Bình Luận , Quan Điểm

khieulong
Posts: 3552
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

Những bàn chân nổi giận

Tương Lai

Tháng trước, Tòa Án tỉnh Long An Việt Nam đã kết án nặng nề hai sinh viên yêu nước ở độ tuổi 20. Trong những tội danh bị áp đặt có tội "nói xấu Trung Quốc". Những cáo buộc này đã chạm vào điểm nhạy cảm bậc nhất trong tâm thế người Việt Nam là lòng yêu nước và tinh thần dân tộc. Người ta phẫn nộ, vì như thế là ai đó đã hợp đồng với Trung Quốc xâm lược để quay lại đàn áp người yêu nước. Bi kịch lớn nhất của một số người lãnh đạo Việt Nam là sự ám ảnh về cái gọi là "cùng chung một ý thức hệ xã hội chủ nghĩa" nên đã không quyết liệt đáp trả những thủ đoạn bành trướng nham hiểm và những hành động xâm lược ngang ngược của Trung Quốc. Nhưng lại quyết liệt đàn áp những người yêu nước, bóp nghẹt dân chủ, bưng bít thông tin và khủng bố tư tưởng công dân mình. Đầu tuần này, công an Hà Nội đã trấn áp một cuộc biểu tình chống Trung Quốc và bắt nhiều người, hành hung, đánh đập họ, trong đó có cả phụ nữ

Dân tộc Việt Nam có quyền tự hào về truyền thống bất khuất, quật cường của mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước trong vị thế oái oăm nằm sát cạnh một láng giềng khổng lồ chưa bao giờ từ bỏ giấc mộng bành trướng nhằm nuốt chửng Việt Nam. Đất nước này đã từng chìm đắm cả nghìn năm Bắc thuộc. Trong cái đêm dài đau đớn ấy, kẻ thù luôn tìm cách đồng hóa dân tộc Việt. Và chúng đã thất bại.

Việt Nam đã từng đánh bại đế quốc Nguyên Mông vào thế kỷ XIII và những kẻ xâm lược khác trong thế kỷ XV, XVIII và XX. Bản lĩnh dân tộc Việt đã được hun đúc qua những cuộc chiến tranh khốc liệt chống ngoại xâm. Nhưng hôm nay, bất chấp luật pháp quốc tế và chà đạp lên nguyên tắc và đạo lý, Trung Quốc đã ngang nhiên thực hiện mộng bành trướng trên Biển Đông, cái "lưỡi bò" ham hố và bẩn thỉu đang thè ra chực nuốt cả vùng biển rộng lớn, nơi có trữ lượng dầu mỏ đủ đáp ứng cơn khát nguyên liệu của một nền kinh tế đang cố ngoi lên vị thế siêu cường. Nơi đây cũng là con đường huyết mạch trên biển để Trung Quốc thực hiện tham vọng của họ. Vì thế, những “bàn chân nổi giận” đã rầm rập xuống đường biểu tình chống Trung Quốc xâm lược.

Cùng với những cuộc biểu tình ấy, những khiếu kiện tập thể của nông dân cũng dồn dập bùng lên. Sự nối kết giữa tầng lớp trí thức với giới trẻ ở đô thị và nông dân – những người bị đẩy vào cuộc sống đói nghèo vì mất đất sản xuất khi người ta nhân danh "sở hữu toàn dân" để tước đoạt quyền sở hữu mảnh đất cha ông họ để lại mà không được đền bù thỏa đáng. Cùng với điều đó, mạng lưới thông tin qua Internet đã trỗi lên như nấm sau cơn mưa biểu thị tinh thần yêu nước bất chấp mọi đàn áp đang mở ra một cục diện mới.

Sự nổi giận của người Việt Nam lại càng tăng lên khi một số những người lãnh đạo lùi bước trước những hành động tội ác của Trung Quốc xâm lược Việt Nam nhưng lại quyết liệt đàn áp người yêu nước đấu tranh đòi dân chủ và tự do. "Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa " là một khái niệm rất mơ hồ, nhưng những người lãnh đạo lại dùng nó để duy trì một hệ thống chính trị đã quá lỗi thời.

Nếu không có những đổi mới ở thập niên 80, nền kinh tế tập trung có lẽ đã đưa Việt Nam đi đến bờ vực sụp đổ. Tuy nhiên, những cải cách kinh tế đó đã bị đình trệ vì không có cải cách chính trị song hành. Tuy nói rất nhiều về một nhà nước "của dân do dân và vì dân" nhưng người ta chưa bao giờ muốn xây dựng một nhà nước pháp quyền và một xã hội dân sự đúng với ý nghĩa đích thực của nó

Với cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước thắng lợi, Việt Nam đã nhận được sự đồng cảm, lòng tôn trọng và ngưỡng mộ của nhiều người yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Đáng tiếc là từ đỉnh cao của chiến thắng, người ta lại duy trì một hệ thống chính trị lạc hậu và một hệ tư tưởng giáo điều nên nền kinh tế Việt Nam đã không thể phát triển mạnh mẽ như nó cần làm và có đủ điều kiện để làm. Để rồi họ trở thành mục tiêu phê phán của cộng đồng quốc tế về đàn áp dân chủ và vi phạm nhân quyền

Chính vì một số nhà lãnh đạo Việt Nam bị "cái mũ kim cô" của chủ nghĩa bành trướng Đại Hán siết chặt nên đã đẩy đất nước ra khỏi quỹ đạo dân chủ để gánh chịu lạc hậu và lạc điệu so với thế giới văn minh, một thế giới mà Việt Nam đang rất cần hòa nhập để đất nước có điều kiện phát triển.

Ấy thế mà từ lâu, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã từ bỏ chủ nghĩa xã hội để thay thế bằng một "Chủ nghĩa tư bản mang màu sắc Trung Quốc" man rợ nhằm nuôi dưỡng mộng bành trướng của cha ông họ mà họ chưa bao giờ từ bỏ. Cho nên, cái gọi là "cùng chung ‎ ‎thức hệ" mà ai đó đưa ra chỉ là cái bình phong che đậy cho tham vọng quyền lực, nhằm giữ bằng được cái ghế mà họ đang ngồi. Những ngôn từ đạo đức giả được đưa ra, rồi mười sáu chữ bịp bợm về "láng giềng hữu nghị" được tung hứng chỉ là trò khôi hài.

Nhằm bảo vệ cái ghế quyền lực của một số người đang giành được những vị thế quan trọng, để củng cố và mở rộng những lợi ích béo bở của mình, người ta đang quay lưng lại với nhân dân. Một số trí thức và nhân sĩ, trong đó có người viết bài này, đã đưa ra hàng loạt kiến ​​nghị về thực thi dân chủ và nhân quyền trong Hiến pháp nhằm hướng tới việc tạo ra một hệ thống chính trị thực sự dân chủ. Tuy nhiên, đề xuất của chúng tôi đã gặp phải những lời lăng mạ và vu khống trên các tờ báo chính thống được chỉ đạo sát sao.

Người ta đã không thấy được rằng, một khi phong trào yêu nước chống ngoại xâm gắn kết được với cuộc đấu tranh dân chủ và thực hiện quyền con người đã được ghi vào trong Hiến pháp, sẽ đẩy tới những bước hợp trội trong sự phát triển, tạo ra những đột phá không lường trước được, hình thành một cục diện mới, đưa đất nước đi lên.

Cho nên, càng sử dụng bạo lực và đàn áp, càng cho thấy sự phi dân chủ, vô nhân tính của những người sử dụng nó.

Người lãnh đạo nắm bắt được cục diện mới, nhanh nhạy đáp ứng được lợi ích dân tộc, đặt lợi ích của Tổ quốc lên trên hết và trước hết, sẽ nhận được hậu thuẫn mạnh mẽ của dân và sự đồng tình của bạn bè quốc tế.

Ngược lại, nếu tiếp tục quay lưng lại với dân, nấp dưới chiêu bài ý thức hệ đã lỗi thời, bám chặt mô hình toàn trị phản dân chủ, chỉ cốt giữ cho được cái ghế quyền lực đã rệu rã và đưa đất nước vào ngõ cụt không lối thoát, thì sự cáo chung là điều không thể tránh khỏi.
mudo
Posts: 21
Joined: Sat May 29, 2010 7:40 am
Contact:

Post by mudo »

Khi Đồng Chí X Gởi Gấm Lòng Tin Vào Kẻ Lạ Ở Đâu Đó!

Tác giả : Âu Dương Thệ
Khi được hỏi “Tại sao các chiến hạm Trung Quốc lại tuần tra ở biển Đông Trung Hoa và Nam Trung Hoa [tức biển Đông]?”, người cầm đầu phái đoàn Trung quốc, Phó Tổng tham mưu Quân đội Trung quốc, Trung tướng Thích Kiến Quốc –từng tham chiến trong chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979 - đã trả lời rõ ràng trước khoảng 400 chính khách, nhiều bộ trưởng quốc phòng, ngoại giao, sĩ quan cao cấp và chuyên viên chiến lược hàng đầu của nhiều nước và nhiều kí giả của các hãng thông tấn quốc tế có mặt trong “Đối thoại Shangri-La 2013” (từ 31.5 tới 2.6 ở Singapore):

"Lập trường của chúng tôi đối với các biển Đông Trung Hoa và Nam Trung Hoa là chúng thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Đó là lập trường rất rõ ràng."

“Do đó các tàu chiến Trung Quốc và các hoạt động tuần tra của chúng tôi là hoàn toàn hợp pháp và không có gì phải tranh cãi.” (1)

Đây chính là ngôn ngữ ngoại giao, nhưng là ngôn ngữ ngoại giao của kẻ mạnh bất chấp dư luận thế giới và công pháp quốc tế về biển. Trước diễn đàn quốc tế quan trọng này đại diện của Bắc kinh đã tận dụng khai thác dư luận thế giới, ngang ngược coi biển Đông như cái ao của Trung quốc và coi việc chiếm đóng quần đảo Hoàng sa của VN bằng võ lực là chuyện đã xong.

Trong khi đó Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng của chế độ độc tài toàn trị ở VN đã nói gì và trong phần giải đáp các câu hỏi đã trả lời như thế nào?

Nhiều tuần trước ông Dũng đã thông báo rất trịnh trọng cho dư luận VN và quốc tế biết, tại “Đối thoại Shangri-La 2013” ở Singapore vào 31.5 ông sẽ có bài phát biểu quan trọng về vấn đề tranh chấp biển Đông. Ông hi vọng qua đó sẽ đánh bóng được bộ mặt và vị thế của mình không được tốt trong cuộc “lấy phiếu tín nhiệm” tại kì họp hiện nay của Quốc hội. Vì thời gian qua ông đã bị chính các đồng liêu trong Bộ chính trị chế diễu đặt tên là “Đồng chí X”!

Trong diễn văn mở đầu cuộc Đối thoại này ông Dũng đã nêu tiền đề chính là phải giữ “lòng tin cậy lẫn nhau” giữa các nước trong khu vực với Trung quốc. Nhưng chính ông cũng nhìn nhận rằng: “Đâu đó đã có những biểu hiện đề cao sức mạnh đơn phương, những đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt và chính trị cường quyền.” (2) Rõ ràng ở đây ông đã ám chỉ tới nhà cầm quyền Bắc kinh đã có những hoạt động quân sự trong thời gian qua để nhằm thực hiện sách lược xâm lấn các hải đảo của VN và một số nước Đông Á và Đông nam Á, nhưng ông đã không dám nêu đích danh và để hiểu như là “kẻ lạ”! (3)

Nhưng tại sao trước một cử tọa đông, kiến thức cao đại diện của nhiều nước và tổ chức quốc tế Nguyễn Tấn Dũng đã không dùng ngôn ngữ ngoại giao bình thường nhưng rõ ràng để chỉ đúng người đúng việc, mà lại chỉ nói là “đâu đó” chứ không dám nói thẳng đó nhà cầm quyền Bắc kinh? Ông cũng không dám dẫn chứng cụ thể một số đòi hỏi phi lí và hành động trái với luật pháp quốc tế của Bắc kinh đối với VN trên biển Đông? Điều này hoàn toàn trái ngược với thái độ xác nhận công khai trắng trợn của Trưởng phái đoàn Trung quốc, tướng Thích Kiến Quốc, như trình bầy ở trên cũng trong cuộc Hội thảo này. Thái độ tránh né trong diễn văn của Nguyễn Tấn Dũng không dám nói thẳng những hành động của Bắc kinh là vi phạm chủ quyền của VN và vi phạm luật biển quốc tế đã làm cho nhiều giới quan sát phải ngạc nhiên.

Câu hỏi trọng tâm khác liên quan tới mục tiêu chiến lược bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, tài nguyên và sinh mệnh của hàng ngàn ngư dân VN trong diễn văn ngày 31.5 của Nguyễn Tấn Dũng. Trong diễn văn trên 3700 chữ ông Dũng đã lập đi lập lại tất cả 17 lần cụm từ “chiến lược xây dựng niềm tin” để kêu gọi Trung quốc và Hoa kì trong việc giải quyết tranh chấp biển Đông. Ở đây người ta thừa hiểu Washington không phải là đối thủ mà có thể trở thành đồng minh. Nhưng có thể “xây dựng niềm tin”, chờ đợi lòng tốt của Bắc kinh được không? Nếu có tầm nhìn và ý thức trách nhiệm thực sự thì với tư cách Thủ tướng, tại sao Nguyễn Tấn Dũng lại có thể đặt niềm tin với phía đang ngang ngược từng bước thôn tính hải đảo, xâm phạm tài nguyên và thậm chí thường xuyên xua đuổi và bắn giết ngư dân của mình? Một sách lược đối ngoại xây dựng trên cơ sở như vậy có phải là hão huyền không tưởng hay không?

Chỉ một ngày sau diễn văn “chiến lược xây dựng niềm tin” của Nguyễn Tấn Dũng, chính Trưởng phái đoàn Trung quốc, tướng Thích Kiến Quốc đã trả lời rất rõ ràng trước cuộc Hội thảo Quốc tế này là, như đã trình bày ở trên, những điều ông Dũng nói ra chỉ là mơ tưởng:

"Lập trường của chúng tôi đối với các biển Đông Trung Hoa và Nam Trung Hoa là chúng thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Đó là lập trường rất rõ ràng."

“Do đó các tàu chiến Trung Quốc và các hoạt động tuần tra của chúng tôi là hoàn toàn hợp pháp và không có gì phải tranh cãi.” (4)

Điều đáng lưu ý là chính tướng Thích Kiến Quốc đã vừa hội đàm với tướng Nguyễn Chí Vịnh trong cuộc “Đối thoại an ninh-quốc phòng Trung-Việt” vừa tổ chức ở Bắc kinh ngày 5.6. Trong đó ông Vịnh đã lập lại chủ trương xây dựng “lòng tin chiến lược” trong quân đội giữa hai nước, điều mà tướng Quốc đã bỏ ngoài tai!(5)

Sau phần thuyết trình một số chuyên viên đã đặt câu hỏi với Nguyễn Tấn Dũng. Ông Christian Le Miere, học giả cao cấp về hải quân và an ninh hàng hải thuộc Viện nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (IISS) của Anh đã hỏi, trong diễn văn ông Dũng đã nói tới tình hình căng thẳng ở biển Đông, vậy Việt Nam có “đồng ý với việc Philippines kiện Trung quốc ra Tòa án quốc tế về Luật biển?” Nguyễn Tấn Dũng viện cớ “để tiết kiệm thời gian của quý vị và các bạn, tôi xin không nhắc lại.” (6) và yêu cầu đọc lại Tuyên bố của bộ Ngoại giao VN ngày 26.4.13 về việc này. Mặc dù mọi người biết Tuyên bố này tránh né việc trả lời có đồng ý với việc làm của Phi luật tân hay không.

Khi nữ Thiếu tướng Yao Yun Zhu, Giám đốc Trung tâm Quan hệ Quốc phòng Trung-Mỹ, Học viện Kỹ thuật Quân sự Trung quốc hỏi: “Trong bài phát biểu, Thủ tướng đã đề cập đến các thách thức an ninh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có thách thức có thể làm gián đoạn tự do hàng hải, hoạt động thương mại quốc tế. Ngài cũng đề cập một vài cường quốc vi phạm luật pháp quốc tế, xin Ngài đưa ra các ví dụ về cường quốc nào vi phạm luật pháp quốc tế và vi phạm luật nào, qua đó làm gián đoạn tự do hàng hải?” Nhưng ông Dũng trong tư cách là Thủ tướng VN, cũng đã ấp úng không dám trả lời trực tiếp, nhưng đã nói vòng vo:

"Hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển, thịnh vượng cũng như an ninh, an toàn, tự do hàng hải là lợi ích, là mong muốn, là mục tiêu chung của khu vực và thế giới. Những nhân tố đe dọa tới hòa bình, ổn định và an ninh, an toàn, tự do hàng hải tôi đã đề cập trong bài phát biểu của mình. Và những diễn biến gần đây trên thực tế, thì mọi người chúng ta có mặt tại đây đều đã biết.”

Rồi ông kết luận với câu “Tôi xin không nhắc lại!” (7)

Tiếp đó khi ông Lee Chung Min- Đại học Yonsei - Hàn Quốc hỏi: "Trong bài phát biểu, Thủ tướng đã nhiều lần đề cập vấn đề xây dựng lòng tin chiến lược. Vậy Ngài có thể cho biết đánh giá của Việt Nam về lòng tin đối với Hoa Kỳ và Trung Quốc hiện nay?" Nguyễn Tấn Dũng cũng nhắc lại câu “Tôi không nhắc lại” và nói:

"Về vấn đề lòng tin đối với Hoa kỳ và Trung quốc, tôi đã đề cập trong bài phát biểu của mình. Tôi không nhắc lại, chỉ xin nhấn mạnh là: Hoa kỳ và Trung quốc là hai cường quốc có vai trò và trách nhiệm lớn nhất đối với tương lai quan hệ của chính mình cũng như đối với hòa bình, hợp tác, phát triển, thịnh vượng chung của khu vực và thế giới.“ (8)

Đúng ra trong tư cách là Thủ tướng thì ông Dũng phải thấy, đây là dịp thuận lợi để dư luận thế giới hiểu rõ lập trường của VN đối với tranh chấp ở biển Đông đang rất gay gắt. Ông Dũng vẫn có thể dùng ngôn ngữ ngoại giao để nói cho thế giới biết rõ, nhà cầm quyền Bắc kinh đã vi phạm như thế nào tới chủ quyền lãnh thổ, tài nguyên của VN và sinh mạng của ngư dân VN trong các năm gần đây. Thái độ như thế vẫn diễn ra công khai giữa các nước độc lập và có chủ quyền trong các vấn đề tranh cãi giữa hai bên. Trái lại ông Dũng đã tìm cách tránh né đến ba lần không dám nêu đích danh nhà cầm quyền Bắc kinh, mà lại rất ấp úng ngại ngùng chỉ nói “Tôi xin không nhắc lại.” để không dám nêu đích danh “kẻ lạ”, một ngôn ngữ trở thành rất thông dụng trong báo chí “lề Đảng” hiện nay khi nói tới những hành động xâm lấn ngang ngược của Bắc kinh trên biển Đông.

Khi ngồi đối diện với những người cầm đầu Bắc kinh thì ông Dũng vẫn hết lời ca tụng người bạn láng giềng “bốn tốt” và “16 chữ vàng”. Tại cuộc Đối thoại quốc tế ông Dũng lại gọi họ là “Đâu đó” và khi người ta chất vấn “Đâu đó” là ai và đang làm gì nguy hiểm cho VN, ông Dũng lại rất lúng túng chỉ nhắc lại tới ba lần “Tôi xin không nhắc lại”! Thực ra thái độ và cách nói thay đổi của Nguyễn Tấn Dũng cũng là một cử chỉ và một loại ngôn ngữ ngoại giao. Nhưng không phải là thái độ và ngôn ngữ ngoại giao của một nước có chủ quyền và của một chính khách đảm lược, mà đúng là thái độ và ngôn ngữ ngoại giao quỵ lụy của một người chỉ biết cúi đầu tùng phục, sợ hãi là ông chủ có thể đuổi đi bất kì lúc nào!

Chính sách đối ngoại của một chế độ chỉ là sự kéo dài của chính sách đối nội của chế độ đó, trong đó khả năng kinh tế và sự hậu thuẫn của nhân dân là căn bản. Nếu kinh tế phát triển mạnh và được sự ủng hộ của gần 90 triệu nhân dân, đi đầu là các giới trí thức, chuyên viên và thanh niên thì đây chính là nền tảng cho một chính sách đối ngoại công khai rõ ràng làm cho bạn bè quốc tế kính nể và đối thủ phải thận trọng. Đây mới chính là “lòng tin chiến lược” dựa trên các thực lực. Nhưng nếu đàn áp trí thức, chuyên viên, thanh niên và coi thường các nguyện vọng chính đáng của nhân dân thì chính quyền bị cô lập ở trong nước, không được nhân dân ủng hộ, khi đó phải đi nhờ vả bên ngoài và bị khinh thường!

Đây là trường hợp của chế độ độc tài toàn trị hiện nay ở VN. Trong khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vênh váo cao ngạo kết án các góp ý chân thành của nhiều giới về Dự thảo Hiến pháp 1992 là “suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống” và ra lệnh cho cấp dưới phải ra tay “xử lí” (9) bằng cách cho báo đài xuyên tạc và chụp mũ, biến Quốc hội tiếp tục đóng trò gật. Trong khi ấy Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại phóng tay để bộ máy công an mật vụ cấm thanh niên biểu tình chống Trung quốc xâm lấn, bỏ tù nhiều nhà báo tên tuổi và để tòa án kết án nặng nề các thanh niên can đảm yêu nước. Không những thế, vì lợi ích nhóm dựa trên quyền-tiền cho nên họ còn đang chống phá lẫn nhau rất tàn bạo và ti tiện suốt mấy năm qua, tạo ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong giới cầm đầu chế độ toàn trị.

Trong khi ấy các sinh hoạt kinh tế đang bị tê liệt, các tập đoàn và tổng công ti Nhà nước đang bị phá sản, hàng trăm ngàn xí nghiệp tư nhân phải đóng cửa, nợ công ngày càng cao…Hiện nay nhập siêu từ Trung quốc đã lên tới khoảng 16 tỉ USD/năm. Trung quốc không chỉ đứng đầu trong giao thương với VN mà còn nắm nhiều công trình kinh tế quan trọng ngay tại VN. Vì thế sự lệ thuộc kinh tế và chính trị vào Bắc kinh của chế độ toàn trị đã tới mức cực kì nguy hiểm, khiến nhiều chuyên viên và cán bộ cao cấp cũng phải báo động. Cho nên thái độ cúi đầu trước Bắc kinh từ Nguyễn Phú Trọng tới Nguyễn Tấn Dũng trong nhiều dịp là một điều tất yếu.

Tóm lại, dùng “Chiến lược xây dựng niềm tin” bằng cách gởi trọn niềm tin vào đế quốc Bắc kinh của Nguyễn Tấn Dũng trong vấn đề tranh chấp biển Đông rõ ràng là cách “trao trứng cho ác”. Một chế độ mà những người cầm đầu chỉ biết thờ quyền-tiền, đàn áp dân, khinh rẻ trí thức thì tất yếu phải cầu mong sự che chở của bên ngoài, đứng đầu là tân đế quốc phương Bắc cực kì nguy hiểm đang âm mưu thực hiện “Giấc mơ Trung quốc” (10) là mục tiêu chiến lược hàng đầu của tân Tổng bí thư Tập Cận Bình, tức là tìm cách phục dậy thời kì Trung quốc coi các nước chung quanh chỉ là chư hầu. Tinh thần và thái độ quỵ lụy này đã toát ra cả trong diễn văn và cả trong cách trả lời của Nguyễn Tấn Dũng tại “Đối thoại Shangri-La 2013”! Nhưng “Giấc mơ Trung quốc” của Tập Cận Bình và “Chiến lược xây dựng niềm tin” của Nguyễn Tấn Dũng khác nhau như mặt trăng với mặt trời, tuy biết vậy nhưng ông Dũng vẫn gởi trọn niềm tin vào “kẻ lạ” ở “đâu đó” !

7.6.13
khieulong
Posts: 3552
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

Cần đổi luật chơi trên Biển Ðông
Ngô Nhân Dụng
Sau bài viết về cuộc gặp gỡ giữa Tập Cận Bình với Obama ở California, một người Việt sống ở Ðức đã góp ý kiến. Ông Âu Dương Thệ, nhà nghiên cứu chính trị, đồng ý rằng hai nước Mỹ và Trung Quốc sẽ không thể vì vùng Biển Ðông mà gây chiến với nhau; tuy nhiên, số phận dân tộc Việt Nam sẽ không nhờ thế mà được yên ổn.

Ông Âu Dương Thệ nhắc lại lời Tập Cận Bình nói rằng “biển Ðông đủ rộng cho hai nước;” ngầm hiểu là Bắc Kinh sẵn sàng chia khu vực ảnh hưởng với Washington. Nhưng chính quyền Trung Cộng vẫn luôn nhấn mạnh rằng vùng “Chín đoạn” gồm cả biển Ðông của nước ta thuộc “quyền lợi cốt lõi của Trung Quốc,” không khác gì Ðài Loan và Tây Tạng. Suy ra, sách lược của Tập Cận Bình là: Không trực tiếp đối đầu với Mỹ nhưng sẽ tìm cách để Mỹ không thể can thiệp vào “quyền lợi cốt lõi” của họ.

Bắc Kinh phải làm gì để đạt được cả hai điều kiện, vừa đóng vai chủ nhân ông khai thác vùng “lưỡi bò,” vừa không “gây rắc rối” để Mỹ lấy cớ can thiệp? Tiến Sĩ Âu Dương Thệ, như nhiều người quan sát khác, đều thấy rằng sách lược tốt nhất của họ là làm sao tóm được cả nhóm người cầm quyền ở Việt Nam, bỏ vào trong túi! Nằm trong túi, phải giữ im lặng, không bao giờ gây ồn ào dù bị lấn ép.

Hiện nay mỗi lần Trung Cộng lấn bước, chính quyền cộng sản ở Việt Nam cũng được gửi văn thư lên tiếng phản đối, nhưng họ phải nói trong khuôn khổ “quan hệ song phương.” Giới lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng hay Trương Tấn Sang luôn luôn theo đúng đường lối song phương này, được quy định bằng “16 chữ vàng.” Chấp nhận giải quyết các bất đồng bằng đối thoại song phương, nghĩa là chỉ được nói chuyện như các “đồng chí, anh em,” giữa hai đảng cộng sản, giữa hai chính quyền cộng sản. Họ không được phép nêu các bất đồng trước các hội nghị quốc tế, cũng không được thưa kiện ra các tòa án quốc tế khi có tranh chấp về chủ quyền. Giống như trong một gia đình mà người chồng vũ phu đánh vợ thường xuyên, nhưng lối xóm không thể nào can thiệp vì người vợ lúc nào cũng chỉ nhỏ nhẹ năn nỉ chồng xin tha, mà không bao giờ lớn tiếng kêu cứu!

Chúng ta biết rằng năm 1974, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đã nộp đơn thưa kiện việc Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa ngay sau khi hải quân ta không đủ sức giữ. Ðảng Cộng Sản Việt Nam chưa bao giờ làm một hành động tương tự, dù Trung Cộng đã chiếm đất, chiếm đảo, và lấn áp nhiều lần.

Khi đã ràng buộc được chính quyền Cộng Sản Việt Nam trong quy tắc “song phương” này, Bắc Kinh không phải lo có nước khác cản trở việc xâm chiếm Biển Ðông theo lối tằm ăn dâu của họ. Chiến thuật của Trung Cộng là đặt cả thế giới trước một chuỗi những “sự kiện đã rồi.” Mỗi tuần, mỗi tháng, họ lấn thêm một bước bằng các hành động lấn áp. Mỗi sự kiện đã rồi này đánh dấu một bước thắng lợi của họ, thắng thế trên thực tế hoặc trên danh nghĩa. Họ tiếp tục tiến từng bước một trên con đường bành trướng từ năm 1974 đến nay, đặt thế giới trước cảnh “ván đã đóng thuyền.” Năm 1988 họ chiếm thêm một số đảo ở Trường Sa, mở đường cho Mã Lai Á bắt chước. Trong hai chục năm qua, hải thuyền của họ lấn áp, cướp bóc, giết hại các ngư dân Việt Nam. Họ đưa tầu chiến hộ tống ngư dân Trung Quốc vào vùng biển này. Họ đặt ra đơn vị hành chánh Tam Sa để chính thức hóa việc chiếm đoạt Hoàng Sa và một phần Trường Sa. Họ lập sân bay, tổ chức du lịch trên các đảo đã chiếm. Họ ngăn cấm các hãng khai thác dầu khí không được cộng tác với Việt Nam. Họ tấn công các thuyền đánh cá để dần dần ngư phủ Việt Nam chán nản không dám lái thuyền vào những vùng bị họ cấm đoán.

Khi Trung Cộng tiếp tục lấn dần, lấn dần mà chính quyền Việt Nam không công khai phản đối trước mặt thế giới, cũng không lên tiếng trong các hội nghị, không nạp đơn kiện ra tòa án quốc tế (như Phi Luật Tân đã làm), thì các nước khác trong vùng, kể cả nước Mỹ, không có lý do nào để can thiệp. Như vậy là Bắc Kinh có thể đạt được hai mục tiêu một lúc: Lấn chiếm Biển Ðông mà không gây tranh chấp với Mỹ, vẫn mặc nhiên công nhận Mỹ là một đấu thủ có mặt trong sân chơi Ðông Nam Á.

Trong cuộc chơi lớn trong vùng này, nhu cầu chiến lược của Trung Cộng là gì? Trước hết, họ cần bảo vệ con đường thông thương qua Eo biển Malacca, giữa Singapore và Indonesia. Dầu khí và nguyên liệu cung cấp cho nền kinh tế Trung Quốc tùy thuộc con đường huyết mạch này. Trung Cộng không thể bỏ qua bài học lịch sử Ðại Chiến Thứ Hai. Năm 1941 Nhật Bản phải tấn công xuống Ðông Nam Á; do đó phải gây chiến với Mỹ, cũng vì con đường tiếp tế này bị Anh, Mỹ ngăn cản. Ðầu năm 1944 quân đội Nhật Bản bắt đầu thua trận, cũng vì tất cả các tầu chở nguyên liệu và dầu khí qua đây bị chặn lại. Gia tăng các căn cứ hải quân trong vùng là một bảo đảm nguồn tiếp liệu cho kinh tế Trung Cộng.

Nhưng các cường quốc Ðông Bắc Á như Nhật Bản, Nam Hàn, cũng đều cần con đường biển qua vùng Ðông Nam Á, tại sao không nước nào bày những trò lấn áp hung hãn như Trung Cộng đã thi hành đối với Việt Nam? Vì các nước trên không sợ họ bị Mỹ ngăn cản. Họ đều là đồng minh của Mỹ, trong khi Trung Cộng vẫn coi Mỹ là một đối thủ, từ sau cuộc chiến tranh Cao Ly năm 1950. Giữa Mỹ và Trung Cộng còn một mâu thuẫn lâu dài là Ðài Loan. Ðể củng cố sức mạnh trước khi phải đối đầu trực tiếp với Mỹ, có thể trong thế kỷ tới, Trung Cộng sẽ bành trướng trong vùng Ðông Nam Á, dùng đó làm một nơi thử thách. Vừa để thăm dò phản ứng của Mỹ, Ấn Ðộ, vừa đe dọa các đồng minh của Mỹ trong vùng này. Hơn nữa, trong cuộc chơi lớn này, Trung Cộng có thể dùng Việt Nam làm nơi thí nghiệm các chiến thuật lấn lướt, ép buộc, xâm chiếm, trước khi đem thử áp dụng với các nước Ðông Nam Á khác. Họ đã thử một lần, với Phi Lật Tân, áp dụng các chiến thuật đã dùng ở Việt Nam.

Nếu Việt Nam bị khuất phục thì kế hoạch bành trướng của Trung Cộng trong cả vùng Ðông Nam Á sẽ thành công hơn một nửa. Kinh nghiệm từ năm 1974, 1988, cho họ thấy là đối với Việt Nam thì cứ tiến tới, mỗi bước tiến thêm thì chân họ càng vững chơn. Họ không cần một chính quyền Việt Nam “thân Trung Quốc,” vì chỉ cần người “thân” khi đối xử ngang hàng với nhau. Ðối với Trung Cộng thì ở Việt Nam chỉ cần có những người đó “sợ” họ là đủ. Mỗi lần bị Trung Cộng “nắn gân,” cho tới nay Cộng Sản Việt Nam đều cắn răng nhịn nhục, như Phạm Văn Ðồng (1958), Nguyễn Văn Linh (1992) đã làm. Các kinh nghiệm đó khiến cho Trung Cộng khinh thường, sẵn sàng dùng Việt Nam làm nơi thí nghiệm các hành động xâm lấn, trước khi áp dụng cho các nước khác trong vùng.

Một lý do khác khiến Trung Cộng muốn kiểm soát vùng Lưỡi Bò, Cửu Ðoạn Tuyến, là họ tin rằng chung quanh quần đảo Trường Sa có nhiều mỏ dầu khí. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng của Mỹ, trong vùng Biển Ðông số lượng dự trữ dầu khoảng bảy tỷ thùng, nhiều lắm là 20 tỷ; tương đương với số dầu dự trữ của Trung Quốc bây giờ. Nhưng các nhà khảo sát Trung Quốc lại đoán rằng trữ lượng dầu trong vùng phải lớn gấp mười lần, tới 200 tỷ thùng; con số lớn hơn số dự trự của Canada (175 tỷ) và gấp đôi Kuwait. Do đó, họ tin là nếu khai thác được cả vùng lưỡi bò thì số dầu sản xuất ở đây, đại đa số trong quần đảo Trường Sa; mỗi năm có thể cung cấp một phần tư nhu cầu năng lượng của Trung Quốc, trong hàng thế kỷ nữa. Hiện Việt Nam vẫn kiểm soát nhiều hòn đảo nhất trong vùng Trường Sa. Vì thế, lấn áp được Việt Nam thì sẽ dần dần chiếm được quyền khai thác tài nguyên dầu khí trong cả vùng.

Ðối với nước Mỹ, quốc gia nào làm chủ các mỏ dầu khí trong vùng này cũng không quan trọng. Họ chỉ cần bảo đảm tất cả đều cùng theo luật chơi kinh tế, tức là tự do trao đổi, tự do ký hợp đồng, tự do cạnh tranh. Trong 30 năm nữa, nước Mỹ sẽ không còn lệ thuộc vào dầu lửa như hiện nay, vì các nguồn năng lượng mới đang được tìm tòi, khai phá, trên khắp cả thế giới. Và trong tương lai ngay các xe hơi cũng sẽ không lệ thuộc máy chạy bằng xăng nữa. Nhưng dù nước nào làm chủ các mỏ dầu, dù công ty nào trúng thầu khai thác mỏ, thì cho tới nước Mỹ vẫn đứng đầu trong việc cung cấp các dịch vụ kỹ thuật cho công nghiệp dầu khí; mà trong tương lai chắc cũng khó nước nào theo kịp. Cho nên nước Mỹ có thể cứ khoanh tay đứng ngoài các cuộc tranh chấp ở Biển Ðông.

Cuối cùng, chỉ có người Việt Nam phải lo bảo vệ các quyền lợi của mình trong vùng Biển Ðông. Mà cho tới nay, người Việt thấy rõ ràng mình đang bị thiệt thòi.

Cho nên, tất cả mọi người Việt Nam đều thấy đã tới lúc quan hệ giữa nước mình và Cộng Sản Trung Hoa phải thay đổi. Phải đổi luật chơi giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Nhưng thay đổi như thế nào? Làm sao để Trung Cộng phải chấp nhận thay đổi? Chúng ta có thể theo gương một nước, là Miến Ðiện. Miến Ðiện cũng từng theo một thứ chủ nghĩa xã hội, từng đóng vai một chư hầu của Cộng Sản Trung Hoa trong gần hai thế hệ. Bây giờ, họ giao thiệp theo các quy tắc mới. Mà Cộng Sản Trung Hoa vẫn phải chấp nhận. Chúng ta sẽ xem Miến Ðiện thay đổi luật chơi như thế nào.
nguyenvsau
Posts: 1134
Joined: Thu Jul 08, 2010 11:25 pm
Contact:

Post by nguyenvsau »

Cần chuyên nghiệp hóa Quốc Hội Việt Nam
Trần Vinh Dự
(Nguồn: VOA)

Tại phiên họp thứ 18 của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội (UBTVQH) vừa qua, thực trạng yếu kém của nền kinh tế hiện nay lại được các thành viên đem ra mổ xẻ. Tại phiên họp này, không khí cấp bách của thời cuộc có thể được cảm nhận rõ qua các phát biểu quan trọng.

“Tình hình như thế này là nguy lắm rồi” là nhận định của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan. “Tình hình này có thể nói kinh tế đang hết sức khó khăn, khó khăn hơn rất nhiều so với nhận định của Chính phủ và Quốc Hội tại Kỳ họp thứ 4” là nhận định của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

“Năm 2012 đã tưởng là đáy của khó khăn, nhưng năm 2013 lại nhận định là còn khó khăn hơn năm 2012” là nhận định của Chủ nhiệm Ủy Ban Pháp Luật Phan Trung Lý.

“Bức tranh vô cùng ảm đạm. Chỉ cần nhìn số lượng hàng chục nghìn doanh nghiệp phá sản và 65% số còn lại báo lỗ thì biết khả năng phục hồi kinh tế khó khăn đến mức nào” là nhận định của Phó trưởng Ban Kinh Tế Trung Ương Nguyễn Xuân Cường.

“Tình hình doanh nghiệp bi đát, tôi nghĩ có tới 100.000 doanh nghiệp chết chứ không phải chỉ mấy chục nghìn, tỉ lệ doanh nghiệp lỗ có thể còn hơn 65%” và “lạm phát quá tốt chính do điều hành dở” là nhận định của Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng.

Tính cấp bách của thời cuộc đã được các đại biểu cảm nhận rất rõ. Tuy nhiên, kết thúc phiên họp thứ 18, UBTVQH không đưa ra được bất cứ giải pháp nào. Các ý kiến chỉ dừng lại ở mức “nên chăng.”

Quốc Hội và nền kinh tế

Quốc Hội có 3 chức năng chính: chức năng lập pháp, chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, và chức năng giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước.

Liên quan đến nền kinh tế, Quốc Hội thực hiện chức năng lập pháp bằng cách soạn thảo, sửa đổi và thông qua Hiến Pháp, luật, và các nghị quyết. Với chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc Hội quyết định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, quyết định chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, quyết định dự toán ngân sách Nhà nước và phân bổ ngân sách Nhà nước, phê chuẩn tổng quyết toán ngân sách Nhà nước, và quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế. Với chức năng giám sát, Quốc Hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với việc thực hiện các nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội của Chính phủ.

Với chức năng quyết định các vấn đề kinh tế-xã hội, Quốc Hội thực hiện việc này bằng nhiều cách, trong đó quan trọng nhất là hàng năm Quốc Hội thống nhất các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và giao các chỉ tiêu này cho Chính phủ thực hiện. Các chỉ tiêu này được xây dựng ít nhiều dựa trên các báo cáo của Chính phủ. Các chỉ tiêu này thường cũng không mang tính bắt buộc và chỉ có giá trị tham chiếu. Chính phủ không được “thưởng” khi thực hiện tốt các chỉ tiêu này và cũng không bị “phạt” nếu không đạt.

Các chỉ tiêu mà Quốc Hội đề ra cho Chính phủ thực hiện nhiều khi cũng không đi sát với thực tế. Thí dụ trong 3 năm trở lại đây, các chỉ tiêu bản lề của Quốc Hội đề ra như tăng trưởng GDP hàng năm, tốc độ tăng giá tiêu dùng, nhập siêu tính bằng % của xuất khẩu, tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu, và tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đều bị trệch khá xa so với thực tế đạt được.

Có những thời điểm, các chỉ số đề ra ở “trên trời” so với thực tế. Thí dụ tăng GDP theo chỉ tiêu của năm 2011 là từ 7% đến 7.5% nhưng thực tế đạt được chỉ có 5.89%. Chỉ tiêu lạm phát của năm này là 7% nhưng thực tế lên tới 18.58%. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội được đặt chỉ tiêu là 40% nhưng thực tế chỉ có 34.6%.

Cũng có những thời điểm và hạng mục, chỉ tiêu của Quốc Hội lại quá khiêm tốn. Thí dụ tăng trưởng xuất khẩu theo chỉ tiêu của năm 2010 và 2011 là 6% và 10% trong khi thực tế đạt được là 25.5% và 33%. Tương tự, nhập siêu theo chỉ tiêu đề ra cho năm 2011 và 2012 là 18% và 11%-12% nhưng thực tế đạt được lại tốt hơn rất nhiều (chỉ có 9.9% năm 2011 và thậm chí không có thâm hụt trong năm 2012).

Việc các chỉ tiêu mà Quốc Hội đề ra vênh quá lớn so với thực tế đạt được có thể đổ lỗi cho Chính phủ. Thí dụ, chỉ tiêu tăng CPI của Quốc Hội năm 2012 là 10% trong khi thực tế tăng CPI của năm 2012 là 6.81%. Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng lạm phát khoảng 7-8% là được, còn 6.81% cũng là tốt, nhưng là “tốt quá” nên ảnh hưởng đến tăng trưởng. Theo ông, Chính phủ “điều hành như vậy là dở, nếu CPI trên 7% thì bây giờ tăng trưởng không thấp thế, cái này là do điều hành.”

Thế nhưng nhìn đi thì cũng phải nhìn lại, khi phần lớn các chỉ số kinh tế bản lề mà Quốc Hội đề ra bị lệch so với thực tế, và lệch liên tục trong nhiều năm, thì nó cũng phản ánh việc Quốc Hội có thực sự hiểu nền kinh tế của đất nước hay không. Thí dụ, chỉ tiêu tăng GDP của Quốc Hội trong hai năm 2011 và 2012 đều ở “trên trời.”

Chỉ tiêu lạm phát cho hai năm 2010 và 2011 cũng lãng mạn hơn nhiều so với thực tế đạt được.

Khó có thể phân định rạch ròi lý do dẫn đến việc chỉ tiêu và thực tế đạt được vênh nhau một cách dữ dội là do lỗi điều hành của Chính phủ hay do Quốc Hội không thực sự bám sát thực trạng kinh tế đất nước. Nếu thực sự Quốc Hội không hiểu biết đủ sâu sắc về thực trạng kinh tế đất nước, thì Quốc Hội khó có thể thực hiện tốt chức năng giám sát của mình.

Gần đây chức năng giám sát của Quốc Hội được đẩy mạnh với việc tổ chức các phiên chất vấn công khai và sắp tới là bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc Hội bầu ra hoặc phê chuẩn. Công bằng mà nói, việc chất vấn và trả lời chất vấn đang ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, dù nhiều quan sát viên cho rằng các chất vấn “ngô nghê, dài dòng, mớm bóng” hay những câu chất vấn thì ít mà xin xỏ thì nhiều” của các đại biểu Quốc Hội đã ít đi đáng kể, không phải đại biểu nào cũng thực sự có hiểu biết sâu sắc về nền kinh tế.

Ðối với chức năng lập pháp cũng vậy. Dù Hiến Pháp đã quy định Quốc Hội có nhiệm vụ làm luật, nhưng việc soạn thảo các dự luật đều do các cơ quan khác, chủ yếu trong ngành hành pháp, thực hiện. Dù sau đó đại biểu Quốc Hội có đóng góp, sửa đổi và biểu quyết các dự luật, trong đa số các trường hợp, luật được áp dụng vẫn giữ phần lớn tinh thần cơ bản của dự thảo ban đầu. Do đó, cho đến nay nhiệm vụ thực tế của các nhà lập pháp Việt Nam chủ yếu vẫn là thông qua các dự luật do người khác soạn thảo thay vì chính họ phải làm ra. Việc này dẫn đến thực trạng là các cơ quan hành pháp được giao nhiệm vụ soạn thảo dự thảo luật trở thành những người “vừa đá bóng vừa thổi còi” - dù muốn hay không.

Nên chuyên nghiệp hóa Quốc Hội

Là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân và là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của đất nước, Quốc Hội hiển nhiên là bộ máy tập trung sức mạnh trí tuệ và ý chí chính trị của toàn dân. Vì thế, việc Quốc Hội chưa thể hiện hết được tầm vóc trong việc thực hiện các chức năng hiến định của mình rõ ràng là việc không thể chấp nhận được, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang trong giai đoạn có những bước ngoặt lịch sử.

Và điều này có những lý do riêng. Trong số nhiều lý do, có hai lý do rất quan trọng. Thứ nhất là tỷ lệ các đại biểu kiêm nhiệm vẫn còn quá lớn. Các đại biểu kiêm nhiệm không thể thực hiện tốt chức năng của đại biểu Quốc Hội trong khi vẫn là các quan chức cao cấp trong bộ máy hành pháp và phải dành chủ yếu thời gian của mình cho công tác điều hành hàng ngày.

Lý do thứ hai quan trọng không kém là cho dù các đại biểu Quốc Hội không phải là đại biểu kiêm nhiệm thì họ cũng không có nguồn lực để thực hiện vai trò đại biểu Quốc Hội. Theo thông tin chính thức từ website của Trung tâm Bồi dưỡng Ðại biểu Dân cử, thuộc Ban Công Tác Ðại Biểu của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội, hiện nay các đại biểu chỉ được hưởng một số chế độ đãi ngộ cơ bản như lương, phụ cấp. Ngoài ra, ngay cả thư ký giúp việc cho đại biểu cũng không có. Trang web này viết rõ rằng “phấn đấu trong tương lai mỗi đại biểu đều có một thư ký giúp việc riêng.”

Không có đội ngũ cố vấn, chuyên gia, chuyên viên phân tích, nhân viên văn phòng để giúp đại biểu Quốc Hội thực hiện nhiệm vụ của mình, các đại biểu dù giỏi đến đâu cũng không thể thực hiện tốt chức năng đại biểu. Chưa nói đến những việc phức tạp như soạn thảo các dự luật - điều mà lẽ ra thuộc về chức năng của các đại biểu Quốc Hội, mà chỉ đơn giản là việc nắm tình hình thực tế, nghiên cứu và tiêu hóa hết các thông tin về tình hình kinh tế xã hội để có những hiểu biết căn bản khi đi họp Quốc Hội cũng là việc mà các đại biểu Quốc Hội không thể làm được một mình.

Thế nên không lạ, và cũng không thể trách được, là các đại biểu Quốc Hội Việt Nam không làm luật mà chỉ thông qua luật do các cơ quan của Chính phủ soạn thảo. Cũng không lạ và không thể trách được là Quốc Hội vẫn đặt ra các chỉ tiêu kinh tế-xã hội nhiều khi xa rời thực tế, và công tác giám sát - chất vấn nhiều khi vẫn lộ rõ vẻ “ngô nghê” - theo cách nói của một số nhà quan sát.

Ðáng lẽ ra, các đại biểu phải có một ngân sách hoạt động đủ lớn để có một văn phòng riêng của mình, có thể thuê một đội ngũ chuyên gia, chuyên viên, và nhân viên hỗ trợ. Bộ máy này phải đủ hiệu quả để hỗ trợ đắc lực cho các đại biểu trong việc chủ động soạn thảo và đề xuất các luật mới hoặc sửa đổi các luật cũ, phải biến các đại biểu trở thành các nhà chính trị uyên bác và hiểu biết sâu sắc và sâu rộng về thực tế đất nước. Nó cũng phải biến các đại biểu trở thành những nhà phê bình sắc sảo, với các phân tích sắc bén để có thể thực hiện được chức năng giám sát.

Nói cách khác, bộ máy của Quốc Hội cần phải được chuyên nghiệp hóa. Bên cạnh việc giảm dần tỷ lệ đại biểu kiêm nhiệm, việc chuyên nghiệp hóa hóa này còn bắt đầu từ hai việc rất cụ thể. Thứ nhất là tăng ngân sách hoạt động cho các đại biểu một cách thực sự có ý nghĩa để mỗi đại biểu có thể có được một bộ máy giúp việc riêng cho mình thực sự mạnh. Thứ hai, tăng trách nhiệm báo cáo trước dân của các đại biểu để họ có trách nhiệm sử dụng ngân sách này một cách hiệu quả phục vụ công tác đại biểu Quốc Hội một cách đúng nghĩa.
dailien
Posts: 2451
Joined: Sun Jun 03, 2007 3:37 am
Contact:

Post by dailien »

Lòng tin và sự xấu hổ Monday, June 17, 2013 5:50:42 PM

Nguyễn Hưng Quốc (Blog VOA)

Nhân nhắc đến khái niệm lòng tin chiến lược trong bài nói chuyện của ông Nguyễn Tấn Dũng, chúng ta thử bàn về chuyện lòng tin trong chính trị nói chung. Nói đến lòng tin, ở đây tôi chỉ muốn tập trung vào sự tin cậy (trust, chứ không phải faith hay belief) và chỉ giới hạn trong phạm vi chính trị đối nội, trong nội bộ một quốc gia.

Trước hết, hầu như ai cũng biết sự tin cậy là một trong những yếu tố quan trọng nhất để mọi người có thể sinh hoạt chung với nhau trong xã hội, từ phạm vi nhỏ và riêng tư nhất là gia đình và bạn bè đến những phạm vi lớn hơn như các cơ sở làm ăn buôn bán hoặc các đoàn thể và cuối cùng, sinh hoạt chính trị trong cả nước. Nền tảng của cái gọi là đạo đức công dân, thật ra, là vấn đề tin cậy: Mình tin người khác và làm cho người khác tin mình bằng cách, trước hết, tự mình làm cho mình đáng tin cậy. Nền tảng của dân chủ, nghĩ cho cùng, cũng là sự tin cậy: Tin cậy vào thiện chí của người khác và vào quyết định của đa số (biểu hiện cụ thể nhất là qua các lá phiếu).

Trong chính trị đối nội, lòng tin có ba loại: Tin vào các nhà lãnh đạo, tin vào các tổ chức công quyền và tin vào cơ chế.

Trong các tổ chức công quyền, nổi bật nhất là lập pháp (tập trung vào Quốc Hội - ở một số nước, có hai hình thức chính Thượng Viện và Hạ Viện), hành pháp (tập trung vào phủ tổng thống và/hoặc văn phòng thủ tướng) và tư pháp (qua hình ảnh của tòa án cũng như công an). Ranh giới giữa lòng tin vào các nhà lãnh đạo và các tổ chức công quyền không hoàn toàn rạch ròi: Ở các cơ quan hành pháp, người ta có khuynh hướng nhìn vào người lãnh đạo cao nhất (tổng thống hoặc/và thủ tướng); còn ở các cơ quan khác, từ lập pháp đến tư pháp, vai trò tập thể nổi bật hơn vai trò của cá nhân, do đó, người ta có thói quen nhìn vào cả cơ quan hơn hơn là từng người cụ thể, ngay cả là người lãnh đạo cao nhất.

Ðối với các nhà lãnh đạo, lòng tin cũng có nhiều loại: Một, tin vào cá tính và đạo đức của họ; và hai, tin vào lý tưởng cũng như các chính sách mà họ theo đuổi. Trong hai loại lòng tin ấy, cá tính của người lãnh đạo là yếu tố quan trọng đầu tiên, có vai trò thu hút quần chúng nhất. Không có cá tính mạnh và không có sức cuốn hút quần chúng, không ai có thể trở thành lãnh tụ được, nhất là ở các quốc gia dân chủ, nơi để trở thành lãnh tụ, người ta phải trải qua những cuộc tranh cử và bầu cử gay gắt, trước hết, trong nội bộ đảng, và sau đó, trong phạm vi quốc gia. Nhưng yếu tố đầu tiên này tức khắc trở thành thứ yếu khi người ta trở thành lãnh tụ thực sự. Khi trở thành lãnh tụ, yếu tố được quần chúng quan tâm nhất lại là lý tưởng và từ đó, chính sách của họ. Lý tưởng, vốn thường lớn và chung chung, là yếu tố đầu tiên để gây chú ý và sự đồng cảm. Tuy nhiên, yếu tố chính để quần chúng đánh giá giới lãnh đạo chính là đường lối và chính sách, tức những khía cạnh nhằm hiện thực hóa lý tưởng mà họ tuyên truyền. Ðối với đường lối và chính sách, ba điều kiện căn bản nhất là: Một, rõ ràng; hai, nhất quán; và ba, hiệu quả. Xuyên suốt từ đầu đến cuối, vấn đề đạo đức của nhà lãnh đạo luôn luôn là một vấn đề quan trọng. Có điều, ở đây là đạo đức công dân chứ không phải là đạo đức cá nhân. Những cái gọi là hiền lành, khiêm tốn, hòa nhã, dễ thương, mau nước mắt, v.v. đều thuộc loại đạo đức cá nhân. Là đạo đức cá nhân, chúng chỉ có ý nghĩa trong phạm vi liên-cá nhân, giữa người này và người khác, trong một không gian có giới hạn. Ðiều người ta quan tâm nhất ở nhà lãnh đạo là thứ đạo đức công dân, trong đó, nổi bật nhất là sự trong sạch, tinh thần trách nhiệm và tôn trọng pháp luật, bởi vậy, ba cái xấu thường dễ bị theo dõi và lên án nhất chính là tham nhũng, vô trách nhiệm và lạm dụng quyền hành.

Ðối với các tổ chức, nội dung của cái gọi là lòng tin chỉ tập trung chủ yếu vào khía cạnh thực hành với hai nội dung chính: Năng lực và tính hiệu quả. Tiêu chí để đánh giá việc thực hành là hiến pháp và luật pháp. Nói đến năng lực và tính hiệu quả của các cơ quan, người ta phải đối chiếu việc thực hành của các cơ quan ấy so với các quy định ghi trong hiến pháp và luật pháp. Nếu nhiệm vụ chính của công an, chẳng hạn, là bảo đảm an ninh và an toàn trong xã hội thì năng lực và tính hiệu quả của công an cần phải được đo lường và đánh giá trên mức độ tội phạm các loại trong xã hội.

Ðối với cơ chế, lòng tin chủ yếu tập trung vào tính lý tưởng, tính hiệu quả và sự bền vững của nó.

Qua ba loại lòng tin ở trên, chúng ta có thể nhận thấy sự khác biệt giữa các xã hội dân chủ và các xã hội phi dân chủ.

Ở các xã hội dân chủ, từ Mỹ đến Úc và toàn bộ các quốc gia Tây Âu và Bắc Âu, dân chúng có thể mất lòng tin vào giới lãnh đạo hay các cơ quan công quyền, nhưng họ luôn luôn tin tưởng vào cơ chế. Cơ chế dân chủ mà họ thiết lập và hoàn thiện suốt cả trăm năm hoặc lâu hơn nữa không những có tính lý tưởng cao, phù hợp với những bảng giá trị phổ quát của nhân lại (tôn trọng tự do cá nhân và sự bình đẳng giữa mọi người cũng như tinh thần thượng tôn pháp luật) mà còn có tính hiệu quả trong việc vận hành kinh tế, an sinh xã hội và đặc biệt, quản trị đất nước. Hơn nữa, mọi người còn tin tưởng vào sự bền vững của nó: Một mặt, giới lãnh đạo hay các cơ quan công quyền có thể thay đổi, nhưng cơ chế dân chủ thì không; mặt khác, chính cơ chế ấy bảo đảm mọi sự thay đổi quyền lực đều diễn ra một cách êm thấm, không gây nên bất cứ một xáo trộn nào trong xã hội. Chính vì vậy, ở hầu hết các nước dân chủ, tâm lý quần chúng thường khá an tâm sau các cuộc bầu cử. Trong bầu cử, người ta có thể tranh đấu với nhau một cách dữ dội nhưng bầu cử xong, tuy có kẻ thắng người thua và tuy sẽ có những chính sách khác nhau, mọi người vẫn biết rõ một điều: Tự do, dân chủ, nhân quyền và pháp chế vẫn được tôn trọng và duy trì. Dưới chính phủ mới, một số người có thể bị cắt bớt một phần trong các trợ cấp thất nghiệp hay trợ cấp xã hội, chẳng hạn, nhưng chắc chắn, sẽ không có ai bị bỏ đói, bị tước đoạt đất đai hay bị bắt bỏ tù một cách vô lý vì một số phát ngôn hay vì tham gia một cuộc biểu tình nào đó.

Cũng chính vì tin cậy vào cơ chế nên ở các quốc gia Tây phương, hầu như không ai nghĩ đến chuyện gây bạo loạn để lật đổ chính quyền. Mọi sự thay đổi, nếu có, đều diễn ra bên trong cơ chế, với các luật chơi gắn liền với cơ chế.

Ở các nước phi dân chủ, ngược lại, điều người ta ít tin nhất, lại là cơ chế. Thoạt đầu, chế độ phi dân chủ nào cũng khuếch đại tính lý tưởng của nó để thu phục nhân tâm. Nhiều người sẵn sàng tin và có người sẵn sàng hy sinh tính mạng để thực hiện các lý tưởng ấy. Nhưng cái thiếu nhất của các chế độ độc tài là tính hiệu quả. Khái niệm hiệu quả ở đây không chỉ giới hạn trong phạm vi kinh tế mà còn trải rộng ra mọi phạm vi khác, từ luật pháp đến xã hội, văn hóa, chính trị và nhân quyền. Cứ nói mãi đến tự do nhưng đi đâu cũng đối đầu với công an, lúc nào cũng có nguy cơ bị công an còng tay hay đạp vào mặt; cứ nói mãi đến dân chủ, nhưng tranh cử thì hạn chế, bầu cử thì gian lận, bộ máy công quyền đều được giao phó cho những kẻ bất tài nhưng có nhiều “quan hệ”... dần dần người ta sẽ mất hết niềm tin. Chính vì có sự trái ngược giữa tính lý tưởng và tính hiệu quả như vậy, mọi chế độ độc tài đều thiếu hẳn tính ổn định và bền vững. Kiểu tuyên truyền ưu tiên cho ổn định ở các nước độc tài, trong đó có Việt Nam, là một lối ngụy biện đầy nghịch lý, bởi, tự bản chất, đã độc tài thì không thể ổn định, và vì không ổn định, nó cũng không thể bền vững.

Ðó chính là tình trạng ở Việt Nam hiện nay.

Lần lượt, nhiều người, ngay cả những kẻ từng cúc cung phục vụ chế độ gần như cả đời, đều nhận ra một điểm: Tất cả các khuyết điểm ở Việt Nam đều bắt rễ từ một cái lỗi chính, có người gọi là “lỗi hệ thống”. Lỗi hệ thống tức là lỗi ở cơ chế. Lỗi ở cơ chế chủ yếu là lỗi ở ba khía cạnh: Một, phương thức lên cầm quyền (thường, một cách chính đáng, phải gắn liền với các cuộc bầu cử tự do); hai, ở phương thức phân quyền (yêu cầu tối thiểu là tính chất độc lập của tư pháp, và đằng sau nó, lực lượng công an); và ba, phương thức kiểm soát quyền lực (chỉ đáng tin cậy khi, thứ nhất, người kiểm soát độc lập với người bị/được kiểm soát; và thứ hai, từ nhiều nguồn khác nhau. Ở Tây phương, cơ cấu kiểm soát quyền lực thường chằng chịt nhiều tầng và từ nhiều góc độ khác nhau, từ tư pháp đến truyền thông, các tổ chức chính trị đối lập, các tổ chức phi chính phủ và, bàng bạc khắp nơi, dân chúng).

Lâu nay, dường như chính quyền Việt Nam cảm thấy tuyệt vọng trong việc củng cố lòng tin của dân chúng vào cơ chế nên bộ máy tuyên truyền của họ thường hiếm khi đề cập đến cơ chế, vốn gắn liền với chế độ. Họ chỉ sử dụng biện pháp tiêu cực là cấm đoán việc phê phán cơ chế hoặc lâu lâu vẽ vời vài chuyện nhăng nhít (trong đó, mới nhất là việc bỏ phiếu tín nhiệm giới lãnh đạo) để mị dân hoặc lừa dân với ảo tưởng là cơ chế ấy đang trong tiến trình tự hoàn thiện. Nhưng cố gắng xây dựng lòng tin dựa trên lời hứa hẹn là nó đang tự thay đổi và hoàn thiện chỉ là một trò chơi nửa vời của những kẻ đang biết là mình thua cuộc. Nó thiếu hẳn tự tin. Và cũng thiếu lòng tin ở cơ chế.
Trước đây, bộ máy đảng và chính quyền tập trung thật nhiều công sức vào việc gây dựng lòng tin vào các nhà lãnh đạo bằng cách thần thánh hóa, hoặc ít nhất, thần tượng hóa một người nào đó, trước là Hồ Chí Minh, sau là Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Ðồng và Võ Nguyên Giáp. Nhưng với giới lãnh đạo thuộc các thế hệ sau, các nỗ lực ấy bị biến thành tuyệt vọng ngay cả trước khi họ bắt đầu thực hiện. Lý do chính, tôi nghĩ, là do sự phát triển của truyền thông. Với thế hệ lãnh đạo đầu tiên, việc thần thánh hóa tương đối dễ: Dưới mắt dân chúng, ông Hồ Chí Minh, chẳng hạn, lâu lâu mới thoáng qua một lần. Toàn bộ hình ảnh của ông là do các cán bộ tuyên truyền hoặc chính ông vẽ ra. Không ai có thể kiểm tra được cả. Giới lãnh đạo gần đây, đi đâu cũng có các ống kính chĩa vào ghi hình và ghi âm, rất dễ bộc lộ những sự hớ hênh trong cả trí tuệ lẫn nhân cách. Huống gì hầu hết các nhà lãnh đạo gần đây đều thuộc loại kém cỏi. Họ khó đủ sức để giữ được lòng tin của quần chúng.

Dĩ nhiên, nói đến lòng tin của dân chúng đối với lãnh đạo Việt Nam, chúng ta khó tìm ra một bằng chứng cụ thể nào để phân tích. Bầu cử thì gian lận; các cuộc điều tra dư luận thì bị cấm đoán, mọi cố gắng tìm kiếm số liệu đều trở thành vô vọng. Nhưng ít nhất cũng có một số người biết chắc chắn là dân chúng không tin giới lãnh đạo: Ðó chính là giới lãnh đạo hiện nay. Biết, nên họ sợ và tìm mọi cách để tránh né việc đối đầu với việc bày tỏ cách đánh giá của dân chúng. Họ biết chắc chắn một điều: Nếu để dân chúng tự do bộc lộ lòng tin, họ sẽ chỉ đạt được số âm.

Như vậy, ở đây, chúng ta lại thấy một khía cạnh khác: Ở Việt Nam, không phải chỉ có việc dân chúng mất lòng tin vào cơ chế, cơ quan công quyền và giới lãnh đạo mà còn có hiện tượng bản thân giới lãnh đạo cũng không tin vào cơ chế và đặc biệt, vào quần chúng. Họ không bao giờ dám để dân chúng phát biểu một cách tự do và trung thực. Họ cũng không dám để dân chúng được tự do lựa chọn. Ðây đó, họ giải thích lý do tại sao Việt Nam không thể đa đảng: Ða đảng sẽ gây nên hỗn loạn. Tại sao đa đảng, ở các nơi khác không gây nên hỗn loạn mà ở Việt Nam thì có? Họ trả lời: Tại dân trí Việt Nam còn thấp! Nói thế tức là không tin vào trí tuệ, vào phán đoán, và cuối cùng, sự lựa chọn của dân chúng.

Trên diễn đàn quốc tế, giới lãnh đạo Việt Nam nói đến lòng tin, nhưng một trong những bi kịch lớn nhất ở Việt Nam là không ai tin ai cả. Trong quan hệ xã hội, người ta không tin nhau. Trong quan hệ chính trị, dân chúng không tin nhà cầm quyền và nhà cầm quyền, ngược lại, cũng không tin dân chúng. Khi lòng tin bị đánh mất, yếu tố thống trị mọi quan hệ xã hội và chính trị chỉ còn là sự giả dối.

Giả dối thì ở đâu cũng có, nhưng ở Việt Nam, sự giả dối có hai điểm đặc biệt: Thứ nhất, nó không phải chỉ hiện diện, thậm chí, không phải chỉ phổ biến mà còn thống trị mọi sinh hoạt và mọi loại quan hệ; và thứ hai, chính vì tính chất thống trị ấy, nó trở thành một điều bình thường, không còn làm cho ai xấu hổ cả.

Không có một xã hội nào có thể lành mạnh nếu thiếu sự tin cậy và không có một nền đạo đức nào có thể đứng vững nếu thiếu sự xấu hổ.

Tiếc, Việt Nam thiếu cả hai.
tankhoasinh
Posts: 838
Joined: Sat Jun 23, 2007 4:20 am
Contact:

Post by tankhoasinh »

Bí mật động trời việc Mỹ do thám toàn thế giới


Giám đốc tình báo đối ngoại Mỹ và Nhà Trắng cuối cùng đã xác nhận một sự thật: chính quyền Barack Obama đang giám sát toàn bộ thế giới.
Làm thế nào mà Mỹ có thể xử lý khối lượng dữ liệu khổng lồ như vậy?

Image
Trung tâm dữ liệu Utah của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ đang thu thập dữ liệu điện tử của nhiều người khắp thế giới. Ảnh: AP.


Ở phía nam hồ Muối lớn tại bang Utah, đơn vị tình báo đối ngoại của Mỹ tên là Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) đang giữ một trong những bí mật đắt giá nhất.

Lưu dữ liệu cả thế giới trong 100 năm tới

Ở phía nam hồ, trên diện tích 100.000 m2 gần doanh trại quân đội William, NSA đang xây khu nhà rộng lớn để chứa hàng loạt máy tính siêu nhanh.

Trong dự án trị giá khoảng 2 tỷ USD này, hệ thống máy tính ở đây có khả năng lưu trữ lượng dữ liệu khổng lồ, tối thiểu là 5 tỷ gigabyte. Chỉ riêng lượng điện dùng để chạy hệ thống làm mát các máy chủ cũng tiêu tốn 40 triệu USD mỗi năm.

cựu nhân viên NSA là Thomas Drake và Bill Binney hồi tháng 3 nói với báo Spiegel (Đức) rằng, cơ sở của NSA sẽ sớm thu thập dữ liệu cá nhân khắp nơi trên thế giới và lưu trữ trong vài thập kỷ. Những dữ liệu điện tử này bao gồm địa chỉ email, hội thoại trên Skype, tìm kiếm trên Google, video trên YouTube, chia sẻ trên Facebook, giao dịch điện tử qua ngân hàng…
Theo một chuyên gia từng làm cho NSA, các máy chủ đặt ở Utah đủ lớn để có thể lưu trữ toàn bộ dữ liệu điện tử của loài người trong vòng 100 năm tới.

Giám đốc NSA James Clapper cuối tuần qua thừa nhận sự tồn tại của chương trình giám sát quy mô lớn mà Washington đang thực hiện. Tổng thống Barack Obama còn giải thích rằng, Quốc hội Mỹ cho phép thực hiện chương trình này, nhưng người dân Mỹ không nằm trong diện bị giám sát.

Theo tài liệu tuyệt mật do cựu nhân viên CIA Edward Snowden tiết lộ, giới tình báo Mỹ bắt đầu tiếp cận máy chủ của các hãng dịch vụ internet lớn từ năm 2007.

Microsoft, Yahoo, Google, Facebook, PalTalk, YouTube, Skype, AOL… đều nằm trong diện này. Gần đây nhất, Apple cho biết, sẵn sàng hợp tác từ tháng 10/2012. Các hãng công nghệ hàng đầu thế giới như Google, Facebook… cuối tuần qua nói rằng, họ không tiết lộ thông tin của người dùng mà không có lệnh của tòa án.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn tin rằng, NSA lấy dữ liệu từ hệ thống máy chủ của các hãng công nghệ. Nếu những điều trong tài liệu bị rò rỉ là có thật, thì điều đó nghĩa là NSA biết mọi hành động của tất cả người sử dụng dịch vụ của các công ty trên. Washington Post dẫn lời một sĩ quan tình báo giấu tên nói rằng, NSA có thể “xem các ý tưởng của bạn hình thành khi bạn gõ trên bàn phím”.

Tuyển 1.600 chuyên gia ngôn ngữ
Image
Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ đang thực hiện chương trình tuyệt mật Prism.


Utah là nơi sinh sống của cộng đồng người Mormon lớn nhất thế giới. Cộng đồng dân cư sùng đạo và ái quốc này đang cử các nhà truyền giáo trẻ đi khắp thế giới, rất nhiều trong số đó được Lực lượng Vệ binh quốc gia bang Utah tuyển dụng.

Lữ đoàn Tình báo Quân đội thứ 300 của lực lượng này đang tuyển dụng 1.600 nhà ngôn ngữ học. NSA có thể tiếp cận những chuyên gia ngôn ngữ này bất kỳ lúc nào. Một người trong cuộc (xin giấu tên) nói rằng, các nhà ngôn ngữ học được sử dụng để “phân tích thông tin liên lạc quốc tế”.

Trong tài liệu mật bị rò rỉ nói trên, chương trình giám sát khổng lồ của NSA được gọi là “Prism”. Tài liệu cho thấy dòng dữ liệu di chuyển từ châu Âu sang châu Á, từ khu vực Thái Bình Dương sang Nam Mỹ hay bất kỳ đâu đều đi qua các máy chủ đặt tại Mỹ.

Trước đây, chính quyền George Bush hợp pháp hóa việc nghe lén của chính phủ. Tuy nhiên, chính quyền Barack Obama đã đổi mới luật gây tranh cãi này vào tháng 12/2012 để cho phép mở rộng chương trình giám sát, ví dụ tất cả người sử dụng Google ở ngoài lãnh thổ Mỹ hay giao tiếp giữa công dân Mỹ với người ở nước ngoài đều bị theo dõi.

Cuối tuần qua, trước sự chỉ trích của các nhà hoạt động và người dân về chương trình giám sát bí mật vừa bị tiết lộ, Tổng thống Obama lý luận rằng, không thể đảm bảo an ninh 100%, không thể có sự riêng tư 100% và không thể không có sự bất tiện.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tư pháp Đức, bà Sabine Leutheusser-Schnarrenberger, không đồng ý với quan điểm này.

“Một xã hội càng giám sát, kiểm soát, theo dõi công dân của mình thì xã hội đó càng ít tự do. Trong một nhà nước dân chủ, an ninh bản thân nó không phải là mục đích, mà là phụng sự để đảm bảo quyền tự do”, bà Sabine nói.

Ngày 11/6, các quan chức Liên minh châu Âu và chính khách Đức yêu cầu phía Mỹ làm rõ về chương trình bí mật thu thập dữ liệu về người nước ngoài.

Do thám qua internet và vệ tinh

Không chỉ giám sát người dùng internet, NSA còn do thám trên quy mô toàn cầu qua nhiều phương tiện khác, như vệ tinh. Mỹ đã lắp đặt hàng loạt ăng-ten hiệu suất cao ở nhiều nước để thu tín hiệu điện thoại di động.

Đến nay, điều các chuyên gia nghi ngờ nhiều năm đã trở nên rõ ràng, rằng NSA đang theo dõi tất cả các dạng trao đổi, liên lạc điện tử trên toàn thế giới. Điều này làm dấy lên câu hỏi quan trọng: Làm sao mà một cơ quan tình báo với 40.000 nhân viên có thể xử lý khối dữ liệu đồ sộ đến thế?

Câu trả lời nằm trong khái niệm “dữ liệu lớn” (big data) được nói đến nhiều gần đây. Nhờ công nghệ lưu trữ dữ liệu kiểu mới, người ta có thể kết nối những dạng dữ liệu hoàn toàn khác nhau và phân tích chúng bằng phương pháp hoàn toàn tự động.
khieulong
Posts: 3552
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

Tình thế đòi hỏi
Bùi Tín
Tình hình chính trị ở Việt Nam đang đòi hỏi cấp bách một tổ chức chính trị, để thoát khỏi tình trạng độc đảng lạc hậu và tệ hại cho dân cho nước.

Việc này không thể trì hoãn được nữa.

Việc hình thành một tổ chức chính trị ở Việt Nam là hoàn toàn chính đáng, hợp pháp, hợp đạo lý. Hiến pháp Việt Nam ghi rõ quyền lập hội. Các công ước quốc tế và Hiến chương Liên Hiệp Quốc cũng long trọng công nhận quyền tự do ngôn luận và tự do lập hội.

Cần chỉ ra rằng việc Điều 4 của Hiến pháp Việt Nam xác định vị trí lãnh đạo duy nhất của đảng CS không qua bầu cử tự do và định kỳ là vi phạm chính Hiến pháp, là vi phạm các công ước quốc tế về nhân quyền; do đó điều này vô giá trị, dù có bị xoá bỏ hay không.

Hơn nữa, đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) đã dùng Điều 4 để tước đi của công dân quyền được lập hội. Rõ ràng đây là một hành động phạm tội chà đạp Hiến pháp trong suốt thời gian cầm quyền cho đến nay, và lẽ ra đảng CSVN đã phải bị truy tố và xét xử trước Tòa án Hiến pháp, nếu như có tòa án này.

Bộ Chính trị đảng CSVN đã lừa bịp trắng trợn khi một mặt quyết duy trì bằng mọi giá Điều 4, vừa khẳng định một cách bịa đặt là hơn 70% công dân muốn duy trì Điều 4, nhưng lại không dám tổ chức trưng cầu dân ý công khai về điểm này.

Do những lý do trên việc công dân Việt Nam cùng nhau bàn bạc về việc thành lập một tổ chức chính trị khác nhằm vừa ganh đua vừa hợp tác với đảng CS để lãnh đạo và cai trị đất nước là một điều cần thiết, cấp bách, hơn nữa còn là việc làm hợp hiến, hợp pháp, quang minh chính đại.

Đây sẽ là một bước tiến của dân tộc, một cuộc đột phá ngoạn mục để đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng toàn diện và bế tắc hiện nay.

Nhiệm vụ thành lập một chính đảng mới đang được đặt ra trước cuộc sống của dân tộc. Ông Chu Hảo, một đảng viên CS cao cấp, giám đốc nhà xuất bản Trí Thức, đã công khai nói lên nhu cầu quan trọng này. Giáo sư Tương Lai, một trí thức CS có uy tín, cũng bày tỏ mong muốn và ý định ấy. Trung tướng Đặng Quốc Bảo, nguyên là uỷ viên Trung ương đảng CSVN, trưởng ban Khoa giáo Trung ương, cũng nêu bật sự tất yếu của một chế độ chính trị đa nguyên, có nhiều đảng tranh đua, kiểm tra nhau trong một chế độ dân chủ lành mạnh. Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, cựu đại sứ VN tại Trung Quốc, cũng có chính kiến tương tự.

Có thể nói đây là biện pháp cơ bản, là giải pháp chiến lược then chốt cho các vấn đề sinh tử ở nước ta, không thể trì hoãn được nữa.

Rất cần một cuộc thảo luận công khai giữa tất cả các tổ chức và cá nhân quan tâm đến vận mệnh dân tộc, đến cuộc sống của nhân dân, đến tiền đồ các thế hệ tương lai.

Có một loạt vấn đề liên quan đến xây dựng lên một tổ chức chính trị mới rất cần trao đổi thẳng thắn, công khai trên tinh thần xây dựng. Tổ chức mới nên mang hình thức nào? Một tập hợp, một liên minh, một chính đảng, hay một mặt trận, một hội đoàn? Tên của tổ chức ấy nên là gì? Dân chủ, Dân chủ Xã hội, Cứu quốc, Dân tộc, Phục hưng, Canh tân, Dân Việt, Tân Việt? Theo tôi có thể là Tập hợp Dân chủ Việt Nam. Rõ, gọn.

Nên trao đổi về tôn chỉ mục đích để xây dựng điều lệ. Như: toàn dân cùng chung sức xây dựng một chế độ dân chủ ngày càng hoàn thiện, bình đẳng, pháp quyền nghiêm minh; hòa hợp dân tộc, xóa bỏ thành kiến chia rẽ Bắc – Nam kéo dài; triệt để từ bỏ khái niệm «ngụy quân, ngụy quyền», chăm sóc nghĩa trang mọi liệt sỹ và nạn nhân chiến tranh, không phân biệt trước đây thuộc bên nào; phát triễn và duy trì quan hệ láng giềng tốt, nhưng kiên quyết bảo vệ lãnh thổ lãnh hải của Tố Quốc; chống tham nhũng, lãnh phí; tôn trọng quyền tư hữu và quyền tự do kinh doanh.

Thái độ với đảng CS: chống nhóm lãnh đạo bảo thủ, giáo điều, tham nhũng, lạc hậu, coi đông đảo đảng viên CS ở cơ sở là đồng bào ruột thịt thân thiết, sẵn sàng đón nhận các đảng viên CS cũ ở bất cứ cấp nào vào hàng ngũ mình trên tinh thần bình đẳng. Đây là quyền tự do cơ bản thiêng liêng của mọi công dân được thay đổi, lựa chọn chỗ đứng chính trị của mình. Đông đảo đảng viên CS cũng là nạn nhân, bị nhóm lãnh đạo lừa dối.

Cần phân biệt rõ nhóm lãnh đạo gồm Bộ Chính trị, phần lớn uỷ viên Trung ương, các quan chức các cấp có quyền lực và bị quyền lực tha hóa, trở thành nhũng tư bản đỏ giàu sang xa rời nhân dân, với các đảng viên ở cơ sở, cũng bị đè nén bóc lột như dân thường. Họ cũng đứng dậy cùng nhân dân đòi tự do và bị nhóm lãnh đạo bất lương đàn áp không thương tiếc. Một số đã rời đảng CS, mong chờ một tổ chức chính trị lương thiện, tiền tiến.

Cuộc trao đổi sẽ rất hào hứng khi được các blogger tự do tham gia tịch cực và được một nhóm trí thức dân tộc dấn thân mạnh dạn đứng ra chỉ đạo. Đây là trách nhiệm của kẻ sỹ dân tộc giữa thời đất nước lâm nguy. Thanh niên và phụ nữ là 2 động lực mầu nhiệm cho cuộc Phục hưng của dân tộc trên con đường đa nguyên hóa văn minh kịp thời đại. Một số nhân sĩ dân chủ đã cao tuổi nhưng tư duy còn trẻ, khỏe, nên công khai cùng đứng ra thúc đẩy quá trình đa nguyên hóa trong trật tự và tự nguyện làm cố vấn cho tổ chức chính trị mới.

Khi đã có đa đảng, gồm có đảng CS và 1 hay vài đảng mới xuất hiện, sinh hoạt chính trị đa nguyên sẽ sôi nổi sinh động trong khuôn khổ luật pháp, để công dân có thể định kỳ lựa chọn thật sự người đại diện cho mình. Các tổ chức quần chúng như công đoàn, thanh niên, phụ nữ…cũng sẽ phân hóa thành những tổ chức đa nguyên, đa dạng, ganh đua bình đẳng, do đó luôn giữ mình trong sạch, làm việc có hiệu quả xã hội, tôn trọng và phục vụ xã hội công dân.

Từ nay đến cuối năm 2013 là thời gian vừa đủ cho việc trao đổi phong phú chuẩn bị để đầu năm 2014 có thể xuất hiện tổ chức chính trị đối lập, cạnh tranh lành mạnh với đảng CS hiện nắm độc quyền lãnh đạo. Mọi sự độc quyền đều chứa đựng nguy cơ tha hóa, gây tai họa không thể lường hết cho xã hội, từ mất độc lập, bị ngoại xâm gặm nhấm, từ tàn phá kinh tế, biển thủ kinh hoàng về tài chính quốc gia, đến băng hoại thê thảm về đạo đức và văn hóa, làm nhục quốc thể, cuộc sống toàn dân đầy bi kịch và bất an.

Trong xã hội và trên thế giới ảo của các blogger đã bàn luận khá nhiều về hiện tình đất nước và những giải pháp. Nay đã đến lúc phải hành động và hành động cụ thể để cứu dân, cứu nước khỏi cuộc trầm luân khốn khổ đã kéo quá dài, vượt quá sự chịu đựng của toàn dân ta.

Dấn thân lập ra một tổ chức chính trị lương thiện, chung lòng chung sức, với thiện chí và bao dung, chấp nhận trạng thái đại đồng tiểu dị, luôn tâm niệm xây dựng dân chủ vì dân, nhất định chúng ta sẽ đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng, đi vào kỷ nguyên dân chủ, viết tiếp lịch sử oanh liệt của dân tộc, xứng đáng với ông cha, tạo tương lai vững bền cho các thế hệ nối tiếp.

Việc chuyển biến về chất của xã hội Việt Nam như trên sẽ là thành quả nỗ lực trực tiếp của đồng bào thân yêu ở trong nước. Cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài, phần lớn đã mang quốc tịch khác, là người nước ngoài gốc Việt, khó lòng làm được việc gì hơn là cổ vũ và hỗ trợ từ xa. Chỉ riêng thái độ tận lực ủng hộ những việc làm đúng đắn kịp thời, không gây khó khăn trống đánh xuôi kèn thổi ngược, luôn đồng thanh tương ứng với đồng bào đứng dậy đấu tranh ở trong nước, là một đóng góp quý báu vào tiến trình lịch sử.

Nguồn: Blog Bùi Tín/VOA
buikiem
Posts: 501
Joined: Sat Sep 22, 2012 12:45 am
Contact:

Post by buikiem »

Image
Tuyên bố chung Việt - Trung có tới 29 lần "nhất trí"
Trần Trung Đạo
(Danlambao) - Đọc tuyên bố chung giữa Tập Cận Bình và Trương Tấn Sang ký ngày 21 tháng Sáu vừa qua mới thấy số phận chùm gởi CSVN phụ thuộc sâu xa vào cây cổ thụ già Cộng Sản Trung Quốc đến mức độ nào. Sự khiếp nhược và ươn hèn thể hiện rõ đến mức chỉ trong một văn bản gồm 8 điểm nhưng có tổng cộng 29 lần “nhất trí”.

Hai bên “nhất trí” không chỉ các chính sách đối nội nhằm duy trì quyền lãnh đạo tuyệt đối của đảng CS mà còn “có lập trường tương tự và gần nhau trong nhiều vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm” trong đó có cả vấn đề Đài Loan, một vấn đề thuộc nội bộ Trung Quốc không dính líu gì đến Việt Nam.

Tưởng cũng nên nhắc lại. Năm 1958, vì quá nhiệt tình nịnh bợ đàn anh CSTQ trong tranh chấp với Mỹ về vấn đề Đài Loan, Bộ Chính Trị đại hội II của đảng CSVN đã chỉ thị Phạm Văn Đồng viết công hàm “ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc.” So sánh nội dung của tuyên bố chung lần này với các văn bản theo đuôi Trung Quốc của các thập niên 1950, 1960 không khác nhau nhiều. Thời gian cách nhau hơn nửa thế kỷ nhưng mức độ khiếp nhược của CSVN đối với đàn anh CSTQ vẫn không thay đổi.

Vấn đề tranh chấp biển Đông là vấn đề nóng bỏng nhất, Trương Tấn Sang thay vì khẳng định việc quốc tế hóa, mở rộng vấn đề biển Đông sang các diễn đàn quốc tế như Philippines đang làm, lại cũng “nhất trí” thu hẹp vấn đề trong phạm vi hai nước “nhất trí giữ bình tĩnh và kiềm chế, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, đồng thời sử dụng tốt đường dây nóng quản lý, kiểm soát khủng hoảng trên biển giữa Bộ Ngoại giao hai nước, xử lý thỏa đáng các vấn đề nảy sinh với thái độ xây dựng, không để các vấn đề này ảnh hưởng đến đại cục quan hệ Việt-Trung cũng như hòa bình, ổn định tại Biển Đông.”

“Hòa bình” và “ổn định” là hai thuật ngữ ngoại giao bắt đầu từ chủ trương Đặng Tiểu Bình đã được lập đi lập lại trong hầu hết các văn bản về chính sách đối ngoại của CSTQ.

Từ nhiều năm nay, Trung Quốc một mặt kêu gọi “hòa bình” và “ổn định” nhưng mặt khác đã cho dời từng cây cọc trên vùng biên giới, lấn chiếm từng thước đất, từng bãi san hô, từng hòn đảo nhỏ trên biển Đông. Cái hèn hạ và tin tiện của đám lãnh đạo CSTQ là chúng chỉ biết ăn hiếp những đám lãnh đạo cũng hèn hạ và ti tiện tương tự, trong trường hợp này là CSVN và chỉ biết ăn cắp vặt để các cường quốc không đủ lý do đặt vấn đề và các biến cố do chúng gây ra không đủ tầm vóc để được quốc tế quan tâm.

Bài học chính trị, kinh tế, quân sự từ thời thượng cổ đến nay đều cho thấy, đương đầu với kẻ thù lớn mạnh, chọn lựa cần thiết của các quốc gia nhỏ yếu là liên kết chặt chẽ với nhau và đồng minh với các nước lớn khác có quyền lợi mâu thuẫn với kẻ thù.

Dĩ nhiên giới lãnh đạo CSVN biết chiến lược quen thuộc đó nhưng tham vọng quyền lực của đảng CS và túi tham cá nhân, băng đảng không đáy đã làm mờ mắt họ, che mất tầm nhìn của họ vào các thế hệ tương lai con cháu giòng giống Việt.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, Đảng Cộng sản Trung Quốc là chỗ dựa duy nhất và cũng là cuối cùng của đảng CSVN. Từ đó đến nay, các chính sách của đảng, từ các đổi mới kinh tế, xã hội cho đến các quan điểm chính trị, tư tưởng gần như rập khuôn Trung Quốc.

Giới lãnh đạo CSVN quá lo cho nồi cơm riêng của họ đến nỗi quên rằng Trung Quốc cũng có nhiều thách thức kinh tế xã hội và hạn chế chính trị nội bộ cần phải vượt qua để có thể duy trì tốc độ phát triển kinh tế hiện nay và tiếp tục cạnh tranh với Mỹ, Nhật, Đức.

Kỹ thuật quân sự của Trung Quốc tiến xa so với thời kỳ chiến tranh với Việt Nam tháng Giêng 1979 nhưng điều kiện kinh tế toàn cầu ngày nay cũng đã làm cho các cường quốc phụ thuộc vào nhau nhiều hơn so với 30 năm trước. Ngoài ra, các vấn đề môi sinh, ô nhiễm, khan hiếm năng lượng đang là những mối đe dọa trầm trọng tại Trung Quốc và ảnh hưởng lớn đến cán cân thương mại quốc gia trong tương lai gần.


Quốc gia nào cũng cần ổn định để phát triển nhưng Trung Quốc cần ổn định hơn bất cứ quốc gia nào khác trong vùng.

Mặc dù viện trợ 2 tỉ đô la hàng năm để nuôi dưỡng chế độ độc tài man rợ của gia đình họ Kim nhưng chính Trung Quốc lại là một trong những nước lo lắng nhất khi họ Kim ra lệnh thử đầu đạn hạt nhân bất chấp lời can gián của Bắc Kinh. Bởi vì, nếu chiến tranh Nam Bắc Hàn lần nữa xảy ra, ngoài làn sóng tỵ nạn khổng lồ sẽ tràn ngập biên giới phía đông bắc Trung Quốc, hạ tầng kinh tế gầy dựng bấy lâu nay của Trung Quốc sẽ sụp đổ và có thể cả toàn bộ thượng tầng kiến trúc chính trị cũng sẽ tiêu vong theo. Giới lãnh đạo Trung Quốc còn ôm mối lo canh cánh khác bên lòng rằngTrung Quốc tuy là một nước lớn nhưng thường bị các nước nhỏ xâm lăng và cai trị nhiều chục năm, thậm chí hàng trăm năm như dưới các triều đại Mãn Thanh. Sự tan rã của đế quốc CSTQ chỉ là vấn đề thời gian.

Tuyên bố Việt-Trung mang nội dung ươn hèn và khiếp nhược của lãnh đạo đảng CSVN trước thiên triều CSTQ là lời cảnh tỉnh cuối cùng đối với những người đang còn ngóng cổ trông chờ, còn đang van xin thỉnh nguyện đảng CS sớm hồi tâm, hướng thiện mà còn là tiếng chuông gõ nhịp vào lương tri của cả dân tộc.

Như kẻ viết bài này kết luận trong bài “Ai giết 9 ngư dân Thanh Hóa ?” trước đây, chỉ có một Việt Nam văn minh dân chủ với một nền kinh tế cường thịnh, một hệ thống khoa học kỹ thuật hiện đại là phương pháp hữu hiệu nhất để ngăn chận không những Trung Quốc mà bất cứ một thế lực xâm lăng nào muốn thách thức đến chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Do đó, thay vì van xin, thỉnh nguyện đảng CS, những ai quan tâm đến đến tiền đồ đất nước nên dứt khoát tập trung toàn lực vào việc thay đổi cơ chế chính trị độc tài CSVN hiện nay.

Nếu không làm được thế, rồi không chỉ 9 ngư dân Thanh Hóa, không chỉ Hoàng Sa, Trường Sa, mà cả dân tộc lại sẽ chìm đắm trong họa đồng hóa của thời đại mới. Và khi đó, đừng đổ thừa cho Trung Quốc mà chính sự nhu nhược, yếu hèn, mê muội trong mỗi chúng ta đã giết chết 9 ngư dân Thanh Hóa, giết chết chính chúng ta và dân tộc Việt Nam.

Trần Trung Đạo
buikiem
Posts: 501
Joined: Sat Sep 22, 2012 12:45 am
Contact:

Post by buikiem »

"Cộng sản" vẫn là một từ bẩn thỉu trong khu người Việt nhập cư

Kirk Johnson/The New York Times
Lê Quốc Tuấn dịch Việt Ngữ
OLYMPIA, Washington - Có thể cuộc chiến tranh lạnh đã kết thúc, nhưng ký ức về thời gian ấy vẫn mạnh mẽ và dai dẳng trong cộng đồng người Việt tại tiểu bang Washington

Đức Tân cho biết, ông tin rằng những lời buộc tội ông có thiện cảm với cộng sản bắt nguồn từ một tranh chấp về một nhóm công dân.

Những người tị nạn có tuổi từng sống qua thời chiến tranh Việt Nam và cuộc sụp đổ của Sài Gòn vào năm 1975, đa số bị ám ảnh bởi kinh nghiệm khó quên và không thể dung thứ. Ngay cả bây giờ, một lời buộc tội là có cảm tình với chính quyền cộng sản - dù là sự thực hay chỉ tưởng tượng - có thể làm tan nát một uy tín.

Hoặc có thể trả được một mối hận trong quá khứ.

Đó là những gì rõ ràng đã xảy ra trong vụ kiện giữa ông Tân Đức và Norman Lê cùng những người cộng sự, theo Tòa án tối cao Washington, trong một vụ kiện về phỉ báng dân sự đã mang đến một cái nhìn hiếm hoi vào cuộc sống tình cảm nội tâm của người Mỹ gốc Việt.

Trong những ngày gần đây, căng thẳng và lo lắng về tự do ngôn luận đã gia tăng mạnh trên khắp nước trong bối cảnh cuộc tranh cãi về sự giám sát điện thoại và Internet của liên bang vì an ninh quốc gia. Và rất nhiều những lo lắng này đã gia tăng trong cộng đồng di dân, đặc biệt là những cộng đồng từ Trung Đông, nơi mà các thuật ngữ của chủ nghĩa tôn giáo cực đoan có thể gây ra những nghi ngại.

Tại đây, ở Olympia, tranh chấp với nhau là những người đàn ông gầy ốm với mái tóc đã thưa. Một người bị cáo buộc là cộng sản, người kia là kẻ chụp mũ. Cả hai đều từng làm việc cho chính phủ hoặc quân đội miền Nam Việt Nam. Cả hai đã trở thành những nhà lãnh đạo trong các hội nhóm phấn đấu để giữ gìn tiếng Việt và truyền thống Việt Nam tại địa phương ở phia Tây Washington.

Nhưng, bắt đầu khoảng một thập kỷ trước, ông Lê, 78 tuổi, cho biết ông đã tin rằng ông Tân, 69 tuổi, là một cảm tình viên bí mật với Cộng sản ở quê nhà. Cuối cùng, ông đã đưa ra công chúng sự khẳng định ấy của mình, công bố trên các báo chí Việt Nam và lây lan qua các phương tiện truyền thông xã hội.

Đối với người ngoại cuộc, một số bằng chứng mà Ông Lê viện dẫn có vẻ hài hước. Chẳng hạn như, một cái tạp dề nấu ăn sử dụng tại một hội chợ cộng đồng, được trưng ra tại tòa cho thấy một con người đội mũ, vui vẻ, mà ông Lê cho biết là một tiêu biểu rõ ràng của nhà lãnh đạo Công sản Hồ Chí Minh, nhưng Ông Tân cho biết là thực ra không ai khác hơn là ông già Noel.

Một nhạc sĩ được Ông Tân mang đến toà, người có trách nhiệm bắt nhịp trường canh đầu tiên của bản quốc ca hiện đại Việt Nam, đã lúng túng dừng lại rồi mới tiếp tục những gì mọi người chờ nghe: bản quốc ca miền Nam Việt Nam, bài hát của một quốc gia không còn tồn tại. Ông Lê cho là một âm mưu cố ý, ông Tân bảo chỉ là sự cố không mong muốn.

Cuối cùng, ông Tân bị kiện tội phỉ báng vào năm 2004, vốn là một vụ kiện hiếm khi xảy ra trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt, nơi các tranh chấp thường được đưa ra trong nội bộ. Một bồi thẩm đoàn dân sự đã tìm thấy Ông Lê và những người cùng phỉ báng phải chịu trách nhiệm.

Phiên tòa phúc thẩm lật ngược lại phán quyết ấy nhưng sau đó vào tháng trước tòa án tối cao Washington đã khôi phục phán quyết ban đầu của bồi thẩm đoàn, đền bù $310,000 cho ông Tân và Cộng Đồng Người Việt quận Thurston. Các luật sư của ông Lê đã yêu cầu tòa án xem xét lại.

Nhưng những cư dân địa phương cho biết, cuộc đấu tranh tiêu diệt nhau này đã làm thay đổi cộng đồng.

Một trường dạy tiếng Việt, nơi ông Tân từng là hiệu trưởng, đã sụt giảm vì hậu quả của cuộc tranh cãi: từ 120 học sinh một thập kỷ trước giờ còn khoảng 60 em, vị hiệu trưởng hiện tại nói. Các cuộc tụ tập đông người cho các dịp lễ kỷ niệm văn hóa trong khu vực Olympia, như tết năm mới, đã phai nhạt hoặc hoàn toàn ngưng lại trong vài năm qua.

"Chúng tôi đang cố gắng để tránh các gán ghép hoặc xung đột thêm," Hiệp Trần, 50 tuổi, một chuyên viên giao thông vận tải của chính phủ đã nói.

Bà Mai Vũ, 55 tuổi, cho biết sau một vài năm ở Mỹ, trong những năm 1970, bà đã tin rằng các cuộc biểu tình là vô ích trong việc xua đuổi Công Sản khỏi Việt Nam. Nhưng bây giờ, bà cho biết mình cảm thấy lo lắng vì việc không được xem là chống cộng đủ cũng có thể khiến bị tấn công.

"Khi chúng tôi không bước xuống phố tố cáo và hô "Đả đảo Cộng Sản" thì chúng tôi là có cảm tình với cộng sản", bà nói. "Đó là vấn đề tôi thấy và tôi không đồng tình với điều đó."

Trong cuộc phỏng vấn gần đây tại văn phòng luật sư của mình, (nơi ông Trần và bà Vũ cũng từng được ông Tân mời đến để nói về công đồng), ông Tân cho biết rằng ông không phải là Cộng sản, và chính bản thân ý tưởng ấy rất là xúc phạm. Phát biểu qua một thông dịch viên, ông tin rằng những cáo buộc của ông Lê xuất phát từ các tranh chấp cá nhân về vai trò lãnh đạo một ủy ban dân sự.

"Tôi tin rằng đó là một chuyện bất đồng cá nhân và trả thù cá nhân", ông Tân cho biết.

Ông Lê, trong một cuộc phỏng vấn tại tư gia gần Lacey của con gái, cũng vẫn kiên quyết. Ông cho rằng mình đã nói lên sự thật và không có gì hối tiếc.

"Chúng tôi cần phải lên tiếng, bởi vì những gì mang lại cho chúng tôi ở đây là tự do ngôn luận", ngồi trong một phòng khách có cờ sọc vàng đỏ của miền Nam Việt Nam đong đưa cạnh lá cờ Mỹ tại lối vào, gần một chân dung của Tổng thống Ronald Reagan, ông Lê đã nói như thế.

Bị kết án là cảm tình hay có hợp tác với Cộng sản - đôi khi còn đi kèm với bạo lực và thậm chí cả dọa giết người - đã xé nát nhiều cộng đồng người Việt ở Mỹ trong những năm sau chiến tranh. Và những lựa chọn khó khăn, có tính cá nhân của một giai đoạn vẫn còn ảnh hưởng, theo hồ sơ tại tòa án, ông Tân, từng ký một lời tuyên thệ trung thành với chính quyền cộng sản để được thả ra khỏi trại cải tạo trước khi trốn khỏi đất nước vào năm 1978.

Nhưng cảm xúc về chính trị của thế hệ trong chiến tranh không còn chi phối như trước, ông Jeffrey Brody, giáo sư về truyền thông tại California State University, Fullerton, người từng nghiên cứu và làm việc trong cộng đồng Việt Nam trong nhiều năm cho biết. Ông nói, đối với đa số con em của những người tị nạn, việc chấp nhận quyền tồn tại của chính phủ Việt Nam hiện nay, mặc dù hiếm khi được tán thưởng, ít nhất đã trở thành một quan điểm tranh luận hợp pháp.

"Thế hệ trẻ thì khoan dung chính trị hơn về tự do ngôn luận", ông nói.

Ông Lê, người đã trải qua hơn chín năm trong một trại lao cải của cộng sản sau chiến tranh, đã làm chứng tại phiên tòa rằng những người sống sót được sau cuộc tiếp quản có "một quan điểm khác nhau" về chủ nghĩa cộng sản, và một sự hiểu biết về các phương pháp của cộng sản mà các tòa án và bồi thẩm đoàn Mỹ có thể có lẽ không bao giờ thực sự hiểu được.

James M. Johnson, một thẩm phán Tòa án tối cao đã đồng ý như thế. Trong một ý kiến ​​bày tỏ bằng những lời bất đồng mạnh mẽ, ông gọi phán quyết của đa số là một "án phạt oan ức cho ông Lê và tất cả những người đã từng mạo hiểm tất cả mọi thứ để được hưởng sự bảo vệ của Hiến pháp Hoa Kỳ" Ông nói thêm: "Các kinh nghiệm của những người từng đáp trả với chủ nghĩa cộng sản là chắc chắn phù hợp nhất với phân tích này ".

Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn, ông Lê đã chế giễu ý tưởng cho rằng Cộng sản Việt Nam đang xuất hiện để tiếp quản hoặc làm suy yếu nước Mỹ. Ông nói, tất cả nỗ lực của họ là về tạo nên hình ảnh và sự kiểm soát, nuôi dưỡng những ý kiến ​​tốt về chính phủ trong cộng đồng người lưu vong giữa nhưng người tị nan và con cái của họ.

Nguồn: The New York Times
lengoi
Posts: 486
Joined: Sat Oct 23, 2010 7:17 pm
Contact:

Post by lengoi »

Trận chiến về quyền lực

Nguyễn Hưng Quốc

Trong bài “Quyền lực”, khi định nghĩa quyền lực là khả năng chi phối, khống chế và sai khiến người khác, tôi chỉ xuất phát từ góc độ chính trị, lại là thứ chính trị học truyền thống, tương đối đơn giản. Thật ra, khái niệm quyền lực còn phức tạp hơn thế rất nhiều.

Nói đến quyền lực, những người quen đọc triết học và lý thuyết văn học hậu hiện đại hẳn sẽ nghĩ ngay đến Michel Foucault (1926-84), người nổi tiếng về việc đưa ra một cách hiểu mới về khái niệm quyền lực, một cách hiểu rất có ảnh hưởng trong giới nghiên cứu không những về triết học hay văn học mà còn cả về tâm lý học, xã hội học, chính trị học và rất nhiều lãnh vực khác.

Theo Foucault, quyền lực không phải chỉ là một cấu trúc hay một tác tố (agency) bao gồm những gì mà một số người có khả năng khống chế, cưỡng bức hay ra lệnh người khác theo cách hiểu cũ. Theo ông, quyền lực có mặt ở mọi nơi (1), nó phân tán hơn là tập trung, nó nhập thể hơn là sở hữu, nó thuộc về diễn ngôn hơn là thuần túy có tính chất cưỡng bức.

Thuộc về diễn ngôn (discourse), quyền lực gắn liền với kiến thức (bởi vậy, ông hay dùng chữ “quyền lực/kiến thức” – power/knowledge): Mỗi xã hội có một “chế độ chân lý” (regime of truth) hay một thứ chính trị chung về chân lý (general politics of truth), nghĩa là một thứ diễn ngôn có chức năng quy định thế nào là đúng và thế nào là sai, thế nào là thật và thế nào là giả, thế nào là tốt và thế nào là xấu, rồi dựa trên những tiêu chuẩn ấy, nó quy định những gì nên làm và những gì không nên hoặc không được làm, cuối cùng, dựa theo đó, nó đánh giá và đưa ra những cách thưởng phạt khác nhau. Cái “chế độ chân lý” ấy được xác lập bằng các diễn ngôn khoa học và các cơ chế sản xuất các diễn ngôn ấy và sau đó, được gạn lọc, phổ biến và củng cố bằng giáo dục cũng như hệ thống truyền thông (2).

Cái “chế độ chân lý” ấy không nhất thiết bất biến và cũng không chỉ được áp đặt từ trên xuống dưới. Nếu “quyền lực đến từ mọi nơi”, như Foucault có lần nhấn mạnh, quyền lực/kiến thức cũng có thể đến từ những người bị trị. Mọi người đều có thể tham gia vào “trận chiến cho chân lý” (battle for truth), tuy nhiên, theo Foucault, cái gọi là “chân lý” ở đây không phải là các sự thật được khám phá mà chủ yếu là các quy định theo đó người ta phân biệt cái đúng và cái sai và những hệ quả quyền lực gắn liền với những cái được gọi là đúng ấy. Nói cách khác, đó là cuộc đấu tranh về tình trạng của chân lý và về vai trò kinh tế cũng như chính trị của cái gọi là chân lý (3).

Áp dụng lý thuyết của Foucault vào hoàn cảnh Việt Nam hiện nay, chúng ta thấy ngay cuộc chiến đấu cho tự do và dân chủ thực chất là một cuộc chiến về quyền lực, để giành lại những quyền (rights) căn bản của dân chúng. Nhưng nói đến cuộc chiến quyền lực, không nên chỉ nghĩ đến các cuộc cách mạng bằng vũ trang hay bạo lực hay, tiêu cực và nhẹ nhàng hơn, các cuộc biểu tình hay tuyệt thực, thậm chí, không phải chỉ ở các bài tố cáo hay phê phán các sự lợi dụng quyền lực (bao gồm cả tệ nạn tham nhũng) hay hành xử quyền lực một cách sai lầm của nhà cầm quyền. Cuộc chiến quyền lực còn diễn ra một cách âm thầm trong việc xác định các khái niệm để định hướng cách suy nghĩ và đánh giá của mọi người về những vấn đề quan trọng của đất nước.

Về phương diện này, nên lưu ý, giới cầm quyền Việt Nam, hay đảng Cộng sản nói riêng, rất có ý thức. Họ vận dụng nó một cách triệt để và nhất quán suốt từ khi mới được thành lập. Họ có tham vọng viết lại từ điển tiếng Việt, ở đó, họ định nghĩa lại rất nhiều từ liên quan đến đời sống chính trị. Với họ, những chữ như “tự do”, “dân chủ”, “cách mạng”, “giải phóng”, “bình đẳng”, “tiến bộ”, “lạc hậu”, “trí tuệ”, “nhân dân”, “đất nước”, “cải tạo”, v.v. mang ý nghĩa khác hẳn. Bởi vậy, cãi với họ ở từng điểm một là một công việc vô ích. Vấn đề cần thiết hơn là vạch trần ra những âm mưu xuyên tạc chữ nghĩa, và từ đó, khung khái niệm của họ, và thay thế chúng bằng những cách hiểu mới thích hợp và chính xác hơn.

Một ví dụ cụ thể nhất là chữ yêu nước.

Trước, với người Việt Nam, yêu nước là quan tâm đến đồng bào, gắn bó với vận mệnh dân tộc và cương quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền cũng như sự phồn thịnh của đất nước. Thời Pháp thuộc, đảng Cộng sản, khi định nghĩa khái niệm yêu nước, một mặt, tập trung vào khía cạnh độc lập, mặt khác, nhấn mạnh vào yếu tố giai cấp, đặc biệt nhắm vào nông dân và vấn đề đất đai. Trong chiến tranh Nam Bắc, từ 1954 đến 1975, đảng Cộng sản lại tập trung vào mục tiêu thống nhất, nghĩa là yếu tố lãnh thổ và chủ quyền. Sau năm 1975, họ lại định nghĩa: yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội, ở đó ý thức hệ nổi trội hơn tinh thần dân tộc. Sau năm 1990, khi hệ thống xã hội chủ nghĩa sụp đổ ở Nga và Đông Âu, chiêu bài chủ nghĩa xã hội không còn thuyết phục nữa, họ dần dần quay trở lại với yếu tố dân tộc: yêu nước, với họ, là bảo vệ những thành quả của cuộc cách mạng kéo dài cả hơn nửa thế kỷ trong việc giành lại độc lập và thống nhất đất nước.

Thế nhưng, gần đây, khi âm mưu bành trướng lãnh thổ và lãnh hải của Trung Quốc càng ngày càng lộ liễu, khi Việt Nam đang phải đối diện với ý đồ lấn chiếm biển đảo của Trung Quốc, đảng Cộng sản và nhà cầm quyền Việt Nam, một lần nữa, lại thay đổi nội dung khái niệm yêu nước. Yêu nước, với họ, bây giờ chỉ còn ba nội dung chính: Một, tập trung vào sự phát triển kinh tế; hai, giữ gìn sự ổn định chính trị (nghĩa là duy trì bộ máy lãnh đạo tuyệt đối của đảng); và ba, quan trọng nhất, tin tưởng và phó thác toàn bộ vận mệnh đất nước cho đảng! Với cách hiểu “mới” như thế, lòng căm thù giặc cũng như ý chí tranh đấu để bảo vệ độc lập và chủ quyền lại bị xem là… phản quốc, và những người có những biểu hiện ấy một cách công khai bị đối xử như là kẻ thù!

Cũng vậy, gần đây, họ muốn sử dụng cuộc bỏ phiếu tín nhiệm ở Quốc Hội để chứng minh Việt Nam cũng có dân chủ, thậm chí, “dân chủ gấp vạn lần” các nước tư bản khác (theo lời bà Nguyễn Thị Doan, phó Chủ tịch nước) vì trên thế giới không ở đâu có hình thức bỏ phiếu như vậy (theo lời Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội). Ở đây, người ta thu hẹp ý nghĩa dân chủ vào việc bỏ phiếu mà cố tình lờ đi ba vấn đề quan trọng và căn bản trước, trong và sau cuộc bỏ phiếu ấy: Một, các đại biểu Quốc Hội có thực sự là đại biểu của dân chúng? Hai, việc chia thang điểm thành ba: tín nhiệm cao/tín nhiệm/tín nhiệm thấp có thực sự khoa học và có ý nghĩa?

Và ba, cái gì xảy ra sau cuộc bỏ phiếu ấy? Những người bị tín nhiệm thấp sẽ ra sao? Sẽ bị cách chức hay vẫn tiếp tục ngồi ì ra đó đến cuộc bỏ phiếu lần tới và lần tới nữa nữa?

Vân vân.

Nhìn mọi âm mưu tuyên truyền tại Việt Nam từ góc độ như thế, chúng ta sẽ thấy ngay đâu là tâm điểm của cuộc đấu tranh quyền lực tại Việt Nam hiện nay.

Chú thích:

1. Michel Foucault (1998), The History of Sexuality: The Will to Knowledge, London: Penguin, tr. 63.
2. Michel Foucault (1980), Power/Knowledge (Colin Cordon biên tập), New York: Pantheon Books, tr. 131.
3. Như trên, tr. 132.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
tiendung
Posts: 873
Joined: Tue Jun 19, 2007 7:47 am
Location: Paris
Contact:

Post by tiendung »

Image

Tín hiệu gì khi tăng cường bắt bớ

Nguyễn Ngọc Già
Sau Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào, Đinh Nhật Uy, mới nhất là Từ Anh Tú vừa bị bắt giữ vào sáng ngày 25/6/2013. Nguyên nhân nào, tội danh gì khiến Từ Anh Tú bị bắt vẫn chưa biết rõ. Tuy nhiên cho đến chiều cùng ngày, Từ Anh Tú đã được trả tự do [1]. Điều này cũng không có gì đảm bảo những cuộc quấy nhiễu anh cũng như các blogger khác không tiếp tục trong tương lai với chi tiết mà RFA cho hay việc bắt giữ Tú có thể liên quan đến cuốn sách "Bên Thắng Cuộc" - một tác phẩm gây tiếng vang và tranh cãi lớn suốt nhiều tháng trước đây.

Huy Đức - tác giả bộ sách 2 phần nói trên - đã chia tay nước Mỹ để trở về Việt Nam sau khi hoàn tất khóa học tại Harvard.

Điều khó hiểu, bất kỳ ai muốn đọc "Bên Thắng Cuộc" cũng có thể tải về hay đọc trực tiếp miễn phí đầy trên mạng, cớ gì cần phải bắt giữ Từ Anh Tú nhiều giờ đồng hồ?

Em gái Tú - cô Từ Thị Minh Thu cho rằng anh trai mình giữ khoảng 20 quyển sách. Nếu đó là sách in, có lẽ điều mà giới cầm quyền quan tâm: làm sao và ở đâu Tú có những quyển sách đó? Có phải một lần nữa, nhà cầm quyền tự tố cáo trước dư luận sự kiểm duyệt vô cùng khắc nghiệt nhằm bưng bít lịch sử suốt 38 năm qua mà nhà báo Huy Đức đã vỡ hoang mảnh đất khô cằn đó, nhằm cung cấp cho bạn đọc một số sự thật bị che dấu suốt nhiều năm liền? Người Cộng sản hay tạo sự việc theo họ mong muốn nhằm "nhóng" phản ứng từ dư luận, trước khi bắt tay vào thực hiện chính thức. Không riêng gì lãnh vực chính trị, trên khía cạnh kinh tế, luật pháp, họ có những chủ trương, chính sách hay gọi là "thí điểm", ví dụ phạt cũng có "phạt thí điểm"(!)

Khác với không khí hơi e dè trước đây, khi giới blogger bị ruồng bố 5 năm về trước, thời gian sau này việc bắt giữ luôn được truyền tin nhanh nhất với sự khẩn trương và đi kèm phẫn nộ cũng như pha chút hài hước hơn là sợ sệt. Dường như ai cũng chuẩn bị tinh thần để bước vào nhà tù vì biết rõ những gì mình viết về hiện trạng xã hội Việt Nam, không bao giờ giới cầm quyền Việt Nam lắng nghe và dung thứ, bất chấp viết có viện dẫn và căn cứ đi chăng nữa.

Trước khi Từ Anh Tú bị bắt một ngày, trên trang cá nhân, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cho hay [2]: một người tháp tùng trong chuyến đi đến Bắc Kinh của ông Trương Tấn Sang - Chủ tịch nước, đã báo cho ông Tạo về "danh sách 20 bloggers có thể bị bắt". Thông tin này không được xem là chuyện mua vui hay hù dọa và dĩ nhiên, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo không có ý định cợt nhã với một loại tin như thế. Người tháp tùng trong chuyến đi của ông Sang không thể là kẻ "vô danh tiểu tốt".

Không ai biết thêm chi tiết về danh sách được cho là cực kỳ bí mật này cũng như danh sách đó đã tính đến 4 người nói trên chưa. Tuy nhiên, điều đáng lưu tâm hơn con số "20", đó là thông điệp gì, ý nghĩa nào mà giới cầm quyền Việt Nam muốn chuyển đến người dân trong nước và thế giới qua việc tiết lộ này? "Tin dữ" được "bắn" ra từ Trung Quốc, nơi mà ông Trương Tấn Sang đang viếng thăm chính thức và hội đàm cùng với người tương nhiệm Tập Cận Bình.

Không thể nói việc tiết lộ của ai đó thông qua nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo là sự buột miệng, bởi những việc nhạy cảm và quan trọng như thế không thể có sự sơ sảy, thay vào đó, nó nên được xem là giới cầm quyền cấp cao Việt Nam đã có kế hoạch và cân nhắc kỹ lưỡng khi "bắn" tin như thế.

Ngày nay, kế sách "man thiên quá hải" hay "vô trung sinh hữu" vẫn còn được những người tâm đắc với "độc thủ chi diệu" sử dụng, nó xuất hiện đầy trong các bộ phim võ hiệp kỳ tình Trung Hoa phát nhan nhản trên tivi hàng ngày. Đầy trì trệ, lạc hậu nhưng vẫn đắc dụng khi người ta không thể nghĩ ra những mưu chước cao hơn.

Cũng nên ngạc nhiên một chút, khi ông Nguyễn Trọng Tạo được chọn làm nơi "phát tán" thay vì một vài cái tên khác có lập trường không phải dạng "phản biện trung thành" theo khái niệm mà nhà văn Phạm Thị Hoài sử dụng.

Giả sử biết được danh tánh người tung tin "danh sách 20 bloggers có thể bị bắt giữ", lúc đó có thể kết tội ông (bà) này vi phạm vào Luật Hình sự theo điều 88 mục 1 khoản b? Điều này nói rằng:

"Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân"

thì có thể bị án tù từ ba đến mười hai năm, trong trường hợp đặc biệt có thể lên đến hai mươi năm.

Người đoạt giải Netizen 2013 - Huỳnh Ngọc Chênh cho biết ông và một số bằng hữu cũng có thể là những người tiếp nối vào tù mà ông gọi vui là "nhập kho" [3].

Xã hội Việt Nam hiện nay tồn tại nhiều giai cấp, nhiều thành phần và nhiều xu hướng quan điểm chính trị khác nhau. Do đó, khó thể đánh đồng việc bắt một vài blogger này với một vài blogger khác, dù cho họ cùng được xem là bị vi phạm quyền tự do ngôn luận. Đó cũng là sự khác biệt cần phân tách rõ giữa Đinh Nhật Uy với Trương Duy Nhất và Phạm Viết Đào. Phân tách ở đây, không phải nhằm coi nhẹ Đinh Nhật Uy hay phân hóa chia rẽ giới blogger với nhau mà để nhìn thấu vào bản chất câu chuyện, dù hình thức, tội danh bắt giữ có thể giống nhau.

Nhà thơ Nguyễn Duy đã nói: "Nghĩ cho cùng trong mỗi cuộc chiến tranh/Phe nào thắng thì nhân dân đều bại”, câu nói mà Huy Đức tâm đắc đưa vào tác phẩm đầu tay của anh. Do đó, mỗi blogger khi viết về lĩnh vực chính trị - xã hội cũng nên gắn kết quyền tự do ngôn luận của mình với phục vụ lợi ích nhân dân. Làm được điều này sẽ có ý nghĩa hơn và mỗi blogger trở thành từng điểm tựa nhỏ trong một liên kết lớn, vững chãi cho người dân, thay vì không tỏ rõ mục tiêu của mình.

Những "tấm bùa" vẽ như làm một cuộc "trấn yểm" cho "tâm thân an lạc" để tập trung viết như: "không bao giờ là blog phản động", "bàn chuyện văn chương thế sự" hay bày tỏ tôn kính chế độ, yêu nhân vật Hồ Chí Minh v.v... dường như không tỏ ra có mấy tác dụng hay có thể thuyết phục được giới an ninh về sự trong sáng mà chủ blog muốn bày tỏ, nó có vẻ không hiệu quả với những cặp mắt cú vọ cùng những cái đầu sói.

Tính cho đến nay, "kỷ lục văn minh" nhất mà nhà cầm quyền Việt Nam dành cho giới blogger là việc đình chỉ điều tra, cũng như trang báo Tuổi Trẻ đã buộc phải đăng lời xin lỗi chính thức blogger Phạm Chí Dũng theo yêu cầu của ông.

Không ai không biết tất cả các trang báo tại Việt Nam hiện nay đều chịu sự điều khiển của "Đảng", cho nên "nhất cử nhất động" việc làm của hầu hết các trang báo đều có bàn tay giới cấp cao chỉ huy và sai khiến.

Trước đó ít lâu, nhà văn Dương Thu Hương trong một buổi nói chuyện dài hơn một tiếng rưỡi đồng hồ với đài Chân Trời Mới [4], cho biết: một trong những "tuyệt chiêu" mà bà sử dụng để buộc nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phải trả tự do cho bà: đích thân bà, trong lúc bị bắt giữ, đã thông báo với họ một số bí mật quan trọng trong giới cấp cao mà bà tự âm thầm điều tra và nắm giữ, sau đó chuyển an toàn qua Mỹ và một số quốc gia khác, nếu bà bị chết vì bất kỳ hình thức nào thì những bí mật đó sẽ ngay lập tức được công bố rộng rãi trên toàn thế giới, cộng thêm khoản viện trợ khá lớn của chính phủ Pháp và phu nhân Tổng Thống Pháp lúc bây giờ can thiệp với phía Việt Nam.

Có thể hiện nay không có nhiều blogger đủ khả năng và điều kiện, bản lĩnh để làm như nhà văn Dương Thu Hương từng làm, tuy nhiên, "Công cũng cần biết thủ" phải chăng là điều nhà văn Dương Thu Hương muốn chia sẻ qua câu chuyện của bà? Ngón đòn "hồi mã thương" mà giới blogger luôn biết cần có để phản đòn khi đến lúc nhằm bảo toàn bản thân, có lẽ là bài học thiết thực? "Hồi mã thương", lợi hại ở chỗ muốn sử dụng nó hiệu quả, người "chiến binh" phải biết chuyển bại thành thắng, điều không dành cho những ai ngạo mạn và kiêu căng khi đã chọn nghiệp viết.

Trong cuộc tiếp xúc cử tri mới đây, ông Trương Tấn Sang nói [5]:

"...nếu không tỉnh táo sẽ thấy xã hội ta đen như mực, không có ông nào tốt, tuy nhiên đại đa số bà con đều tỉnh táo. Một dân tộc anh hùng không lẽ để một vài ngọn gió từ các trang mạng làm lung lay”.

Không biết thông tin "danh sách 20 bloggers có thể bị bắt" từ người tháp tùng trong chuyến đi Bắc Kinh có được ông Trương Tấn Sang biết đến hay không, nhưng cũng cần đặt câu hỏi: "các trang mạng làm lung lay" ai, nếu có? Những ai có đủ uy thế và nguồn tin đáng tin cậy để làm cái việc "lung lay"? Thông điệp mà người tháp tùng ông Chủ Tịch nước báo cho nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo có nên xếp vào việc "làm lung lay" chế độ? Nếu người tháp tùng đó được chỉ ra như là lợi dụng chuyến đi để từ bên ngoài "bắn tin" dội về trong nước gây hoang mang thì ông Sang có đủ "tỉnh táo" để đưa người đó ra vành móng ngựa trả lời trước pháp luật?

Một cuộc đấu cờ, đôi khi, các đối thủ cần một trận hòa để tiếp tục cho những ván kế tiếp. Người chơi cờ chuyên nghiệp, không nhất thiết phải luôn thủ thắng. Khi các bên biết thỏa hiệp để ván cờ được công nhận hòa lại là điều cần, tựa như một khoảng lặng nghỉ ngơi, dưỡng sức. Một ván cờ hòa cũng là ván cờ biết thí những con cờ, dù đắc lực nhưng cần thiết mà đôi bên đều ưng thuận loại bỏ. Chỉ tiếc cho những thân phận "cờ người".

Cho đến nay một nữ blogger nổi tiếng và cả tai tiếng cũng như nhiều lần bày tỏ giễu cợt Quốc hội, xem thường nhân vật Hồ Chí Minh cùng những bài viết khiêu khích, xúc phạm người khác vẫn ung dung tự tại bàn luận về "chính khách", sau khi dứt nghiệp "ăn lương nhà nước".

Những cuộc bắt bớ gần đây vẫn chưa rõ lắm tín hiệu từ giới cầm quyền Việt Nam chuyển đến dư luận. Như một bộ phim kiếm hiệp Tàu, thông thường các nút thắt và nhân vật chính xuất hiện không phải từ những màn dạo đầu. Tung hỏa mù làm chệch hướng hay lái suy đoán dư luận cũng là một trong các thủ đoạn chính trị người ta hay dùng trong chính trường. Việt Nam ngày càng tỏ ra thiếu những chính trị gia khôn ngoan và cao cờ trong việc tung sự kiện đắt giá để dẫn dắt và giành giật lợi thế từ dư luận, chí ít, qua vụ tuyêt thực của TS. Cù Huy Hà Vũ, giới cầm quyền đã nhận "ép phê" ngược. Một số blogger có vẻ trở thành "vật tế thần" cho các cuộc đấu đá và mặc cả trong mâm tiệc chia phần quyền lực.

Sói sẽ bị chê cười khi con mồi của nó chỉ toàn là "cóc ếch nhái". Bởi điều đó làm cho sói mất vẻ hung tợn và đáng sợ, thay vào đó, nó bộc lộ hình ảnh già nua cùng tài săn bắt thui chột. Một hình ảnh bất lực làm lụi tàn ngay cả tính đe dọa trong nội bộ bầy đàn của nó, khi chính những "bạn săn mồi" xâu xé vài "con cóc", dù già hay non. Hình ảnh này càng làm bệ rạc tính uy nghi của loài săn mồi bầy đàn được cho là nguy hiểm nhất.

Hãy đón chờ thêm những động thái bắt người phía trước như lời báo động của viên tháp tùng trong chuyến đi của Chủ Tịch nước, biết đâu một vài con mồi xứng đáng hơn là mấy con "cóc ếch nhái" trước khi nhận định tiếp tục. Tuy vậy, luận điểm của ông Phạm Chí Dũng nên được đồng tình [6]:

"Không khí chính trường trong nửa cuối năm 2013 được hứa hẹn sẽ không quá thâm trầm. Thậm chí là ngược lại".

Nguyễn Ngọc Già
Nguồn: Diễn Đàn Thế Kỷ
lengoi
Posts: 486
Joined: Sat Oct 23, 2010 7:17 pm
Contact:

Post by lengoi »

VNCS: Lao Động Khổ Sai, Lao Động Tình Dục
Tác giả : Vi Anh



Đọc phúc trình của Bộ Ngoại Giao Mỹ, nghe một số đồng bào nạn nhân đích thân nói trên phát thanh, phát hình của Mỹ như VOA, RFA và của Pháp như RFI, người Việt hải ngoại không thể không kêu trời. Trời ơi, ngó xuống mà coi thời buổi này, đầu thế kỷ 21, thiên niên kỷ thứ 3 rồi, mà người Việt ở nước nhà VN vì sống trong gọng kềm CS, còn bị lường gạt lo lót, chạy chọt đi “xuất khẩu lao động” theo chương trình của Đảng Nhà Nước để rồi phải lao động khổ sai, nô lệ tình dục tại nhiều nước.

Bằng cớ công chứng thứ nhứt: phúc trình thường niên về tình trạng buôn người trên thế giới 2013 của Bộ Ngoại Giao Mỹ công bố ngày 19/6 cho biết chính phủ Việt Nam chưa tuân thủ hoàn toàn các chuẩn mực tối thiểu về bài trừ nạn buôn người dù có nỗ lực đáng kể. Việt Nam năm nay vẫn tiếp tục bị xếp vào Bậc 2, tức các nước có vấn đề, chưa đạt tiêu chuẩn tối thiểu, nhưng có nỗ lực phòng chống buôn người. Việt Nam là điểm xuất phát và cũng là đích đến của tệ nạn buôn người vào hoạt động mãi dâm và cưỡng bức lao động. Phụ nữ và trẻ em Việt Nam thường bị bán vào các đường dây mãi dâm xuyên suốt.

Phúc trình của Bộ Ngoại Giao Mỹ nói rõ các công ty xuất khẩu lao động của Việt Nam mà đa số có liên hệ với các cơ sở nhà nước và các trung gian môi giới thường buộc những người muốn đi lao động nước ngoài phải trả các chi phí quá mức, khiến lao động Việt khi ra nước ngoài thường bị lâm vào cảnh nợ nần và dễ trở thành nạn nhân của nạn cưỡng bức lao động.

Báo cáo còn cho biết, một số công nhân phải ký vào các hợp đồng viết bằng ngôn ngữ mà họ không thể hiểu được cũng như không được trợ giúp trong khi xảy ra các tình thế bất ngờ.

UNICEF, Qũy Nhi Đồng của Liên Hiệp Quốc mỗi năm đều có tài trợ cho VN, nói rõ Việt Nam cũng là điểm đến của kỹ nghệ du lịch tình dục trẻ em với các khách hàng chủ yếu từ Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, hay Châu Âu, Mỹ, Anh quốc, Australia.

Còn tại Quốc Hội Mỹ, không năm nào không mở cuộc điều trần cấp uỷ ban quốc hội về vấn đề lao nô và nô lệ tình dục của VN. Năm nay trong cuộc điều trần ngày 18/4, DB Christopher Smith Chủ Tịch Tiểu ban chỉ trích Bộ Ngoại Giao Mỹ đã vội vã khi rút tên Việt Nam ra khỏi danh sách Bậc 2. Lẽ ra phải đẩy xuống vị trí Bậc 3 mới phải.

Bắng cớ thứ hai với âm chứng của một số nạn nhân và nhân chứng xác nhận nạn buôn người và nô lệ tình dục do chế độ CSVN xuất khẩu” qua các nước. Tin đài phát thanh VOA, tiếng nói chánh thức của chánh quyền Mỹ: “Anh Trần Ngọc Sơn, một công nhân lao động Việt Nam ở Nam Triều Tiên, cho biết có tình trạng người lao động phải bỏ ra số tiền quá nhiều so với quy định của nhà nước. Đa số ai cũng bảo phải mất từ 6 tháng, và nếu như người nào nhiều là một năm, để trả nợ số tiền đã vay”.

Anh Trần Ngọc Sơn nói “có tình trạng người lao động phải làm việc thêm giờ mà không được trả tiền, nhất là những người làm trong lĩnh vực nông nghiệp và đánh bắt thủy sản ở Hàn Quốc, nhưng giờ không còn phổ biến như xưa.” Anh nói như nhận xét của phúc trình Mỹ, “Một số người đi theo các đường dây (đưa người ra nước ngoài), thì tất nhiên họ phải chạy chọt này nọ. Đa số ai cũng bảo phải mất từ 6 tháng, và nếu như người nào nhiều là một năm, để trả nợ số tiền đã vay. Tùy từng trường hợp”.

Bằng cớ thứ ba, một sự thật không thể chối cãi, một trách nhiệm không thể trốn tránh, đó là Đảng Nhà Nước CSVN có dính líu trong hành động tai hại cho người dân và danh dự quốc gia VN này. Xuất khẩu lao động” là quốc sách của Đảng Nhà Nước CS Hà nội. Chế độ CSVN có đủ thứ bộ, nha, cục, vụ, viện về lao động, xã hội, công an, ngoại giao, tuỳ viên của ngành ở các toà đại sứ, lãnh sự để xét cấp giấy tờ và kiểm soát chính sách xuất khẩu lao động. CS Hà nội có ngửa tay nhận tiền viện trợ xoá đói giảm nghèo, qũy yễm trơ nhi đồng của UNICEF. CS Hà nội cho đến nay đã xuất khầu lao động trên 500.000 người. Số tiền đồng bào này gởi về cả tỷ Đô la, làm giàu làm mạnh cho ngoại tệ mạnh cho nền tài chánh của Đảng Nhà Nước CSVN.

Bất cứ một hồ sơ xuất ngoại nào đều cũng phải qua nhà cầm quyền địa phương. Các cơ sở và công ty dịch vụ chỉ chạy giấy cung ứng giấy tờ cho Bộ thôi. Nhà cầm quyền tỉnh, bộ không ăn hối lộ, không chia chát với các dịch vụ thì ai vô đây.

Những đảng viên cán bộ những ngành có liên quan xuất khẩu lao động trong ngoài nước đã làm gì, tại sao không biết những chuyện động trời xảy ra cho đồng bào VN đi bán sức lao động ở ngoại quốc để đem ngoại tệ quí hiếm về cho VN.

Tại sao lấy mũ ni che tai trước thảm cảnh hàng mấy trăm người Việt bị bắt làm lao nô sống trong thành phố ngầm ở Nga, hàng trăm phụ nữ VN bị hãm hiếp ở Pháp khi trốn nằm chờ “nhảy xe” đi lậu qua Anh để bị nhốt trong nhà trồng cần sa bán lậu ở Âu châu.

Không cớ gì đội ngũ cán bộ đảng viên CS ăn sung mặc sướng hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi từ tiền thuế của người dân lại không biết phụ nữ VN, trẻ em VN phải hối lộ xin giấy đi lao động xuất khẩu, vượt biên qua Miên để bị đưa vào động mãi dâm ở Miên, Mã, Thái.

Không lẽ những ông to mặt bự như Nguyễn phú Trọng, Trương tấn Sang, Nguyển tấn Dũng có cả một ban bí thư trung ương, cả đàn chánh phủ, cả một nội các mấy chục bộ lại không được báo cáo, không được nghe thân nhân chánh trực nói nhỏ những khổ nhục mà đồng bào phải chịu khi xuất khẩu lao động. Mỹ còn biết, còn viết thành phúc trình bằng công văn, làm thành phóng sự, không lý do gì Đảng Nhà Nước của VNCS không biết.

Hỏi tức là trả lời, không thể không qui trách cho Đảng Nhà Nước CSVN đã làm khổ nhục đồng bào xuất khẩu lao động và làm nhục danh dự quốc gia dân tộc VN ./.(Vi Anh)
hoanghoa
Posts: 2253
Joined: Wed Jun 06, 2007 11:50 pm
Contact:

Post by hoanghoa »

Khi cán bộ ra nước ngoài còn đi ăn cắp, xin đừng nói hãnh diện là người Việt Nam!

Dân Choa


Mấy tuần trước dư luận ồn ào về cái biển cảnh báo của người Nhật có tiếng Việt cảnh báo nạn ăn cắp.
Tuy là một tấm ảnh đơn giản nhưng nó cũng nói lên phần nào dư luận Nhật đánh giá đạo đức của người Việt.

Các loại biển tương tự đã từng xảy ra ở Tiệp, ở Đức hoặc Thái Lan.

Một hình ảnh không đẹp chút nào cho người Việt.

Người Việt không phải như thế. Nhưng dù sao thì muốn tìm lời biện minh với hình ảnh đó cũng bối rối.

Ừ thì người dân lao động phổ thông ra nước ngoài, có dịp tiếp cận với hàng hóa, thấy quầy bán tự giác,
ít người trông coi nên nảy sinh lòng tham. Họ bị bắt khi trộm cắp. Điều đó không những là sỉ nhục cho cá nhân mà còn gây sỉ nhục cho đất nước.
Đối với những con người này thì lòng tự trọng hay danh dự quốc gia là một điều xa xỉ.

Image
Nhưng có những con người mang danh là cán bộ, lại là những người có chức vụ đi ra nước ngoài làm công cán đối ngoại thế mà cũng có thói tham lam vô độ. Nếu họ nghèo hay ít hiểu biết thì một nhẽ, đằng này rất có điều kiện mà cũng trộm cắp.

Năm 2005 có bà Võ Thị Hồng Phiếu, tổng giám đốc nhà máy Bia Huế đi công tác ghé qua Thái Lan. Bà đã lấy chiếc kính râm mà „ quên „ trả tiền. Khi nhân viên bảo vệ truy hỏi thì bà lớn tiếng quát nạt. Bà cho rằng, bà thiếu gì tiền mà phải ăn cắp. Nhưng camera ghi hình thì không quên. Kết cục bà bị toàn Thái Lan xử phạt 4000 bạt.

Gương tầy liếp như thế nhưng hình như cán bộ của Việt Nam không thể bỏ thói „ quen „ này được. Như dư luận đã kể lại trên báo chí, ngay có vị giám đốc giàu có cũng có các hành vi tương tự đi ra nước ngoài công tác.

Mới đây, tin còn nóng hổi: "Cơ quan chức năng Singapore vừa tạm giữ một nữ cán bộ của Thành Đoàn TP HCM vì nghi ngờ trộm cắp trong siêu thị. Nhiều khả năng, bà này sẽ bị đưa ra xét xử tại quốc đảo Sư Tử.

Bà này là cán bộ thuộc Uỷ ban kiểm tra Thành Đoàn, được Thành ủy TP HCM cử đi học ngoại ngữ ngắn hạn tại Singapore. Khi lớp học sắp kết thúc, bà đi mua sắm tại siêu thị và cầm một món đồ trị giá khoảng 300 SGD nhưng lại không trả tiền. Cơ quan chức năng Singapore đã tạm giữ. Vị cán bộ này có thể phải ra toà xét xử do luật pháp Singapore khá nghiêm khắc với hành vi trộm cắp.

Ông Tất Thành Cang, Bí thư Thành Đoàn TP HCM, xác nhận thông tin và cho biết sẽ báo cáo lên Thành ủy TP HCM về vụ việc này sau khi đoàn cán bộ về nước. “Nếu sự việc trên là có thật chúng tôi sẽ xử lý nghiêm”, ông Cang nói. (Theo VTC news)

Nếu những người cán bộ như bà cán bộ thành đoàn thuộc diện nghèo khổ, lòng tham trỗi dậy khi tiếp cận với thứ xa hoa có thể hiểu được. Nhưng bà là cán bộ đoàn, lại ở ủy ban kiểm tra đoàn thì hành động đó quả vô cùng khó hiểu. Hay là người cán bộ có thói quen như thế ở môi trường trong nước. Họ đi ra nước ngoài xem nơi đó cũng như nước mình chăng ?

Mấy hôm nay đang bàn tán bài " Hãnh diện là người Việt Nam" Đọc càng thêm xấu hổ. Khi cán bộ ra nước ngoài còn đi ăn cắp, xin đừng nói hãnh diện là người Việt Nam!

nguồn FB của Dân Choa
KýCóp
Posts: 1118
Joined: Tue Jun 29, 2010 1:44 am
Contact:

Post by KýCóp »

Image

Thì ra là để các đồng chí "đảng... nó" sắp xếp lại chỗ ngồi!

Kết quả bỏ phiếu tín nhiệm là thông tin quan trọng để sắp xếp cán bộ

Hương Nguyên

(NDĐT) - Đó là phát biểu của ông Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 7 HĐND TP Hà Nội khóa XIV diễn ra sáng nay 1-7.

Xem xét quyết nghị 11 cơ chế đặc thù của Luật Thủ đô

Phát biểu khai mạc kỳ họp, bà Ngô Thị Doãn Thanh, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội nhấn mạnh: kinh tế thủ đô sáu tháng qua đã đạt mức tăng trưởng khá, tổng sản phẩm trên địa bàn ước tăng 7,67%, lạm phát được kiểm soát ở mức 5,7% thấp hơn so với cùng kỳ, thị trường ổn định.

Công tác quy hoạch được triển khai tích cực. Các công trình hạ tầng giao thông được tập trung chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ. Giao thông đô thị đã thoáng hơn, giảm thiểu ùn tắc trong nội đô.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ và kế hoạch năm, thu ngân sách đạt thấp bằng 38,8% dự toán, sản xuất kinh doanh tiếp tục gặp khó khăn; tiến độ triển khai một số dự án trọng điểm còn chậm. Tình trạng quá tải trong các bệnh viện, ô nhiễm môi trường… chậm được khắc phục.

Tại kỳ họp này, lần đầu tiên HĐND các cấp TP Hà Nội thực hiện quyền giám sát thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm đối với 18 người giữ chức vụ do HĐND bầu.

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm không chỉ là thước đo đối với người được HĐND bầu mà còn là thước đo tinh thần xây dựng, sự nghiêm túc và trách nhiệm của các đại biểu HĐND TP.

Kết quả của sự tín nhiệm sẽ là sự ghi nhận, động viên, khích lệ kịp thời; đồng thời là sự nhắc nhở, lưu ý đối với từng người, để điều chỉnh, khắc phục những hạn chế trong công tác chỉ đạo, điều hành, thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Cũng tại kỳ họp HĐND lần này, các đại biểu sẽ xem xét và quyết nghị 11 vấn đề thuộc thẩm quyền nhằm triển khai thi hành Luật Thủ đô như việc tăng danh hiệu công dân danh dự thủ đô, chính sách xung quanh việc xây dựng công trình văn hóa, trọng dụng nhân tài, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, biện pháp cải tạo, xây dựng các khu chung cư cũ, phục hồi nhà cổ, biệt thự cũ….

Phấn đấu không để “hụt” thu ngân sách

Thay mặt lãnh đạo Quốc hội, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá cao những kết quả mà Hà Nội đã đạt được trong thời gian qua đồng thời nhấn mạnh những nhiệm vụ mà thủ đô cần quan tâm trong thời gian tới. Đó là tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị, các quy hoạch phát triển kinh tế -xã hội…

“Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội thì khả năng “hụt” thu ngân sách của Hà Nội là rất lớn do đó TP cần cố gắng để không “hụt” thu gây ảnh hưởng đến cân đối ngân sách của thủ đô và cả nước”.

Hà Nội cũng cần chủ động sáng tạo tiếp tục đổi mới tư duy phong cách lãnh đạo theo tinh thần sâu sát, thiết thực, tránh việc chạy theo thành tích, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nêu cao trách nhiệm của các ngành, các cấp đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị việc bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do HĐND bầu cần được tiến hành một cách công khai, công bằng. Các đại biểu HĐND cần giành thời gian đánh giá công tâm, thực chất kết quả thực hiện nhiệm vụ và phẩm chất chính trị đạo đức lối sống của người được lấy phiếu tín nhiệm. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ giúp cho người được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu rèn luyện từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND TP Hà nội.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm là thử thách mà mỗi cán bộ được lấy phiếu tín nhiệm phải trải qua đồng thời cũng là cơ hội để họ hiểu rõ hơn uy tín của mình. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm là sự khích lệ với người có hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ, nhắc nhở kịp thời những người yếu kém phải hoàn thiện mình hơn nữa trong nhiệm vụ được giao.

“Kết quả tín nhiệm là kênh thông tin hết sức quan trọng để thành ủy xem xét, đánh giá, quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ TP phù hợp với phẩm chất năng lực và khả năng cống hiến của mỗi người.”, Bí thư Phạm Quang Nghị nhấn mạnh.

Cũng theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, bên cạnh các vấn đề đưa ra họp bàn tại kỳ họp này, việc thông qua các nghị quyết chuyên đề và các nghị quyết nhằm cụ thể hóa Luật thủ đô thuộc thẩm quyền của HĐND TP có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là những cơ chế chính sách đặc thù tạo cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện những nhệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, phát huy hơn nữa tiềm năng thế mạnh, xây dựng thủ đô ngày càng văn minh hiện đại.

Hương Nguyên
khieulong
Posts: 3552
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

Image

LỄ ĐỘC LẬP HOA KỲ- 4th of July
Hoa Kỳ lập quốc 1776 có 4 triệu dân, ngày nay 2013 có 314 triệu. Qua hai trăm ba mươi năm gia tăng 310 triệu.-- Năm 1976 người Việt tại Mỹ có 170 ngàn, ngày nay có 1 triệu 700 ngàn. Sau 38 năm tăng gấp 10 lần-- Dân Việt tỵ nạn xây dựng cuộc sống trên đất mới trong khi thế giới chuyển tiếp giữa 2 thế kỷ 20 và 21.-- Về kỹ thuật, điện tử thay đổi toàn bộ đời sống.--Về nhân văn, với sự chấp nhận hôn nhân đồng tính, Hoa Kỳ đã tiến bước rất dài trên phương diện tư tưởng, bỏ xa phần còn lại của thế giới cả trăm năm.--Người Việt đã có mặt trên miền đất lịch sử trong giai đoạn lịch sử. --Xin cùng quay về với lịch sử lập quốc Hoa Kỳ.-- Lịch sử quê hương mới bao dung lịch sự mà di dân bốn phương trời sống chết tìm đến.--Vào được rồi thì chỉ còn thấy những ông tổng thống trên tờ giấy bạc hàng ngày…

Ngày quốc lễ.

Ngày 4 tháng 7 hàng năm là ngày lễ trọng đại nhất của Hoa Kỳ. Đó là ngày Mỹ quốc Tuyên Ngôn Độc Lập năm 1776 và bắt đầu chiến tranh cách mạng chống lại Anh quốc trong 6 năm. Đến 1782 Anh và Mỹ ký thỏa ước ở Paris và công nhận Hoa Kỳ độc lập. Người Mỹ đã chiến thắng trận chiến tranh đầu tiên của lịch sử Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. (Đã có nhiều ý kiến khác, nhưng tác giả xin dùng tên này. Sau kỳ kiểm kê dân số 2010 nước Mỹ dần dần trở thành là đất nước của các sắc dân mà trong đó da trắng sẽ chỉ còn dưới 50% tổng số.)

Là công dân gốc Việt trong đợt di dân cuối cùng của thế kỷ 20, chúng ta nên tìm hiểu về đất nước mà chúng ta lập nghiệp. Các di dân tỵ nạn Việt Nam đầu tiên đến Mỹ đã được dự ngày kỷ niệm 200 năm lập quốc vào năm 1976. Đến bây giờ nước Mỹ đã già thêm gần 40 năm nhưng lịch sử trẻ trung của Hiệp Chủng Quốc rất phong phú và cũng rất độc đáo. Hoa Kỳ là quốc gia bao gồm tất cả các sắc dân, các ngôn ngữ, các tập tục văn hóa. Nước Mỹ đã có các kỷ niệm vừa hung bạo vừa nhân từ. Tiêu diệt da đỏ, bắt da đen làm nô lệ, kỳ thị da vàng, đem quân đi làm cảnh sát trên thế giới, đi đến đâu là gây sóng gió ở đó. Hoa Kỳ cũng là quốc gia phát huy tự do dân chủ toàn cầu, viện trợ kinh tế, quân sự, giáo dục, xã hội, văn hóa cho toàn thể các quốc gia chậm tiến trên thế giới.

Nước Mỹ sống giữa 2 đại dương và có ba múi giờ. Biên cương của Hoa Kỳ trên địa cầu là một vùng đất bao la tiếp giáp với Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. Tiểu bang Alaska của Hoa Kỳ là ải địa cầu trấn giữ Bắc Băng Dương. Biên giới không gian của Hoa Kỳ lên đến mặt trăng và Mỹ quốc cũng là quốc gia tiên phong ghi dấu vết trên Hỏa tinh. Hai ngàn vệ tinh kinh tế thương mại và quân sự của Hoa Kỳ canh gác toàn vùng khí quyển của quả đất. Đế quốc nhân văn của Hiệp Chủng Quốc thống trị thế giới bằng các đại sứ quán và tòa lãnh sự luôn luôn tấp nập các khách hàng xin visa.

Cơ sở ngoại vi của các sứ quán Hoa Kỳ là những chỗ bán thức ăn Fast Food McDonald, Kenturky, nước Coke, nhạc Rock và quần Jeans. Mỹ phát thực phẩm cho dân nghèo toàn thế giới nhưng đi đến đâu cũng bị đuổi về nhà: Yankee go home. Đó là Hoa Kỳ ngày nay, quá trẻ trung vì chỉ có hơn 230 năm lập quốc. Đất nước mà chúng ta đang là công dân có đứng lên tuyên thệ bảo vệ và tuyệt đối trung thành.Vì vậy chúng ta cũng nên biết qua lịch sử của quê hương mà phần đông chúng ta sẽ cùng các thế hệ tiếp theo ở lại đời đời.

Ai là người đầu tiên trên đất Mỹ?

Các nhà nhân chủng học cho biết 12 ngàn năm trước lục địa còn dính liền cuối thời băng giá, Á châu và Mỹ châu nối tiếp ở phía Bắc. Con người tiền sử Á Châu đi tìm đường sống đã đi từ Á qua Mỹ. Sau đó quả đất chuyển đổi, hai lục địa tách xa nhau. Người Á châu tiền sử trở thành thủy tổ của các bộ lạc ở Bắc Mỹ. Tuy nhiên, thực ra đây cũng chỉ là giả thuyết.

Thực tế ghi nhận đây là miền đất mới không có nhiều chỉ dấu của các nền văn minh ngàn năm trước như Âu châu. Lịch sử ghi nhận đã có dấu vết các bộ lạc tàn lụi. Sau cùng chỉ còn các bộ lạc da đỏ tồn tại cho đến thời kỳ 1500 các sắc dân tây phương mới đến Mỹ bằng đường biển. Nổi danh nhất là nhà hàng hải Columbus năm 1492 đi tìm Á châu lại khám phá ra Mỹ châu. Rồi tiếp theo là Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Anh Cát Lợi, Pháp, Đức rồi đến Nga và các quốc gia Đông Âu.

Các cuộc chiến đẫm máu, triền miên ở tân lục địa giữa người địa phương và dân giang hồ mới đến. Chiến tranh giữa các thế lực Tây phương. Sau cùng Anh quốc ổn định được tại phần lớn miền Đông Hoa Kỳ và các di dân bắt đầu lên đường. Con tàu Hoa Tháng Năm, May Flower nổi tiếng đến Mỹ năm 1620 vỏn vẹn có 100 người mà một nửa là thủy thủ đoàn. Con tầu này đã trở thành biểu tượng của di dân định cư trên đất mới vì có đem theo gia đình.

Năm 1621 di dân được mùa đã cùng tổ chức Lễ Tạ Ơn và ăn tiệc mừng với dân da đỏ trong một lễ Thanksgiving đầu tiên của nhân loại. Nhưng rồi những ngày vui qua mau. Thổ dân tại Mỹ chết dần vì bị giết, bị đói, bị bệnh, có thể do các mầm bệnh từ tây phương đem đến.
Trong khi đó từ 1620 đến 1732 tức là hơn 100 năm. Một nước Mỹ thuộc Anh đã hình thành với 13 tiểu bang liên hiệp ở miền Đông. Phần lớn làm nghề nông, trồng thuốc lá, trà, và lúa. Các vùng khác thuộc Tây Ban Nha, Pháp vẫn còn tranh chấp. Cuộc chiến 1754 giữa Pháp và Anh giành đất trong 7 năm, sau cùng Anh thắng và mở rộng biên cương thuộc địa. Tiếp theo nước Anh cần tiền cho mẫu quốc nên đánh thuế các thuộc địa, thu tiền các nhà sản xuất và các đồn điền tại Hoa Kỳ. Chính sách thuế của Anh ban hành năm 1774 trở thành mầm mống cho cuộc chiến dành độc lập tại Hoa Kỳ. Tướng Washington nhận trách nhiệm lãnh đạo cuộc chiến tranh cách mạng vào năm 1775 và chính thức đứng ra tuyên bố độc lập 1776. Bản Tuyên Ngôn Độc Lập do Thomas Jefferson đại diện tiểu bang Virginia viết ra lúc ông 33 tuổi được coi là một áng văn tuyệt tác nhất của nhân loại và mở đầu cuộc chiến dành độc lập cho đến chiến thắng cuối cùng bằng hiệp định Paris 1782.

Sau chiến thắng, Hoa Kỳ có 5 năm xây dựng dân chủ từ 1782 đến 1787 để hiến pháp ra đời với 9 tiểu bang chính thức rồi đến 13 tiểu bang thỏa hiệp. Những lá cờ Mỹ đầu tiên có 9 ngôi sao rồi 13 ngôi sao và bây giờ là 50 ngôi sao. Suốt từ buổi bình minh của Hiệp Chủng Quốc cho đến nay, nước Mỹ đã trải qua biết bao nhiêu là biến động. Từ hơn 4 triệu dân vào năm 1800 trở thành trên 300 triệu vào năm 2013. Trên giấy tờ có 237 năm lập quốc nhưng thực sự quốc gia này đã thành hình từ trên 300 năm.

Ý nghĩa Hiệp Chủng Quốc.

Phải chăng Hoa Kỳ là một đĩa rau trộn gồm đủ mọi sắc thái nhưng tía tô vẫn là tía tô, rau giấp cá vẫn nồng nàn mùi tanh của biển mặn. Hay đây là nồi cháo mà mọi thứ thực phẩm đã được hòa tan thành một hương vị mới. Cái đó còn tùy hoàn cảnh, tùy địa phương và thời gian. Trước khi nói đến nhân quyền, tự do và bình đẳng, nước Mỹ đã trải qua các giai đoạn hành động tàn nhẫn với các sắc dân thiểu số. Vào thế kỷ thứ 19, da trắng buộc dân da đỏ phải di cư tập trung vào các khu vực dành riêng, phần nhiều là đồng khô, cỏ cháy. Thảm kịch diễn ra trên các con đường mòn di chuyển dân da đỏ được gọi là: Đường mòn nước mắt.

Da đỏ già trẻ lớn bé đều phải ra đi, bỏ nhà cửa, vườn trại để vào các khu hoang vu xa cách vạn dặm. Hàng chục ngàn người đã chết. Trong khi đó ở miền Nam Hoa Kỳ, dân da đen bị bắt làm nô lệ đem từ Phi châu qua đã trở thành một lực lượng lao động quan trọng. Những bàn tay đen đủi đã xây dựng nên nền nông nghiệp miền Nam nuôi cả nước Mỹ vào thời kỳ lập quốc với những vườn bông vải trắng xóa. Nhưng cũng chính da đen là vấn nạn cho cuộc chiến tranh tương tàn Nam Bắc. Những người da đen bỏ trốn các nông trại đã bị đánh roi cho đến chết. Câu chuyện Uncle Tom với bài ca da đen lừng danh: Let my people go, Hãy cho dân tôi đi, trích dẫn từ Thánh Kinh đã trở thành một vấn nạn trong lương tâm Hoa Kỳ.

Da đỏ xin ở lại thì bị đuổi đi. Da đen xin đi thì bị giữ lại. Ngay khi nội chiến chấm dứt, da đen được giải phóng mà vẫn còn bị kỳ thị.

Cuộc chiến đấu vĩ đại của một đàn bà da đen năm 1955 không chịu ngồi phía sau xe bus đã trở thành một cuộc tổng đình công tẩy chay xe bus tại Hoa Kỳ. Từ cuộc đình công này, da đen có được một nhà lãnh đạo đầy huyền thoại là mục sư King mà tên tuổi trở thành một ngày quốc lễ.

Rồi đến lịch sử Tây tiến làm đường xe lửa đem da vàng Nhật Bản và Trung Hoa nhập cuộc. Các tiền nhân di dân châu Á cũng đã ngậm đắng nuốt cay ở miền Tây Hoa Kỳ trong suốt thời lịch sử cận đại. Dân da vàng có một thời chỉ được làm cu ly đường xe lửa hay thợ giặt ủi.

Sau cùng đến lượt chúng ta. Việt Nam ngày nay có một triệu bẩy trăm ngàn người tại Hoa Kỳ. Sau đợt di tản 75 tiếp đến là thuyền nhân từ 75 đến 95 rồi là các HO, con lai, ODP đoàn tụ nhập cư cho đến cuối thế kỷ thứ 20. Sau cùng là diện hôn nhân. Mười quận hạt có dân số đông đảo nhất là Orange, Santa Clara, Los Angeles, Houston, San Diego, Seattle, Oakland, DC, và Dallas. Chúng ta không phải là sắc dân cuối cùng, và chúng ta không phải là sắc dân duy nhất có quê hương cố quốc. Di dân tỵ nạn Việt Nam tùy theo hoàn cảnh và cảm nghĩ, có người mang theo quê hương, có người bỏ lại quê hương. Tuy nhiên chúng ta không thể hành xử khác tập thể di dân trong trách nhiệm xây dựng đất mới. Sắc dân nào cũng có những niềm tự hào của họ. Ai cũng có các hãnh diện về truyền thống văn hóa, ngôn ngữ của cội nguồn. Điều quan trọng là phong cách đối xử và tìm hiểu để hội nhập. Chúng ta phải cảm ơn những người đi trước đã mở đường. Kể cả người xấu lẫn người tốt đã sống và đã qua đi trong công cuộc chinh phục đất nước vĩ đại này. Có điều hết sức trùng hợp là dù bất cứ sắc dân nào, dù cố quốc lầm than hay tươi sáng. Dù quê hương cũ còn độc tài cộng sản hay đã tự do dân chủ, di dân đến đây là ở lại đây. Những nhà văn Nga và Đông Âu lưu vong chống Cộng đã từng sống chết với quê hương rồi cũng phải nói rằng. Quê hương bây giờ là nơi chúng ta sống có hạnh phúc. Đó là lý do người Anh ngày xưa chiến đấu chống cố hương để trở thành người Mỹ. Người Nhật trong đệ nhị thế chiến, bị cầm tù trong trại tập trung nhưng vẫn tình nguyện cầm súng chiến đấu chống Thiên Hoàng để trở thành người Mỹ. Bởi vì trên thế giới chỉ có Hoa Kỳ mới thực sự là đất của cơ hội. Nơi mà di dân bạc tình hưởng mọi phúc lợi nhưng vẫn được hiến pháp bảo vệ để chê bai tổ quốc. Quốc gia mà con một người da đen ngoại quốc, xuất thân cán sự cộng đồng đã trở thành tổng thống. Bản Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ hơn 200 năm trước đã ghi điều khoản bất hủ là con người được quyền mưu cầu hạnh phúc.

Mùa hè năm nay, để chào mừng lễ độc lập lần thứ 237, tối cao pháp viện Hoa Kỳ đã ban hành nghị quyết lịch sử. Công nhận hôn nhân đồng tính, cho phép các cơ thể khác biệt cũng được mưu cầu hạnh phúc.

Và bây giờ là chuyện dân Việt tại Hoa Kỳ.

Một lần nữa, đợt người Việt đầu tiên ở Mỹ sẽ là nhưng cây tràm, cây đước giữ chặt đất cho một cộng đồng tương lai phát triển. Con cháu chúng ta sẽ vừa nhớ ơn ông cha đã đến đất này mà cũng không hổ thẹn về những đóng góp của chúng ta trong những giai đoạn đầu tiên. Bỏ lại phía sau con sông Hồng, sông Hương, sông Cửu Long và dãy Trường Sơn. Bây giờ ta phải làm quen với con sông Sacramento và rặng Rocky Mountain để con cháu ta đứng lên đáp lời sông núi mới.

Xin hãy công bình với hoàn cảnh. Hãy lưu tâm ngày 4 tháng 7 của Hoa Kỳ. Bước ra khỏi cái ghetto của cộng đồng nhỏ hẹp, tham dự vào cái xã hội vĩ đại đã đem phúc lợi cho chúng ta. Đó là cách hay nhất để xây dựng cùng một lúc cộng đồng tại Mỹ và quê hương bỏ lại ở Việt Nam. Bao gồm cả giấc mơ tự do và dân chủ. Hãy làm một công dân tốt và chân thành với xứ "tạm dung", chúng ta sẽ góp phần xây dựng dân sinh tại Hoa Kỳ và đồng thời xây dựng cả dân quyền cho Việt Nam,

San Jose 2013
Giao Chỉ
Post Reply

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 1 guest