BỨC DI THƯ

Quân sử, những bài viết, ký sự, ...
Post Reply
dutu
Posts: 204
Joined: Sat Sep 19, 2009 8:19 pm
Contact:

BỨC DI THƯ

Post by dutu »

Image

BỨC DI THƯ

dutu
Tấn được y tá trực Viện Dưỡng Lão cho biết có thân nhân tới thăm, cô giúp đẩy chiếc xe lăn đưa anh ra phòng đợi. Ở đây đã 3 năm, chưa một lần nào anh có thân nhân tới thăm vào khoảng thời gian này, ngoại trừ mấy người bạn vẫn tới định kỳ vào ngày lễ kỷ niệm của Không Quân QLVNCH, và Tết Nguyên Đán, còn thì chỉ điện thoại hỏi thăm. Lòng anh tuy đã chết, nhưng cảm xúc như vẫn tồn tại, anh hồi hộp ngồi trên xe lăn xuyên qua hành lang để đến Phòng Khách, lòng miên man suy nghĩ đến những chuyện đã qua mà không khỏi ngậm ngùi.

Tấn rời Việt Nam vào những ngày cuối của tháng Tư Đen, vì Không Đoàn của anh ở Cần Thơ, nên anh không thể về Sài Gòn đón gia đình, cũng như vợ và hai đứa con trai 4 tuổi và 2 tuổi . Anh đến Mỹ trong một tâm trạng hoảng hốt và hoang mang, bỏ gia đình, mất quê hương, lưu lạc xứ người. Với tâm trạng đó, anh đã tìm quên bằng cách chôn mình vào công việc và ký thác tâm sự qua những người đồng đội cùng cảnh ngộ. Những năm đầu, gần như anh không để ý tới ngày nghĩ, và những giấc ngủ hầu như cũng không tròn, chỉ biết làm việc và học hỏi.

Nhưng thật không may, năm 1979, anh gặp tai nạn giao thông bị hủy mất hai chân, từ đó anh thành người tàn phế, sống nhờ sự cưu mang của xã hội và được gởi vào Viện Dưỡng Lão từ đó cho đến nay.
Vừa qua ngưỡng cửa Phòng khách, đột nhiên anh nghe tiếng gọi đứt quảng . . .
- Anh . . . Trời ơi anh như thế này sao?
Đó là âm thanh thảng thốt của cô em gái, còn người em trai thì chạy đến ôm chầm lấy anh nghẹn ngào nói không nên lời.

Đúng là anh em tình thâm, máu chảy ruột mềm, cả ba người ôm lấy nhau mặc cho nước mắt thấm đầy vai áo. Thế rồi họ kể cho nhau những chuyện xảy ra, rồi hai người em kể lại thời gian tìm kiếm anh qua báo chí, người thân và bạn bè, chỉ bằng vào tấm hình mặc bộ đồ bay ngày anh lên Đại Úy, suốt hai năm trời, để rồi tình cờ khi mẹ anh đi sinh hoạt Hội Cao Niên đã quen được một sĩ quan thuộc Không Đoàn 72-PK (Pleiku) và tìm đến được chổ này.
Họ cũng kể cho
anh nghe về vợ con anh, chị Hồng và hai đứa nhỏ. Chị cũng cơ cực không thua gì những bà vợ tù cải tạo. Thời gian đầu, chị đem con lớn gởi cho nội và ngoại thay phiên nhau chăm sóc, chị ôm con nhỏ đi buôn hàng chuyến, chở lậu mấy lít mỡ, mấy ký gạo, bột nêm hay đường . . . suốt chặng đường dài từ Rạch Giá, Long Xuyên về Sàigon, có lúc bị trấn lột hết vốn, có khi ăn cơm chan nước mắt, nhưng vẫn ngâm đắng nuốt cay dấu hết gia đình nội, ngoại. Khi con nhỏ đủ lớn, chị tìm cách gởi hai cháu vào trường, đoạn đường gian nan này có ai đi qua mới biết tủi nhục! Con của "giặc lái", con của "Đại Úy Ngụy" làm sao xin vào Mầm Non, làm sao xin vào Mẫu Giáo! Nơi nào cùng chỉ một câu hỏi "Hộ khẩu của cháu ở đâu chị? Ba của cháu làm gì hả chị? " Con đường duy nhất dành cho chị và hai con là "liều" hoặc tự tử! Cũng may, những ngày tháng chạy xuôi, chạy ngược Long Xuyên, Rạch Giá đã giúp chị tìm được đường dây vượt biển. Chị gom góp hết nhẫn cưới, dây chuyền, bông tai, xe Honda, "đổng hai cửa sổ không người lái" đem bán hết chỉ đủ 3 lượng vàng, nên mạo hiểm dắt mối cho chủ ghe, để cuối cùng chị và hai con đến đảo, và được Hoa Kỳ tiếp nhận. Trong thâm tâm chị cũng như gia đình nội ngoại thì anh đã chết, vì không làm sao có được tin tức về anh, do đó chị lấy 11 giờ 30 ngày 30 tháng 4 là ngày giổ của anh và dạy hai cháu rằng ba là một anh hùng, là Đại Úy Phi công, đã tử trận vì bảo vệ cho Miền Nam tự do, mai sau khi lớn lên hai con phải nhớ điều đó, và rồi hai con sẽ hiểu hai chữ tự do là gì.

Bây giờ chị và các cháu đang ở cách đây hơn 4 tiếng lái xe.
Nghe hai đứa em kể chuyện, lòng Tấn như xát muối, có lúc như vô thức, có lúc xúc động khóc ra lời. Càng suy nghĩ , anh càng không muốn để vợ con nhìn thấy một thân thể tàn tật hai chân, ngồi xe lăn, như thế chỉ hại đời vợ lúc cô ấy còn thanh xuân, và làm tủi hổ cho hai đứa con khi phải nhìn thấy một người cha vô dụng tàn phế. Hình ảnh người anh hùng phi công mà mẹ chúng xây dựng trong trí óc của chúng sẽ bị hủy diệt và sẽ gây nên sự thương tổn tinh thần nghiêm trọng cho chúng nhưng anh không biết làm sao để giải thích. Đột nhiên anh nghe ngực trái đau nhói, anh hiểu trái tim của anh lại trở chứng, anh uống vội gói bột asperin để sẵn trong túi áo, nhắm mắt lại nghĩ yên không cử động, trong khi hai chị em Ái, Tuấn vẫn chưa hiểu chuyện gì đã xảy ra, mãi đến gần mười phút sau anh mới nói, tiếng nói nhẹ như hơi gió,"Anh bị stroke nhưng nhẹ thôi, lâu lâu bị một lần, nhất là nhưng khi bị xúc động".
- Vậy mà bác sĩ không chữa được sao?
- Khó lắm, nhiều chứng bệnh về tim y khoa cũng thúc thủ, anh trả lời em gái.
Bổng nhiên anh nghĩ ra một việc, cố lấy bình tĩnh rồi hỏi hai em,
- Hai em có thể giúp anh việc này không?
- Chúng ta là ba anh em, có gì cần thì anh cứ bảo, anh lúc nào cũng là anh của hai em, bất cứ anh gặp khốn khó nào hai em cũng hết lòng làm cho anh, sao anh lại khách sáo.
- Anh muốn có mấy tấm hình của vợ và con, anh muốn nhìn hình họ trước khi gặp mặt, để tránh xúc động.
- Được, em đến thăm chị và hai cháu rồi chụp hình đem lên là được rồi.
- Được, nhưng đừng cho họ biết là anh còn sống, hãy để cho họ yên tâm là anh đã chết, em cứ chụp hình làm như là đưa hình về cho mẹ xem mà thôi, có như thế mới làm họ ngạc nhiên được. Nhưng em đi một mình được không, để em Ái về đưa mẹ tới đây cho anh, anh nhớ mẹ lắm. Không biết mẹ còn mạnh khỏe như xưa không?
- Mẹ già rồi, nhưng vẫn khỏe, không như xưa được đâu, và khi nào nhắc đến anh mẹ cũng khóc hết, lần này mẹ cũng đòi theo hai em đến đây, nhưng em bảo để hai em đến trước dò đường rồi sẽ đem mẹ đến, em gái anh trả lời.
- Thật là tội nghiệp cho mẹ, anh luôn luôn làm cho mẹ buồn phiền và lo lắng.
- Không đâu, anh đừng nghĩ vậy, gặp lại anh mẹ nhất định sẽ rất mừng, mẹ bảo dầu anh thế nào mẹ cũng xin đem anh về mẹ nuôi, không lo gì cả.
- Thôi vậy thì em đem mẹ đến đây cho anh, còn Tuấn thì đến thăm chị.
- Vâng thì chị Ái đưa mẹ tới thăm anh, còn em thì đi chụp hình chị và hai cháu.
- Này, mà hai em đi làm có thể xin nghĩ được không?
- Chị Ái thì dễ, chủ mà, còn em thì sẽ lấy mấy ngày bệnh và Weekend thì đi được rồi.
- Thật là vất vả cho hai em, từ đây các em sẽ còn khốn khổ vì người anh xấu số này nữa.
Sợ anh khóc, nên Tuấn và Ái lại ôm lấy anh, rồi cùng nói,
- Nhà chúng ta đã đoàn tụ rồi, anh còn lo gì, để chúng em sẽ đưa chị và hai cháu về đây, chị em cùng sống, có cháo ăn cháo, có cơm ăn cơm, anh đừng lo nghĩ gì cả.

Ba anh em hàn huyên tâm sự gần hết ngày, Ái và Tuấn từ biệt anh ra về, trong lòng vừa thương cảm lẫn vui mừng vì đã tìm lại được anh. Suốt một khoảng đường dài, hai chị em không ai nói với nhau câu nào, mỗi người đều ôm một nỗi niềm riêng. Ái tự nghĩ, không hiểu gặp anh trong tình trạng này chị sẽ ra sao? Tình yêu có đủ nhiệm mầu đem lại hạnh phúc cho họ không? Còn Tuấn thì chỉ nghĩ đến hình ảnh của người anh phi công ngày nào, rồi ngậm ngùi thương xót. Cuối cùng Ái lên tiếng,
- Tuấn nghĩ xem gặp lại anh chị Hồng và mẹ sẽ nghĩ gì?
- Chị Hồng thì em không biết nhưng mẹ thì nhất định là vui lắm, vì việc anh gặp nạn mình đã được ông Phước, Hội Cao Niên kể cho mẹ rồi mà.
- Chị chỉ lo là không biết chị Hồng có chịu nỗi hoàn cảnh này hay không không biết nữa?
- Thì cũng đành chịu thôi, cùng lắm là mình chăm sóc cho anh có gì quan trọng đâu mà chị lo lắng.Vào Freeway rồi, chừng một tiếng nữa sẽ đến nhà, chị phone cho mẹ đi, nhưng về nhà chị nhớ đừng bi thảm câu chuyện quá để mẹ buồn, cứ coi việc anh bị tàn tật như là chuyện bình thường và tự nhiên là được rồi.
- Chỉ lo Tuấn lại không cầm lòng được thì có.
Gặp mẹ, hai chị em kể lại câu chuyện của anh cho me nghe, dầu cố giữ vẻ tự nhiên nhưng Ái đã không dấu được nước mắt.
- Thôi đi, âu cũng là số phận, chỉ còn cách là cầu nguyện cho anh con mà thôi.
- Mẹ tính coi, con và Tuấn tính đem chị về gần với mình, con sẽ tìm cho anh chị một căn nhà, lúc đầu con và Tuấn sẽ trả tiền thuê, sau đó chị ra tiệm tóc của con làm việc, hai cháu thì giao cho mẹ, mẹ xem có được không ?
- Mẹ có ý đó từ lâu, ngại vì không có tin của anh con nên không dám bảo con Hồng và hai cháu về đây, nay có tin anh con rồi thì đưa chị và hai cháu về là đúng rồi, chị em anh em ở gần nhau, có việc gì còn chạy lui chạy tới được.
Thế rồi cuối tuần Ái đưa mẹ đến thăm anh, bà cụ tay xách, vai mang hai giỏ đồ ăn nào mặn, nào nhạt, đến thăm con không khác gì đi thăm tù cải tạo, chỉ khác một điều là cụ có thể mang đủ thứ, mang món mình thích, không giới hạn, "bất quả Viện Dưỡng Lão không cho thì tao xách về" Đó là câu cụ trả lời với cô Ái khi con gái cằn nhằn mẹ mang nhiều quá,
- Mẹ ạ, con thấy anh không thiếu thốn gì đâu,mẹ cho tiền anh là được rồi, mà đôi khi Viện Dưỡng Lão họ cũng không cho nhận nhiều thứ như thế nữa.
- Không được, mang cho anh con mừng, để nó không tủi, cái gì mà Viện Dưỡng lão không cho, gớm, bất quá thì tao đem nó về tao nuôi cũng được, tiền già hàng tháng của tao vẫn nguyên đó đâu có tiêu pha gì đâu.
- Ừ thì mẹ cứ mang.
Thế rồi bà cụ đi thăm con, còn Tuấn thì thứ hai đi làm sẽ báo nghĩ, lấy ngày bệnh thứ 5 và thứ 6 để đến thăm chị và hai cháu và sẽ nói là mẹ nhớ chị và hai cháu nên chụp hình chị và các cháu mang về cho mẹ.

Một tuần sau ngày Tuấn mang hình chị và hai cháu về, mẹ và hai em lại đến Viện Dưỡng Lào thăm Tấn và đưa hình vợ và hai con cho anh xem.
Anh xúc động nhìn hình vợ và hai con rồi liên tưởng tới đoạn đường tủi cực mà vợ và các con phải chịu đựng mà không cầm được nước mắt.
- Năm nay cháu lớn, Nam Giang, học năm thứ nhất Bio, còn cháu nhỏ, Việt Sơn, học lớp 11, chị thì hớt tóc, cuộc sống cũng bình bình, hai đứa nhỏ học rất giỏi, Giang năm nào cũng lấy học bổng toàn phần. Tuấn nói.
- Con tính xem có được không, mẹ định đưa vợ con và các cháu về ở với mẹ và các em, và đưa con về với mẹ, để gia đình mẹ con anh em quây quần có nhau.
- Được mà, tùy mẹ và hai em, nhưng việc học của Giang có trở ngại gì không.
- Vâng, việc này để em hỏi Giang, Nhưng từ nhà chị đang ở đến trường Giang cũng 4 tiếng lái xe, nên Giang thuê phòng ở gần trường, nếu chuyển về City em, thì tính ra còn gần hơn một tiếng lái xe, việc ở và học của Giang không thay đổi, nhưng để em hỏi ý cháu xem sao, vã lại cần phải bàn với chị. Em nghĩ mẹ và chị Ái phải đến thăm chị và nói cho rõ ràng thì tốt hơn.

Thế rồi bà cụ và con gái đến thăm con dâu và cháu nội, kể cho họ nghe đã tìm được con trai . Nỗi vui mừng và thương cảm đã trào ra cùng với nước mắt của một người vợ. Cái gì tưởng đã mất nay tìm lại được mới vui mừng, tình tưởng đã chết nay sống lại, còn hạnh phúc nào hơn, chị khóc òa như một trẻ thơ, còn hai đứa con chị cũng sững sờ nghe nội kể mà không nói được một lời nào. Thế là một tuần sau, cả nhà dọn lên City bà nội, chỉ cách nhà bà nội ở một góc đường, Tuấn và Ái thì lén phone cho anh, còn chị chỉ cầm phone lên nói được một tiếng anh . . . rồi lại khóc, sự vui mừng đến xúc động đã bù lại cho chị được bao tủi cực mấy mươi năm trời, "dù anh ấy thế nào con cũng đem anh ấy về với con và các cháu để cả nhà đoàn tụ, sướng khổ có nhau mẹ ạ"

Việc xin đem một người từ Viện Dưỡng Lão về với gia đình trong trường hợp của anh không có gì khó khăn, và chỉ mấy ngày là cả nhà cùng lên đón anh về, ngoại trừ bà cụ ở lại nhà vì xe không đủ chổ .
- Này, em hỏi thật chứ anh chị có cảm giác như ngày anh chị cưới nhau không. Bổng nhiên em lại nhớ bài “Ngày trở về” của một nhạc sĩ nào đó nghe quen quen.
- Tuấn mày khùng há, may mà không có mẹ đi theo! Ái la Tuấn.
- Không sao đâu em, thực tế nào cũng phủ phàng mà.
- Em thì biết anh còn sống là hạnh phúc lắm rồi, không cần chú ấy chọc đùa kiểu gì cả. Anh cứ ở nhà, để mẹ con em có người nương tựa là yên vui rồi anh hiểu không.
- Anh hiểu, thật là tội cho em quá.
Từ lúc gặp anh, đưa anh lên xe cho đến giờ, chưa lúc nào chị rời tay anh, còn Sơn thì lâu lâu lại vòng tay ôm ba một lúc, đôi khi, Giang lại chọc "Nó dụ ba để xin tiền đó, ở nhà mỗi lần nó làm tiền mẹ cũng đều dùng cách ấy đó ba”.
- Anh hay xin mẹ thì có.

Cá gia đình vui vẻ, không bao lâu đã về đến nhà. Bà cụ cho biết đã thông báo cho bà con bạn bè và đã xin Thánh lễ tạ ơn vào chiều Chủ nhật, cũng như đã mời bà con đến Duyên Hồng sau lễ để ăn mừng cho con và cả nhà.
Hạnh phúc là màu hồng, nhưng lại rất mỏng manh. Hơn một tháng trời vui với vợ con, mẹ và các em, Tấn thật không diễn tả nỗi niềm vui và hạnh phúc mà anh đang có, nhưng một đôi khi, nhất là vào đêm, anh vẫn lên cơn đau nhói ở ngực trái, và vẫn len lén dùng Plavix và Asperin để ngăn ngừa các cơn đau tim (Heart attack), mà không để gia đình biết trong lúc đang vui vẻ này, vì thế, anh đành dấu kín cơn bệnh anh mang .

Thường thường, mỗi buổi sáng sau khi mọi người đi làm hết, bà cụ lại đi bộ qua chơi với con trai, tình cảm mẹ con bổng trở nên như hồi còn bé, làm Tấn vô cùng xúc động và cảm thấy ấm áp trong lòng. Sáng nay cũng như thường lệ, bà cụ đến chơi với Tấn, nhưng khi cụ vừa ngồi xuống thì Tấn lên cơn đau, anh bảo mẹ gọi xe cấp cứu, bà cụ hoảng hốt gọi xe cứu thương và kêu cửa hàng xóm xin giúp đỡ, anh được đưa vào bệnh viện, nhưng trên đường đi, anh đã trút hơi thở cuối cùng.
Nhận được hung tin, vợ anh đã ngất xỉu tại chổ làm, Ái bình tĩnh hơn, vội báo cho Tuấn và bảo đến trường đón Giang về, ba đau nặng mà không dám nói là từ trần, vì sợ Tuấn mất bình tĩnh khi lái xe, và nhờ một người làm đến đón cháu Sơn gần đó.

Di sản của anh để lại là lá thư viết cho mẹ và hai em, và một bức thư để lại cho vợ và các con,
Em và các con yêu dấu,
Hơn một tháng trời nay anh thật sự là hạnh phúc. Anh nếm được vị ngọt ngào của tình yêu, mùi êm ái của tình thân, và lòng yêu mến của tình phụ tử. Hồng ân của Đấng Tối Cao đã đổ xuống tràn ngập tâm hồn anh, anh thật không còn ta thán một chút gì như ngày phải bỏ nước ra đi, hay những ngày đầu của cuộc đời tỵ nạn. Nỗi chua xót của "Người Tù Khổ Sai" anh đã tưởng tượng ra được. Những đau khổ đó, nhiều khi anh tưởng như không còn chịu đựng nỗi, nhất là những đêm vào Mùa Giáng Sinh, khi nghe những bài ca bất hủ "Tà Áo Xanh Đêm Noel", "Đêm Thánh Vô Cùng", "Hai Mùa Noel" . . . anh thật nhớ em và các con vô cùng, mà thanh âm của lời hát như tiếng khóc nấc nở trong hồn mình, tuyết gió ngoài trời và giá buốt trong lòng, mà không chắc gì đã có mấy ai hiểu được nỗi thê lương đời đoạn ấy. Rất may, sau những phút tuyệt vọng đó, anh lại cảm nhận vị ngọt ngào của Thánh Giá anh mang, và anh đã can đảm sống trong thảm trạng đầy tuyệt vọng như em đã thấy, và để cuối cùng anh lại gặp được em, các con và gia đình. Đúng thật là một giấc mộng, dầu giấc mộng này có vắn vỏi, anh cũng đã mãn nguyện trong lòng.

Anh bị chứng suy tim, và đã đến giai đoạn mà y khoa đành thúc thủ, Bác sĩ đã cho anh biết như vậy và khuyên anh cố đè nén cảm xúc, không để buồn vui bất chợt làm đột biến cảm xúc của mình.
Điều anh muốn nói với em là xin em đừng buồn, em hãy nghĩ rằng, con người vốn là bụi đất, sinh ra, lớn lên, già lão và chết, để trở về với bụi đất, định luật tự nhiên này không một tạo vật nào có thể cưỡng lại hay thoát khỏi. Vậy em hãy coi chết không phải là mất mát, mà là giải thoát, là trở về nơi nguyên thủy cội nguồn, hãy suy nghĩ như vậy để em bớt đau buồn.
Điều thứ hai là anh muốn em khuyên dạy các con hãy cố sống làm sao cho vui vẻ, làm bất cứ việc gì cũng phải tận sức, và nhất là không trái với lương tâm để lòng mình luôn luôn thấy thanh thản, nhẹ nhàng và có được sự bằng yên trong tâm hồn. Bảo các con đừng đặt hy vọng quá cao vào bất cứ một việc gì, nhưng hãy hy vọng để sống và làm việc trong khả năng và tầm tay của mình. Sống với người dẫu không có thật lòng, cũng không được phép mất đạo đức. Mà nhất là đối với tình yêu nam nữ, các con phải hiểu đó là một sự hòa hợp của hai tâm hồn, là sự chia sẻ cho nhau, mà không phải là nhu cầu của hai tâm hồn, nhu cầu thì đòi hỏi, và ngày càng thay đổi, không chung nhất. Tình yêu chân thành cũng phải được nuôi dưỡng bằng những săn sóc vụn vặt nhất, ngôn ngữ "nhớ" và "yêu" là bí quyết của đời sống tình yêu và sinh hoạt hôn nhân của hai vợ chồng, mong các con hãy để tâm.

Mai sau khi ra đời, các con hãy nhớ một điều là đừng bao giờ nghe theo những khẩu hiệu, những chiêu bài như là một khuynh hướng chính trị. Chính trị là lừa đảo, nhưng có những lừa đảo vì lợi ích của tổ quốc và đồng bào của những người làm chính trị có đạo đức; Còn có loại chính trị lưu manh, vô đạo đức như bao nhiêu khẩu hiệu, chiêu bài hiện nay ở Việt Nam. Khi nào có dịp về thăm lại nơi tổ tiên chúng ta an nghĩ , các con hãy về xem những làng mạc miền quê, để thấy nỗi bất hạnh của người dân quê điêu đứng vì khẩu hiệu và chiêu bài dân chủ, tự do, hạnh phúc. Đừng nhìn cuộc sống ở thành phố, những đô thị lớn, những thị xã, tỉnh lỵ, để các con thấy được sự phồn vinh giả tạo của xã hội Việt Nam. Đừng nhìn cán bộ đảng viên mua xe hàng trăm ngàn đô la Mỹ, ở nhà hàng chục tỷ đồng, con cháu du học nước ngoài, du lịch nước ngoài như cơm bữa, mà hãy nhìn người dân quê, cơm không đủ ăn, quanh năm mặc áo vá, nhà vách đất, mái vừa lá, vừa tôn, vừa vải bạt . . . để các con biết chiêu bài và khẩu hiệu mà ba muốn nói.

Em à, anh không còn thời gian nữa, anh tự biết sức mình trong mấy đêm nay, và bao nhiêu lần muốn nói với em và các con, cũng như muốn Giang ở lại với anh một vài tuần, nhưng anh lại không nỡ làm tan mất không khí vui vẻ và xé nát bức màn hạnh phúc màu nhung đang vây bủa chúng ta, và càng không dám làm gián đoạn việc học của hai con, cho nên anh đành im lặng. Anh thật mệt lắm, mong những dòng chữ cuối cùng của anh đem về cho em và các con những suy nghĩ tốt lành.

Điều hạnh phúc của anh khi ở bên kia thế giới nhìn về là thấy được em và hai con hạnh phúc và thành đạt.
Chồng của em và ba của các con,
Tấn .
Đọc xong lá thư anh, Giang khóc lớn, ba ơi, "Anh hùng tử, khí hùng bất tử" Ba mãi mãi là anh hùng trong tâm trí chúng con và gia đình.
Post Reply

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 0 guests