CUỘC TÌNH ĐẦU

Quân sử, những bài viết, ký sự, ...
Post Reply
dutu
Posts: 204
Joined: Sat Sep 19, 2009 8:19 pm
Contact:

CUỘC TÌNH ĐẦU

Post by dutu »

CUỘC TÌNH ĐẦU

dutử
Huy theo lệnh tập trung mang cơm gạo và đồ dùng đủ cho 10 ngày như Ủy Ban Quân Quản Thành phố thông báo. Mọi việc đã sẵn sàng, Huy từ biệt mẹ và hai em bước ra khỏi nhà, lòng ngậm ngùi luyến tiếc mái ấm này, nơi đã che chở và nuôi nấng Huy từ ấu thơ cho đến hôm nay. Chàng vòng quanh khu vườn sau, nhìn mấy gốc Mai và vài cây Măng Cầu Xiêm xum xuê những lá. Vài con chim sẽ giật mình bay ào ra khỏi khu vườn, phá tan cái tĩnh mịch lặng lẽ của buổi sáng, đột nhiên Huy nghĩ tới cảnh khô khóc và quạnh hiu của mùa Xuân trên đồi Măng Giăng ngày nào, rồi nghĩ tới Sai gòn, Hòn Ngọc Viễn đông của hôm qua, Thủ đô rực rỡ và hoa lệ của Miền Nam tuần rồi mà bổng chốc hôm nay không khí khủng bố, chết chóc trùm lên mọi nhà, mọi đường phố, cả đến đầu cây ngọn cỏ và các sinh vật như những con chim sẽ vừa bay. Nỗi hãi hùng kinh khiếp nào đó đang đè xuống tâm hồn con người khi liên tưởng tới một Mậu Thân ở Huế, một Đại Lộ Kinh Hoàng năm nào . . . Huy vội vàng bước khỏi khu vườn, nhanh như sợ ai bắt gặp và nhẹ nhàng như bước chân đêm săn địch của người Trinh sát. Chàng đi về hướng Nguyễn Phi Khanh- Trần Quang Khải, để đến Hai Bà Trưng lên khu Cầu Kiệu, và dừng lại trước nhà của Liên . . ., gõ cửa ba lần, không ai lên tiếng. Sài gòn ngày đó, người ta e ngại nhất là tiếng gõ cửa, Huy hiểu điều đó nên vòng qua hẻm sau, leo hàng rào vào nhà. Liên nhìn anh, nét mặt ngơ ngác lẫn kinh hoàng,

- Bọn họ dẫn ba em đi rồi.
- Sao, bác trai đã bị bắt?
- Họ bảo mời ba em lên Phường làm việc, nhưng không cho ai đi theo, rồi đẩy ba em lên xe chạy về hướng Chi Lăng - Tân Sơn Nhất, em chỉ theo được một quảng rồi mất hút không hiểu bọn họ đưa ba em đi dâu?
- Không sao đâu, ba em chỉ là bác sĩ làm ở bệnh viện thôi mà.
- Em lo sợ nên chưa nói cho mẹ, mà anh đi tập trung sao lại đến đây? Đã có tin của bác trai chưa?
- Có lẽ ba anh đã bị bắt! Anh đến từ biệt em, anh bỏ ý định đi tập trung theo lệnh của bọn họ, nhưng dấu mẹ anh, em cũng đừng cho họ biết. Anh sẽ tìm đường xuống Vùng 4, anh có nhiều bạn ở đó lắm, để gặp họ rồi sẽ tính. Nếu còn sống, anh sẽ về tìm em, anh hứa nhất định. Anh để em trong lòng anh như bàn thờ, thờ em khi anh chết, thờ em như anh còn sống, anh hứa với em.
Liên ôm anh rất chặt, chặt như nàng có thể, Huy nín thở không dám cử động, một lúc sau hai người buông nhau.
- Anh đi nha.
- Anh . . . Bảo trọng, em vĩnh viễn chỉ có một mình anh, dù sống hay chết, anh hãy bảo trọng để về với em . . .
Thế rồi cuộc tình dang dở, lời từ biệt hay lời vĩnh quyết, nhưng tình yêu trong lòng họ bổng nhiên đã thành vĩnh cửu từ giây phút đó.
Đoạn đường Huy đi quả nhiên không bằng phẳng, xuống Rạch Giá gặp được bạn bè rồi, cũng không ai dám chứa chấp Huy, vì cả mấy đứa bạn, cũng không đứa nào dám ở lại nhà, chỉ hẹn nhau gặp ở Bến Xe ở Phường Vĩnh Lạc, trước mặt đường Nguyễn Trung Trực, và hàng ngày, cả đám tìm cách xếp hàng bán chổ ở bến xe, xếp hàng mua vé rồi bán lại cho khách, hay chạy xe lôi để kiếm cơm qua ngày, đêm thì khi ngủ bến xe, khi thì khu chợ Nhà Lồng, nhưng trong thâm tâm họ, vẫn nghĩ tới một cuộc ra đi, mà cái chết cầm chắc là 9, chỉ có một phần sống. Và họ vẫn còn chờ, chờ người bạn Hải Quân ở Cồn chưa ra tới, nhưng họ biết chắc anh ấy sẽ phải ra, vì càng ở nhà quê, càng dễ bị thủ tiêu và khủng bố . Huy và đám bạn chờ đợi trong căng thẳng mỏi mòn, cho đến một hôm nhận được tin người bạn Hải Quân, tên Thắng đã bị bắt và đưa vào trại tù U Minh Thượng.

Đã lỡ trốn rồi, Huy không dám về Saigon và càng không dám liên lại với người thân, đành náu thân ở Rạch Giá, làm đủ thứ nghề, nhưng cái chính vẫn là chạy xe lôi. Làm nghề đạp xe lôi, Huy quen được Ba Viễn trong một dịp tình cờ. Một lần có người khách nhờ Huy chở từ Bến Tàu đến đường Nguyễn Trung Trực, khi xuống xe đã bỏ quên gói đồ, Huy tìm lại địa chỉ trả gói đồ, và được biết ông ta là Ba Viễn, chủ của 2 chiếc ghe lớn, là người chuyên môn đưa người đi vượt biển. Huy dần dà lấy được lòng tin của người bạn mới này và năm 1978, Huy được Ba Viễn giúp cho đi trong chuyến tàu 120 người do Ba Viễn tổ chức. Thật là may mắn, chiếc tàu đi ra hải phận Quốc Tế chỉ một ngày thì được một tàu dầu vớt và đưa vào Thái Lan. Huy ở Thái Lan 5 tháng rồi được phái đoàn Hoa Kỳ tiếp nhận.

Những ngày đầu ở Hoa Kỳ, nhất là tiểu bang lạnh như Wyoming, Huy rất vất vả, ngày cắp sách đến trường, chiều tối về đi clean Office do gia đình người đỡ đầu giới thiệu. Mùa Đông ở tiểu bang tuyết quả là thê thảm, lúc đầu mới nhìn, tuyết thật đẹp đẽ, lâu dần, tuyết thành ra khủng khiếp, đến sau này, mỗi khi mùa Đông tới, nhìn thấy tuyết thật kinh hoàng !

Huy quyết chí lấy việc học làm phương tiện, nên ngày nào cũng đều đặn đến trường hoặc Thư viện, cố gắng tích lũy vốn liếng Anh Văn đủ để vào High School, chương trình dành cho người lớn tuổi của tiểu bang, rồi học nghề tạo mẫu (Designer) theo hướng dẫn của ông bà bảo trợ Huy. những người đã sống bằng nghề này nhiều năm, rất dồi dào kinh nghiệm và tận tình hướng dẫn. Cho đến bây giờ, Huy vẫn một lòng quý mến và biết ơn gia đình này.
Nỗi vất vả mà Huy cam tâm chịu đựng, đặc biệt là những ngày mùa đông, đứng trong Building nhìn qua cửa kiếng, tuyết rơi đều đều như vãi phấn hoa, mà cảm giác nỗi lạnh lẽo của đêm tuyết đổ, mới thấy được cái thê lương tĩnh mịch của đêm đông, lòng Huy những lúc ấy chỉ tưởng nhớ ba mẹ và các em, nhớ hình ảnh Liên phút từ biệt ôm lấy Huy và nói "Trong lòng em chỉ có anh, dù sống hay là chết". Hình ảnh ấy và lời Liên vẫn đồng vọng trong tâm hồn Huy những khi mệt mỏi, những khi cúi clean sàn nhà mà mắt nhìn ra cửa kiếng để xem hoa tuyết và nghe lạnh lẽo đến từ cọng tóc kẻ tơ.

Cuộc tình đầu của Huy và Liên cũng như bao chuyện tình thời chinh chiến. Huy và Liên quen nhau từ Trung học Lê Bảo Tịnh, Huy hơn Liên một lớp, đậu Tú Tài II, Huy vào Khoa học, nhưng rơi năm thứ Ba, nên theo lệnh Tổng động Viên vào Thủ Đức, còn Liên vào Trường Dược Khoa Sài Gòn. Thế rồi cô học trò trường Thuốc cùng anh Sinh Viên Trường Bộ Binh Thủ Đức, cứ mỗi chiều thứ Bảy, chờ nhau trước cổng trường để đến Eden hay Rex, rồi cùng sánh vai nhau rước đèn suốt quảng đường Nguyễn Huệ đến Lê Lợi tới Cửa Tây Chợ Bến Thành, ngồi ăn cháo Vịt bên Thủ Khoa Huân - Lê Thánh Tôn, hay vào phở Pasteur rồi qua quán kem Thanh Thế . Những bước chân quen ấy đã trở thành thông lệ của hai người.

Ngày Huy ra trường Thủ Đức là thời điểm chiến tranh Việt Nam ở vào giai đoạn gay gắt nhất, cộng sản Bắc Việt xua hàng chục sư đoàn xâm nhập miền Nam qua các ngã đường biên giới Lào, Campuchia và Trường sơn, với xe tăng và hỏa tiển 122 ly, trong khi đồng minh của Việt Nam Cộng Hòa đã cắt đứt mọi phương tiện viện trợ, đặc biệt là súng đạn và nhiên liệu. Và chính đó đã thúc đẩy Huy chọn biên phòng.

Tình yêu khi cách trở càng làm tăng thêm nỗi nhớ nhung nhau, cũng như càng khắt khe, tình yêu càng bền chặt. Ở chốn đèo heo hút gió những khi nhớ về Liên, Huy thường tìm vào kỷ niệm để thấy lại hạnh phúc mà anh tin tưởng không hề mất, những kỷ niệm thời Quân trường, nhất là những tuần lễ "Huấn Nhục", những lá thư tình ngọt ngào Liên viết cho Huy, những đêm "Dã Trại, ứng chiến", tiếng thì thào của người Hạ Sĩ già với hai sô nước đá, bia và hột vịt " Chuẩn Úy có dùng không", dù lúc đó mọi người chỉ mới gắn Alpha . Tất cả đó, Huy tưởng như chỉ mới qua đi và âm thanh ấy còn đồng vọng ở đâu đây. Những tối nằm đếm sao, nghe "Nửa Đêm Biên Giới ", “Nhật Ký Hai Đứa Mình” hay "24 giờ Phép" là những lúc nhớ người yêu hơn bao giờ hết. Cảm xúc đó, nếu không là lính không dễ gì biết được, và nếu không là lính, đã có ai yêu mà da diết trân trọng tình yêu như lính. Lại có những khi buồn bã, Huy thường hay nhớ tới những câu Liên hỏi thủa học trò, thời còn học Lê Bảo Tịnh, "Lạy Đấng Tối Cao xin giúp chúng con sống ngay thẳng, giàu lòng nhân ái, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hăng say học tập và hy sinh . . ." là kinh học sinh phải đọc vào mỗi đầu buổi học trong lớp. Có lần trong giờ ra chơi Liên hỏi Huy,

- Sao mấy ông Cha Thanh Hóa độc đoán quá vậy, rồi mấy người không có đạo nào cả thì sao?
- Dễ quá, thì đọc là "Lạy ban giám khảo, xin cho con đậu khoa này . . ."
Vận nước đổi dời, Huy trôi nổi đến xứ lạ quê người, nhưng tấm chân tình trong lòng Huy không hề thay đổi mà còn đậm đà hơn. Điều Huy mong mỏi hiện giờ là ngày gia đình đoàn tụ, mà nhất là được gặp lại Liên, linh hồn của Huy trong những phút sinh tử ngày xưa trên chiến trường, hay là những phút cô đơn nhìn tuyết đổ ngoài trời mà nghe thê lương làm buốt giá cả tâm hồn.

Huy học xong nghề tạo mẫu, đã cố gắng tìm việc ở tiểu bang ấm, nhất là sau khi nhận thư của các em cho biết ba bằng yên trở về sau 4 năm nghiên cứu chế biến thực phẩm, “cải thiện củ mì trộn bo bo”, lòng Huy vui mừng đến xúc động, lá thư ấy Huy vẫn lấy ra đọc những khi mệt mỏi hay những đêm thao thức nghĩ về gia đình.

Tháng 2 năm 1991, gia đình Huy đến Mỹ theo chương trình HO.4, về phần Liên nàng cho biết gia đình cũng đã được phái đoàn Hoa Kỳ phỏng vấn, hy vọng cuối năm sau sẽ được gặp Huy, đọc được thư này, lòng vui mừng khấp khởi, và cảm thấy hạnh phúc thực sự đã về gần, bao nỗi hân hoan hiển lộ trên nét mặt, làm mẹ và em cứ chọc Huy mãi.
Trong suốt mười mấy năm sống trên đất nước phồn vinh hoa lệ, tâm hồn tuy không bị quẩn bách, nhưng trí óc luôn luôn bận rộn, và đặc biệt là nỗi lo lắng đến gia đình và lòng nhớ nhung cố tri đến khó mà có được những phút thanh thản trong lòng, nhưng thời gian này, Huy cảm nhận được sự nhẹ nhàng trong lòng mình mỗi sáng mai thức dậy, khi ngồi uống ly cà phê chờ đến công ty, lòng bổng thèm nghe một bản nhạc ngày xưa như là "Rừng Lá Thấp", "Con Đường Xưa Em Đi" . . . Và rồi, Huy tìm vào thư viện, mượn hết những CD có các bản tình ca ngày cũ, đem về thâu lại cất trong xe, để mỗi khi đến công ty, hay trên đường về, chàng đều nghe lại những bản nhạc một thời yêu dấu.

Ngày mồng 4 Tết, tức 21 tháng 2, Gia đình Liên đến Mỹ. Suốt cả tháng trời trước đó, Huy đi làm về lúc nào cũng hỏi "Có ai điện thoại cho con không mẹ, hay Cơ Quan Di Trú có thông báo gì không?", và mẹ nhìn Huy mĩm cười,
- Nóng lòng gặp con Liên phải không? Chưa đâu, ít nhất cũng vài tháng nữa.
- Không đâu, con chỉ hỏi để có gì thì chuẩn bị thôi.
- Con ạ, cái gì của mình thì nhất định sẽ là của mình, cái gì không phải là của mình, có miễn cưỡng giữ lấy rồi cũng sẽ mất đi. Con Liên là đứa con gái có học, đoan chính, mà gia phong lại nghiêm, hai đứa quen nhau đã mười mấy năm trời, tình đã như vợ chồng, con không cần lo lắng gì cả, chỉ cần con trang trí, sắp xếp căn nhà con mướn đó cho tươm tất là được rồi.
- Ban đầu con nghĩ là để gia đình Liên ở chung với mình cho tiện săn sóc nhau, nhất là lúc đầu, nhà Liên chỉ có 3 người thôi, nhưng nghĩ lại thấy không tiện vì nhà mình toàn đàn ông, nên mới mướn nhà cho gia đình Liên mà thôi. Nhưng mẹ đừng lo, con có thể trang trải được với đồng lương của mình.
- Mẹ hiểu và con làm như vậy là đúng lắm.
Trong lúc hai mẹ con nói chuyện, ba Huy cũng ngồi nghe, ông thầm thương cho nỗi lòng đứa con trai và con dâu sắp cưới. Tính sơ sơ, chúng nó quen nhau đã 18, 19 năm rồi, lần này sum họp, nhất định phải làm đám cưới ngay cho hai nhà có chuyện vui trong những ngày đầu xa lạ ở xứ này, để ông bà sui khỏi thấy cô quạnh, mà thằng Huy giúp đỡ gia đình ông bà sui cũng là hợp tình, phải đạo, không làm ông bà sui e ngại.

Hai ngày trước khi gia đình Liên qua, Huy đã xin nghĩ để thu xếp lại các việc cần thiết rồi ngày Liên sang, cả gia đình Huy ra phi trường để đón. Nhìn dáng điệu mệt mỏi của ba mẹ Liên bước xuống máy bay, Huy hiểu là hai ông bà đã mệt mỏi vì ngồi trên phi cơ quá lâu, ba mẹ Huy cũng hiểu như vậy nên hối thúc mọi người mau kiểm soát lại hành lý để lên xe về nhà. Huy cầm tay liên dắt ra parking lấy xe, Liên chợt nhích tới ôm lấy Huy và bật khóc tự nhiên như khi còn bé,Huy choàng tay qua ôm nàng và thì thầm trên tóc,
- Em có biết là anh mong chờ ngày này đã mười mấy năm rồi không?
- Em cũng chờ anh đến hụt hơi luôn, nói xong nàng lại ôm Huy như sợ Huy sẽ bay mất.
- Em đừng lo, bây giờ thì không còn gì có thể ngăn cách chúng ta nữa.
- Anh ơi, họ nhìn mình đó!
- Ở đây không phải như Việt Nam đâu, họ nhìn là nhìn vậy thôi, tại mình đứng trước mặt họ, chứ không ai để ý tới mình đâu, em đừng lo.
- Huy à, lấy xe nhanh lên con, hai bác hình như mệt lắm.
- Con đang lấy đây mẹ ạ. Huy vừa trả lời mẹ vừa mở cửa cho Liên vào rồi chạy vòng lại đó mọi người.
Suốt quảng đường về, Liên tíu tít hỏi Huy hết mọi điều mới lạ nàng bắt gặp dọc đường, còn ba mẹ Liên nhìn những cảnh lạ ấy hầu như cũng đã quên hết mệt mỏi.

Như đã xếp đặt trước, Huy đưa gia đình Liên về nhà, hướng dẫn những điều cần thiết, những dụng cụ nhà bếp, nhà tắm, nước nóng, nước lạnh . . . mà ở Việt Nam không có, rồi bảo mọi người tắm rửa nghĩ ngơi cho khỏe để rồi tất cả cùng ra nhà hàng ăn bữa ăn đoàn tụ.
Sau khi tắm rửa thu dọn xong, Liên hỏi ba mẹ thế nào, còn mệt không, nàng nóng lòng đi đây đó, trong lòng mang tâm trạng hồi hộp không yên, nàng như sợ hạnh phúc này sẽ mất đi trong chóc lát.
- Ba không thấy mệt, chỉ hơi mỏi mình, tắm nước nóng xong là thấy khỏe ngay.
- Mẹ cũng vậy, thấy con vui là mẹ hết mệt rồi.
- Xì . . . con đâu có vui, ba vui thì có, không còn phải thấy mặt ôngThu công an khu vực đến xin thuốc nữa là ba khỏe rồi!
- Ba cũng thấy con như không vui trong tâm trạng của người bình thường. Chữ quá độ dùng ở trường hợp này có lẽ đúng hơn là "Thời kỳ quá độ" mà Việt cộng dùng phải không con!
- Hai người giỏi rồi, con hãy chờ xem . . .
Huy nhìn thấy gia đình người yêu, cha con, mẹ con gần gủi với nhau như vậy, trong lòng bổng nghe thèm mùi vị một gia đình. Anh ngắt ngang câu chuyện và mời cả hai gia đình đi ăn . . .
- Hai bác thấy thức ăn của nhà hàng này ra sao?
- Tôi thấy như là lạ, cá hấp thì lớn, nhưng gia vị lại khác hẳn bên nhà, mẹ Liên trả lời.
- Bà ạ, các món gia vị ở đây không giống bên nhà đâu, tôi lúc mới đầu ăn cũng thấy như vậy, mẹ Huy tiếp lời và mời,
- Bà thử dùng món lẩu đồ biển này xem sao?
Mẹ Liên liền ăn thử món lẩu và khen,
- Vâng món này lạ và ngon lắm.
- Bà biết không, từ ngày sang đây, cứ cuối tuần là thằng Huy chở cả nhà đi ăn nhà hàng, tôi thấy thức ăn đã không hợp khẩu vị của mình, nên sau đó tôi cứ hỏi cả nhà thích ăn món gì thì tôi bảo nó đưa tôi đi chợ, mua về nấu lấy, vừa rẻ lại hợp với lối của mình hơn.
- Để lần sau con nấu cho, Liên nói.
- Nhà mình không có thuốc đau bụng đâu em ạ, vã lại ở đây thuốc men là điều phiền toái nhất em biết không?
- Tại sao lại cần thuốc đau bụng ?
- Vì chưa ăn thì không sao, ăn thức ăn em nấu rồi sẽ đau không chừng !
- À thì ra là vậy, mười mấy năm rồi em đã quên mất cái tật của anh, và vẫn tưởng là anh cũng không còn thói kê tủ đứng nhà người.
- Anh là người tình dài mà, em không thấy sao !
Cả hai gia đình đều vui lây nỗi vui của hai con, họ đều hiểu không có gì vui vẻ hơn là hai đứa nó được cùng nhau kết tóc xe tơ, mười mấy năm hai đứa vẫn sắt son với nhau không hề thay đổi.
Cả hai bên ba mẹ tuy không nói ra miệng nhưng trong lòng họ rất vui mừng và cũng mong cho hai con sớm định danh phận.
Về phần Huy và Liên, hình như không để ý mấy tới chuyện đám cưới, cả hai như đã đinh ninh trong lòng đám cưới chỉ là chuyện đương nhiên, và những ngày gần gủi, hẹn hò, dạo shop đủ để làm họ hạnh phúc và quên hết mọi thứ.

Một hôm mẹ của Liên hỏi:
- Con có nghe khi nào thằng Huy nó nói tới đám cưới không vậy, hai đứa quen nhau mấy chục năm rồi còn chưa đủ sao?
- Trời ơi, từ từ mà mẹ, con mới qua đây 3 tháng thôi mà, để hẹn hò thêm chút đỉnh mà.
- Ở quê mình, con gái mà tới 20 tuổi là lo rồi, hâm mốt, hâm hai . . . là coi như ế đó con, hâm mãi rồi sẽ thiu đấy, huống chi con năm nay đã là bâm mấy . . .
- Vậy để ngày mai nha, ngày mai con bảo anh ấy làm đám cưới . . . nàng vừa nói vừa chạy ra ngoài vì nghe tiếng xe Huy tới.
- Cô lại chạy đi đâu?
- Con chạy qua nhà ba mẹ anh Huy bảo con trai hai bác ấy ngày mai qua cưới con mà !
Ba Liên đang ở sân sau nghe hai mẹ con lớn tiếng liền bước vào hỏi,
- Hai mẹ con bà lại có chuyện gì?
- Tôi hỏi nó thằng Huy có bàn chuyện cưới hỏi gì với nó không mà thấy chúng im lặng như vậy?
- Bà không để ý con gái thôi, chúng nó đã chọn đồ cưới, chọn màu và kiểu thiệp mời, bà thử tìm trong tủ coi con Liên có gì mới không?
Nghe lời chồng, bà mở học tủ thấy mẫu thiệp cưới rồi qua mở tủ quần áo, bà lại thấy mấy cái voan và lúp dùng cho việc cưới xin, bà mới thầm trách mình vô tâm không để ý tới con bằng ông chồng, hèn gì nó lại giỡn với bà như vậy, bà nghĩ thầm, thì ra chúng nó đã sắp xếp. Bà ra phòng khách ngồi xuống cạnh chồng và nói:
- Chúng nó làm đám cưới rồi mình mới yên tâm, cưới xong, xin anh chị ấy để cho thằng Huy ở với mình cho vợ chồng già bớt cô đơn .
- Để mặc chúng đi, không rồi mai sau cơm không lành, canh không ngọt, lại thêm mất mặt và đau lòng.
Hai ông bà còn nói chuyện thì ba mẹ của Huy bước vào,
- Ông bà có khỏe không?
- Cám ơn ông, chúng tôi vẫn khỏe.
- Tôi làm chút gì ăn uống cho hai ông lai rai một tý nha, mẹ Liên bảo.
- Vâng, bà làm chút gì cho anh em tôi lai rai nói chuyện.

Ba mẹ Huy không khách sáo, gật đầu nhận lời. Thế rồi bốn ông bà vừa ăn vừa nói chuyện, mẹ Huy mau mắn nói về chuyện gia thất cho Huy. Họ quen nhau đã lâu, hai nhà lại là chổ cùng quê, đã thân từ ngoài Bắc, và nhất là sau ngày hai ông đi ở tù, hai bà càng thân nhau hơn, nên mọi việc bên nào cũng nói một câu nghe ra thật khách sáo nhưng lại rất thật lòng của họ"Xin tùy ý ông bà đi, ở đây mình chỉ có mấy người bạn tù, còn thân nhân thì không, chẳng cần rườm rà làm gì". Thế là đám cưới hai bên đã bàn định.
Huy và Liên được ba mẹ hai bên cho biết họ đã bàn định chuyện gia đình cho hai người, “bây giờ hai đứa lo khách mời và nhà hàng, mấy việc đó ba má không biết gì đâu”, ba Huy nói.

Thật ra những việc này Huy và Liên đã âm thầm bàn tính, chỉ là trong nhất thời chưa tìm được nhà hàng như ý. Họ đang chờ Duyên Mai trả lời, nên chưa nói với cha mẹ hai bên.
- Chắc vài ba tháng nữa anh sẽ có người giúp việc nhà, nói theo các cụ là "nội tướng", nghĩa là lo lau nhà, quét nhà, sữa nhà, mọi việc liên quan đến nhà, và anh có quyền lo việc nước!
- Vài tháng nữa thì em cũng thuê một tài xế kiêm chức khuôn vác đó anh. Này nhưng mà nước của anh đâu có mà lo chứ!
- Em lầm to, nước vẫn còn đó, có bao giờ mất đâu, em không thấy mấy chữ Liquor, Beer trong mấy shopping sao!
- Thì nói là "bợm" đại cho rồi còn bày đặt "việc nước" Các cụ mà nghe được chắc khóc không thành tiếng !
Cuối cùng rồi ngày đó cũng đến, Liên nóng lòng mặc thử chiếc áo cưới nàng mong đợi bao lâu nay nên đã không dấu được vẻ nôn nóng, nàng dặn đi dặn lại Huy phải đón nàng và mẹ đúng giờ để đi thử áo cưới.
- Được rồi, hai giờ anh đến đón em và mẹ.
- Anh nhớ mang theo mấy mẫu hoa em đã chọn hôm qua.
- Anh nhớ mà.

Huy chở Liên và mẹ đến tiệm thuê áo cưới cho nàng thử và chụp hình. Anh bỏ hai người ở góc đường, còn anh thì vào Parking đậu xe. Liên và mẹ bước qua đường vào tiệm đồ cưới. Một người lái xe Mô-tô đã không dừng lại ở Stop sign, đụng Liên và mẹ nàng làm hai người cùng té sòng soải trên đường, thoạt nhìn, thấy mẹ liên như bị gãy tay trái và chảy máu đầu gối. Còn Liên thì coi chừng nặng hơn, nằm im không nói, mặt mũi tái mét, văng hai chiếc dày ra khỏi chân. Từ Parking nhìn ra, Huy thấy rõ sự việc, anh kinh hoàng chạy đến, vừa gọi xe cứu thương vừa kêu tên Liên, nhưng nàng vẫn im lặng, nhìn sơ không thấy vết thương, ngoài vết thương mắt cá chân trái đang rỉ máu. Xe cứu thương đến và đưa hai người vào bệnh viện.

Huy theo xe cứu thương đến bện viện vừa gọi về báo tin cho gia đình, anh nóng lòng đi lui đi tới trước hành lang phòng cấp cứu, lòng như mang một khối chì, miệng lẩm bẩm "Chúa ơi xin đừng chia cắt chúng con, hai con đã đau khổ đến mỏi mòn bao lâu rồi!" . . . Chừng một tiếng đồng hồ sau, khi cả nhà vừa tới, thì bác sĩ cấp cứu cũng cho biết hai người không nguy hiểm đến tính mạng, bà cụ chỉ bị gãy xương tay, có thể bó bột, còn cô gái thì bể xương mắt cá, sau này đi đứng sẽ không được tự nhiên. Huy nghe xong, lòng như trút được gánh nặng, chàng chạy vào phòng Liên,

- Em đừng lo gì cả, em còn sống là được rồi, em gãy tay, gãy chân, anh cũng không ngại. Em nhớ nha.
Liên ôm lấy Huy như không muốn buông ra, dù chân trái rất đau, nàng nghẹn ngào gọi tên Huy qua nước mắt, anh Huy, anh Huy . . . rồi tức tưởi,
- Anh ơi sao số phận chúng ta đau khổ như vậy !
- Em đừng khóc, chúng ta còn sống thì nhất định sẽ sống bên nhau, kiếp này, kiếp sau hay ngàn kiếp sau nữa, nhất định anh không để mất em, mà xấu nhất là hai đứa cùng đi, từ lúc theo em vào đây anh đã nghĩ tới điều này.
- Anh rõ là khờ, em còn sống mà.
- Vậy là được rồi, bất quá là anh dùng xe lăn cưới em thay vì xe tank của thời chinh chiến mà thôi.
Liên cắn vào vành tai Huy rồi hỏi,
- Mẹ em như thế nào?
- Mẹ chỉ bị gãy xương cánh tay trái, bó bột lại sẽ không sao.
- Anh ơi làm sao đám cưới, thiệp mời đã gởi đi hết rồi.
- Anh đã hỏi bác sĩ, em có thể xuất viện trong vòng 15 ngày, nếu giải phẩu tốt đẹp, mình còn 20 ngày nữa mới đãi tiệc mà.

Thế rồi một đám cưới linh đình đã được tổ chức, người ta tha hồ thêu dệt câu chuyện tình yêu của Huy và Liên, và cô dâu chú rể ra chào khách trên chiếc xe lăn được kết đầy bông hồng vàng. Đâu đó âm thanh của bài Ly Rượu Mừng lồng lộng trong không gian và tấm lòng sắt son của một tình yêu chung thủy đã thành dấu ấn trong hai tâm hồn.

dutử
Nguyễn Định

8)
Post Reply

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 0 guests