Tin Tức Thế Giới Hàng Ngày

Tin trong và ngoài nước, tin Cộng Đồng ...
quaichao
Posts: 1186
Joined: Mon Jun 11, 2007 5:32 am
Contact:

Post by quaichao »

Syria đưa thêm quân đánh vào vùng nổi dậy
Monday, February 20, 2012 5:45:18 PM

BEIRUT (AP) -Quân đội Syria hôm Thứ Hai đưa thêm chiến xa và các đơn vị chiến đấu khác đến tăng viện cho lực lượng
đang tấn công đàn áp dân chúng nổi dậy ở thành phố Homs, có vẻ mở đầu cho chiến dịch của chế độ Bashar Assad
nhằm chiếm lại các khu vực do phía nổi dậy chiếm đóng, theo các nhà tranh đấu.

Image
Phiến quân thuộc Quân Ðội Tự Do Syria đứng gác ở Idlib, Syria, gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, hôm Thứ Hai.
Damascus đưa thêm quân đánh vào vùng nổi dậy, nhất là Homs ở trung tâm Syria. (Hình: Bulent Kilic/AFP/Getty Images)

Nhà tranh đấu Mustafa Osso ở Syria cho báo chí hay ông không nghĩ rằng chế độ có thể giành lại quyền kiểm soát thành phố Homs qua biện pháp quân sự, vì dân chúng nơi đây sẵn sàng “chiến đấu đến người cuối cùng.” Ông cho biết thêm là thành phố Homs nay “đang bị pháo kích dữ dội, bất kể là mục tiêu dân sự hay quân sự.”

Rami Abdul-Rahman, người đứng đầu tổ chức tranh đấu Syrian Observatory for Human Rights có trụ sở đặt tại Anh, cho hay chế độ sẽ tìm cách chiếm lại khu vực Baba Amr thuộc tỉnh Homs. Nhiều người dân Syria gọi Baba Amr là “Misrata của Syria.” Misrata là thành phố ở Libya nơi dân chúng từng chống lại cuộc bao vây tấn công của quân của nhà độc tài Moammar Gadhafi trong nhiều tuần lễ hồi năm ngoái.

Các cuộc giao tranh giữa thành phần nổi dậy võ trang và quân đội Syria đang ngày càng xảy ra thường xuyên hơn. Phía nổi dậy đã chiếm được một số khu vực nhỏ ở phía Bắc cũng như trong tỉnh Homs, vốn là tỉnh lớn nhất ở Syria, kéo dài từ biên giới phía Tây với Lebanon tới Iraq và Jordan ở biên giới phía Ðông.

Chế độ Assad có thể tìm cách chiếm lại Homs, một cứ địa quan trọng của các nhóm nổi dậy, trước khi có cuộc trưng cầu dân ý ngày Chủ Nhật về bản Hiến Pháp mới của Syria.

Bản Hiến Pháp này sẽ cho phép giới đối lập có quyền tranh cử chống lại đảng Baath của Assad, vốn kiểm soát Syria sau cuộc đảo chánh năm 1963.

Tuy nhiên giới lãnh đạo cuộc nổi dậy kéo dài 11 tháng nay cho hay cuộc trưng cầu dân ý chỉ là một trò dàn cảnh của chế độ.

Tại Kabul, hai nghị sĩ cao cấp đảng Cộng Hòa trong Ủy Ban Quốc Phòng Thượng Viện, đã lên tiếng kêu gọi có sự hợp tác của cộng đồng quốc tế để võ trang cho phía nổi dậy ở Syria cũng như cung cấp các trợ giúp khác. Tuy nhiên, Nghị Sĩ John McCain, thuộc tiểu bang Arizona, và Nghị Sĩ Lindsey Graham, thuộc tiểu bang South Carolina, đều không kêu gọi có sự tham chiến trực tiếp của quân đội Mỹ. (V.Giang)
KhoaiLang
Posts: 36
Joined: Thu Nov 04, 2010 11:32 pm
Contact:

Post by KhoaiLang »

Iran sẽ 'đánh phủ đầu' nếu bị đe dọa

Trong khi quan hệ giữa Tehran và các nước phương Tây đang căng thẳng, một tướng Iran tuyên bố sẽ ra đòn trước kẻ thù
nếu thấy lợi ích quốc gia bị đe dọa.

Image
Vũ khí quân sự được trang bị để sẵn sàng chiến đấu tại một cơ sở hạt nhân của Iran. Ảnh: AP
Fars News dẫn lời Mohammad Hejazi, Phó tư lệnh lực lượng vũ trang Iran nói: "Chiến lược của chúng tôi là nếu nhận thấy kẻ thù đang đe dọa lợi ích quốc gia của Iran và sắp quyết định hành động thì chúng tôi sẽ tiến hành trước, không đợi đến khi các nước đó ra tay".

Các quan chức chính phủ và quân đội Iran nhấn mạnh rằng họ có khả năng đánh bại những kẻ thù của đất nước khi cần thiết. Tuyên bố trên được phát đi khi quân đội Iran đang tiến hành cuộc tập trận để "bảo vệ các cơ sở hạt nhân" ở miền nam đất nước.

Tuần trước, giám đốc cơ quan tình báo quốc phòng Mỹ, trung tướng Ronald Burgess, cũng cho biết Iran có thể sẽ phóng tên lửa nếu bị tấn công, nhưng ông không cho rằng Tehran sẽ khơi mào hoặc cố tình gây ra xung đột.

Theo AP, động thái này cho thấy Iran đã chuẩn bị đầy đủ các phương án tự vệ cũng như trả đũa lại những cuộc tấn công quân sự, trước tình hình Mỹ và Isarel cho biết sẽ không loại trừ phải sử dụng vũ lực khi các biện pháp về kinh tế và ngoại giao không ngăn cản được các chương trình hạt nhân mà Iran đang theo đuổi.

Trong một động thái khác, ngày 21/2, truyền hình Iran đưa tin nước này đề nghị phái đoàn của cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế của Liên Hợp Quốc đang có mặt tại đây đến thăm khu quân sự hỗn hợp Parchin ở ngoại ô Tehran. Đây vốn là một địa điểm bị nghi ngờ sản xuất vũ khí hạt nhân. Irna cũng mời đoàn chuyên gia làm việc với các nhà khoa học của chương trình hạt nhân.

Mỹ và EU siết chặt các biện pháp trừng phạt bao gồm ngừng nhập khẩu dầu mỏ đồng thời đóng băng các tài khoản của ngân hàng trung ương Iran, nhưng Tehran cũng tuyên bố ngừng xuất khẩu dầu sang Anh, Pháp và các nước châu Âu để trả đũa phương Tây, đẩy lên giá dầu lên mốc cao kỷ lục trong 9 tháng qua.

Vũ Hà
quaichao
Posts: 1186
Joined: Mon Jun 11, 2007 5:32 am
Contact:

Post by quaichao »

Mỹ có thể sẽ cung cấp vũ khí cho phe đối lập Syria


Washington hôm qua lần đầu tuyên bố nếu Tổng thống Bashar al-Assad không từ chức,
Mỹ sẽ không loại trừ khả năng trang bị vũ khí cho phe đối lập ở Syria.

Image
Phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney. Ảnh: AP
Người phát ngôn của Nhà Trắng Jay Carney cho hay cuộc khủng hoảng tại Syria cần phải được can thiệp. "Cộng đồng quốc tế cần phải hành động để Tổng thống Bashar al-Assad chuyển giao quyền lực cho một chính quyền dân chủ hơn trong tương lai, nhằm kết thúc tình hình ngày một hỗn loạn tại Syria", ông Carney nói.

Khi được yêu cầu bình luận về việc các thượng nghị sĩ Mỹ yêu cầu cung cấp vũ khí cho phe đối lập, Carney nói: "Mỹ không muốn quân sự hóa các cuộc xung đột vốn đã rất căng thẳng của Syria vì như vậy sẽ đẩy Syria tới tình trạng nguy hiểm hơn".

Tuy nhiên, phát ngôn viên Nhà Trắng cho rằng nếu cộng đồng quốc tế phải chờ đợi quá lâu hoặc không thể gây sức ép buộc Tổng thống Assad từ chức, Mỹ sẽ không loại trừ các biện pháp khác.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, Victoria Nuland cũng bày tỏ quan điểm thống nhất với Nhà Trắng. Quan chức này nói Mỹ vẫn muốn giải quyết vấn đề Syria qua con đường chính trị. Tuy nhiên, nếu việc gây áp lực không phát huy hiệu quả, Mỹ sẽ phải xem xét các lựa chọn khác, bao gồm cung cấp vũ khí cho phe đối lập Syria.

Phát biểu của hai phát ngôn viên nói trên được cho là sự thay đổi về lập trường của Mỹ, bởi trước đó Washington luôn nhấn mạnh việc giải quyết vấn đề Syria thông qua đối thoại.

Tình hình tại Syria vẫn tiếp tục căng thẳng. Các nhà hoạt động đối lập cho biết quân đội chính phủ Syria đã tấn công vào thành phố Homs trong ngày thứ 18 liên tiếp. Chỉ riêng trong ngày 21/2, có 106 người thiệt mạng ở Homs, Damascus và các thành phố lân cận, nâng tổng số người thiệt mạng trong những cuộc biểu tình chống chính phủ kéo dài 11 tháng qua lên đến gần 9.000 người.

Vũ Hà
MatVit
Posts: 1309
Joined: Fri Sep 02, 2011 9:10 pm
Contact:

Post by MatVit »

Hai nhà báo Tây phương thiệt mạng ở Syria
Wednesday, February 22, 2012 4:11:53 PM

BEIRUT (AP) -Một nhiếp ảnh gia Pháp và một nữ ký giả chiến trường lừng danh, gốc Mỹ nhưng làm việc cho một tờ báo Anh,
bị thiệt mạng hôm Thứ Tư vì đạn pháo của chế độ Syria vào cứ địa của phía nổi dậy trong thành phố Homs.
Chế độ Bashar Assad nay sử dụng đến trực thăng võ trang để xạ kích vào thành phố này, theo các thành phần tranh đấu.

Image
Ký giả Marie Colvin phát biểu tại một buổi lễ trong nhà thờ St. Bride's Church ở London, Anh, hồi năm 2010,
tưởng niệm các nhà báo thiệt mạng trong lúc làm nhiệm vụ.
Bà và nhiếp ảnh gia Pháp Remi Ochlik vừa bị thiệt mạng tại Syria hôm Thứ Tư. (Hình: Arthur Edwards - WPA Pool/Getty Images)

Các đợt bắn phá dữ dội kéo dài từ mấy tuần qua nhắm vào thành phố Homs không đánh bật được các thành phần chống đối chế độ, kể cả quân nhân bỏ ngũ nay cầm súng bắn lại quân đội của Tổng Thống Assad.

Hàng trăm người thiệt mạng trong cuộc tấn công và các tổn thất nhân mạng vừa xảy ra chỉ sẽ làm tăng áp lực của thế giới lên ông Assad, người có vẻ sẵn sàng gia tăng mức độ đàn áp dù rằng có nguy cơ đưa Syria vào cuộc nội chiến toàn diện.

“Thế là đủ rồi, chế độ Assad phải ra đi,” theo lời Tổng Thống Pháp Nicolas Sarkozy sau khi chính phủ ông xác nhận cái chết của hai nhà báo trên.

Nữ phát ngôn viên Pháp Valerie Pecresse cho hay hai người chết là nhiếp ảnh gia Pháp Remi Ochlik và ký giả Mỹ Marie Colvin, người cộng tác với tờ Sunday Times ở Anh.

Ngoại Trưởng Pháp Alain Juppe nói rằng các cuộc tấn công hiện nay cho thấy “sự gia tăng không thể chấp nhận về tình trạng đàn áp ở Syria.” Bộ Trưởng Thông Tin Pháp Frederic Mitterrand nói rằng hai nhà báo nói trên bị rượt đuổi khi họ tìm cách trốn tránh cuộc pháo kích.

Các nhà tranh đấu Syria cho hay có ít nhất hai nhà báo Tây phương khác bị thiệt mạng trong vụ bắn phá hôm Thứ Tư, khiến ít nhất 13 người chết.

Trong khi đó, tại tỉnh Idlib nằm về phía Tây Bắc Syria, trực thăng võ trang của quân đội chính phủ cũng bắn vào ngôi làng Ifis, nơi được coi là cứ địa chính yếu của lực lượng võ trang chống chế độ mang tên Quân Ðội Syria Tự Do. (V.Giang)
KýCóp
Posts: 1118
Joined: Tue Jun 29, 2010 1:44 am
Contact:

Post by KýCóp »

Malaysia, Thái Lan thảo luận tình hình biên giới
Friday, February 24, 2012 3:38:10 PM

Kuala Lumpur (AFP) -Thủ tướng Malaysia tuần này hứa hẹn trợ giúp Thủ Tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra giải quyết
cuộc nổi dậy của thành phần phiến quân Hồi Giáo trong vùng Nam Thái Lan.

Image
Thủ Tướng Malaysia Najib Razak (trái) tiếp Thủ Tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra tại thủ đô hành chính Putrajaya.
Hai nước thảo luận tình hình biên giới trong chuyến đi của Thủ Tướng Shinawatra. (Hình: Mohd Rasfan/AFP/Getty Images)

Ông Najib Razak kêu gọi phiến quân từ bỏ bạo động, khi đề nghị hợp tác với Thái Lan để tìm cách giải tỏa tình trạng căng thẳng dọc theo biên giới chung nhân chuyến viếng thăm của bà Yingluck.

“Chúng tôi đều đồng ý tình trạng bất ổn hiện nay là vấn đề nội bộ của Thái Lan và người dân sống ở khu vực phía Nam không được đòi hỏi có quốc gia riêng. Họ phải từ bỏ bạo động và quá khích,” ông Najib tuyên bố trong cuộc họp báo chung sau phiên họp.

Bà Yingluck người lên cầm quyền hồi Tháng Tám năm ngoái, hiện đang hoàn tất chuyến viếng thăm các quốc gia láng giềng.

Thủ Tướng Yingluck, em gái út cựu Thủ Tướng Thaksin Shinawatra, đã dự trù viếng thăm Malaysia hồi Tháng Mười năm ngoái nhưng phải hoãn lại vì tình trạng lụt lội.

Chuyến viếng thăm của bà diễn ra trong khi giới hữu trách đang điều tra âm mưu nổ bom bất thành ở Bangkok tuần qua, tình nghi có liên hệ với chính phủ Iran và nhắm vào nhân viên ngoại giao Israel. (V.Giang)
KýCóp
Posts: 1118
Joined: Tue Jun 29, 2010 1:44 am
Contact:

Post by KýCóp »

Pakistan phá hủy tòa nhà nơi bin Laden bị hạ sát
Sunday, February 26, 2012 6:22:04 PM

ABBOTTABAD, Pakistan (AFP) - Lực lượng an ninh Pakistan hôm Chủ Nhật tiến hành phá hủy căn nhà nơi trùm khủng bố bin Laden từng ẩn náu
và bị biệt kích Mỹ hạ sát hồi Tháng Năm năm ngoái. Căn nhà này nằm cách trường võ bị Pakistan, tương đương với West Point,
chưa đầy 2 dặm, khiến quân đội Pakistan thấy nó trở thành một cái gai ô nhục.

Image
Cư dân địa phương xúm lại xem tòa nhà nơi trùm khủng bố bin Laden từng cư ngụ trong nhiều năm, đang bị lực lượng an ninh Pakistan phá hủy.
(Hình: Aamir Qureshi/AFP/Getty Images)

Cuộc san bằng bắt đầu từ khuya Thứ Bảy, với các xe ủi đất làm việc thâu đêm đến sáng. Nhân chứng cho biết, quân đội cấm dân chúng lại gần và nhà báo không được phép chụp hình.

Khoảng 500 cảnh sát lập vòng đai an ninh bên ngoài, trong khi quân đội hiện diện ở bên trong.

Một viên chức cảnh sát nói: “Việc dỡ bỏ căn nhà do lực lượng an ninh thực hiện, họ làm việc từ khuya hôm trước và tiếp tục luôn trong ngày Chủ Nhật.”

Căn nhà này thu hút hằng trăm du khách mỗi ngày, làm chính quyền e sợ sẽ trở thành một thánh địa hoặc địa điểm du lịch. Chưa có bình luận chính thức vì sao cuộc phá hủy được tiến hành.

Một giới chức địa phương xin giấu tên nói: “Phải chờ một thời gian nữa mới biết miếng đất này sẽ được dùng vào việc gì.”

Quan hệ Mỹ-Pakistan trở nên tồi tệ sau vụ tấn công tiêu diệt bin Laden, và tệ hại hơn kể từ khi NATO oanh tạc một đồn binh nằm gần biên giới Afghanistan, khiến 24 binh sĩ Pakistan thiệt mạng. (T.P.)
KýCóp
Posts: 1118
Joined: Tue Jun 29, 2010 1:44 am
Contact:

Post by KýCóp »

Image

16 KM NGƯỜI BIỂU TÌNH PHẢN ĐỐI PUTIN TẠI TRUNG TÂM MAXCƠVA

ĐĐCS
Kính thưa quý vị,
Kính thưa quý thân hữu, quý chiến hữu cùng quý Niên trưởng,

Tại cuộc biểu tình mới nhất phản đối đương kim thủ tướng Nga, Vladimir Putin diễn ra ngày 26/2, hàng chục nghìn người nắm tay nhau hình thành một hàng dài 16km vòng quanh khu vực trung tâm của thủ đô Mátxcơva.


Người biểu tình đeo dải lụa trắng, biểu tượng cho phong trào phản đối ông Putin đứng nối thành một hàng dài gần 16km ở trung tâm thủ đô Mátxcơva. Ảnh: AP


Ông Putin, người đã từng là tổng thống Nga trong giai đoạn 2000-2008, đang tiếp tục chạy đua vào chiếc ghế này trong cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 3 tới đây. Được dự đoán sẽ đánh bại 4 đối thủ khác cùng chạy đua giành giật chiếc ghế trong điện Kremlin, ông Putin lại đang phải đối mặt với một làn sóng phản đối dâng cao chưa từng có khiến cho hình ảnh về một vị lãnh đạo vĩ đại được toàn dân yêu mến phần nào bị lu mờ.

Theo AP, cuộc biểu tình hôm qua có vẻ như đã thu hút được khoảng 34.000 người, số lượng mà các nhà hoạt động nói là cần thiết để lấp đủ tuyến đường Garden Ring trong khu vực trung tâm thủ đô. Những người biểu tình cài dải lụa trắng, biểu tượng của phong trào biểu tình hòa bình phản đối ông Putin.

Trong cùng ngày, những người ủng hộ ông Putin cũng xuống đường Garden Ring đeo biểu tượng trái tim quanh cổ với dòng chữ "Putin yêu mến tất cả mọi người". Họ bắt chước những người biểu tình chống đối bằng cách đưa ra biểu tượng dải lụa của riêng mình.

Các cuộc biểu tình phản đối cũng đã được tổ chức cùng địa điểm hai chủ nhật trước. hàng trăm người biểu tình đã lái xe trang trí những dải lụa và bóng bay trắng bấm còi hòa cùng dòng người đi bộ trên vỉa hè.

Những cuộc biểu tình lớn nhất nổ ra ở Nga trong vòng hai thập kỷ trở lại đây đã bắt đầu từ tháng 12 theo sau nghi ngờ có gian lận trong cuộc bầu cử quốc hội để giành lợi thế cho đảng Nước Nga Thống Nhất -Một đảng cộng sản mới, trá hình của ông Putin.


Nếu một ngày đẹp trời nào đó, ở Trung Tâm Hà Nội cũng có một đoàn người dài 16 km biểu tình chống Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Sinh Hùng... thì cộng sản Việt nam sẽ sụp đổ ngay tức khắc, và ngại gì mà dân tộc Việt không được tự do, dân chủ và nhân quyền ngay sau đó!


Hoa Tạ
thienthanh
Posts: 3386
Joined: Thu Jun 07, 2007 4:14 pm
Contact:

Post by thienthanh »

Israel có thể lặng lẽ tấn công Iran

Giới chức Israel cho biết sẽ không thông báo trước cho Mỹ nếu họ quyết định tấn công phủ đầu vào các cơ sở hạt nhân của Iran.

Image
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: thewashingtonote
Theo AP, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Ehud Barak đã đưa ra thông điệp trên trong một loạt chuyến thăm của các quan chức cấp cao Mỹ đến Israel. Giới chức Israel cho hay nếu họ thấy việc tấn công là cần thiết thì họ cũng sẽ không để cho chính quyền Mỹ biết trước, nhằm tránh trường hợp Washington phải chịu trách nhiệm vì không ngăn cản Tel Aviv.

Mỹ đã thuyết phục Israel từ nhiều tháng nay rằng can thiệp quân sự sẽ chỉ có thể ngăn cản tạm thời chương trình hạt nhân của Iran. Các chuyến thăm của giới chức Mỹ đến Israel đều nhằm cố gắng lấp khoảng cách bất đồng giữa Israel và Mỹ về phương pháp đối phó với tham vọng hạt nhân Iran. Iran khẳng định nước này đang theo đuổi chương trình hạt nhân vì mục đích hòa bình, nhưng Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) đã cảnh báo rằng chương trình làm giàu uranium là tiền đề cho việc chế tạo vũ khí hạt nhân khiến Israel, Mỹ và các đồng minh lo ngại.

Tổng thống Israel Shimon Peres từng lên tiếng rằng Iran không chỉ là một mối đe dọa với Israel mà còn là "mối nguy hiểm thực sự với toàn nhân loại". Một số quan chức Israel cho rằng phải "ra tay" trước mùa thu năm nay nếu muốn ngăn chặn chương trình hạt nhân của Iran. Họ cho rằng Tehran đang đưa các hoạt động hạt nhân xuống lòng đất để tránh các cuộc oanh kích bằng bom và tên lửa.

Trong khi đó, Iran cảnh cáo rằng nếu Israel tấn công các cơ sở hạt nhân, nước này sẽ đáp trả bằng tên lửa. Các lực lượng thân cận với Iran như Hezbollah và Hamas cũng sẽ nã pháo và tên lửa vào Israel. Chính điều này làm các đồng minh phương Tây lo ngại. Nếu các khu dân cư lớn ở Israel bị tấn công, Mỹ có thể lôi kéo lực lượng vào cuộc xung đột để trợ giúp đồng minh thân thiết và làm dấy lên một cuộc chiến Trung Đông mới.

Trong tuần tới, Thủ tướng Netanyahu sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Barack Obama ở Washington để thảo luận tiếp về vấn đề Iran. Israel được tin là đang sở hữu một khối lượng vũ khí hạt nhân lớn nhưng không công khai thừa nhận điều này.

Anh Ngọc
hoanghoa
Posts: 2262
Joined: Wed Jun 06, 2007 11:50 pm
Contact:

Post by hoanghoa »

Bạo loạn Tân Cương, Trung Quốc: 12 người chết
Tuesday, February 28, 2012 4:19:01 PM


BẮC KINH (AP) -Nguồn tin từ giới truyền thông nhà nước Trung Quốc cho hay ít nhất 12 người thiệt mạng trong các cuộc bạo loạn
xảy ra gần thành phố Kashgar trong tỉnh Tân Cương nằm về phía Tây Bắc Trung Quốc.

Image
Cảnh sát dã chiến Trung Quốc đi tuần trên đường phố Urumqi, Tân Cương, trong cuộc bạo động hồi năm 2010.
Bạo động lại xảy ra ở đây làm ít nhất 12 người thiệt mạng. (Hình: Peter Parks/AFP/Getty Images)

Bản tin của Tân Hoa Xã, cơ quan thông tấn nhà nước Trung Quốc, nói rằng thành phần bạo loạn võ trang bằng dao tấn công các nạn nhân trong quận Yecheng bên ngoài thành phố từ 6 giờ chiều ngày Thứ Ba.

Bản tin cho biết người bạo loạn giết chết 10 người và công an bắn chết hai người trong thành phần tấn công. Nguồn tin này cũng cho hay công an đang truy tầm những người còn lại.

Hiện chưa rõ chi tiết lý do tại sao có cuộc bạo loạn này.

Tân Cương đã ở trong tình trạng căng thẳng kể từ cuộc bạo loạn năm 2009 ở thủ phủ Urumqi, với các cuộc đụng độ đẫm máu giữa cộng đồng người thiểu số Hồi Giáo Uighur với người di dân thuộc dân đa số gốc Hán tới nơi này. (V.Giang)
TranAnhDung
Posts: 288
Joined: Tue Oct 28, 2008 7:43 pm
Contact:

Post by TranAnhDung »

Bắc Hàn ngưng nguyên tử để được viện trợ
Wednesday, February 29, 2012 6:58:54 PM

Ðổi lấy hàng trăm ngàn tấn thực phẩm Mỹ

WASHINGTON (NYT) - Sau một thời gian lặng lẽ đàm phán, chính phủ Mỹ và thành phần lãnh đạo mới ở Bắc Hàn đạt thỏa thuận theo đó Bình Nhưỡng ngưng thử võ khí nguyên tử, cho phép các thanh tra quốc tế vào theo dõi hoạt động tại lò phản ứng chính Yongbyon và cũng ngưng chế tạo hỏa tiễn tầm xa, theo loan báo của Bộ Ngoại Giao Mỹ hôm Thứ Tư, đổi lại Mỹ hứa sẽ cung cấp hàng trăm ngàn tấn thực phẩm cho quốc gia nghèo đói này.
Image
Tân lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un đi thăm học sinh nhân ngày Tết âm lịch. Tại bàn đàm phán ở Bắc Kinh,
Bắc Hàn thuận cắt vài chương trình hạt nhân để đổi lấy viện trợ thực phẩm của Hoa Kỳ. (Hình: KNS/AFP/Getty Images)

Tuy rằng chính phủ Obama gọi đây là những bước “quan trọng nhưng giới hạn,” thỏa thuận đạt được cho thấy khả năng vượt qua được tình trạng bế tắc về chương trình nguyên tử của Bắc Hàn tiếp theo cái chết của nhà lãnh đạo quốc gia này Kim Chính Nhật (Kim Jong-il) hồi năm ngoái. Con trai út của ông ta là Kim Chính Vân (Kim Jong-un) sau đó được đưa lên thay thế, và các giới chức Mỹ trong thời gian qua theo dõi kỹ càng để xem việc Kim Chính Vân lên nắm quyền có thay đổi thái độ của quốc gia này hay không. Việc Bắc Hàn đồng ý ngưng phóng thử các hỏa tiễn tầm xa cũng sẽ làm giảm bớt tình trạng căng thẳng đối với Nhật và Nam Hàn.

Việc Bắc Hàn đồng ý cho các thanh tra thuộc Cơ Quan Nguyên Tử Lực Quốc Tế (IAEA) quay trở lại cũng được coi là một nhượng bộ đáng kể. Sau nhiều năm thương thảo, Bắc Hàn trục xuất các thanh tra và tiến hành cuộc thử nghiệm bom nguyên tử vào năm 2006.

Hai ngày họp tuần qua ở Bắc Kinh lúc đầu có vẻ chỉ cho các kết quả không quan trọng, nhưng sau khi các thương thuyết gia Bắc Hàn về nước, thành phần lãnh đạo quốc gia này có các đáp ứng thuận lợi về đề nghị tái lập thương thảo quốc tế và cung cấp thực phẩm - nếu phía Bình Nhưỡng đồng ý với những gì loan báo hôm Thứ Tư. Trong bản thông cáo phổ biến đến báo chí, Bộ Ngoại Giao Mỹ cho hay đổi lại các hành động của Bắc Hàn, Washington “sẵn sàng có các biện pháp cải thiện mối quan hệ song phương trong tinh thần tôn trọng chủ quyền và bình đẳng giữa hai quốc gia. Phía Mỹ cũng cho hay sẽ cho phép có các trao đổi văn hóa, giáo dục và thể thao với Bắc Hàn.

Hoa Kỳ cũng đồng ý sẽ cung cấp 240,000 tấn thực phẩm - điều từng được nhắc đến mấy năm qua. Chính phủ Obama đã từ chối không nối kết trực tiếp việc cung cấp thực phẩm với tiến triển của cuộc thương thảo, nói rằng điều này sẽ được cứu xét trên căn bản thuần túy nhân đạo. Tuy nhiên, phía Bắc Hàn nhất định đòi phải có trợ giúp thực phẩm trong thỏa thuận và phía Mỹ phải nhượng bộ.

Loan báo của Bộ Ngoại Giao Mỹ không cho biết khi nào thỏa thuận này sẽ được khởi sự thi hành.

Giám đốc IAEA, ông Yukiya Amano, gọi đây là một bước tiến quan trọng. Trong khi đó Ngoại Trưởng Nhật Koichiro Gemba cũng có những lời ca ngợi tương tự. Nhật là một trong sáu quốc gia tham dự cuộc họp quốc tế về nguyên tử Bắc Hàn gồm Mỹ, Nam Hàn, Bắc Hàn, Trung Quốc, Nhật và Nga. (V.Giang)
vuphong
Posts: 2749
Joined: Sun Jun 03, 2007 12:31 am
Contact:

Post by vuphong »

Khi giáo chủ Iran đối đầu với tổng thống
Thursday, March 01, 2012 7:22:19 PM
Triệu Phong/Người Việt

Khi những lời công kích lẫn tán dương thốt ra từ cửa miệng của một diễn giả có bộ râu bạc trắng, vang vọng như lời rao giảng của nghi lễ, trong khi hằng ngàn người Iran tập trung tại trường Ðại Học Tehran hôm 3 Tháng Hai, để dự buổi lễ cầu kinh ngày Thứ Sáu, đánh dấu 33 năm kỷ niệm ngày cách mạng Hồi Giáo của đất nước, Lãnh Tụ Tối Cao Ayatullah Ali Khamenei, người từng chủ tọa buổi lễ như vậy trong suốt 23 năm qua, mạnh lời xỉ vả Israel lẫn Hoa Kỳ, đồng thời tán dương chương trình nguyên tử của đất nước. Những gì ông nói đều được đám đông thính giả ngồi bên dưới tán thưởng nhiệt liệt.
Image
Tổng Thống Mahmoud Ahmadinejad đang có một cuộc đối đầu với Giáo Chủ Ayatullah Ali Khamenei.
(Hình: Aamir Qureshi/AFP/Getty Images)

Bài diễn thuyết của ông đột nhiên xoay sang cuộc bầu cử nghị viện sắp diễn ra vào ngày 2 Tháng Ba (hôm nay). Ông cảnh cáo: “Các cán bộ đừng mù quáng nghe theo âm mưu lừa phỉnh của kẻ thù. Ứng cử viên nào không được dồn phiếu nên cẩn thận đừng để bị lừa phỉnh như những người thua phiếu (trong cuộc bầu cử tổng thống hồi năm 2009). Tất cả ứng cử viên lẫn những người ủng hộ, đều có trách nhiệm phải bảo đảm an ninh khi trực diện với âm mưu thâm độc của kẻ địch.”

Ðây không phải là lời đe dọa nhắm thẳng vào phong trào Xanh của phe chống đối, vốn đã bị cho ra rìa, lãnh tụ của họ bị quản thúc tại gia và hằng trăm người ủng hộ phong trào bị giam giữ. Ðể ngăn sự lập lại những cuộc phản kháng tương tự sau cuộc bỏ phiếu năm 2009, Giáo Chủ Khamenei chĩa mũi dùi thẳng vào người từng một thời là đứa con cưng chính trị của mình, Tổng Thống Mahmoud Ahmadinejad, người đang ngồi trên dãy ghế đầu, dành riêng cho các tay cỡ bự, mặt không lộ một chút cảm xúc.

Trong bối cảnh Hoa Kỳ và đồng minh đang gia tăng áp lực đòi hỏi Iran phải ngưng chương trình nguyên tử, cuộc bầu cử diễn ra ở Cộng Hòa Hồi Giáo này đang cho thấy một cuộc xung đột chính trị nội bộ, có tác động đến đường lối Tehran phải theo, để đối phó với các kẻ thù ở nước ngoài. Một mặt, ông Khamenei đang lo củng cố quyền lực một cách thô bạo, mặt khác, Tổng Thống Ahmadinejad, người bao năm vẫn kiên định lập trường chống Tây phương, không muốn hòa hoãn với Hoa Kỳ tí nào. Sự gấp rút đối với tham vọng nguyên tử của Iran gia tăng vào hôm 22 Tháng Hai, khi các phái đoàn thanh tra của Cơ Quan Nguyên Tử Năng Quốc Tế (IAEA) bỏ ngang cuộc kiểm tra, sau khi chính quyền Iran không cho phép họ vào quan sát một căn cứ quân sự, cũng như từ chối không nói rõ vai trò của quân đội trong chương trình nguyên tử đến đâu.

Ít người đánh cuộc vào Tổng Thống Ahmadinejad. Ông Karim Sadjadpour, thuộc tổ chức Carnegie Endowment for International Peace, nói: “Iran đã trở thành một hệ thống độc đảng, đảng của ông Khamenei. Ðể dễ được tiến cử vào Quốc Hội, không việc làm nào tốt hơn là lo lấy lòng lãnh tụ tối cao.”

Nhưng một khu vực quan trọng trong cơ cấu quyền lực của Tehran đang tỏ dấu hiệu cho thấy có sự bất kham, đó là Vệ Binh Cách Mạng, lực lượng quân sự thống lĩnh cả đất nước Iran, với 120,000 binh sĩ, cũng là cơ quan đang nắm kiểm soát cả một nguồn kinh doanh rộng lớn. Dù lực lượng này không thống nhất một khối, nhưng đã từng được sự ủng hộ của Giáo Chủ Khamenei từ khi ông lên nắm chức lãnh tụ tối cao vào năm 1989. Tuy nhiên, giờ đây, một số tư lệnh Vệ Binh Quốc Gia, đứng trước cảnh quốc tế đang ban ra những biện pháp cấm vận mới, đang gia tăng chỉ trích chính sách “bên miệng hố chiến tranh” của ông Khamenei. Nếu Tổng Thống Ahmadinejad và đồng minh của mình giành được đa số trong 290 ghế nghị viện, một lần nữa, ông sẽ tìm cách xén bớt quyền hành của Giáo Chủ Khamenei, có lẽ ngay cả tạo chính sách cấp tiến, như nói chuyện với Hoa Kỳ, hoặc minh bạch hơn trong cuộc thương thảo về chương trình nguyên tử.

Không phải Tổng Thống Ahmadinejad thương mến gì Washington, mà ông chỉ đánh cuộc rằng hầu hết cử tri Iran đều muốn thấy có một sự cải tiến về các quan hệ ngoại giao. Năm 2002, lần thăm dò cuối cùng về chủ đề Iran, thống kê cho thấy 74% người trả lời thăm dò nói họ muốn có quan hệ ngoại giao bình thường. Từ đó, không ai làm lại cuộc thăm dò khác vì người chịu trách nhiệm thực hiện cuộc thăm dò đã bị vào tù. Dù sao thì đó cũng là dấu hiệu cho thấy người dân Iran khao khát làm mới lại quan hệ ngoại giao. Tổng Thống Ahmadinejad nhắc nhở rằng Iran sẵn sàng đối thoại với Hoa Kỳ, gần như trong mỗi cuộc phỏng vấn khi ông trên đường tới New York để dự phiên họp của Liên Hiệp Quốc. Tuy vậy, chính trị gia thận trọng này vẫn không tỏ vẻ nhân nhượng chút nào về chương trình nguyên tử của Iran, một dấu hiệu cho thấy sự nồng ấm của ông đối với Mỹ là để nhắm vào cử tri quốc nội, vốn cũng rất tự hào về chương trình nghiên cứu nguyên tử.

Giáo Chủ Khamenei từ lâu vẫn ngăn chận không để Tổng Thống Ahmadinejad vươn ra với Tây phương, e rằng việc này sẽ mang lại cho ông này lợi thế chính trị to lớn ở trong nước. Nếu phe trung thành với ông Khamenei giành được nhiều phiếu hơn trong cuộc bỏ phiếu, điều mà các quan sát viên đều tin tưởng, họ sẽ tiến hành việc bãi chức ông Ahmadinejad trước khi nhiệm kỳ của ông kết thúc vào năm tới. Mohsen Sazegara, thành viên thành lập Vệ Binh Cách Mạng, người đang ủng hộ phong trào Xanh, nhận định: “Ahmadinejad và Khamenei đang thèm máu của nhau. Vòng thân cận của ông Khamenei đang chờ dịp để tấn công ông Ahmadinejad. Ðây là một cuộc đối đầu đáng gờm.”

Sự việc xảy ra như thế nào? Dù ông Khamenei ủng hộ mạnh mẽ ông Ahmadinejad sau cuộc bầu cử tổng thống đầy tranh cãi vào năm 2009, khiến Iran bị tê liệt vì những cuộc chống đối, không lâu sau đó, mỗi người đi mỗi ngả. Ông Ahmadinejad táo bạo tìm cách thu hẹp bớt quyền hành của giới tăng lữ, một hành động được xem là đáng nguyền rủa đối với lãnh tụ tối cao. Tổng thống bắt đầu tự vạch chính sách kinh tế lẫn bang giao quốc tế, không cần hỏi ý kiến của giáo chủ. Chuyện xảy ra không lâu trước khi ông Ahmadinejad bắt đầu thanh lọc các tay chân trung thành với ông Khamenei khỏi nội các. Cuộc đụng độ trở thành công khai vào Mùa Xuân vừa qua, khi Tổng Thống Ahmadinejad tìm cách cho Bộ Trưởng Tình Báo Heydar Moslehi nghỉ việc, ông này vốn là một đồng minh thân cận của ông Khamenei. Ông Moslehi liền được Giáo Chủ Khamenei cho phục hồi chức vụ, và Tổng Thống Ahmadinejad tỏ sự bất đồng bằng cách tránh mặt các cuộc họp nội các trong hơn một tuần lễ.

Thế rồi sự kiện trở nên kỳ quặc. Số là vào Mùa Xuân vừa qua, phe trung thành với ông Khamenei tố cáo nhiều đồng minh của Tổng Thống Ahmadinejad, trong đó có Tham Mưu Trưởng Quân Ðội Esfandiar Rahim Mashaei, đã dùng phép ma thuật và cầu thần linh, những sinh vật huyền bí hiện hữu ở một thế giới khác. Nhiều người trong nhóm này bị báo chí bảo thủ gán cho tội có “khuynh hướng đi lệch hướng” và bị bắt. Riêng ông Mashaei đang đối diện với án tù vì bị tố có liên hệ đến vụ biển thủ lên đến $2.6 tỉ, được xem là lớn nhất trong lịch sử của Iran.

Áp lực chấm dứt. Vào đầu Tháng Hai, Nghị Viện Majlis của Iran đòi Tổng Thống Ahmadinejad đến trình diện vào giữa Tháng Ba, để trả lời về việc không tuân theo lãnh tụ tối cao và về việc quản lý tồi tệ nền kinh tế của cả nước. Ðây là lần đầu tiên một tổng thống đang tại chức bị gọi đến nghị viện để nghe chất vấn. Buổi điều trần để đàn hặc tổng thống có thể được bắt đầu trước khi tân nghị viện mở phiên nhóm đầu tiên vào Mùa Hè này.

Trong khi đó, các đồng minh của Tổng Thống Ahmadinejad cũng vẫn tiếp tục bị bố ráp. Tháng rồi, cố vấn báo chí hàng đầu của tổng thống, ông Ali Akbar Javanfekr, bị kết án một năm tù giam vì tội phỉ báng Giáo Chủ Khamenei trong một trang mạng. Ông Javanfekr đang chống án thì vào giữa Tháng Hai lại bị lãnh một bản án sáu tháng tù vì tội danh viết bài báo chỉ trích luật bắt buộc phụ nữ phải mang đồ che kín đầu. Bộ máy kiểm duyệt chính phủ cũng chận không cho truy cập vào một số trang mạng ủng hộ ông Ahmadinejad, một số công khai chế nhạo ông Khamenei.

Trước tình cảnh tàn khốc như thế, tay chân của Tổng Thống Ahmadinejad khó lòng mà vận động cho cuộc bầu cử nghị viện. Thật vậy, Hội Ðồng Giám Hộ, một bộ phận của chính phủ có nhiệm vụ xem xét chặt chẽ từng ứng cử viên, đã bác đơn ứng cử của một số người ra tranh cử. Nhiều người ủng hộ Tổng Thống Ahmadinejad quay sang cải danh thành các liên danh khác, ra tranh cử với tính cách độc lập. Ông Mehdi Khalaji, một thành viên cao cấp của Viện Nghiên Cứu Sách Lược Vùng Cận Ðông ở Washington, nhận định: “Bộ Tình Báo cùng các cơ quan an ninh khác rất nhạy cảm về ‘các xu thế đi lệch hướng’. Những người ủng hộ ông Ahmadinejad khó lòng công khai ra ứng cử, ngoại trừ phải dùng một cách luồn lách nào đó.”

Ðồng minh của Tổng Thống Ahmadinejad chỉ có thể công khai ứng cử ở các thành phố nhỏ cùng các vùng thôn quê, nơi tổng thống vẫn giữ được nhiều cảm tình. Ngoài ra, ông Ahmadinejad cũng dùng chiến thuật chính trị để củng cố sự hậu thuẫn chính trị, đó là cho tiền. Hồi Tháng Mười Hai, 2010, chính phủ của ông Ahmadinejad phát động một chương trình rộng rãi nhằm cắt bớt phụ cấp vào xăng dầu, thực phẩm, cùng các nhu yếu phẩm khác. Sau đó, chính phủ dùng số tiền tiết kiệm được này để trả về cho người dân Iran, khoảng $20 mỗi đầu người mỗi tháng, tuy không là bao đối với thành thị nhưng đáng kể đối với vùng nông thôn nghèo khó.

Ông Fereydoun Khavand, một chuyên gia về Iran, đang dạy kinh tế tại Ðại Học Ren Descartes ở Paris, nhận xét: “Một số vùng nghèo nhất trong xã hội Iran trở nên hoàn toàn sống nhờ vào những phụ cấp này. Người dân ở đây tự cảm thấy mình mang ơn mắc nợ với ông Ahmadinejad, khiến họ có thể bỏ phiếu cho ông trong cuộc bầu cử.”

Về phần mình, Giáo Chủ Khamenei có thể trông cậy vào sự trung thành của người dân Iran sùng đạo, những người xem ông như là lãnh tụ của thế giới Hồi Giáo. Trong số những người ủng hộ cốt cán của ông có hàng ngàn người trẻ trong tổ chức Basij, tổ chức dân quân hành động như tay chân của lãnh tụ tối cao. Dân quân Basij từng đóng một vai trò quan trọng trong cuộc đàn áp những người chống đối thuộc phong trào Xanh hồi năm 2009, và chắc chắn sẽ được dùng đến nếu có rối ren trở lại trong cuộc bầu cử kỳ này. Thù ghét Mỹ là cột trụ nền tảng của cuộc cách mạng Hồi Giáo dưới con mắt nhóm cực kỳ bảo thủ này. Ông Khamenei thừa biết, mọi sự tiếp cận với Washington của ông đều làm mất sự ủng hộ của họ dành cho ông.

Dù sao, Iran cũng đang ở trong cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, mà cả hai ông Ahmadinejad lẫn Khamenei đều không có khả năng nhắc nhở đến. Giá trị đồng riel mất còn phân nửa so với đồng đô la Mỹ trong tháng qua, giá thịt tăng gần gấp ba lên đến gần $30/kg, và giá trà tăng gấp đôi. Trong mấy tuần qua, các công ty Iran trễ hạn trong việc thanh toán tiền mua hàng ngàn tấn gạo lẫn ngũ cốc. Trong cơn tuyệt vọng, chính quyền Iran đề nghị trao đổi hàng hóa với một số công ty, đặc biệt ở Ấn Ðộ, nơi dầu và vàng sẽ được đổi lấy thực phẩm, để né tránh lệnh cấm vận. Mọi sự rồi ra sẽ còn tồi tệ thêm, khi Liên Âu bắt đầu thi hành lệnh cấm mua dầu của Iran, có hiệu lực từ Tháng Bảy sắp đến. Ðể trả thù, Tehran tuyên bố sẽ ngưng bán dầu cho Anh và Pháp. Tuy nhiên, hai nước này vốn chỉ mua dầu của Iran ở mức tối thiểu.

Lệnh cấm vận không những thế cũng ảnh hưởng đến cả Vệ Binh Cách Mạng, lực lượng quân sự làm chủ nhiều ngành kinh doanh, từ sản xuất xe hơi đến đồ điện tử lẫn khai thác mỏ thiếc. Hồi Tháng Giêng, ông Hossein Alai, cựu chỉ huy cao cấp của hải quân Vệ Binh Cách Mạng, trong một đề mục chưa hề thấy viết trước đây và được đăng trong nhật báo Etelaat, ghi nhận sự tương đồng về tình hình Iran hiện nay với những ngày trước khi chế độ Shah bị sụp đổ. Ông Sazegar, một cựu chỉ huy của Vệ Binh Cách Mạng, nói: “Có những phe phái trong nội bộ của Vệ Binh Cách Mạng đang hết sức bất mãn về sự cấm vận kinh tế. Ông Khamenei hiểu được mối hiểm nguy này. Con dao lần này đã cắm phập đến tận xương tủy, và thật sự là một mối đe dọa đối với nền Cộng Hòa Hồi Giáo.”

Dù đấu đá bên trong, chế độ vẫn duy trì một mặt trận thống nhất chống lại sự đe dọa gây chiến của Thủ Tướng Benjamin Netanyahu của Israel và điệp khúc của Tòa Bạch Ốc là “mọi chọn lựa đều nằm trên bàn thương thuyết”. Chiến thắng trong ngày 2 Tháng Ba chỉ làm sâu đậm thêm sự đề kháng của áp lực từ bên ngoài, nếu không muốn nói phe bảo thủ của ông Khamenei càng to mồm thêm mà thôi. Nếu khiêu khích được một cuộc tấn công, lãnh tụ tối cao sẽ được hưởng lợi khi lôi kéo được cả nước tập hợp quanh ông vì tinh thần ái quốc. Ông Marwan Muasher, cựu bộ trưởng ngoại giao của Jordan, nhận xét: “Một cuộc tấn công vào Iran chỉ làm cho chế độ đang giẫy chết sống lại.”
thienthanh
Posts: 3386
Joined: Thu Jun 07, 2007 4:14 pm
Contact:

Post by thienthanh »

Trung Quốc cáo buộc Ðức Ðạt Lai Lạt Ma gây rối Tây Tạng
Friday, March 02, 2012 5:16:40 PM

BẮC KINH (AFP) -Nhân vật đứng hàng thứ tư trong đảng Cộng Sản Trung Quốc cáo buộc giới ủng hộ Ðức Ðạt Lai Lạt Ma
tìm cách gây rối loạn tại những nơi có đông người Tây Tạng sinh sống vào dịp kỷ niệm vụ nổi loạn năm 2008.

Image
Một sinh viên Tây Tạng lưu vong giương hình đức Ðạt Lai Lạt Ma và Mahatma Gandhi trong một cuộc biểu tình tại New Delhi,
Ấn Ðộ, hôm 21 Tháng Hai, 2012. (Hình: Sajjad Hussain/AFP/Getty Images)



Giả Khánh Lâm (Jia Qinglin), người hiện đứng hàng thứ tư trong cơ chế lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc, đưa ra lời phát biểu trên trong cuộc họp hôm Thứ Năm, với sự tham dự của bộ trưởng Bộ Công An và giới chức lãnh đạo địa phương từ Tây Tạng cũng như ở bốn tỉnh có đông người gốc Tây Tạng sinh sống.

Sự kiện này xảy ra trong lúc một nhà thơ Tây Tạng nổi tiếng, Woeser, cho hay bà bị cấm ra khỏi nhà tại Bắc Kinh và không cho ra ngoại quốc nhận giải thưởng.

“Hiện nay bè lũ Ðạt Lai đang tìm cách gây rối tại Tây Tạng và những nơi đông người Tây Tạng sinh sống ở bốn tỉnh,” theo lời Giả Khánh Lâm khi đề cập đến những người ủng hộ nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng, Ðức Ðạt Lai Lạt Ma.

“Ðảng và chính quyền ở mọi cấp phải đứng về phía quần chúng nhân dân và thi hành mọi biện pháp để đập tan âm mưu của bè lũ Ðạt Lai nhằm gây rối loạn trong khu vực có người Tây Tạng sinh sống.”

Bắc Kinh trong thời gian qua cáo buộc Ðức Ðạt Lai Lạt Ma, người phải lưu vong sang Ấn Ðộ năm 1959 sau cuộc nổi dậy bất thành của dân chúng Tây Tạng, là đã gây ra tình trạng bất ổn ở Tây Tạng và các vùng lân cận, kể cả một loạt các vụ tự thiêu của các tăng ni Phật Giáo Tây Tạng nhằm phản đối tình trạng đàn áp tôn giáo. (V.Giang)
hoanghoa
Posts: 2262
Joined: Wed Jun 06, 2007 11:50 pm
Contact:

Post by hoanghoa »

Putin mời tỷ phú Prokhorov vào nội các

Tổng thống đắc cử Vladimir Putin đề xuất đưa tỷ phú Mikhail Prokhorov vào chính phủ mới,
sau khi ứng viên độc lập này về thứ ba trong cuộc bầu cử tổng thống cách đây ít ngày.

Image
Tỷ phú Mikhail Prokhorov. Ảnh: AP
"Mikhail Dmitriyevich Prokhorov là một người nghiêm túc, một doanh nhân thành đạt và về mặt nguyên tắc, anh ấy có thể tham gia vào chính phủ, nếu bản thân anh ấy muốn", ông Putin nói.

Prokhorov, một trong những tỷ phú giàu nhất nước Nga vừa "chân ướt chân ráo" bước vào chính trường Nga năm ngoái khi nộp hồ sơ tranh cử tổng thống. Trong cuộc đua vào điện Kremlin hôm 4/3, ông giành được gần 8% số phiếu ủng hộ với chiến dịch tranh cử mang nội dung cải cách kinh tế và chống tham nhũng. Tại thủ đô Moscow, ông còn được các cử tri ưu ái đưa lên vị trí thứ hai với 20% số phiếu.

Tuy nhiên, theo RIA Novosti, ông Putin cho hay việc đưa Prokhorov vào nội các mới của Nga cần tham vấn Tổng thống sắp mãn nhiệm Dmitry Medvedev. Hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về danh sách nội các mới trong vài ngày tới, ông Putin cho biết thêm.

Khi tham gia cuộc tranh cử tổng thống vừa qua, ông Prokhorov từng bị chỉ trích là được điện Kremlin hậu thuẫn nhằm tăng tính hợp pháp của cuộc bầu cử và xoa dịu dư luận. Tuy nhiên tỷ phú bác bỏ nghi ngờ này và nói rằng ông đang "tham chiến" thực sự. Sau khi kết quả bầu cử được công bố, ông cũng kịch liệt bác bỏ việc tham gia vào nội các của ông Putin và cho biết làm việc tại bất cứ cấp chính quyền nào cũng không phải là một điều hứng thú đối với ông, trong hệ thống chính trị hiện tại của Nga.

Dự định trước mắt của ông Prokhorov là thành lập một đảng chính trị riêng và sẽ tiếp tục theo đuổi giấc mơ làm tổng thống trong tương lai.

Anh Ngọc
thienthanh
Posts: 3386
Joined: Thu Jun 07, 2007 4:14 pm
Contact:

Post by thienthanh »

Bí thư Trùng Khánh bất ngờ vắng mặt tại cuộc họp lãnh đạo
Thursday, March 08, 2012 4:56:19 PM

BEIJING (AP) -Một ngôi sao chính trị Trung Quốc, từng được coi là có khả năng trở thành một trong các nhà lãnh đạo chỉ vài năm tới đây,
đã không thấy xuất hiện tại cuộc họp của Quốc Hội Trung Quốc khiến tạo nhiều tin đồn cho rằng đã trở thành nạn nhân của cuộc đấu tranh nội bộ.

Image
Bo Xilai (hàng trước), bí thư Trùng Khánh, tại Hội Nghị Chính Trị Hiệp Thương trong Ðại Lễ Ðường Nhân Dân ở Bắc Kinh
hôm Thứ Bảy tuần trước. Tuần này, Quốc Hội Trung Quốc họp và ông Bo không có mặt. (Hình: AP Photo/Ng Han Guan)
Sự vắng mặt rất bất thường của ông Bạc Hy Lai (Bo Xilai), bí thư thành ủy Trùng Khánh (Chongqing), diễn ra trong khi các bí ẩn liên quan đến việc cựu Giám Ðốc Công An Thành Phố Vương Lập Quân (Wang Lijun), từng là đàn em thân tín của Bạc Hy Lai, bị coi là tính chuyện đào tị tại Mỹ mới gần đây, đang trở nên phức tạp hơn. Vào ngày Thứ Tư, một doanh gia ở Trùng Khánh cho báo chí hay ông bị công an cảnh cáo là không được nói gì về mối liên hệ giữa Vương Lập Quân và một đại doanh gia địa phương.

Bạc Hy Lai là người duy nhất trong số 25 ủy viên Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Trung Quốc không thấy xuất hiện trong cuộc họp của Quốc Hội hôm Thứ Năm và đài truyền hình nhà nước không thấy chiếu vào chỗ ghế để trống hay bảng tên của ông. Ðài truyền hình nhà nước CCTV vào phần tin buổi chiều có chiếu hình ảnh Bạc Hy Lai tham dự cuộc họp của phái đoàn đảng bộ Trùng Khánh nhưng không có tiếng nói.

Tương lai chính trị của Bạc Hy Lai được coi là trở nên bấp bênh sau khi có tin cựu Giám Ðốc Công An Vương Lập Quân vào Tòa Lãnh Sự Mỹ ở Thành Ðô (Chengdu) ở qua đêm, nghe nói để xin tị nạn chính trị, nhưng lại trở ra vào lúc sáng sớm và bị bắt đưa đi.

Ông Vương Lập Quân từng nổi tiếng vì chỉ huy công an phá vỡ các nhóm băng đảng ở Trùng Khánh, theo lệnh của Bạc Hy Lai.

Tuy nhiên, gần đây lại có tin chính Bạc Hy Lai và Vương Lập Quân cũng có liên hệ với băng đảng.

Một doanh gia ở Trùng Khánh, Zhang Mingyu cho hay công an đã đe dọa không cho ông được tiết lộ về mối liên hệ giữa ông Vương và đại doanh gia địa ốc Weng Zhenjie ở Trùng Khánh. Ông Weng bị coi là có liên hệ với một giới chức chính quyền địa phương tự tử vì bị tố cáo tham nhũng cũng như thông đồng với băng đảng.

Ðiện thoại của ông Zhang bị cắt hôm Thứ Năm và hiện không ai biết ông ta ở đâu. (V.Giang)
vuphong
Posts: 2749
Joined: Sun Jun 03, 2007 12:31 am
Contact:

Post by vuphong »

Osama bin Laden có thể bị vợ lớn làm lộ tông tích
Friday, March 09, 2012 7:11:54 PM


ABBOTTABAD, Pakistan -Một cuộc điều tra độc lập về những ngày cuối cùng của Osama bin Laden, thủ lãnh nhóm khủng bố quốc tế al-Qaeda,
nhận thấy cả hai bà vợ nhỏ đều nghi bà vợ lớn đã phản bội ông, theo tường thuật của The Guardian.

Image
Ðoạn video từ tài liệu tịch thu được tại căn nhà bin Laden ẩn núp ở Abbottabad, Pakistan.
Những tuần lễ cuối cùng ông sống trong không khí nghi kỵ của các bà vợ. Ông sống với bà vợ trẻ nhất ở tầng trên cùng.
Rắc rối xảy ra khi bà lớn dọn đến và vào ở ngay căn phòng tầng bên dưới. (Hình: AP/Department of Defense)

Cuộc điều tra do một chuẩn tướng Pakistan hồi hưu, ông Shaukat Qadir, thực hiện, theo đó bin Laden sống trong tình trạng nghỉ hưu tại căn nhà bí mật ở Abbottabad và sức khỏe có thể đang suy tàn. Căn nhà này bị phong tỏa sau vụ biệt kích Mỹ đột kích, hạ sát trùm khủng bố. Tuy nhiên hồi tháng rồi chính quyền Pakistan đột ngột cho phá hủy hoàn toàn mà không hề đưa ra một lời giải thích nào.

Dựa theo hồ sơ thẩm vấn các bà vợ của bin Laden cùng lời khai của các giới chức tình báo Pakistan, ông Qadir phác họa đời sống của lãnh tụ khủng bố kể từ sau khi chạy trốn khỏi vùng núi Tora Bora vào cuối năm 2001. Theo ông Qadir, bin Laden được thay thận trong năm 2002, điều này giải thích được lý do tại sao thận của ông không đòi hỏi phải lọc trong suốt thời gian đào tẩu.

Vào thời gian bin Laden bị giết, trong căn nhà bí mật có đến 27 người, gồm các tay súng bảo vệ và người thân thuộc gần xa của ông ta. Tất cả đều sống êm ả cho đến khi có sự xuất hiện của bà lớn Khairiah Sabar vào đầu năm 2011.

Ông Qadir nói: “Khi bà Khairiah đến, mọi người đều có thái độ ngờ vực. Họ không tin tưởng bà ấy chút nào. Tôi cũng nhận thấy kẻ thực sự bán đứng ông ta chính là bà Khairiah chứ không phải nhân vật giao liên tưởng tượng al-Kuwaiti, mà người Mỹ thường hay nói đến.” Ông tiếp: “Mọi sự bắt đầu xảy ra sau khi bà ta xuất hiện. Trước đó người Mỹ tuồng như chẳng biết tin tức gì cả.”

Khairiah, 62 tuổi, quốc tịch Saudi Arabia, người mà bin Laden cưới vào năm 1985 và cũng là vợ thứ ba trong số 6 bà vợ của ông. Bà được Iran phóng thích vào năm 2010 để trao đổi với một nhà ngoại giao Iran từng bị phe cực đoan ở Pakistan bắt cóc. Theo hướng dẫn của bin Laden, bà Khairiah tự tìm đến Abbottabad mà không dẫn con cái theo.

Hai bà vợ khác của bin Laden là Siham, 54 tuổi và Amal, 31. Siham người Saudi và có với ông ba người con, đều đã trưởng thành. Và Amal, người Yemen, sinh được 5 con, sống với ông từ khi ông dọn về Abbottabad vào giữa năm 2005. Họ đều ở chung với ông vào những lúc trốn chạy ở nhiều nơi khác nhau ở Pakistan từ sau năm 2001.

Nhà điều tra Qadir nói: “Sau khi cưới Amal, bin Laden không bao giờ ngủ với những bà khác.”

Bị con trai lớn của bà Siham là Khalid vặn hỏi, rằng tại sao bà lại đến Abbottabad, thì bà đáp bà còn “một nhiệm vụ cuối cùng” phải lo cho ông. Tuồng như bin Laden cũng lo sợ mình bị bán đứng nên “không ngớt khuyên” hai bà vợ nhỏ nên đi nơi khác sống nhưng đều bị từ chối.

Ngoài việc chữa bệnh thận không lành, bin Laden còn bị thêm chứng suy thoái nhanh, khiến ông trở nên già nua trước tuổi. Kết quả, hội đồng lãnh đạo của al-Qaeda, gọi tên là “shura” cho ông về hưu sớm ở Pakistan vào năm 2003.

Theo điều tra của ông Qadir, bin Laden ở Nam Waziristan, một vùng bộ tộc gần biên giới với Afghanistan vào năm 2001. Sau đó ông di chuyển trở lại vào Afghanistan, rồi đến năm 2004, ông lại tìm đường trở về khu vực Swat ở miền Bắc Pakistan. Sau vài tháng ở Haripur tận dưới phía Nam, cuối cùng ông dọn đến Abbottabad vào tháng 5, 2005.

Các bà vợ của bin Laden đều không thuộc tổ chức al-Qaeda. Năm ngoái, ủy ban điều tra chính thức của Pakistan, điều tra về sự hiện diện của lãnh tụ al-Qaeda, đưa ra đề nghị cho phép các bà vợ lẫn con cái của ông ta được trở về quê hương. Tuy nhiên, vào hôm Thứ Năm, Bộ Nội Vụ Pakistan loan báo họ có thể bị truy tố về tội vi phạm luật di trú vì sống ở Pakistan mà không có giấy phép cư trú. (TP)
Post Reply

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 1 guest