượng mà người Dân Chủ vốn chống: ngành bảo hiểm, nhóm vận động cho kỹ nghệ than đá, giới tài chính Wall Street, hiệp hội dùng súng NRA.

Riêng ông Jim Webb trả lời: “Đó là những binh sĩ địch đã ném lựu đạn làm tôi bị thương” và thêm: “Nhưng họ không có ở đây để nói đến”.

Cựu Thượng Nghị Sĩ Jim Webb là thiếu úy Thủy Quân Lục Chiến trong thời gian chiến tranh Việt Nam. Ông được tưởng thưởng huy chương Navy Cross do thành tích chiến đấu anh dũng được Military Times ghi lại. Sau khi cho nổ một trái mìn định hướng (claymore) mở lối vào địa đạo bắn hạ hai lính địch và tiếp tục lục soát những đường hầm khác, địch quân còn lại ném về phía ông một trái lựu đạn. Ông Webb đã dùng thân mình che chở cho các đồng đội và bị thương nặng nhưng vẫn chiến đấu cho tới khi tiêu diệt hết kẻ thù trong các địa đạo.

Ông Jim Webb, 69 tuổi, có lẽ là cựu chiến binh Việt Nam cuối cùng còn có thể ứng cử tổng thống. Gần nửa thế kỷ sau, những quân nhân Mỹ trong cuộc chiến tranh ấy nay đều đã ở lứa tuổi trên 70 và không còn trong thời gian hoạt động nhiều nữa.

Trong kỳ bầu cử tổng thống năm 2004 và 2008, hai ứng cử viên John Kerry và John McCain, cũng là hai thượng nghị sĩ, là các cựu chiến binh nổi tiếng. (HC)
trinhham
Posts: 133
Joined: Mon Dec 10, 2012 2:07 am
Contact:

Post by trinhham »

Dân California có thể ngắm mưa sao băng vào tối Thứ Tư
Tuesday, October 20, 2015 5:26:39 PM


WASHINGTON DC (NV) – Hiện tượng mưa sao băng Orionid năm nay cao điểm sẽ vào đêm 21 Tháng Mười và rạng sáng ngày 22,
theo trang mạng AccuWeather.

Image
Mưa sao băng Leonid tỏa sáng bầu trời bên trên Vạn Lý Trường Thành hồi Tháng 11, 1998. (Hình: Getty Images/Stephen Shaver)


Nhà Thiên Văn Bob Berman thuộc đài thiên văn Slooh nói: “Hiện tượng mưa sao băng Orionid rất quen thuộc đối với giới thích ngắm sao vì mỗi sao băng là mỗi mảnh vỡ của đuôi sao chổi nổi tiếng Halley's Comet,” chúng xảy ra lập đi lập lại mãi.

Các sao băng Orinonid chẳng qua chỉ là những đốm bụi và nước đá nhỏ li ti tách rời khỏi sao chổi và bùng cháy lên khi rớt vào bầu khí quyển trái đất.

Đài thiên văn Slooh thêm rằng ở vào lúc cao điểm của mưa sao băng, mỗi giờ có khoảng 30 sao băng bay xẹt qua trên bầu trời. Chúng có thể được nhìn thấy rõ ở cả Bắc lẫn Nam bán cầu.

Ông Berman nói: “Những sao băng này bay cực nhanh, mỗi cái chỉ sáng lên trong khoảng một giây, vì thế một quan sát viên phải dán mắt thường trực lên bầu trời nếu không thì dễ bị vuột mất.”

Ông tiếp: “Sao băng nhiều nhất vào lúc nửa đêm và rạng sáng hôm sau. Quan sát viên ở xa vùng ánh sáng thành phố có thể thấy được một sao băng trong mỗi hai hoặc ba phút.”

Trăng lưỡi liềm thượng tuần sẽ lặn sau nửa đêm khiến việc quan sát trở nên rất lý tưởng.

Bầu trời quang đãng trên khắp vùng Tây Nam và Bắc Plainsin, gồm hầu hết các tiểu bang California, Nevada, Montana, North và South Dakota, khiến việc quan sát hoàn toàn lý tưởng.

Orionids được đặt tên dựa theo vị trí trên bầu trời nơi các sao băng trông như tỏa sáng.

Theo ông Berman, trong trường hợp này, chúng xẹt ngang siêu sao Betelgeuse ở chòm sao Orion ở tốc độ 40 dặm mỗi giây. Từ đó mà có tên Orionid. (TP)
tramthaiha
Posts: 453
Joined: Tue Sep 08, 2009 7:54 pm
Contact:

Post by tramthaiha »

Tổng thống Obama sẽ không thăm Việt Nam vào tháng 11
Tuesday, October 27, 2015 1:55:04 PM

WASHINGTON (NV) - Lịch công du của Tổng Thống Obama trong tháng tới được Tòa Bạch Ốc loan báo hôm Thứ Hai, 26 tháng 10, 2015 cho thấy, ông sẽ đến Thổ Nhĩ Kỳ, Philippines, Malaysia và người ta không thấy có Việt Nam.

Trước đây, giới quan sát thời sự từng tin rằng, tháng tới, khi đến Philippines để tham dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC), ông Obama sẽ ghé thăm Việt Nam.
Image
Ông Obama, tổng thống Hoa Kỳ tiếp ông Trương Tấn Sang, chủ tịch nhà nước Việt Nam tại Bạch Ốc ngày 25 tháng 7, 2013. (Hình: AFP/Getty Images)


Lúc đó, nhiều người tin rằng, việc tổng thống Hoa Kỳ và ông Tập Cận Bình, chủ tịch nhà nước Trung Quốc cùng thăm Việt Nam vào hạ tuần tháng 11 sẽ khiến chính quyền Việt Nam lúng túng khi tổ chức đón tiếp vì Việt Nam luôn tìm mọi cách để cân bằng quan hệ với Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Một mặt, Việt Nam muốn thắt chặt quan hệ với Hoa Kỳ để tìm chỗ dựa khi đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại biển Ðông nhưng mặt khác lại không muốn làm Trung Quốc bực bội, bởi kinh tế Việt Nam lệ thuộc Trung Quốc.

Nếu cả ông Obama và ông Tập Cận Bình cùng đến Việt Nam vào hạ tuần tháng 11 thì tình huống này sẽ là một bài toán hóc búa cho Việt Nam về mặt ngoại giao.

Nay, lịch công du của ông Obama cho thấy, từ 14 tháng 11 cho đến 22 tháng 11, ông Obama chỉ đến Thổ Nhĩ Kỳ để tham dự hội nghị thượng đỉnh G20. Sau đó đến Philippines tham dự APEC rồi ghé Malaysia tham dự hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-ASEAN và hội nghị thượng đỉnh Ðông Á.

Cũng vì vậy, chưa rõ từ nay đến khi mãn nhiệm kỳ vào cuối năm tới, ông Obama có đến thăm Việt Nam hay không.

Tuy không có thông tin nào chính thức về việc ông Obama sẽ đến thăm Việt Nam nhưng BBC vừa cho biết, trong một cuộc trò chuyện với đài này, ông Murray Hiebert, chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Hoa Kỳ, tiết lộ rằng, Hoa Kỳ đã thông báo cho Việt Nam về dự định thăm Việt Nam của ông Obama vào năm tới.

Ông Hiebert giải thích, sở dĩ ông Obama không đến Việt Nam vào tháng tới vì Hoa Kỳ muốn thời gian thăm Việt Nam của ông Obama sẽ dài hơn. Một chuyến đi quá ngắn sẽ không có nhiều tác động tích cực cho quan hệ hai bên.

Hồi đầu năm nay, ở vị trí một chuyên gia của CSIC, ông Hiebert từng kêu gọi ông Obama nên đến Việt Nam vì một chuyến thăm Việt Nam sau khi đạt được thỏa thuận về TPP (Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương) sẽ giúp củng cố thông điệp rằng dự định biến thương mại và đầu tư thành nền tảng cho các cam kết của Hoa Kỳ ở Ðông Nam Á là nghiêm túc. (G.Ð)
bobinh
Posts: 221
Joined: Fri Feb 26, 2010 1:35 am
Contact:

Post by bobinh »

San Diego: Gần 12,000 cô gái hành nghề mại dâm mỗi năm

Kỹ nghệ trị giá hơn $810 triệu

SAN DIEGO, California (NV) - Có khoảng 11,700 cô gái mại dâm, phần lớn ở tuổi vị thành niên, trở thành nạn nhân của kỹ nghệ mại dâm ở quận
San Diego County mỗi năm, trị giá khoảng $810 triệu, theo kết quả một cuộc nghiên cứu của đại học University of San Diego công bố hôm Thứ Hai.

Image
Ðường El Cajon Blvd. và một khu vực ở thành phố National City là trung tâm “tuyển mộ” gái mại dâm. (Hình minh họa: Getty Images)



Bản tin của tờ báo SD Union Tribune cho hay chương trình nghiên cứu này được sự tài trợ của tổ chức National Institute of Justice, kéo dài trong ba năm và đặc biệt xem xét về vai trò của băng đảng hè phố trong lãnh vực tội phạm này.

Các nhà nghiên cứu thuộc USD và Point Loma Nazarene Univeristy hy vọng những gì đưa ra trong bản kết luận sẽ tạo được sự chú ý trước tình trạng trầm trọng của tệ nạn mại dâm này.

“Ðây là một vấn đề rất khó nói tới-đó là chúng ta thực sự có tình trạng buôn người diễn ra trong cộng đồng mình,” theo lời Ủy Viên Quận San Diego County, bà Dianne Jacob.

Cuộc nghiên cứu bao gồm việc phân tích các dữ kiện thu thập từ hàng trăm thành viên băng đảng hiện còn hoạt động cũng như đã ra khỏi các nhóm này, các giới chức trường học, các cơ quan công lực và các nhân viên trợ giúp nạn nhân buôn người. Nói chung, có khoảng 1,205 cá nhân cung cấp dữ kiện, khiến đây là cuộc nghiên cứu sâu rộng nhất trên nước Mỹ.

Dù rằng kỹ nghệ hoạt động ngầm nhưng phát triển mạnh mẽ này được thấy nhiều nhất ở 10 khu vực trong quận San Diego, các thiếu nữ từ đủ mọi gia đình: nghèo, trung lưu và giàu có đều bị dụ dỗ đưa vào con đường này trên khắp quận.

Trong số những nơi mà họ bị lôi kéo gồm cả các trang mạng xã hội, bạn trai, trên xe buýt, ở trạm chờ xe, thương xá và trong các công viên gần trường học và nhà thờ. Các nhà nghiên cứu đặc biệt nêu tên đường El Cajon Blvd và một khu vực ở thành phố National City là trung tâm “tuyển mộ.”

Cuộc nghiên cứu xác định nhiều trường hợp dễ dàng rơi vào đường mại dâm như bị bỏ lơ hay bạo hành ở nhà, trốn nhà ra đi, vô gia cư, cũng như những người bị bệnh tâm thần.

Có tới 80% các nạn nhân là những người sinh ra và lớn lên ở Mỹ, chỉ có 12% sinh ra ở Mexico và phần còn lại là từ các quốc gia khác.

Giáo Sư Jamie Gates thuộc Ðại Học Point Loma Nazarene và cũng tham dự vào cuộc nghiên cứu, cho hay họ thấy rằng thành phần ma cô dắt mối đến từ các băng đảng da đen, da trắng và Hispanics (nói tiếng Tây Ban Nha) chứ không nhất thiết là thiên về một chủng tộc nào.

Ðặc biệt, cuộc nghiên cứu thấy có tới 63% trường hợp buôn người là các phụ nữ (với da trắng chiếm 52%) đến đề nghị che chở các cô gái này để đổi lấy việc đưa chia tiền kiếm được.

Trong khi đó thành phần đánh đập để cưỡng bách hành nghề chỉ khoảng 3% và phần còn lại là các tay dắt mối chuyên nghiệp, điều hành chừng 10 cô gái một lúc.

Bản báo cáo cho biết mại dâm là kỹ nghệ tội phạm lớn thứ nhì ở San Diego sau ma túy và có hơn 100 băng đảng ở quận này dính líu vào lãnh vực mại dâm. (V.Giang)
hoanghoa
Posts: 2264
Joined: Wed Jun 06, 2007 11:50 pm
Contact:

Post by hoanghoa »

Chống di dân lậu, Donald Trump làm lợi cho Hillary Clinton
Tuesday, November 3, 2015 6:25:58 PM

WASHINGTON DC (NV) – Người Mỹ gốc Latino hy vọng tổ chức được những cuộc tập hợp tương tự vụ hồi tuần trước,
qui tụ với 2,200 người ngoài địa điểm tranh luận của đảng Cộng Hòa ở Boulder, Colorado.

Image
Ban nhạc Mexico đi ngang từng nhà kêu gọi cử tri Latino đi bầu hồi năm 2012. (Hình: Getty Images/Joe Klamar)

USA Today trích dẫn lời ông Federico Pena, nhà tổ chức mít tinh, kêu gọi các nhà vận động trên toàn nước Mỹ huy động lực lượng người Latino, vốn có lợi hai mặt, vừa phản kháng vừa đẩy mạnh việc cử tri Latino đi bầu.

Động lực chính đứng sau những nỗ lực này xuất phát từ những tuyên bố của các ứng cử viên Cộng Hòa hàng đầu, đặc biệt là nhà đầu tư địa ốc Donald Trump, người gọi di dân lậu là bọn hiếp dâm và muốn xây một bức tường dọc biên giới để ngăn chặn.

Ông Pena, cựu thứ trưởng năng lượng thời Tổng Thống Bill Clinton và cũng là thị trưởng thành phố Denver, kêu gọi: “Các cử tri hãy chớ có phẫn nộ, đó chẳng qua là lời triệu tập chúng ta.”

Ông tiếp: “Hậu quả ai là người được hưởng lợi? Người thừa hưởng tự nhiên chính là bà Hillary Clinton.”

Thiếu vắng Tổng Thống Barack Obama trong cuộc bầu cử năm 2016, bà Clinton hẳn phải quay qua lấy lòng người Latino, bù lại cho sự mất phiếu từ cử tri người da đen, trong trường hợp bà được đề cử đại diện cho đảng Dân Chủ.

Sức mạnh của bà Clinton chính là cử tri Latino, người ủng hộ bà trong vòng bầu cử sơ bộ chống lại ông Obama hồi năm 2008.

Tuy nhiên không chắc bà Clinton có thể được sự bỏ phiếu ồ ạt của người Latino.

Theo kinh nghiệm, Latino là nhóm cử tri có số đi bầu thấp nhất, sau cả người da đen và da trắng.

Theo tổ chức thăm dò Pew Research Center, năm 2012, họ đi bầu 48%, so với 64% của người da trắng và gần 67% của người Mỹ gốc Phi Châu. (TP)
thienthanh
Posts: 3386
Joined: Thu Jun 07, 2007 4:14 pm
Contact:

Post by thienthanh »

Sau vụ Paris, 24 thống đốc Hoa Kỳ từ chối dân tị nạn
Monday, November 16, 2015 12:57:48 PM

WASHINGTON DC (NV) – Ít nhất thống đốc 24 tiểu bang tuyên bố sẽ không nhận người tị nạn Syria sau khi xảy ra
vụ tấn công khủng bố ở Paris hồi cuối tuần, theo tin của USA Today.

Image
Thống Đốc tiểu bang Michigan, ông Rick Snyder. (Hình: Getty Images/Justin Sullivan)
Thống đốc Cộng Hòa các tiểu bang Alabama, Arizona, Arkansas, Illinois, Indiana, Louisiana, Michigan, Mississippi, Massachusetts, và Texas, là những người đầu tiên đưa ra quyết định này, nói rằng, quan tâm hằng đầu của họ phải là an ninh của cư dân.

Theo sau những tiểu bang đi tiên phong, Thống đốc các tiểu bang Florida, Georgia, Idaho, Iowa, Kansas, Maine, Nebraska, New Hampshire, North Carolina, Ohio, Oklahoma, Tennessee và Wisconsin, cũng cho biết sẽ không nhận người tị nạn Syria vào đất lãnh thổ của tiểu bang.

Họ thêm rằng có nhiều khả năng người có liên hệ với khủng bố xen lẫn vào trong số người tị nạn.

Mặc dù gặp những phản ứng như vậy, Tổng Thống Barack Obama vẫn tiếp tục với kế hoạch nhận người tị nạn từ Syria.

Đáp lại lời kêu gọi chỉ nhận người theo Thiên Chúa Giáo thay vì đạo Hồi, tổng thống phát biểu từ hội nghị thượng đĩnh G20 ở Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ: “Đó là điều ô nhục. Còn gì là Mỹ nữa, chúng ta không phải như vậy.”

Nhưng ông Greg Abbott, thống đốc Texas, lên tiếng phản bác: “Cả tổng thống lẫn bất kỳ viên chức liên bang nào không có thể bảo đảm rằng dân tị nạn Syria sẽ không dự phần vào hoạt động khủng bố.”

Ông Abbott tiếp: “Do vậy, mở cửa cho họ vào là đặt một cách vô trách nhiệm người dân Hoa Kỳ của chúng ta vào tình trạng nguy hiểm.”

Ông Jen Smyers, người thuộc một tổ chức tranh đấu cho người tị nạn ở Church World Service, cho rằng, các thống đốc đang tự đặt mình trước rắc rối pháp lý.

Ông nói: “Quí vị không thể hạn chế người của một nước nào đó vào tiểu bang của quí vị.”

Michigan từng là tiểu bang tích cực nhất trong việc nhận người tị nạn nhưng Thống Đốc Rick Snyder hôm Thứ Hai cũng tuyên bố hoãn lại chương trình tái định cư đó.

Quyết định ngược lại của ông Snyder lập tức thu hút những phản ứng trái ngược trên khắp nước hôm Chủ Nhật, đặc biệt là ở Detroit, nơi dân số người Trung Đông tập trung đông nhất.

Các lãnh đạo người Mỹ gốc Ả Rập và các nhà vận động cho người tị nạn nói, họ hiểu mối quan tâm về an ninh của thống đốc, nhưng cãi lại rằng Bộ Nội An đã kiểm soát kỹ về lý lịch trước khi cho phép người tị nạn vào Hoa Kỳ.

Thêm nhiều di dân Syria dự trù sẽ đến Michigan trong những tháng tới nhưng quyết định của Thống Đốc Snyder có thể làm ngưng việc đó lại.

Giữa khi danh sách của các tiểu bang không muốn đón nhận người tị nạn Syria tăng lên, thì thống đốc tiểu bang cho biết Delaware vẫn có kế hoạch đón nhận họ.

"Thật là bất hạnh, khi bất cứ ai sử dụng sự kiện bi thảm ở Paris, để gửi đi thông điệp rằng chúng ta không cảm thương hoàn cảnh của người tị nạn, bất chấp sự thật là những người này đang trốn chạy kẻ khủng bố," Thống đốc Jack Markell cho biết trong một tuyên bố.

Ngoài Delaware, thống đốc các tiểu bang Colorado, Connecticut, Hawaii, Pennsylvania, Vermont và Washington cho biêt họ sẽ đón nhận người tị nạn. Chưa thấy thống đốc tiểu bang California lên tiếng về việc này. (TP)
bobinh
Posts: 221
Joined: Fri Feb 26, 2010 1:35 am
Contact:

Post by bobinh »

Quốc Hội Mỹ dự thảo luật đòi thanh lọc kỹ người tị nạn
Wednesday, November 18, 2015 6:26:09 PM


WASHINGTON, DC (NV) - Một dân biểu Mỹ vừa đưa ra một dự luật theo đó đòi hỏi chính phủ phải có kế hoạch thanh lọc kỹ càng trước khi nhận
người tị nạn vào Mỹ, trong lúc thành phần lãnh đạo đảng Cộng Hòa tại Hạ Viện tìm cách ngăn chặn không cho nhận người di dân Syria.

Image
Dân Biểu Michael McCaul vừa giới thiệu một dự luật đòi thanh lọc người tị nạn kỹ hơn. (Hình: Andrew Burton/Getty Images)


Bản tin của hãng thông tấn Reuters cho hay Dân Biểu Michael McCaul (Cộng Hòa-Texas), chủ tịch Ủy Ban Nội An Hạ Viện, nói rằng dự luật của ông nhằm mục đích tăng cường các biện pháp an ninh đối với mọi thành phần tị nạn.

Ðạo luật này sẽ đòi hỏi rằng không một người tị nạn gốc Iraq hay Syria được nhận vào Mỹ trừ phi Quốc Hội có được sự chứng nhận rõ ràng rằng họ không là mối đe dọa cho an ninh quốc gia.

Ông McCaul nói đạo luật này đòi các giới chức trách nhiệm an ninh hàng đầu - như bộ trưởng Bộ Nội An, giám đốc FBI và giám đốc Tình Báo Liên Bang - đều sẽ phải chứng nhận điều này, ông McCaul cho hay, theo bản tin Reuters.

Các nhà lãnh đạo đảng Cộng Hòa tại Hạ Viện, lo ngại việc ISIS mở cuộc tấn công ở Paris hôm Thứ Sáu tuần trước khiến 129 người thiệt mạng, hôm Thứ Ba đe dọa sẽ ngăn chặn kế hoạch của chính phủ Obama nhằm nhận vào Mỹ 10,000 người tị nạn Syria. (V.Giang)
tankhoasinh
Posts: 838
Joined: Sat Jun 23, 2007 4:20 am
Contact:

Post by tankhoasinh »

Bão tuyết gây tai nạn chết người suốt vùng Trung Bộ Mỹ
Sunday, November 29, 2015 3:08:45 PM

DALLAS, Texas (AP) - Một trận bão tuyết mùa Đông khiến hơn một chục người thiệt mạng đang di chuyển chậm ra khỏi tiểu bang Texas
hôm Thứ Bảy, tuy nhiên vẫn khiến đường giao thông tại một số tiểu bang bị phủ băng đá tạo nhiều nguy hiểm cho người lái xe.

Image
Một người đàn vất vả đối phó với tuyết trên đường phố Chicago. (Hình: Spencer Platt/Getty Images)
Trận bão vốn đã đi qua một số nơi ở khu vực bình nguyên và vùng Trung Tây nước Mỹ từ hôm Thứ Năm tuần qua đã khiến ít nhất 14 người thiệt mạng, kể cả tám người ở Texas và sáu người ở Kansas. Một phụ nữ 70 tuổi đi trên chiếc xe bị nước lụt cuốn trôi hôm Thứ Sáu ở thành phố Fort Worth, tiểu bang Texas, tới hôm Thứ Bảy vẫn chưa tìm được tung tích.

Dù rằng tình trạng đường sá đóng băng tại Oklahoma và Kansas kéo dài cho đến hết ngày Thứ Bảy, nhiệt độ sang ngày Chủ Nhật đã có phần nào khả quan hơn, trên mức đóng băng tại Texas và Oklahoma, theo Sở Khí Tượng Quốc Gia (NWS).

Sau khi gặp tình trạng đông đá khắp nơi vào tối ngày Thứ Bảy, người dân trong khu vực này có được ngày Chủ Nhật ấm áp hơn và thời tiết ngày Thứ Hai rất đẹp, theo phát ngôn viên Bộ Giao Thông Texas, ông Paul Braun, cho hay tại thành phố Amarillo.

Hôm Thứ Bảy, giới hữu trách ở tiểu bang Kansas cho biết đường sá trơn trợt do đóng băng đã làm bốn người chết vì tai nạn giao thông hôm Thứ Sáu gần thành phố Witchita, sau khi có hai người khác chết hôm Thứ Năm.

Tại vùng Trung Bộ và Tây Nam tiểu bang Oklahoma, các nhánh cây trĩu nặng vì băng tuyết đã gẫy và rớt xuống làm đổ các đường dây dẫn điện, khiến 60,000 căn nhà bị mất điện.

Tại vùng Đông Bắc Texas và Trung Bộ Arkansas, có mưa trút xuống tới 4 inches nước, tạo thêm đe dọa lụt lội.

Có bảy người được cứu từ các chiếc xe kẹt trong khu lụt lội ở gần thành phố Afton ở phía Đông Bắc tiểu bang Oklahoma.

Tiên đoán thời tiết cho hay mưa sẽ tiếp tục diễn ra hôm Chủ Nhật từ Texas lên tới các tiểu bang ở vùng Trung Đại Tây Dương. Tuyết đóng băng sẽ thấy ở vùng Nam Nebraska và Trung Bộ Kasas. Từ Colorado sang khu vực hai tiểu bang North và South Dakota sẽ có tuyết. (V.Giang)
dailien
Posts: 2462
Joined: Sun Jun 03, 2007 3:37 am
Contact:

Post by dailien »

Thảm sát ở San Bernardino:
Bắn hạ nghi can thứ 2 (cập nhật)

Wednesday, December 2, 2015 12:16:36 PM

SAN BERNARDINO, California (NV) - Có ít nhất 14 người chết và 14 người bị thương trong một vụ nổ súng ở San Bernardino sáng Thứ Tư, theo đài truyền hình ABC7. Trong khi đó, Sở Cứu Hỏa San Bernardino ban đầu twitt ra rằng họ đang trên đường tới một khu vực có “20 người bị bắn.”

San Bernardino nằm ở phía Đông của Los Angeles và cách Little Saigon của Quận Cam khoảng một giờ lái xe.

Image
Cảnh sát cấp cứu người bị thương trong vụ nổ súng. (Hình: AP/Photo)


Cập nhật:

4:30 PM:

Cảnh sát cho biết thi thể của nghi can thứ hai được kéo ra từ chiếc xe SUV bị bắn đầy vết đạn. Cảnh sát chưa xác định các nghi can này có liên quan đến vụ nổ súng tại Inland Regional Center hay không nhưng cho biết các tay súng có thể bỏ trốn trên chiếc xe SUV màu tối.

Trong lúc truy bắt và nổ súng bắt nghi can, một cảnh sát đã bị thương nhưng không đe dọa đến tính mạng.

Theo một giới chức pháp luật liên bang, nhân viên chất nổ ATF đang điều tra bom ống được lấy từ nghi phạm.

3:52 PM:

Tin cho biết, hiện tại số người bị thương lên đến 17 người. Số người chết vẫn là 14 người.

3:34 PM:

Khoảng 3 giờ 15 phút chiều, cảnh sát đuổi theo chiếc xe SUV màu đen và chiếc xe này đã bị đụng cách Inland Regional Center vài dặm. Cảnh sát nổ súng và một trong các nghi can bị cho là đã trúng đạn. Các nghi can khác vẫn đang lẫn trốn, theo tin của ABC News.
Image
Hai xe của cảnh sát chặn xe của nghi can. (Hình: Chụp qua TV)


3:10 PM:

Tổng Thống Barrack Obama và Thống Đốc Jerry Brown của California cũng đã được thông báo tình hình vụ nổ súng này.

Tổng Thống Barrack Obama lên tiếng về vụ nổ súng ở San Bernardino với đài CBS News: "Chúng ta đang đối mặt với tình hình nổ súng xảy ra diễn ra ngày càng thường xuyên và trở thành chuyện bình thường hằng ngày. Nhưng chúng ta không bao giờ nên nghỉ rằng đó là chuyện bình thường".


3:00 PM:

Bà Maybeth Field, giám đốc Inland Regional Center, cho đài ABC News biết vụ nổ súng nhắm vào tòa nhà chính của trung tâm, bao gồm thư viện và trung tâm hội nghị. Vụ xả súng xảy ra tại khu vực hội trường chính của trung tâm, nơi Sở Y Tế San Bernardino đang có bữa tiệc tại đây.

Ông Brandon Hunt, nhân viên làm việc ở Inland Regional Center, cho biết hội trường chính này thường hay được thuê để tổ chức các buổi hội thảo và hội họp lớn. Có khoảng 550 nhân viên đang làm việc tại trung tâm này.


Diễn tiến vụ nổ súng

Sự việc xảy ra vào khoảng 11 giờ sáng tại Inland Regional Center, 1365 South Waterman, theo Trung Úy Rich Lawhead thuộc Sở Cảnh Sát San Bernardino.

Inland Regional Center là một tổ chức bất vụ lợi, cung cấp dịch vụ cho người tàn tật và những người khác có nhu cầu giúp đỡ.

Một nguồn tin nói với đài truyền hình Eyewitness News rằng có ba tay súng cầm súng trường bước vào tòa nhà và nổ súng.
Image
Cấp cứu nạn nhân ngay tại hiện trường. (Hình: AP/Photo)


Cảnh sát Riverside nói họ đang giúp những người khác rời khỏi tòa nhà, đồng thời đang truy lùng các hung thủ trên một chiếc xe SUV màu đen, có thể là GMC Yukon.

Cảnh sát cũng xác nhận qua twitter gởi ra khoảng 11 giờ 30 phút sáng rằng có một tay súng vẫn còn trong khu vực ở góc đường Orange Show và đường Waterman, gần Park Center Circle.

Nhiều báo cáo cho thấy, ít nhất có 20 nạn nhân, cảnh sát viên Lawhead nói với KTLA lúc đầu.
Image
Xe của SWAT Team. (Hình: AP/Photo)

Trong một cuộc phỏng vấn khác, ông xác nhận có nhiều người bị bắn.

Ông nói thêm rằng hiện chưa biết những người này bị thương hoặc chết ra sao.

Sở Cảnh Sát San Bernardino County cảnh báo mọi người nên tránh đến khu vực này vì có nhiều cảnh sát đang bao vây.

Đội cảnh sát đặc biệt SWAT Team cũng đang có mặt tại hiện trường.
Image
Cảnh sát tiếp tục lục soát truy tìm hung thủ. (Hình: AP/Photo)


Hiện nay, nhiều cơ quan công lực đang có mặt tại hiện trường. FBI và ATF, cơ quan kiểm soát vũ khí, đang trên đường tới.

Alhambra Regional Center ở Los Angeles tạm thời bị đóng cửa đề phòng trường hợp tương tự.

Học khu San Bernardino County cũng ra thông báo đóng cửa hơn 70 trường học nhằm đề phòng, bảo vệ an toàn cho các học sinh.

Cảnh sát hiện vẫn chưa biết động cơ vụ nổ súng là gì và chưa rõ có liên quan đến khủng bố hay không.
Post Reply

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 0 guests